Cuốn 1: PHI CHÂU THỊNH VƯỢNG – LỊCH SỬ 5000 NĂM CỦA SỰ GIÀU CÓ, THAM VỌNG VÀ NỖ LỰC
Cuốn 2: RED NILE: TIỂU SỬ CỦA DÒNG SÔNG VĨ ĐẠI NHẤT THẾ GIỚI
Châu Phi trong suy nghĩ của tôi, của bạn là như thế nào? Tôi nghĩ rằng chúng ta đã bị đóng đinh một cách sâu sắc về nơi đó, chúng ta chỉ tiếp cận qua những hình ảnh của thế giới động vật hoang dã, những câu chuyện liên quan đến phân biệt chủng tộc, đói nghèo, và bệnh tật. Nhưng Châu Phi hiện lên trong cuốn sách “Châu Phi thịnh vượng” của Martin Meredith là một Châu Phi khác, một Châu Phi với lịch sử huy hoàng, một Châu Phi thịnh vượng, một Châu Phi quyến rũ cả thế giới, một Châu Phi mang trong đó cả cuộc đời.
Không châu lục nào mang trong mình một số phận như Châu Phi. Đây là cái nôi của loài người, nhưng cũng là nơi loài người tiêu diệt nhau. Một Châu Phi là rực rỡ của thời đại Pharaol, một Châu Phi bình yên và đầy kim cương, vàng bạc, châu báu, và máu, trước khi bị những đế chế phương Tây đặt chân đến và dày vò.
Chúng ta đã hiểu lầm quá sâu về Châu Phi, kiến thức của chúng ta quá bận bịu cho Trung Quốc, Nhật Bản, cho Mỹ, cho Châu Âu, cho Nga, để rồi chúng ta quá sơ sài về Châu Phi – cái nôi loài người. Chúng ta không biết rằng nơi đây đặc sắc thế nào, thịnh vượng ra sao, bi thương thế nào? Chúng ta không tìm được lời giải đáp gốc rễ vì sao Trung Quốc đổ vào đây bao nhiêu tâm huyết, tiền của cho vùng đất này. Đấy là một lỗ hổng lớn trong kiến thức của nhiều người đọc sách. Cuốn sách này là mảnh ghép còn thiếu đối với nhiều trí thức.
“Khung cảnh của thành phố rộng lớn này, thuyền bè qua lại trên sông, cư dân đông đúc và tình trạng canh tác của các làng mạc xung quanh, tất cả tạo nên viễn cảnh văn minh đầy tráng lệ, điều mà tôi ít ngờ rằng có thể tìm thấy trong lòng Châu Phi” (lời Mungo Park, một bác sĩ người Scotland miêu tả lại được kể trong cuốn sách).
Châu Phi không chỉ có nghèo đói và nô lệ, hán hạn và mất mùa, tóc khô cháy, Châu Phi còn có kim cương, có mũi Hảo Vọng, có con sông Niger chảy vào Đại Tây Dương qua eo biển Benin được ngợi ca như là “một con đường cao tốc vĩ đại chạy vào trung tâm Châu Phi.”
Tác giả Martin Meredith là một học giả chuyên trị “Châu Phi học”, với hàng chục đầu sách nghiên cứu về Châu Phi. Đọc về Châu Phi thì đọc sách của ông không có gì để chê cả, ông cũng đã thật sự thành công khi tạo nên cuốn sách này, khi đi từ thời Pharaoh đến tận thế kỷ 21, đi từ những khúc ngoặt đen tối nhất đến tận bình minh dân chủ. Đã dành cho Châu Phi sự ngưỡng mộ, và cũng dành cho Châu Phi sự lo ngại đầy tăm tối.
Điều đáng tiếc theo tôi là khi cuốn sách gấp lại, tất cả vẫn đều là những câu hỏi mở. Kể cả số phận của tổng thống độc tài Mugabe tại Zimbabwe. Người dù đã được kết thúc vào năm 2017, nhưng chưa được “update”, mà lại tạo ra một ví dụ về một bi kịch, một ngõ nhỏ tăm tối. Hy vọng rằng khi xuất bản chính thức, nhà sách có thể viết thêm đoạn này bằng một trang phụ lục nho nhỏ đính kèm, và ở đó thay vì bóng đêm, ta đã thấy ánh mặt trời.
Sông Nile (Nin), là một dòng sông tuổi thơ. Tuổi thơ này không phải như bài thơ “Nhớ con sông quê hương” của Tế Hanh. Mà là tuổi thơ bước ra từ trong trang sách. Sự huyền bí của Sông Nile, của kim tự tháp Ai Cập luôn là thứ mà một cậu bé ham mê đọc sách tưởng tượng, cùng lời hứa đến Ai Cập một ngày nào đó. Rất may, trước khi đặt chân đến Ai Cập, tôi được biết đến cuốn sách toàn diện về sông Nile do tác giả Robert Twigger viết ra: RED NILE: TIỂU SỬ CỦA DÒNG SÔNG VĨ ĐẠI NHẤT THẾ GIỚI.
Nền văn minh cổ đại Ai Cập, sự thịnh vượng của Ai Cập là do dòng sông Nile trao tặng. Cái đó chúng ta đã biết, nhưng cuốn sách này còn cho ta biết một biệt danh khác mà những người La Mã đã nói về Ai Cập và sông Nile. Ngày ấy, họ gọi vùng đất này là “Giỏ bánh mì của đế chế”, như để nói lên nguồn lực không gì sánh bằng ở nơi này. Sông Nile là người mẹ, là nữ hoàng, nhưng cũng là một dòng sông máu, nơi đã nhuốm đầy máu của bao nhiêu binh đoàn đi kiếm tìm danh vọng trong lịch sử chinh phục ở vùng đất này.
