Đang đọc một cuốn sách hay, run rẩy định vào gõ phím review những ý vừa lướt qua kẻo quên. Nhưng giật mình nhận ra đây là bài review số 12. Con số phong thủy 12 của Dũng Phan mà đi giới thiệu cuốn khác thì lại trớt quớt. Album này thì số 12 chỉ nên dành cho 2 đứa con.
1. Tôi viết “Sử Việt 12 khúc tráng ca” năm 2017, khi đó mới 29 tuổi. Ngẫm lại mới thấy mình liều.
Thứ nhất là trình độ còn hạn chế, thứ hai là chưa nhìn được sự khốc liệt của việc dấn thân vào con đường chông gai đó. Và cuối cùng, vẫn hiểu rằng biển sử học mênh mông diệu vợi nhưng lại làm chuyện của người không chuyên. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu “an toàn” quá thì chẳng viết ra được cuốn sách đó. Ưu điểm của nó chính là ở cái khuyết điểm của nó, qua cách đặt vấn đề và lật ngược vấn đề bằng lối viết dung dị, kể Sử theo cách hấp dẫn cho người trẻ đọc, chứ không phải kiểu hàn lâm biên niên. Lịch sử là tư duy, không phải học thuộc. Cuốn sách này muốn nhìn lịch sử theo góc nhìn khác, nơi đó lịch sử là bài học của tiền nhân, là những câu chuyện có ân oán tình thù, có cảnh đầu rơi máu chảy….hệt như một bộ phim. Quan trọng hơn, là đặt ngược các tư duy được đóng đinh để tìm đến chân lý. Việt Nam thiếu các kiểu sách Sử đó. Tuy nhiên, tất cả mọi thứ đều có cái giá của nó. Tính cách của tôi thì cũng chẳng muốn giải thích nhiều. Chỉ cần điều tôi làm luôn hướng thiện và đặt mình trong cái tâm nhân bản với tiền nhân nước Việt. Sách đã được nhiều độc giả yêu quý, từng mang đi khắp đất nước, khắp 6 châu lục để đặt chụp ảnh với tình cảm mà tôi không thể nói thành lời. Đến thời điểm này cũng đã tái bản được 4 lần. Lần gần nhất là hồi tháng 11 năm ngoái. Đấy là một thành công và một cảm giác tự hào. Hồi 2 tháng trước, tôi đã bán bản quyền cuốn này cho một hãng sách nói là VoizFM (bạn hoàn toàn có thể tải ứng dụng), để mọi người có thêm cơ hội được tiếp cận nó trong thời đại công nghệ thông tin, điện thoại di động như bây giờ. Chưa kể, còn trùng với thời điểm mùa dịch để mọi người rảnh rỗi nghe lại trong những ngày giãn cách.Link sách nói cho những ai chưa có sách trên giá sách. “Bóng đá 12 vì tinh tú” thì viết sau đó 1 năm, vào năm 2018. Sách được ra mắt gần như cùng thời điểm tôi làm đám cưới với người bạn gái lâu năm. Cuốn “Bóng đá 12 tinh tú” là một cuốn sách chân dung về 11 cầu thủ và 1 HLV (Wenger). Vâng, là Wenger trong tiếc nuối của fan Arsenal hôm nay. “Một cuốn sách xúc cảm về bóng đá” – bạn hoàn toàn có thể nhận xét như thế cũng được. Với tôi, chiến thuật là chết, chỉ con người là sống. Tôi muốn đào sâu mọi ngóc ngách, những xúc cảm, bằng những câu chữ có thể rung động lòng người về những chàng trai đã đổ mồ hôi, máu, nước mắt cho ước mơ của mình. “Bóng đá 12 vì tinh tú” cũng không thoát khỏi phong cách của tôi. Tất cả mọi thứ sẽ là vô nghĩa nếu không học được trong đó những bài học cuộc sống. Bóng đá còn là ánh xạ cuộc đời, và đôi khi cách xa hàng ngàn cây số thì những gì được cảm bằng trái tim, sẽ đến được bằng trái tim.Không thành công bằng cuốn Sử Việt khi đến thời điểm này cuốn Bóng đá vẫn chưa được tái bản. Đấy cũng là một điều khá đặc biệt nhưng dễ hiểu, fan bóng đá đông hơn fan lịch sử, nhưng khá lười đọc, fan lịch sử thì ngược lại. Hehe. Thôi, nói ít hiểu nhiều, nói nhiều dễ xa nhau. Sách của mình mà review chi tiết quá thì lại thành “tự sướng”.
Cảm ơn các bạn, nếu các bạn đã từng mua sách của tôi!