[REVIEW SÁCH] "IQ trong Nghệ thuật thuyết phục": Yếu tố thành công trong mọi khía cạnh cuộc sống.
Theo bạn thì kỹ năng nào là cần thiết và góp phần quan trọng trong việc tạo dựng thành công bền vững, liệu có phải là khả năng giao...
Theo bạn thì kỹ năng nào là cần thiết và góp phần quan trọng trong việc tạo dựng thành công bền vững, liệu có phải là khả năng giao tiếp, xử lý tình huống hay là khả năng teamwork xuất sắc? Đó chỉ là một phần của chặng đường vươn tới thành công của những người tài giỏi mà bạn thấy được. Có thể họ xuất chúng, cũng có thể họ có tiềm lực kinh tế hoặc biết đâu họ may mắn nhưng yếu tố then chốt với họ chính là khả năng thuyết phục. Theo các nghiên cứu, khảo sát cho thấy 99% những người thành công đều có nghệ thuật thuyết phục đỉnh cao.
Hiểu rõ được tầm quan trọng của nghệ thuật thuyết phục, Kurt W.Mortensen đã viết nên cuốn sách "IQ trong nghệ thuật thuyết phục" với mong muốn giải đáp những thắc mắc về kỹ năng thuyết phục, hướng tới kỹ năng thuyết phục thông minh, hiệu quả và giúp bạn trở thành một nhà thuyết phục bậc thầy. Điểm nổi bật của cuốn sách nằm ở 10 chiêu thuyết phục đỉnh cao mà tác giả đã nghiên cứu, đúc kết trong vòng 17 năm. Cuốn sách dễ đọc, dễ hiểu, mang tính thực tiễn cao đã giúp hàng ngàn người tự tin hơn trong thuyết phục và thành công trong nhiều lĩnh vực.
Bạn có nhận ra rằng, bất cứ ai cũng muốn người khác lắng nghe và thực hiện chính xác những gì mà bạn muốn. Mỗi ngày hoặc là bạn thuyết phục người khác nghe theo quan điểm của mình hoặc là người khác thuyết phục bạn nghe theo quan điểm của họ. Bất cứ điều gì diễn ra trong cuộc sống cũng đều có sự hiện diện của “thuyết phục”. Với tâm huyết nghiên cứu suốt 17 năm, Kurt W.Mortensen – chuyên gia hàng đầu thế giới về khả năng thuyết phục, động cơ thúc đẩy và gây ảnh hưởng – đã tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra những thói quen thiết yếu, những tính cách và những hành vi cần thiết để khai thác khả năng thuyết phục tự nhiên của mỗi người.
Điều gì khiến một người thành công? Tại sao một số người giàu có còn người khác thì không? Làm thế nào để ta đoán trước được ai sẽ giàu có? Ai chỉ đủ ăn và ai sẽ thất bại? Làm thế nào để ta xác định được tính cách của những người thành công tột đỉnh?
Tất cả sẽ được giải đáp thông qua cuốn "IQ trong nghệ thuật thuyết phục" với 12 chương, được chia làm 2 phần rõ ràng:
PHẦN 1 GỒM HAI CHƯƠNG ĐẦU
Với những ai còn lạ lẫm với khái niệm về thuyết phục, tác giải sẽ chỉ ra cho bạn chỉ số thuyết phục là gì, tầm quan trọng của chỉ số này trong thuyết phục đến mối liên hệ với các kỹ năng khác. Theo tác giả, một người thành công không chỉ dựa vào chỉ số IQ (thông minh), EQ (cảm xúc) mà chủ yếu là chỉ số PQ (chỉ số thuyết phục). Chỉ số này là kết quả của việc vận dụng những yếu tố và kỹ năng bạn học được trong cuộc sống để đạt được thỏa thuận một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Và những người thành công, giàu có, có địa vị trong xã hội luôn sở hữu chỉ số PQ cao.
