Mỗi khi nhắc tới nhà lãnh đạo, chúng ta hầu hết sẽ nhắc những cái tên quen thuộc như Bill Gates, Jeff Bezos, Steve Jobs,... mà quên mất một điều rằng, châu Á chúng ta cũng có những nhà lãnh đạo, những doanh nghiệp vĩ đại như thế. Cuốn sách “Phong cách lãnh đạo châu Á” có thể nói là cuốn sách viết cho chính bạn - những startup trẻ đang gây dựng sự nghiệp trên chính nền văn hóa, chính trị và kinh tế của châu lục mình. 
Châu Á với nền kinh tế văn hóa có phần “khiêm nhường” hơn, các nhà lãnh đạo ít khi chia sẻ về bí mật thành công, những gian truân họ gặp phải hay những góc khuất cuộc đời. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sách nói về chủ đề lãnh đạo thế nhưng rất khó có cuốn sách nào mà gần gũi, dễ hiểu, lôi cuốn như Phong cách lãnh đạo châu Á. Tác giả đã tiến hành phỏng vấn các lãnh đạo trong vòng bốn năm, từ năm 2012 đến năm 2015 tại khắp các quốc gia trong châu lục như: Indonesia, Singapore, Thái Lan, Malaysia. Bộ câu hỏi đặt ra cho từng nhân vật cũng được chuẩn bị kỹ càng với mục đích lột tả được hết những thách thức của lãnh đạo hiện đại và xem xét tác động của những nghịch cảnh trong đời sống cá nhân lên mỗi nhà lãnh đạo. Đặc biệt hơn, tác giả hầu như giữ nguyên sắc thái văn hóa và cá tính của mỗi nhân vật trong từng cuộc trò chuyện nên người đọc có thể cảm nhận rõ phong thái giao tiếp của từng nhân vật.
Điểm nổi bật của cuốn sách là nó không chỉ dành riêng cho những startup mà còn là cuốn sách của bất kỳ ai có đam mê trở thành nhà lãnh đạo tài ba, bất kỳ ai đang chơi vơi, mất niềm tin trong cơn khốn đốn, khủng hoảng, khó khăn. Bởi 28 nhân vật với 28 giá trị họ đại diện, tính cách cũng như khả năng phục hồi sau khủng hoảng, các nhà lãnh đạo này đến từ nhiều quốc gia, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ thương trường đến chính trị, giáo dục, từ những người thừa kế đến những người lập nghiệp với hai bàn tay trắng.
Review sách "Phong cách lãnh đạo châu Á"
Lãnh đạo là một hành trình học hỏi, xóa bỏ những điều đã học để học lại từ đầu. 28 con người này đều là những hình mẫu tiêu biểu của xã hội nhưng họ lại tự cảm thấy mình không đủ tốt. Họ không muốn nhắc lại thành tựu của mình, không kiêu ngạo, không khoe khoang bởi họ nhận ra hành trình của họ có thể thất bại bất cứ lúc nào, họ cảm thấy thật ngốc nghếch khi được phỏng vấn về sự thành công của bản thân. Những nhà lãnh đạo này cho rằng bất kỳ thành tựu nào của họ cũng đều rất nhỏ bé, thành quả hôm nay là những đóng góp từ cha mẹ, bạn bè, người hướng dẫn, là Chúa.
