Hôm nay tôi sẽ review một cuốn sách bé nhỏ mà các vị phụ huynh nên mua cho con, một cuốn sách bình dị, đáng yêu, dễ thương, ấm áp và thật sự là sẽ giúp cho các cháu hình thành nên nhân cách tốt. Cuốn sách có tên: “Mái trường thân yêu” của tác giả, nhà báo lão thành Lê Khắc Hoan.
Cuốn sách này tôi đọc năm lớp 4, nhưng chỉ đọc được tập 1. Gia cảnh ngày đó khó khăn, lại học ở miền quê nghèo, muốn tìm được tập 2 còn khó hơn lên trời. Bẵng đi hơn 20 năm sau, tôi mới tìm được trọn vẹn cả 2 tập trong một nhà sách cũ ở đường Trần Nhân Tôn, Quận 5, TP.HCM. Khỏi phải nói cảm giác sảng khoái đến thế nào.
Hồi những năm 1995-2000, nhà sách Kim Đồng có một tủ sách gọi là “Tủ sách vàng”, bao gồm những danh tác nho nhỏ, xinh xinh, kích thước khoảng bằng bàn tay, giá 3.000 đồng. Đây chính là nơi ra lò đầu tiên của tác phẩm “Kính Vạn Hoa” nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Và cuốn sách “Mái trường thân yêu” này cũng nằm trong bộ “Tủ sách vàng” ấy của Kim Đồng.
Hồi đó mẹ tôi là giáo viên văn của trường, tôi được tiếp xúc nhiều với thư viện nên cũng được đọc những cuốn sách này. Nhân vật xưng tôi trong tác phẩm này có tính cách tương đồng với tôi, đó là học giỏi nhưng tự phụ. Trong thi đua các mặt thì luôn xác định “thằng này cũng sẽ cho các bên thấy ta là ai?”, tuy nhiên lại sống rất tình cảm, và khi đã tìm được một mục tiêu, hay nhìn ra được điều tốt đẹp của người bạn, người thân, thì sẽ dốc ruột dốc gan để ở bên họ.
“Mái trường thân yêu” kể về một mái trường ở Phú Thọ, trong những năm tháng miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên không hề có những câu chữ tuyên truyền giáo điều, những lời lẽ kiểu “Thép đã tôi thế đấy”, mà ngược lại rất dung dị, và gửi đến những bài học nhẹ nhàng, sâu lắng, đi vào trong mỗi chúng ta.
Ngày đó, có một sự đồng cảm đặc biệt đã khiến tôi sau 20 năm vẫn nhớ cuốn sách này, là bởi cuốn sách miêu tả một mái trường ở Phú Thọ những năm 60 thế kỷ trước, nhưng cũng giống như miêu tả chính mái trường tôi theo học: “Trường của chúng tôi còn nghèo, mái lá tường đất, vách nứa, cửa tre. Nhưng thân thiết biết nhường nào. Ở đấy có cả sân bóng đá, có tủ sách của liên đội, có vườn địa lý với lá cờ phấp phới bay trên đỉnh con quay gió…và hơn hết ở đó có những người tôi coi hơn ruột thịt.”
Cuốn sách đến với các cháu hôm nay, có thể không có những cảnh sắc quen thuộc ấy nữa. Hoặc có thể vẫn còn quen thuộc với các cháu ở miền núi, hay nhiều huyện nghèo trên khắp cả nước. Nhưng sẽ có những điều không bao giờ thay đổi, đấy là tính cách hiếu thắng ngây thơ, là sự khẳng định cái tôi, là những trò nhất quỳ nhì ma, là sự trinh nguyên ban đầu của một tình cảm dành cho cô thầy, là sự đùm bọc đối với một người bạn đang gặp khó khăn, là những ước mơ lớn lên sẽ trở thành người có ích cho xã hội. Và xuyên suốt cuốn sách, nhân vật tôi là sự trưởng thành từ ích kỷ cá nhân đến suy nghĩ  tập thể, từ hiếu thắng đến dìu dắt, từ hiểu lầm đến cảm thông. Đấy là sự trưởng thành mà tất cả những ai đang ngồi trên ghế nhà trường đều nên nhặt lấy những điều tốt đẹp trong cuốn sách ngắn này.
“Mái trường thân yêu” sẽ dẫn các cháu ở thành phố bước vào một thế giới vừa quen vừa lạ. Một thế giới mà ngày xưa cha mẹ, ông bà đã từng học, đã từng đi qua, một thế giới nghèo khó nhưng giàu tình người. Một thế giới đã sinh ra những thế hệ xây dựng nên đất nước Việt Nam hôm nay. Một thế giới đã lùi lại trong dòng chảy thời gian, nhưng có những câu chuyện ý nghĩa luôn trường tồn cùng thời gian.
Có thể là hình ảnh về sách và văn bản cho biết 'TAC PHẨM CHỌN LỌC DÀNH CHO THIẾU NHI LOC DÀNH CHO nHÊu NH KHẮC HOAN LÊ KHẮC HOAN MÁI TRƯỜNG THÂN YÊU TRƯỜNG IÂN YÊU H R തന്'