Khả năng thuyết phục không phải là bẩm sinh mà là kỹ năng do học tập mà có. Đôi lúc, làm việc chăm chỉ chưa chắc đã đem lại hiệu quả bằng làm việc một cách thông minh. Qua nhiều năm nghiên cứu và học hỏi, tác giả đã chỉ ra rằng có khoảng 10 trở ngại làm giảm khả năng thành công và thu nhập của các nhà thuyết phục bình thường, tiêu biểu như Hiệu ứng Wobegon – là khi chúng ta luôn tự đánh giá bản thân cao hơn so với thực tế, hay nói quá nhiều, bị thúc đẩy bởi nỗi tuyệt vọng,… Những vấn đề đó hoàn toàn có thể được giải quyết nhanh chóng nhưng đương nhiên, chúng ta cũng cần bỏ thời gian để rèn luyện và xóa bỏ đi những trở ngại đó.
Hãy luôn tìm kiếm cơ hội để nâng cao bản thân bằng cách nhìn nhận khả năng thuyết phục của mình một cách trung thực nhất, chúng ta thấy rằng điều chúng ta nghĩ và việc chúng ta làm là hai chuyện hoàn toàn khác biệt. Những nhà thuyết phục hàng đầu luôn có những ý tưởng mới và luôn sẵn sàng tìm kiếm cách thức để nâng cao kỹ năng của bản thân. Hãy luôn nhớ rằng thành công bắt đầu bằng việc học hỏi và thành thạo những công cụ mới trong "kho dụng cụ" của mình. Hãy luôn thể hiện sự chuyên nghiệp và cố gắng để trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình.
PHẦN 2 GỒM 10 CHƯƠNG SAU
Ở phần này, tác giả tập trung vào 10 kỹ năng thuyết phục giúp bạn cải thiện chỉ số thuyết phục cảu mình, đây cũng là 10 đặc điểm, thói quen và tính cách của những nhà thuyết phục hàng đầu thế giới. Thuyết phục không phải là một kỹ năng đơn lẻ mà nó là tổng hòa của rất nhiều kỹ năng như:
1. Lập trình trí tuệ: trí tuệ là một trong những yếu tố quan trọng nhất của thành công nhưng thường lại không được quan tâm. Ở kỹ năng này, tác giả giúp bạn hiểu rõ cách mà những nhà thuyết phục giỏi chuẩn bị tâm trí cho thành công như thế nào, quá trình phát triển trí tuệ của họ trước, trong và sau thuyết phục ra sao, nền tảng thành công vững chắc của họ là gì?
Kurt W.Mortensen đưa ra 9 yếu tố nền tảng và phân tích chi tiết những tác động của yếu tố đó đến thành công, cách vận dụng nó trong thuyết phục ra sao. Chúng bao gồm: định hướng suy nghĩ, đồng bộ hóa niềm tin, đối mặt với nỗi sợ hãi, trí tưởng tượng phong phú, nhiều màu sắc, tìm ra mục đích của bạn, lòng tự trọng, những thói quen lành mạnh, trách nhiệm, niềm hạnh phúc thật sự.
2. Hiểu được cách nghĩ của khán giả: những nhà thuyết phục giỏi luôn cảm nhận và nhận biết một cách bản năng điều người khác đang suy nghĩ, họ có thể thâm nhập vào tâm trí người đối diện mình. Quá trình thuyết phục vận hành dưới mức độ suy nghĩ nhận thức nên thuyết phục có liên quan mật thiết đến việc thấu hiểu tâm lý con người. Có hai cách thuyết phục: nhận thức và vô thức, mỗi cách thuyết phục sẽ có những phương pháp xử lý thông tin khác nhau.
Trên thực tế, có tới 95% khả năng thuyết phục và gây ảnh hưởng có liên quan đến hành động vô thức bởi nhận thức tỉnh táo về thực tế của con người là kết quả của việc những nơron thần kinh trong não xử lý tất cả thông tin quanh chúng ta theo cách vô thức và sự thật là rất ít khi cả hai điều lý trí và cảm xúc cùng tồn tại đồng thời một lúc. Người thuyết phục hàng đầu sẽ luôn đánh nhiều vào cảm xúc bởi cảm xúc thúc giục chúng ta hành động nên bạn sẽ phải thu hút mối quan tâm của khán giả hơn là sự hiểu biết.
