Đây là cuốn sách hay nhất trong trái tim tôi, và trong trí não của tôi.
Số 7 là số của quyền lực.
Và số 7 dành cho cuốn sách này. Tôi đã từng giới thiệu một lần về cuốn sách đã đi theo tôi từ thuở thiếu thời, và tôi sẽ viết lại để gửi đến các bạn.
Ngày đó, khi mẹ tôi đưa cuốn sách này cho tôi đọc. Mẹ không nghĩ rằng, cuốn sách này sẽ đi theo tôi cả cuộc đời, và góp phần định hình nên cá tính con người tôi.
Năm tôi 12 tuổi. Đó là lúc mẹ nghĩ tôi đã đủ để rời xa những cuốn truyện tranh Doremon hay "Dế mèn phiêu lưu ký" để bước đến một cuốn tiểu thuyết cao hơn, có tính xã hội, tính con người, và có những điều đôi khi người tốt chưa chắc đã có cuộc sống tốt đẹp vì xã hội lọc lừa. Mẹ chọn cuốn sách này vì mẹ rất thích một câu nói trong sách muốn gửi gắm đến tôi, đó là câu: "Gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận". Hãy tưởng tượng một đứa bé có một hành động sai, phụ huynh dung túng và tạo ra thói quen. Từ thói quen ấy nó hiện ra tính cách. Để rồi khi ra đời mang theo tính cách xấu ấy, số phận sẽ gặt lấy. Mẹ muốn tôi đọc và cảm được câu nói đó. Ngoài ra, sách còn thuộc dòng "phục vụ thiếu nhi" với con chó Bi là nhân vật chính, và mẹ nghĩ thế là đủ với lứa tuổi 12.
Không phải đủ !
Mà quá nhiều !
Không phải chú chó Bi trong truyện này là nhân vật chính. Tiêu đề cuốn sách có thể đánh lừa tất cả những ai bỏ quên chúng trên giá sách. Cuốn sách này mượn chú chó Bi để nói về một gia đình và những thân phận đời, những tài năng của xã hội sinh ra trong giai đoạn giao thời từ bao cấp lên thị trường. Cuốn sách kể về những con người xuất chúng nhất đi qua những khổ ải trầm luân nhất và vươn mình chiến thắng bằng chân lý, bằng tài năng cốt lõi.
Một người đàn ông tài năng xuất chúng, nằm gối đầu lên người vợ là một cô giáo thảo hiền, và ngâm câu thơ của Trương Trào - nhà văn đời Thanh bên Trung Quốc: “Một chữ tình để duy trì thế giới, một chữ tài để tô điểm càn khôn."
Rồi nhìn vợ và nói : "Em có hiểu về nguồn gốc sức mạnh của anh không?"
Người đàn ông đó để có được tình yêu với người vợ ấy, đã chiến thắng người bạn thân cũng tài giỏi không kém, và đồng nghĩa gieo vào đó một mối hận thù, ghen tuông sâu sắc. Câu chuyện về một người anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, ông trở thành giám đốc một xưởng đóng tàu sau 1975. Người bạn thân đi du học Liên Xô trở về và lên vị trí ở bộ máy chính trị, đã không bao giờ quên đi mối tình đầu và mối hận thù với người bạn kia, đã lập nên âm mưu để đưa người bạn của mình vào tù.
Đó là khởi nguồn của câu chuyện về bi kịch của một gia đình.
Một thằng lưu manh, chặt 1 ngón tay cụt để trốn lính, sau này làm hồ sơ lại trở thành chủ tịch phường. Giờ âm mưu báo thù người đội trưởng năm xưa của mình vì biết quá khứ của hắn. Một tay lưu manh trở thành công an. Một gã điếm đàng đi sinh hoạt Đoàn. Tất cả đều được Ma Văn Kháng xây dựng gọn sắc, điển hình.
Người đàn ông ấy sinh ra hai người con trai. Đứa con trai cả khí thế bạt sơn, thần đồng vật lý, kiên định dũng cảm. Nhưng cũng đứa con trai tài năng ấy, vì quá thẳng, quá ngạo khí mà cũng bị lừa vào tù. Dẫu thế chính ở nơi đó, đã trui rèn nên một phiên bản nâng cấp so với người cha cũng tài năng nhưng chỉ có thể tồn tại ở một xã hội lý tưởng. Ngày trở về lần đầu tiên, anh thành con người phẫn chí. Ngày trở về lần thứ hai, anh trở thành người gần như hoàn hảo, một hình mẫu ước mơ của tôi ngây thơ hồi đó: thành công, hiểu biết, sâu sắc, thái độ dứt khoát, và...thậm chí là tàn nhẫn khi cần thiết.
Tôi không bao giờ quên được những gì anh nói trong trang sách.
"Việc của thằng con trai là xông pha ở con đường lớn dẫu có chông gai. Tính cách thằng đàn ông là không kêu ca, phàn nàn. Nếu cần nó chỉ gào, chỉ sủa như con chó sói thôi. Cứ đi, đừng hèn !"
"Làm thằng con trai đừng quên để dấu ấn thành công ở ngoài xã hội."
"Sống không thể là một sự tình cờ, tùy tiện. Sống là cả một công cuộc, môt công cuộc gian nan."
Anh còn lạnh lùng nửa chính nửa tà:
"Trước khi cái thiện trở nên phổ biến thì cái ác còn đang tràn ngập. Vì vậy phải tập sống với cái ác, phải quen với cái ác, phải biết lừa miếng nó."
Tên anh là Cần.
Điều đặc biệt của cuốn sách này, khi tôi đã đọc đi đọc lại suốt 20 năm qua là cảm giác chưa bao giờ cũ. Vẫn luôn là những số phận của hôm nay, họ là những nhân tài thừa nhiệt huyết xông pha chấn hưng đất nước để đối lập những kẻ cơ hội dốt nát. Cạnh ông là những phận người phụ nữ xinh đẹp hoang mang. Đó còn là nơi của những người tài và cơ hội, nhưng cũng sẵn sàng đạp bỏ lương tri cũng triết lý “Vấn đề không phải hai chữ khôn-dại, mà là chữ Biết”.
Cuốn sách này lấy chú chó Bi để làm chất xúc tác, lấy nhân vật “tôi” để thầm thì kể chuyện, và lấy một gia đình để nói cả một xã hội.
Nhà văn Ma Văn Kháng đã gây cho tôi ấn tượng sâu sắc khi đọc cuốn sách này (một trong những lý do tôi rất vui khi được đứng cạnh ông trong nhóm những tác giả tham gia cuốn sách Tết Kỷ Hợi của Đông A). Ở nhà văn Ma Văn Kháng là một sự giao thoa đặc biệt của giọng văn sắc cạnh, sự lãng mạn nên thơ, và sự trần trụi thực tế. Đặc biệt ông đã viết ra một cách đầy khéo léo để đả kích chính cái xã hội thối nát thời điểm ấy, nhưng chúng không hề mang tính phẫn chí, ngược lại mang tính hy vọng ở tương lai. Ông thậm chí còn đưa ra giải pháp tươi đẹp nhờ kiến thức rộng lớn của một nhà văn.
Và hơn cả, dù xa rất lâu, dù chuyển nhà bao nhiêu lần, dù biến động suốt 20 năm qua. Bất kể khi nào, cuốn sách này vẫn ở cạnh tôi, cùng những câu chữ như dặn dò về một cách sống ngẩng cao đầu, đi trên con đường lớn, và sẽ hy vọng đến chiến thắng rực rỡ cuối cùng sau những trầm luân khổ ải.
                                                                                                           (08.04.2021)
Có thể là hình ảnh về sách