Trong cuộc sống, tôi tin chắc một điều rằng ai trong số chúng ta đều có một mong muốn rằng, tất cả mọi người đều sẽ luôn vui vẻ, thiện chí sẵn lòng giúp đỡ chúng ta điều gì đó không chỉ trong công việc, nó còn bao gồm cả tròng đời sống cá nhân. Tuy nhiên, việc chúng ta có thể khiến mọi người thuận theo ý mình thì điều đó thật không đơn giản. Nhưng tôi biết có một người có thể biến những điều tưởng chừng không thể ấy một cách rất thành công. Ông viết lại những đút kết kinh nghiệm của mình thông qua một cuốn sách và nó đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại. Ông là DALE BRECKENRIDGE CARNEGIE, người viết nên cuốn sách được biết đến cho tới tận ngày hôm nay, ĐẮC NHÂN TÂM.
Trước khi bắt đầu, tôi mong muốn chia sẻ một vài quan điểm cá nhân của mình đến với các bạn khi tìm đọc những cuốn sách Self-Help nói riêng và việc đọc sách các thể loại khác nói chung. Bởi vì, tôi mong muốn tất cả chúng ta đều có thể tiếp cận tri thức một cách có sàng lọc nhất (điều này tôi sẽ chia sẻ quan điểm của mình chi tiết hơn trong một bài viết khác). Còn ở đây, tôi chỉ muốn bạn sau khi xem xong quyển sách Đắc Nhân Tâm thì hãy chắt lọc các thông tin hữu ích áp dụng cho chính bản thân mình vào cuộc sống. Tùy vào từng hoàn cảnh môi trường, tùy vào tính cách cá nhân riêng, tùy vào từng sự việc khác nhau mà chúng ta áp dụng những điều hay ấy một cách linh hoạt mà không đánh mất đi bản sắc đặc trưng trong tính cách của mình. Ngoài ra, hãy xem cuốn sách này như là một nguồn tư liệu tham khảo hữu ích để bạn có thể dựa vào đó tìm ra một hướng ứng xử phù hợp hơn dành cho bản thân mình. Việc chúng ta có được sự CHÂN THÀNH trong giao tiếp mới chính là chìa khóa để giúp bạn có một mối quan hệ tốt hơn. Nào!! giờ thì chúng ta cùng nhau tìm hiểu cuốn sách này sẽ nói về điều gì nhé.
Khi nói về cuốn sách Đắc Nhân Tâm của tác giả Dale Breckenridge Carnegie, chúng ta có thể xem đây là một trong những cuốn sách Self Help đứng đầu danh sách có lượt yêu thích nhiều nhất về thể loại này. Bởi lẽ, đây là một quyển sách nói về các kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử giữa một cá nhân đối với mọi người, giữa một người bán hàng đối với khách hàng, giữa một đối tác với đối tác khác trong công việc. Nghe tới đây, tôi tin chắc rằng các bạn cũng sẽ tự hỏi bản thân mình rằng: “Ông là ai? Tại sao ông có thể làm được những điều đó một cách xuất sắc đến như vậy?”. Thì tôi ở đây sẽ chia sẻ với bạn một vài thông tin liên quan đến ông ấy trước khi giới thiệu về quyển sách, một người có thể xem bậc thầy trong nghệ thuật giao tiếp.
[REVIEW SÁCH] ĐẮC NHÂN TÂM – Của Tác Giả Dale Breckenridge Carnegie

(Tác giả Dale Breckenridge Carnegie, nguồn Internet)
Dale Breckenridge Carnegie là một nhà văn, nhà thuyết trình người Mỹ, đồng thời cũng là người phát triển các lớp giáo dục, nghệ thuật bán hàng, nghệ thuật giao tiếp khi đứng trước đám đông. Ông Carnegie sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở nông thôn, trong một trang trại ở Missouri. Ông phải dậy vào lúc mỗi 4 giờ sáng để vắt sữa bò cho gia đình, mặc dù hoàn cảnh nhà ông không mấy khá giả nhưng ông Carnegie vẫn không muốn từ bỏ con đường học vấn của chính mình. Trong khoảng thời gian làm việc sau khi tốt nghiệp State Teacher’s College tại Warrensburg, ông đã nảy ra ý tưởng về việc giảng dạy nghệ thuật giao tiếp trước đám đông đến với nhiều người. Và cuốn sách “Đắc Nhân Tâm” lần đầu tiên được xuất bản 1936 đã được cả thế giới đón nhận với lượt bán ra hơn 15 triệu bản tính từ trước cho đến nay. Với sức ảnh hưởng vô cùng lớn đã giúp cho hàng triệu người trên thế giới có sự thay đổi đáng kể về cuộc đời họ. Những giá trị to lớn mà cuốn sách mang lại đó chính là bí quyết chinh phục Nhân Tâm, một bí quyết tôi tin chắc chúng ta đều luôn muốn khát khao sở hữu.