3. Hòa hợp tức thì và đồng hóa xã hội: ấn tượng ban đầu là một trong những yếu tố quyết định đến khả năng thành công khi bạn thuyết phục. Khi bạn cho người khác sự nhận thức tích cực về bạn thì cơ hội thuyết phục của bạn là 85% trong khi với nhận thức tiêu cực thì con số này là 15%. Một nhà thuyết phục giỏi có thể kết nối với người khác trong vòng 30 giây hoặc nhanh hơn thế. Họ chỉ mất 10s để tạo nên ấn tượng ban đầu nhưng nó lại tồn tại mãi mãi. Bởi vậy mà sự đánh giá ban đầu của khán giả về bạn chính là yếu tố quyết định thành công của bạn.
Kurt W.Mortensen đã đưa ra những lời khuyên, kỹ năng cần thiết để bạn có thể kết nối được với một người lạ trong thời gian nhanh nhất và hiệu quả nhất. Ngoài ra, tác giả còn đưa ra 5 kỹ năng ứng xử cần thiết của một nhà thuyết phục giỏi mang đến cho bạn sự hòa hợp vững bền và cách để hòa hợp với những khán giả thân quen.
4. Thiết lập sự tin tưởng: niềm tin rất quan trọng trong quá trình thuyết phục, nếu muốn làm chủ sự thuyết phục thì bạn cần phải chủ động cam kết rằng niềm tin được thiết lập không chỉ từ những giao tiếp ban đầu mà nó còn cần được duy trì lâu dài. Để xây dựng được niềm tin chân thành và bền vững, Kurt W.Mortensen đưa ra “5 chữ cái C” bao gồm: nhân cách, năng lực, sự tự tin, sự tín nhiệm, sự phù hợp. Nếu thiếu bất kỳ chữ C nào cũng đồng nghĩa với việc bạn đã đánh mất khả năng tạo lập niềm tin và không thể sở hữu sức thuyết phục bền vững.
5. Điều khiển sự chú ý bằng sức mạnh và uy quyền: quyền lực là thứ tạo lập, củng cố và thúc đẩy niềm tin, nó đem đến sức sống mới, tạo ra sự hòa hợp và thống nhất, nó có sức mạnh khiến bạn lắng nghe và phục tùng. Các nhà thuyết phục giỏi rất biết và hiểu làm thế nào sử dụng những hình thái khác nhau của quyền lực để khán giả bị thuyết phục không chỉ trong thời điểm đó mà có giá trị lâu dài. Tác giả đã đưa ra những lời khuyên và cách để giúp bạn tạo nên thứ quyền lực đó cũng như sử dụng nó hiệu quả, đúng đắn.
6. Khả năng tạo ảnh hưởng tới người khác: sức ảnh hưởng là hình thái cao nhất của thuyết phục bởi nó có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành động của khán giả, họ bị thôi thúc bởi chính sự chỉnh trang toàn diện hơn là những hành động bên ngoài của bạn. Vậy làm thế nào để bạn tạo được sự ảnh hưởng? Làm thế nào để bạn có thể phát triển bản thân khiến mọi người hành động theo ý tưởng do bạn đề xuất? Và làm thế nào để sự ảnh hưởng của bạn vẫn tiếp tục thôi thúc mọi người ngay cả khi bạn không còn liên quan đến họ? Bạn sẽ tìm được câu trả lời trong chương này.
Tác giả cũng đã đưa ra 7 tính cách cần thiết để bạn có khả năng gây ảnh hưởng đến người khác và gợi ý một số cách giúp bạn có được 7 tính cách ấy: sức lôi cuốn, niềm đam mê, sự lạc quan, thái độ & quan điểm, sự thấu cảm, tầm nhìn, lòng tự trọng. Khi bạn đã thiết lập được tầm ảnh hưởng bạn sẽ không cần những số liệu, thực tế để thuyết phục người khác mà chính con người bạn đã là yếu tố thuyết phục đối phương.
