Vì 3h sáng mới diễn ra trận Chelsea và Tottenham nên giết thời gian bằng cách đọc cuốn sách này. Đọc để giải đáp cho thắc mắc từ lâu của tôi và không ít người hâm mộ bóng đá trên toàn Châu Á, đấy là làm thế nào mà một cầu thủ đến từ mảnh đất Châu Á lại vươn lên tầm đẳng cấp rực rỡ như thế này ở Châu Âu? Một người Châu Á có thể đẩy một loạt ngôi sao Nam Mỹ lẫn Châu Âu lên ghế dự bị, khi bức tốc có thể để lại sau lưng một loạt các cầu thủ Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ chắn quắn đít sau lưng mà đuổi? Làm sao và làm thế nào?
Tất cả đến từ tình thương mênh mang và khắc khổ của một người cha!
Tuổi thơ của Son Heung Min là bóng đá. Tình yêu, lẽ sống của anh cũng chỉ có bóng đá. Nhưng tình yêu đi đến thành công hôm nay không phải một sớm một chiều, hay là gen thiên tài thượng đế ban tặng, mà khởi nguồn đến từ người cha Son Woong-jung - một cựu cầu thủ bóng đá Hàn Quốc có sự nghiệp dang dở, đã dành cả tâm huyết và hoài bão cho cậu con trai mình.
Trường học bóng đá đầu tiên của Son không phải là bóng đá học đường, không phải là lò đào tạo trẻ Hamburg, mà là giữa sân bóng của người cha. Bạn hãy tưởng tượng cảnh giữa sân bóng vắng lặng, dù mùa đông hay mùa hạ, chỉ có hai người, một người đàn ông nghiêm nghị miệng không mỉm cười, và một cậu bé bầu bĩnh đang tâng bóng bằng cả hai chân quanh sân bóng 3 vòng liên tục, không ngừng nghỉ, không để rơi bóng, và phải kiểm soát được quả bóng với hai chân như một. Một bài tập đơn điệu được lặp đi lặp lại, một hình ảnh chán ngắt được chiếu ngày này qua tháng nọ, một cậu bé cặm cụu nghe lời cha, và một người cha kiên nhẫn nghiêm khắc, không nở nụ cười trên môi.
Cậu bé đó không tham gia lớp bóng đá năng khiếu nào, chỉ giống như một “lính đánh thuê”, lâu lâu tham gia một vài sự kiện bóng đá trong khu vực, và rồi lại về tập với cha mình. Mãi cho đến năm 2007, tức là  đến tuổi 15, anh mới chính thức thi đấu trong một đội bóng, sống trong ký túc xá của trường và chơi bóng tập thể. Và khi bước chân vào tập thể, Son Hueung Min giống như “hạc giữa bầy gà”. Được huấn luyện trên nền tảng khắc nghiệt của cha suốt 10 năm. Son có được khả năng cảm ứng với trái bóng mãnh liệt hơn hẳn bạn đồng trang lứa, khả năng chơi bóng hai chân điêu luyện, sức mạnh sút bóng trái phá 2 chân như 1. Tài năng nhanh chóng thể hiện, anh được bầu làm đội trưởng chỉ sau một trận đấu, được gọi lên U15 quốc gia, trở thành vua phá lưới của giải đấu đầu tiên mà anh tham dự.
Để theo đuổi những mục tiêu lớn hơn cho sự nghiệp bóng đá. Son đã chuyển 3 trường liên tục, bất chấp những rườm rà về thủ tục chuyển trường, bất chấp gia cảnh khó khăn, thì người cha khắc khổ ấy vẫn miệt mài làm đủ mọi cách cho Son đi đến những ngôi trường bóng đá tốt cho sự nghiệp của anh ở Hàn Quốc, mà mục đích chính là đến trường cấp 3 Dongbuk – một ngôi trường đã ký các hiệp ước với các CLB bóng đá chuyên nghiệp. Đây là một cách làm mà các trường học ở Hàn Quốc, Nhật Bản sử dụng để giúp bóng đá học đường phát triển, cũng như tìm thấy được các tài năng bóng đá thiên bẩm cho quốc gia (Việt Nam nên tham khảo để phát triển cách làm này).
Nhưng xin lỗi, số phận khắc tên Son Heung Min lên các vì sao Châu Âu chứ không phải FC Seoul.
Khi đang học cấp 3 trường Dongbuk thì Hiệp hội bóng đá Hàn Quốc và 2 CLB Hamburg và Nuremberg  có một chương trình tuyển 6 học sinh bóng đá xuất sắc nhất qua du học. Son đã nắm được cơ hội này, anh thể hiện tốt trong cuộc thi, và được Hamburg lựa chọn. Qua đó chính thức biến giấc mơ dang dở của người cha, giấc mơ thơ ấu của cậu bé thành hiện thực. Nhưng như đã biết, vào giai đoạn cuối những năm 2010 của thế kỷ 21, bóng đá Châu Á nói chung hay bóng đá Hàn Quốc nói riêng đã xuất khẩu rất nhiều cầu thủ ra Châu Âu. Trường hợp của Son Heung Min không phải là cá biệt. Cái cá biệt của Son Heung Min chính là “trụ” được ở Châu Âu từ đội trẻ lên đội một. Vâng, đến đây có lẽ bạn đã hiểu ra. Lý do tiên quyết cho việc một cầu thủ Châu Á lại có tài năng đặc biệt về thể chất lẫn tư duy chơi bóng đến như thế, chính là vì trong độ tuổi dậy thì, độ tuổi hình thành về phong cách chơi bóng, thể hình, thể lực, tốc độ, lẫn nhân cách con người thì Son đã được đào tạo ở lò Hamburg – thời kỳ vàng son của đào tạo trẻ bóng đá Đức.
Nhưng trên đời này cơ hội luôn trải rộng với mọi người, tại sao chỉ là được đôi người nắm được?
Câu chuyện về Son thật ra cũng giống như cậu con trai Sôn Gô Han tiêu diệt Xên Bọ Hung trong “7 viên ngọc rồng”, phải nhờ bàn tay của người bố Sôn Gô Ku ở bên cạnh thì mới có thể thành tựu. Ở đây, Son đã may mắn có người cha đi theo để giúp cậu, để đỡ lấy khi cậu muốn bỏ cuộc nhất.
Người cha ấy đã dùng hết tất cả tiền bạc tiết kiệm để thuê khách sạn rẻ tiền nhất, để đến ở với cậu con trai của mình lúc ấy đang bơ vơ giữa trời Âu, đã giấu cái nồi cơm điện trong tủ quần áo, và giấu những lọ kim chi, củ cải bên dưới gầm giường để nấu cơm cho con ăn, đã ngồi chờ con giữa thời tiết giá lạnh bên ngoài để đợi con đi ra ngoài sân tập. Dù có đi vớ rách cũng phải lo cho con được những bộ đồ tốt nhất. Tình thương mênh mông ấy đã bao bọc lấy Son Heung Min giữa mưa tuyết xứ người, đưa anh từng bước khẳng định bản thân ở đội trẻ Hamburg, và đến tuổi 18 lên đội 1, và tin nổi không? Ghi bàn ngay ngày đầu tiên ra mắt tại Bundesliga khi 18 tuổi. Nghe như chuyện về Messi và Ronaldo phải không? Vậy thì bạn không có gì bất ngờ khi anh khuynh đảo Châu Âu như hôm nay.  Và như thường lệ, người cha lại ở đó, để lạnh lùng nói với con trai rằng “Trận đấu tiếp theo mới là quan trọng”. Sau đó ông lấy đi cái laptop, ông không muốn những lời ngợi ca của báo chí đẩy con xuống dốc trong sự tự mãn.
Ông cũng là một người dạy cho Son những triết lý rất đời để vượt qua khó khăn khi chấn thương, khi suy sụp “Bùng nổ là tốt, nhưng suy thoái còn tốt hơn”. Phải, đấy là lúc con người ta làm mới mình và vươn lên mạnh mẽ.
Cuốn tự truyện cũng tiết lộ một chi tiết rất thú vị, đấy là ở phút cuối cùng, Son bị Hamburg trả về Hàn Quốc khi hết hạn visa, mà CLB thì không được phép ký hợp đồng chuyên nghiệp với người dưới 18 tuổi. CLB nói rằng dù rất ấn tượng với Son nhưng họ không giải quyết vấn đề visa cho anh. Bây giờ tùy vào Son và người đại diện làm sao xin được visa lưu trú. Họ phải vật vã ở lãnh sự quán, trình bày đủ mọi hoàn cảnh để xin cho được visa. Nhưng hy vọng cứ thế mai một dần. Bạn biết ai cứu được Son phút cuối cùng không? Một người phụ nữ nhân hậu gốc Việt Nam làm tại lãnh sự quán Đức. Cô đã đóng dấu visa cho Son và nói lời chúc tốt lành.
Đôi khi, một quyết định nhỏ của một người, có thể làm đổi thay cả một số phận. Nhân đây gửi lời với các bạn Hàn Quốc là người Việt Nam đã cứu Son Heung Min một bàn thua trông thấy ở trời Âu. Còn các bạn cho chúng tôi Park Hang Seo. Huề nhé, bớt kể công đi!
Cuốn tự truyện “Son Heung Min – đường đến Châu Âu” đã nói với tôi rằng đứa trẻ nào cũng có tài năng, quan trọng là ở người lớn có ở bên bao bọc và sẵn sàng đi đến cuối con đườn với chúng hay không? Và rằng trên đời này không có cái gọi là bí quyết, chỉ có nền tảng, khổ luyện và sự vươn lên trong nghịch cảnh mới đi đến thành công. Tình thương của cha và mẹ là những thứ không đong đếm được. Tuy nhiên về một mặt nào đó, cách giáo dục hà khắc của người cha, người mẹ Châu Á đôi khi không phải khi nào cũng hái được quả ngọt như trường hợp của Son Heung Min. Và khi ấy, trong mỗi chúng ta đều phải biết nhìn nhận tiềm năng của đứa con mình.
“Son, là một đứa trẻ rất đặc biệt!”
Không chỉ mỗi mình cha anh nói điều đó, và vì vậy đó là lý do ông đi cùng anh đến ngày anh ca khúc khải hoàn.
P/S:
Tôi mới chỉ đọc được đến những ngày ở Hamburg, còn ở Tottenham, vì sao anh đến đây? Anh đã khó khăn thế nào? Anh tỏa sáng ra sao thì có lẽ mời các bạn nên mua và đọc thêm. Tôi tin đây là một cuốn tự truyện đầy giá trị. Không chỉ vì nội dung, không chỉ vì sự gần gũi Châu Á, mà còn bởi vì cuốn sách thật sự đẹp với việc đầu tư những hình ảnh minh họa rực rỡ của NXB Kim Đồng. Thật sự là một cuốn sách bóng đá đúng nghĩa của nó.
(04/02/2021 – 4 tiếng trước giờ bóng lăn)
Có thể là hình ảnh về 2 người
Bài viết theo quan điểm, góc nhìn của Dũng Phan thông qua nhiều nguồn sưu tầm khác nhau.