Điều kỳ diệu của cuốn sách không chỉ xoáy sâu mãi vào lịch sử, không chỉ bàn đi bàn lại văn minh và những khái niệm bí ẩn đã được nhai đi nhai lại ở hàng chục đầu sách khác. Cuốn sách này còn kể cho bạn nghe về địa lý, về phù sa, về động thực vật, về cuộc sống, về tôn giáo, về những nhân vật nổi tiếng xung quanh dòng sông Nile. Bởi lẽ vì sao, vì Robert Twigger không phải là vị giáo sư sử học đứng trong tháp ngà tìm kiếm tư liệu. Ông là một người xông pha, đã sống, đã lăn lộn, đã ở cùng sông Nile, đã viết cuốn sách này khi ngồi trong một căn phòng nhỏ và nghe ngoài kia người dân đang biểu tình chống Mubarak năm 2011. Đã trở lại 2 năm sau khi “Mùa xuân Ả Rập” kết thúc và hoàn thành cuốn sách này. Ông cũng đã lục tìm hàng đống tư liệu ở chợ trời và khắp các thư viện từ Anh Quốc sang Ai Cập để ra một biên niên khảo đầy đủ về con sông vĩ đại. Và ông yêu nó bằng cả tấm lòng.
“Tôi được bay qua nơi Nile xanh hòa mình với Nile trắng. Cứ như thể Nile xanh đang cố thu lại một liều tiêm chứa những điều cũ kỹ và không còn phù hợp vào cánh tay của một người họ hàng lớn tuổi, và rồi, như dòng máu ứa ra từ mũi tiêm của một tên nghiện ngập, ta thấy dòng sông đỏ…”
Không chỉ kể về sông Nile, vì sông Nile là phải gắn bó với Ai Cập nên các câu chuyện về văn minh cổ Ai Cập, những chữ viết, công trình, những phong tục Ai Cập cũng được tác giả Robert Twigger miêu tả. Các chiến dịch Thập Tự Chinh, các cuộc xâm lăng của người Ả Rập, và cuộc chiến của Napoleon tại vùng đất Ai Cập cũng được kể trong cuốn sách. Trở thành một pho tư liệu tốt để nói về vùng đất Ai Cập từ thời cổ đại đến hiện đại. Một lần nữa tôi lại nói về mảnh ghép còn thiếu cho người đọc Việt Nam và thế giới, khi các sách vở trước đó cũng chỉ mải tập trung về Ai Cập cổ đại mà quên đi Ai Cập hiện đại. Ai Cập là một quốc gia bị đứt gãy về lịch sử, một bi kịch của một nền văn minh bị đánh quỵ. Trong hình ảnh của máu, nước mắt và những đứt gãy văn hóa, có một dòng sông lặng yên chứng kiến tất cả, gầm gào trước bao thăng trầm lịch sử và con người ở nơi này, nhưng vẫn là bầu sữa mẹ nuôi con lớn.
Vì nhiều lý do nên hai cuốn sách này vẫn chưa được xuất bản. Đó là lý do tôi muốn kêu gọi các độc giả đồng hành cùng nhãn sách Omega plus để hướng đến chân trời trí thức mới này. Các bạn có thể đặt mua trước để bộ sách này được in ra. Bên cạnh các kiến thức nhận được (như tôi đã chia sẻ bên trên), bạn sẽ nhận được bản có quà tặng kèm như: bản đồ, postcard, hộp đựng và được in tên đề tặng cảm ơn trong sách. Đấy là một giá trị tôi tin là không hề nhỏ !!!
Vài lời giới thiệu về Omega Plus
Khoảng 5 năm trở lại đây, làng sách Việt Nam xuất hiện một nhãn sách rất đặc biệt. Đấy là một nhãn sách chuyên trị các dòng sách về khoa học, lịch sử, địa chính trị, giáo dục, y học, nghệ thuật, nhưng được tuyển chọn và dịch theo hướng lôi cuốn, để không tự biến mình thành các pho từ điển khô khan, tháp ngà xa cách. Nhãn sách đó là Omega Plus. Từ Lý Quang Diệu đến Napoleon, từ Thành Cát Tư Hãn đến Leonardo da Vinci, từ thần kỳ Nhật Bản đến kỳ diệu Châu Phi, từ Noah Harari đến Jared Diamond. Đều lần lượt được giới thiệu trong nhãn sách này, góp phần nâng cao chất lượng đọc sách của người Việt.
Tôi biết đến thương hiệu Omega từ ngày đầu họ mới thành lập. Cuốn sách đầu tiên mà tôi giới thiệu của Omega là bộ 2 tập “Hồi ký Lý Quang Diệu” xuất bản cuối năm 2016. Từ đó đến nay, chứng kiến Omega+ trưởng thành dần dần, với những pho sách tinh hoa xuất bản đều đều từng năm. Nay trong những ngày cuối tháng 9 này, vừa là dịp kỷ niệm 5 năm thành lập của Omega+, vừa là dịp họ tiếp tục dự án xuất bản thêm 2 cuốn sách tinh hoa mới muốn được đồng hành với độc giả, tôi muốn dành bài review sách số 14 trong album này để giới thiệu cho các bạn.