7. Cách thức tạo động lực cho bản thân và người khác mọi lúc: đối với những nhà thuyết phục giỏi, động lực là tất cả. Nó là yếu tố mang tính quyết định bởi đây là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất thúc đẩy bản thân họ. Khi đã có sự nhất quán với động lực của mình, bạn sẽ có thể truyền cảm hứng và tạo động lực cho người khác. Có hai điều duy nhất tạo động lực cho bạn trong cuộc sống đó là: nguồn cảm hứng và nỗi tuyệt vọng. Một nhà thuyết phục tài ba sẽ biết cách truyền cảm hứng tích cực cho khán giả và giúp họ bước qua nỗi tuyệt vọng.
Tác giả cũng đã phân tích rõ các yếu tố cản trở động lực là gì, làm thế nào để bước qua những rào cản đó. Bạn sẽ biết cách tạo động lực cho những người không có động lực thông qua “Tháp nhu cầu của Maslow”, giúp họ tạo ra sự khát khao mãnh liệt. Bạn sẽ biết được công thức động lực của mỗi đối tượng cụ thể ra sao và làm thế nào để duy trì động lực trong thời gian dài. Kurt W.Mortensen viết rằng, động lực là một nghệ thuật thực sự, chỉ khi bạn hiểu bản chất tự nhiên của con người và vai trò của sức ảnh hưởng bạn sẽ tạo được động lực cho chính bản thân bạn và truyền cảm hứng cho người khác.
8. Kỹ năng thuyết trình và giao tiếp tiên tiến: không phải nhà thuyết phục nào cũng có thể giỏi về thuyết trình nhưng họ biết cách thu hút, khiến khán giả lắng nghe trong suốt quá trình họ thuyết trình. Để làm được điều này, trong 30s đầu tiên bạn hãy khiến khán giả thu hút, ấn tượng và tin tưởng. Kurt W.Mortensen sẽ giúp bạn biết cách thu hút sự chú tâm của khán giả đơn giản như thế nào từ nội dung của bài thuyết trình đến phong cách diễn thuyết và cách điều khiển kỹ năng thuyết trình một cách thông minh, thuyết phục.
9. Dự trù kế hoạch: một trong những khác biệt chủ chốt của các nhà thuyết phục giỏi là họ luôn chuẩn bị trước mọi thứ, dự đoán được các câu hỏi và các vấn đề liên quan, chuẩn bị kỹ càng trước tại nhà, nó sẽ giúp bạn trở nên tự tin hơn trong quá trình thuyết phục. Để làm được điều này bạn cần hiểu được thông điệp, khán giả, mục tiêu và cách quản lý thời gian cũng như cách thiết kế bài thuyết trình của mình.
10. Khả năng tự chủ và sự phát triển cá nhân: một trong những yếu tố khác biệt của những nhà thuyết phục giỏi và những nhà thuyết phục bình thường đó là họ không ngừng phát triển cá nhân chuyên sâu, luôn giữ cho bản thân nhạy bén. Một chương trình phát triển cá nhân là hội tụ của nhiều cách tiếp cận: sách vở, báo đài, CD, các buổi hội thảo, tập huấn, người cố vấn. Quan trọng nhất đó là bạn phải trau dồi tri thức không ngừng, đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã và nâng cấp chương trình phát triển cá nhân thường xuyên. Bởi nó là chìa khóa cho cánh cửa thành công trong tương lai của bạn.
Lời kết: Nếu bạn mong muốn cuộc sống của mình trở nên tốt đẹp hay vĩ đại hơn thì trước tiên bạn cần trở nên vĩ đại và tạo sức thuyết phục trong lời nói của riêng mình. Thiếu khả năng thuyết phục, thiếu niềm tin, thiếu những kỹ năng ứng xử cùng cách thức thuyết phục cũ sẽ khiến bạn mãi dậm chân tại chỗ và rất khó tìm được chỗ đứng trong xã hội ngày càng khắc nghiệt như hiện nay. Biết cách thuyết phục và tạo được ấn tượng tốt với người khác, bạn sẽ thấy chặng đường đi tới thành công sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều!
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất