4.5/5
Diêm Liên Khoa là một nhà văn nổi tiếng Trung Quốc nhờ những tác phẩm táo bạo, đánh thẳng vào những vấn đề xã hội với sắc thái châm biếm, giễu nhại sâu sắc. Cũng vì vậy, rất nhiều tác phẩm của ông đã bị cấm xuất bản tại chính đất nước tỷ dân này. Đề tài của Diêm Liên Khoa rất rộng và đặc sắc, dám khai thác những chủ đề tưởng chừng là "tối kỵ" trong văn hóa hằng ngày: Vấn đề ăn thịt người trong nạn đói (Tứ thư), sự bùng nổ đại dịch AIDS do nạn bán máu tại vùng thôn quê (Đinh Trang Mộng), hay thậm chí là người phụ nữ chỉ đạt được cực khoái khi xé ảnh của Mao Trạch Đông(?),...
Trong Đinh Trang Mộng, tác giả từ đầu đã cho thấy sự sáng tạo bất quy tắc khi cho đọc giả theo chân người kể chuyện ngôi thứ nhất là ... một đứa trẻ bị đầu độc chết. Dưới góc nhìn "bóng ma" này, hình ảnh thôn Đinh Trang hiện ra thật sự trần trụi, tàn tạ sau những năm tháng bán máu bất chấp để nuôi mộng làm giàu nhanh. Sự suy đồi của con người được tác giả thể hiện rất rõ nét thông qua những mưu mô xảo quyệt, nghi kị, ghen ghét lẫn nhau giữa những người cùng thôn trong những giờ phút sinh tử. Mặc dù đề cập nhiều đến AIDS, cái chết, sự suy đồi đạo đức,... nhưng Đinh Trang Mộng lại không hề buồn thảm, chỉ có sự châm biếm đầy cay đắng khiến đọc giả chỉ có thể mỉm cười chua chát.
Truyện có rất nhiều yếu tố hài kịch đen: Từ chuyện người dân thôn Đinh Trang bán máu đến xay xẩm mặt mày phải chồng cây chuối hoặc nằm đầu chúc xuống trên con dốc dài, cho đến cảnh chặt hết cây trong thôn làm quan tài cho người chết vì AIDS,... Tất cả làm cho Đinh Trang Mộng nhuốm một màu giễu nhại vừa sâu sắc, vừa cay đắng về đạo đức con người.