ĐỐI THOẠI TÌNH YÊU XUÂN QUỲNH – LƯU QUANG VŨ
Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ (ảnh internet)
Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ (ảnh internet)
Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, đôi vợ chồng tài hoa thuộc loại bậc nhất của văn học Việt Nam có lẽ không còn xa lạ đối với bạn đọc. Bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh và trích đoạn kịch “Hồn Trương Ba – da hàng thịt” đã được đưa vào chương trình giảng dạy Ngữ văn cấp 3 nhiều năm nay. Bên cạnh đó, khi dạy đứa cháu ở nhà học bài, tôi phát hiện bài thơ “Ngày em vào Đội” viết cho thiếu nhi của Xuân Quỳnh cũng đã được đưa vào sách Tiếng Việt Chân trời sáng tạo lớp 3. Và có thể sẽ còn những bài thơ khác nữa được đưa vào chương trình giảng dạy mà tôi không biết.
Tài hoa là thế nhưng tiếc rằng một tai nạn xe hơi đã mãi mãi cướp đi hai đại biểu xuất chúng của nền văn học hiện đại Việt Nam. Dẫu vậy, cả Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ vẫn luôn sống mãi trong tâm thức người dân Việt Nam, nhất là với những ai yêu mến văn học nghệ thuật.
Tác giả của cuốn sách “Đối thoại tình yêu, Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ”, Lưu Khánh Thơ, là em gái ruột của Lưu Quang Vũ. Cuốn sách được bà biên soạn gồm có 3 chương. Chương thứ nhất giới thiệu những bài thơ tiêu biểu về tình yêu của cả Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ. Chương thứ hai trích lại một số bài viết về cuộc đời cũng như sự nghiệp thơ ca của hai vợ chồng. Cuối cùng là phần phụ lục, tổng hợp một số lá thư của hai vợ chồng gửi cho nhau lúc sinh thời. Đây là những tài liệu quý giá giúp chúng ta hiểu thêm con người, tính cách cũng như những sinh hoạt thường nhật của hai nhà thơ.
Tựa đề cuốn sách có lẽ sẽ gây nhiều ngộ nhận cho bạn đọc. Những bài thơ Xuân Quỳnh lấy cảm hứng từ Lưu Quang Vũ và ngược lại được giới thiệu trong sách không nhiều, nếu không muốn nói là ít. Số lượng bài thơ được đề năm trước khi hai người về chung nhà (1973) chiếm dung lượng vượt trội trong sách. Bên cạnh đó, có những bài Lưu Quang Vũ đề tên người được tặng không phải là Xuân Quỳnh mà là một người con gái khác. Chính vì thế, “đối thoại tình yêu” ở đây có thể được hiểu là Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ nói và viết về tình yêu trước hết là cho chính mình. Cả hai “đối thoại tình yêu” với chính mình, rồi sau đó mở ra cuộc đối thoại về tình yêu ấy cho người khác. Tất cả những ai đang yêu hoặc quan tâm đến tình yêu đều có thể dự phần vào cuộc “đối thoại tình yêu” này. Cũng dễ hiểu, người ta chẳng thường hay nói tình yêu là đề tài muôn thuở đó sao.
Quá khứ của Xuân Quỳnh là một quá khứ bơ vơ, côi cút, khi trưởng thành lại phải trải qua những đổ vỡ trong tình yêu và hôn nhân. Chính vì vậy, bà luôn khao khát một mái ấm gia đình, nơi bà có thể tìm thấy sự nương tựa, tìm thấy tình yêu. Khi đã trải qua quá nhiều khổ đau, tủi cực, tâm hồn người ta có thể trở nên một là, một ốc đảo khép kín mà không ai có thể tìm thấy lối vào hoặc hai là, một đại dương mênh mông có thể dung chứa được tất cả. Thật may mắn, Xuân Quỳnh thuộc vào nhóm người thứ hai. Xuân Quỳnh luôn khao khát tình yêu, khao khát hạnh phúc. Cả một cuộc đời Xuân Quỳnh là một cuộc lữ hành đi tìm tình yêu, điều đó tràn ra ngòi bút của bà không giấu giếm:
“Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ”
(Sóng)
Trong tình yêu, Xuân Quỳnh yêu luôn yêu một cách tha thiết và say đắm, niềm cảm hứng đó đã giúp bà viết lên những câu thơ tuyệt diệu:
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi đã chết rồi.”
(Tự hát)
Hạnh phúc nhỏ nhoi của Xuân Quỳnh là những lúc ở bên cạnh người yêu. Những lúc đó, nhà thơ như muốn quên đi tất cả để chỉ đắm chìm trong tình yêu hiện tại:
“Xin đừng nhắc chuyện xưa sau
Hãy vui với sóng với tàu với em
Một bên biển, một bên anh
Em yêu giây phút chúng mình có nhau”
(Tình ca trong lòng vịnh)
Vì lẽ đó, sẽ thật đau khổ khi nghĩ đến những giây phút phải chia xa:
“Vừa thoáng tiếng còi tàu
Lòng đã Nam đã Bắc”
(Sân ga chiều em đi)
Khi đã gặp được “tình yêu của đời mình” tức Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh không chỉ yêu ông tha thiết mà còn tôn sùng ông như một vĩ nhân. Trong một lá thư viết cho chồng, bà thổ lộ: “Sau khi em lấy anh thì em thấy thiên hạ đều tầm thường và ngu dốt cả… Không có anh, em thấy cuộc đời là vô nghĩa.” 15 năm chung sống với nhau là 15 năm bà dành trọn tình yêu, tận tụy hi sinh cho chồng và cho sự nghiệp của chồng. Tình yêu đó được Lưu Quang Vũ cảm nhận và thể hiện qua những câu thơ:
“Có phải vì mười lăm năm yêu anh
Trái tim em nay đã mệt”
(Thư viết cho Quỳnh trên máy bay – Lưu Quang Vũ)
Về Lưu Quang Vũ, vốn thành công vang dội và được mọi người biết đến với vai trò là một người viết kịch. Tuy vậy, trong vai trò là một nhà thơ, ông cũng gặt hái không ít thành công. Được nuôi dưỡng và lớn lên trong môi trường thơ ca (cha và chú đều là nhà thơ), tài năng thơ ca của Lưu Quang Vũ được bộc lộ từ rất sớm. Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng cha ông, Lưu Quang Thuận, đã sinh Lưu Quang Vũ cùng một lúc với thơ.