Thế giới và châu Á đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng lớn: từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1977, tới cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu năm 2011. Các lãnh đạo đã trải qua khủng hoảng thế nào, trở lại vị trí lãnh đạo ra sao, và những tính cách, phẩm chất nào đã giúp họ thực hiện điều đó? Tựu chung lại sau cuộc phỏng vấn, hai tác giả đã nhận ra rằng họ đều tồn tại những đặc điểm: chính trực, khiêm tốn, có khả năng phục hồi và sự can thiệp của đấng bề trên:
- Đối với tất cả những nhà lãnh đạo này, tính chính trực không chỉ là hành động mà còn là sự liêm chính, niềm tin được xây dựng cho quá trình lâu dài. Chính trực là sự can đảm làm điều đúng đắn, sẵn sàng tự trả giá và chấp nhận đối mặt với hậu quả, là không nhận hoặc đưa hối lộ, công bằng. Nó là thương hiệu gắn liền với cuộc đời, gia đình và doanh nghiệp của họ, là dấu ấn của họ. Trong một thế giới đầy rẫy nạn tham nhũng và thỏa hiệp, tìm kiếm một người lãnh đạo với sự chính trực giống như khai quật được một viên kim cương quý hiếm. Bởi vậy mà 28 con người ấy quả thực đã rất thành công.
- Khiêm tốn là đức tính được tìm thấy ở tất cả các vị lãnh đạo ấy và là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự thành công của họ. Khiêm tốn đến từ sự nhận thức bản thân sâu sắc, biết mình là ai, mình từ đâu đến, đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình để tự điều chỉnh. Khiêm tốn cũng chính là tránh xa vật chất và sự cám dỗ. Đó là lý do vì sao những người sở hữu công ty tỷ đô la nhưng vẫn sử dụng phương tiện công cộng để đi làm, vẫn đi lại trên những chuyến bay hạng phổ thông. Khiêm tốn là giá trị phải được trau dồi thường xuyên, đưa vào thực tế thông qua quá trình học hỏi, phụng sự mọi người, nhiệt tình với người nghèo, tránh xa sự hào nhoáng và tiếp nhận một lối sống giản dị. Họ kiểm soát bản thân bằng cách luôn kiểm soát cái tôi của mình đặc biệt là khi đang trên đỉnh cao của thành công và danh vọng.
- Khả năng phục hồi là yếu tố cần của một nhà lãnh đạo. Những cuộc khủng hoảng có thể mang đến cho nhà lãnh đạo những thương tổn, sang chấn. Nhiều người đã sụp đổ về mặt tài chính, phải trải qua những chấn động tâm lý. Cảm xúc của họ trải từ giận dữ đến tuyệt vọng. Cuộc sống gia đình và cá nhân đều bị ảnh hưởng nhưng họ không bao giờ cho phép khủng hoảng chồng chất, phức tạp làm tê liệt bản thân. Họ kiên trì phục hồi một cách đáng nể. Đối với họ, phục hồi bao gồm sự chuẩn bị kỹ càng để chắc chắn công ty của họ đủ linh hoạt, đủ can đảm để xác định rõ ràng những thực tế khó khăn và không bị bối rối. Sau mỗi khó khăn là cơ hội học tập, học cách tha thứ và không đầu hàng trước sự phản bội của cay đắng và hận thù. Điều này đòi hỏi sự kiên trì có kỷ luật để vượt qua khủng hoảng. Nhà lãnh đạo phải cổ vũ đội ngũ vượt qua khủng hoảng, tiến tới một tương lai không chỉ tràn đầy hy vọng mà còn gắn liền với thực tế.
- Một khía cạnh quan trọng trong những câu chuyện của các nhà lãnh đạo là chứng kiến sự can thiệp của thần thánh trong cuộc sống của họ. Đối với một số người nó được xem như may mắn hay số phận. Đối với một số người thì đó là niềm tin vào Chúa.
Cuốn sách tràn ngập những câu chuyện người thực, việc thực, đầy những tình tiết bất ngờ lần đầu tiên được hé lộ với công chúng, chắc chắn sẽ làm nhiều người tâm đắc và có nhiều cái nhìn mới mẻ hơn về khái niệm “lãnh đạo”. Hãy Phong cách lãnh đạo châu Á – Bí mật thành công và những góc khuất cuộc đời của 28 nhà lãnh đạo tài năng hàng đầu châu lục đọc để học hỏi trí tuệ và khí chất của những nhà lãnh đạo “máu đỏ da vàng”.