Hình ảnh từ Nhà sách Khai Tâm
Hình ảnh từ Nhà sách Khai Tâm
Người ta thường nói, 20 là độ tuổi không còn chập chững ở ngưỡng cửa trưởng thành mà cũng không hẳn là đã quá quen thuộc với những điều vô thường của cuộc sống. Bản thân tôi, khi viết bài này cũng là người trẻ chuẩn bị bước sang tuổi 20. Không chỉ bản thân tôi mà chính các bạn cũng hãy chuẩn bị cho mình một nhân sinh quan cụ thể, vững chắc để bước vào đời. Ắt hẳn khi đọc đến đây, các bạn sẽ tự hỏi nhân sinh quan là gì? Và tại sao nó lại quan trọng, cần thiết cho người trẻ nói riêng và các bậc anh chị, cô chú, ông bà nói chung phải không? Qua cuốn sách “Nửa gánh suy tư…” của tác giả Hoàng Mạnh Hải, chúng ta sẽ cùng nhau đi trả lời một số thắc mắc.
Sơ lược về tác giả
Tác giả Hoàng Mạnh Hải là dược sĩ, tốt nghiệp đại học Y dược năm 1988, có nhiều năm kinh nghiệm làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia. Thầy là dịch giả hai cuốn sách The Mindful Leader (Lãnh đạo tỉnh thức) và The Mind of the leader (Tâm thức lãnh đạo). Đối với thầy, cuốn sách “Nửa gánh suy tư…” được đến tay các bạn trẻ giúp hiện thực hóa mong ước “giúp các bạn trẻ Việt Nam biết nhận ra trách nhiệm cá nhân và đủ năng lực để chịu trách nhiệm đó.” Cuốn sách này như một chiếc cầu nối giai đoạn thiếu niên với tuổi trưởng thành, giúp chúng ta có thể bước vào đời một cách vững vàng. Tất cả đều bắt đầu bằng việc xây dựng một nhân sinh quan lành mạnh.
Người trẻ cần xây dựng một nhân sinh quan lành mạnh
Thầy tâm sự trong sách: “Đời sống tự nó vô ý nghĩa, trừ ý nghĩa truyền chủng, nhưng mình phải tạo cho nó một ý nghĩa. Chúng ta làm điều phải vì tin nó là điều phải chứ không phải vì ý muốn của Thượng đế hay một vị thần linh nào… Quan niệm thiện ác thay đổi tùy nơi, tùy thời. Cái gì ích lợi cho một xã hội vào một thời nào đó thì được xã hội đó cho là thiện, cũng cái đó qua thời khác không còn ích lợi nữa mà hóa ra có hại thì bị coi là ác.”
Có lẽ, đến một khoảng thời gian chúng ta đủ “chín” trong suy nghĩ, tự thân trong đầu sẽ xuất hiện vô vàn câu hỏi. Đáp án chính là con đường mà chúng ta phải tự tìm và khám phá lấy. Nhân sinh quan không chỉ là điểm khởi đầu, tiếp tuyến giữa sự trở mình của cuộc đời, mà nó còn là đích đến cuối cùng cho những tâm hồn lạc lối thuở ban sơ.
10 câu hỏi giúp xây dựng nhân sinh quan
Hình ảnh từ Nhà sách Khai Tâm
Hình ảnh từ Nhà sách Khai Tâm
Tác giả đã đưa ra 10 câu hỏi giúp chúng ta có thể đi tìm nhân sinh quan của riêng mình, gồm:
1. Ta từ đâu đến? Ta sinh ra trên đời này để làm gì?
2. Nếu được quyền quyết định, mình có muốn ra đời không?
3. Làm cách nào để phân biệt đúng-sai?
4. Hạnh phúc nằm trong đời sống vật chất hay đời sống tinh thần?
5. Tại sao có người dường như đã đạt mọi thành công trên đời mà vẫn không hạnh phúc?
6. Nên tìm kiếm thành công hay giá trị? Phát triển hay văn minh?
7. Làm việc là bổn phận hay nhu cầu? Làm sao để có được niềm vui trong công việc?
8. Thế nào là một đời đáng sống?
9. Nên tốt với ai? Có nên tốt với người xấu không?
10. Làm cách nào để hiểu được chính mình?
Tôi cũng đang đi tìm cho mình các câu trả lời cho 10 câu hỏi trên, đó sẽ là nhân sinh quan của riêng tôi, còn các bạn thì sao?
Triết lý tạo ra nhân sinh quan
Có thể nói, triết lý được coi như tia sáng giúp ta tìm được con đường nhân sinh quan hướng tới chân-thiện-mỹ. Chính vì vậy mà tác giả muốn đề cập đến việc Triết học nên được đưa vào từ chương trình học gần nhất là 3 năm phổ thông, còn xa hơn, dài hơn nữa là muốn cho trẻ em hay thậm chí các bạn trẻ được tiếp xúc với triết học để thực sự tìm ra cho bản thân mỗi đứa trẻ một triết lý giáo dục cụ thể. Nếu không, việc giáo dục rất dễ rơi vào trạng thái mơ hồ đặc biệt là đối với các bạn trẻ mới tốt nghiệp cấp 3, tốt nghiệp đại học đi tìm việc làm. Trong cuốn sách này, tác giả cũng chia sẻ: Mục đích của 12 năm phổ thông không phải là học “để làm việc”, mà là học “để làm người”, nói rõ hơn là người có văn hóa, tức là “biết phân biệt phải-trái, đúng-sai”. Và mục đích của 4-5 năm đại học không phải là học để “có một nghề”, mà học để “biết làm việc”. Quá trình được đúc kết cuối cùng: Triết lý tạo ra nhân sinh quan - Nhân sinh quan tạo ra hệ giá trị - Sống theo hệ giá trị đó.