Thi hứng của Lưu Quang Vũ đến từ nhiều nguồn khác nhau nhưng trong số đó, tình yêu vẫn giữ vai trò chủ đạo, mà cụ thể là tình yêu đôi lứa. Chúng ta hãy thử đọc những câu này của Lưu Quang Vũ:
“Trong thành phố có một vườn cây mát
Trong triệu người có em của ta
Buổi trưa nắng bầy ong đi kiếm mật
Vào vườn rồi ong chẳng nhớ lối ra.”
rồi suy nghĩ về tình yêu của mình.
Không phải tính bằng triệu, dân số thế giới hiện nay đã gần tám tỉ người. Nhưng thật lạ là trong số đó, trái tim của chúng ta chỉ có thể dung chứa được duy nhất hình bóng của một người. Và như con ong đi tìm và khi đã thấy mật ngọt, khi đã “fall in love”, chìm đắm trong tình yêu, thật không dễ dàng để có thể tìm ra lối thoát.
Cũng như Xuân Quỳnh, khi yêu, Lưu Quang Vũ muốn dành trao hết tất cả cho người mình yêu:
“Dành cho em, hoa những khu vườn
Hoa huệ trắng hoa hồng thơm ngào nhạt
Mọi hương sắc của mùa hè ngây ngất
Anh muốn mang phủ ngập cả mình em”
(Dành cho em)
Nhưng tiếc là trong tình yêu, Lưu Quang Vũ gặp quá nhiều thất bại và đổ vỡ. Vì vậy đa phần những bài thơ tình yêu của ông được tổng hợp trong sách mang một sắc thái mịt mù, ảm đạm. Bên cạnh đó, ở một số chỗ lại khiến chúng ta cảm thấy cay đắng, chua xót:
“Nghĩa gì đâu kỷ niệm tháng năm dài
Lời thương mến nhớ lại thành chua chát
Lòng ta cạn hay đời ta quá hẹp
Nghĩ cho cùng, nào dám trách chi em”
(Từ biệt)
Và chỉ khi gặp được Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ mới tìm được tình yêu và hạnh phúc thực sự. Ông bộc bạch điều này một cách rất bình thản trong thơ:
“Điều mong ước đầu tiên điều ở lại sau cùng
Chúng ta đi bên nhau trên mặt đất
Dẫu chỉ riêng điều đó là thật
Đủ cho anh mãi mãi biết ơn đời”
(Em)
Tình yêu của Xuân Quỳnh chắp cánh cho sự nghiệp của Lưu Quang Vũ bay cao và bay xa. Không chỉ Lưu Quang Vũ mà cả những người thân trong gia đình của ông cũng thừa nhận từ khi có Xuân Quỳnh bên cạnh quan tâm và thu vén mọi thứ, sức sáng tạo của Lưu Quang Vũ dồi dào và phong phú hơn, ngòi bút của ông cũng trở nên sắc sảo hơn. Thế đấy, khi được sống bên người mình yêu, được hạnh phúc của tình yêu thúc đẩy, người ta có thể làm nên những việc trọng đại và lớn lao.
Thay lời kết
Đôi dòng cảm nhận về cuốn sách và về hai tác giả tôi rất ngưỡng mộ. Cuộc đời đã đối xử quá bất công (nếu không muốn nói là nghiệt ngã) đối với họ. Tuy vậy, với một trái tim quảng đại và tâm hồn của một nghệ sĩ chân chính, họ đã ấp ủ và trả lại cho đời những bông hoa tình yêu trác tuyệt.
Khi được “đối thoại tình yêu” với họ, trái tim của tôi trở nên rộng lớn hơn, bao dung hơn. Tôi càng thêm thiết tha với tình yêu và cuộc sống.
Ai trong chúng ta cũng chỉ có một đời để sống và để yêu. Hi vọng trong tình yêu, bạn cũng có thể gặp được những Xuân Quỳnh, những Lưu Quang Vũ của đời mình, người có thể chữa lành và sưởi ấm trái tim bạn:
“Em trả lại cho anh hơi thở, dáng hình
Mang niềm tin thầm lặng của bình minh
Em giải thoát cho anh khỏi cô đơn lầm lỗi
Anh trẻ lại, đời chẳng còn rắc rối
Trước câu trả lời đơn giản: hãy yêu thương”
(Những ngày chưa có em – Lưu Quang Vũ)
Để từ đó, bạn có thể yêu một cách nồng nàn, cháy bỏng như Xuân Quỳnh:
“Chỉ riêng điều được sống cùng nhau
Niềm sung sướng với em là lớn nhất
Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực
Giây phút nào tim chẳng đập vì anh”
(Chỉ có sóng và em – Xuân Quỳnh)
Xin được giới thiệu cuốn sách này đến bạn đọc./.