Đạo nào cũng phải hợp tình, hợp lý (bất viễn nhân) thì mới gọi là đạo được. Tôi không tin rằng hết thảy loài người chỉ thấy đời toàn là khổ thôi; cũng không tin rằng hết thảy loài người thích sống tập thể, không có của riêng. (Học giả Nguyễn Hiến Lê)
Tuy nhiên, điều cần nhớ là: Triết lý là cơ sở để phát sinh nhân sinh quan, và do đó ta thấy được nhân sinh quan của nhân loại rất phong phú. Tác giả chứng minh như sau:
+ Khổng giáo quy tụ giá trị tu thân ba đức: nhân-trí-dũng luyện được đủ tình cảm, trí tuệ và nghị lực của con người: “Vô khả, vô bất khả” (Không gì là không thể và không có gì bắt buộc phải là như thế).
+ Phương châm sống của các Kitô hữu là “Mến Chúa, yêu Người”.
+ Đối với Phật tử, nhân sinh quan chính là “Vạn sự tùy duyên”.
+ Còn những người không tôn giáo thì sống theo tiếng gọi của Lương tâm và Lương tri, nhân sinh quan của họ là “Không thẹn với lương tâm”.
Nhân sinh quan có thể thay đổi theo thời gian
Đức Phật đã mô tả thế giới này như một dòng chảy không dừng nghỉ của sự trưởng thành. Mọi sự đều thay đổi, đều chuyển hóa liên tục, đều hoán đổi không dừng, và chỉ là một luồng di động. Mọi sự đều tồn tại từ khoảnh khắc này tới khoảnh khắc khác. Mọi sự chỉ là sự xoay chuyển tuần hoàn của việc hình thành và rồi lại ra khỏi sự hiện hữu. Mọi sự cứ mãi chuyển dịch từ sự sinh ra đến sự chết đi. Cuộc sống là một sự vận động liên tục của việc thay đổi hướng về cái chết. Những hình thái của vật chất mà ở đó đời sống có tự thể hiện ra hay không cũng chỉ là một sự vận động không dừng nghỉ hay sự thay đổi hướng đến sự hoại diệt.
Để chứng minh cho điều này, tác giả đã dẫn ra ví dụ điển hình là Nguyễn Công Trứ. Nhân sinh quan của người trai văn võ song toàn về cái chí của đấng nam nhi trong xã hội xưa là kẻ sĩ trong cõi đời phải làm nên sự nghiệp to lớn, để lại công đức, danh tiếng cho đất nước, quê hương:
“Đã mang tiếng ở trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông”.
Trẻ là chí; còn khi về già, độ sâu trong tâm thức bắt đầu hình thành, khi ấy, sự chuyển hóa từ chí sang tâm đã liên kết với nhau qua thời gian, chính vì thế khi nhân sinh quan thay đổi, ông lại cất lên hai câu thơ:
“Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.
Với kinh nghiệm riêng, ta đều nhận ra: nhân sinh quan là có thể thay đổi tùy thuộc vào những gì bản thân trải nghiệm được. Những trải nghiệm đó phải đủ mạnh để có thể tác động đến triết lý sống, từ đó làm thay đổi cách nhìn của chúng ta đối với cuộc đời.
Lộ trình xây dựng nhân sinh quan
Lộ trình mà tác giả đưa ra gồm bốn mục cần hiểu và thừa nhận như sau:
Mỗi người phải được sống như là một con người với đầy đủ quyền của mình. Còn gì là hạnh phúc khi thậm chí nhân quyền của chúng ta không được đảm bảo? Mỗi người vừa phải tìm ra được mục đích sống của đời mình và hiện thực hóa nó; vừa phải hiểu và giúp người khác hiện thực hóa mục đích sống của họ.
Loài người luôn tiến về phía văn minh. Ở đây, tác giả có đề cập tới luật Phản phục do Lão Tử phát hiện ra: “Mọi việc mình làm, cuối cùng đều quay trở lại”. Cuối cùng, điều mà mỗi người hướng tới đó là sự văn minh, tiến bộ. “Nhân loại tất yếu sẽ đi về phía văn minh”.
Mọi người luôn sống trong tình liên đới. Cuộc đời là một chuỗi những mối liên hệ giữa người với người, bản thân ta tuy sống một mình trong nhà riêng nhưng là hoạt động trong một cộng đồng có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Đó là quy luật vận hành của cuộc sống.
30 ngày thực hành để tìm cho mình một Nhân sinh quan. Công thức đã được tác giả đúc kết là: Self-awareness = Self-reflection + Feedback. Tự nhận thức là dành thời gian tự hiểu bản thân và hỏi thêm ý kiến của những người hiểu biết hơn mình, đã từng tiếp xúc với mình. Từ đó, tác giả đề ra lộ trình 30 ngày, được chia làm 4 tuần cụ thể: Từ việc áp dụng công thức trên cho tuần đầu tiên để hiểu rõ bản thân mình đang ở đâu, đang như thế nào thì đến tuần thứ hai là rà soát, xã định lại liệu mình có muốn lựa chọn Nhân sinh quan theo tôn giáo mình đang có không; đến tuần thứ ba thì bước vào thực hành, thay đổi từ điều nhỏ nhất: thái độ sống, cách dùng tiền, cách cư xử, cách xây dựng hình ảnh bản thân, việc lựa chọn trách nhiệm theo năng lực của mình. Tuần cuối cùng là rà soát, xem xét lại trong ba tuần vừa qua mình đã thay đổi và học thêm được những điều gì mới, nếu tâm vui và bình thì bạn có thể coi là tạm ổn.
Review chi tiết: Ngọc Anh
Chỉnh sửa: Quốc Trọng
Hình ảnh: Nhà sách Khai Tâm