Chúng ta vừa lúc mới sinh ra không phải ai cũng có thể sở hữu tính thiên bẩm trong nghệ thuật giao tiếp. Việc giao tiếp khéo léo, tinh tế đòi hỏi phải là một quá trình trau dồi từ những kinh nghiệm sống bản thân, từ tính cách trời ban, từ môi trường sống xung quanh hay từ ý thức của mỗi người đối với cuộc sống này. Cũng có thể ví nghệ thuật giao tiếp như là một chiếc cầu nối cho sự thành công trong sự nghiệp hoặc trong đời sống xã hội hằng ngày. Bởi, nếu bạn giỏi nhưng bạn lại không biết cách thể hiện những ý tưởng, quan điểm, chiến lược hay trong các buổi đàm phán thì cơ hội thành công đến với bạn sẽ thấp hơn nhiều so với những người khác. Cho nên, nội dung cuốn sách “Đắc Nhân Tâm” như một cơn suối mát lành dành cho những người đang khát khao có được sự bức phá đỉnh cao trong sự nghiệp của chính họ.
Quyển sách này bao gồm bốn chương lớn, trong mỗi chương sẽ chia ra những chương nhỏ, mà cụ thể những chương nhỏ ấy chính là bí quyết làm thế nào để chinh phục nhân tâm hay gây được sự thiện cảm đối với người đối diện. Xuyên suốt trong quyển sách này, đối tượng mà tác giả lấy làm ví dụ cho những bí quyết chinh phục lòng người chính là người bán hàng và khách hàng của họ. Thế nhưng, điều tôi muốn chúng ta phải mở rộng góc nhìn hơn nữa, nó không chỉ là với một người bán hàng mong muốn được bán những món hàng được giới thiệu tới những người khách hàng, mà nó còn là giữa những đối tác, giữa con người với con người, giữa bạn bè, giữa các đồng nghiệp, giữa những người thân với nhau. Như vài bài trước đây, tôi sẽ chỉ nói về một số lời khuyên mà chính bản thân cảm thấy ấn tượng nhất, phần còn lại tôi muốn dành cho bạn thời gian tự đọc sách và chiêm nghiệm những giá trị lợi ích cuốn sách mang lại. Bởi nếu tôi nói hết, bạn sẽ không cảm thấy nhiều sự hứng thú về quyển sách này nữa. Ok, giờ chúng ta quay lại chủ đề chính, lời khuyên đầu tiên tôi ấn tượng và đúc kết lại từ góc nhìn của mình trong quyển sách này, đó là: KHÔNG CHỈ TRÍCH, OÁN TRÁCH HAY THAN PHIỀN.
Việc chỉ trích hay than phiền một điều gì đó luôn là một vấn đề xảy đến với chúng ta hằng ngày, như: Bạn oán trách một người sếp quở trách khi không làm tròn nhiệm vụ, bạn than phiền vì một công việc không phù hợp bản thân nhưng lại không dám thay đổi, bạn chỉ trích mọi người về quan điểm sống cá nhân họ mà bạn cảm thấy không vừa ý và còn rất nhiều vấn đề chúng ta bất cứ lúc nào cũng có thể than phiền. Việc đó hiện giờ như một thói quen hằng ngày khi rất nhiều áp lực xã hội đang đè nặng trên vai, khiến cho tâm lý chúng ta trở nên khó chịu, mức độ hài lòng giảm sút. Việc ngừng chỉ trích, oán trách hay than phiền mà thay vào đó là sự cởi mở tâm trí, một tinh thần ham học hỏi và một tâm hồn bao dung sẽ giúp cho bạn có một chất lượng cuộc sống ngày một tốt hơn. Vì khi bạn mở rộng Tâm Thân Trí, sẵn sàng học hỏi những tri thức mới, bù đắp những ưu điểm vào khuyết điểm thì lúc đó, con đường thành công sẽ tiến gần hơn về phía bạn.
Lời khuyên thứ hai: THẬT LÒNG QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI KHÁC. Con người chúng ta gặp gỡ nhau chính là cái Duyên, vì thế chúng ta hãy biến những mối duyên ấy thành những điều tốt đẹp nhất trong mối quan hệ của mình. Việc thật lòng quan tâm, lo lắng, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong mọi niềm vui hay khó khăn sẽ giúp bạn thắt chặt mối quan hệ, đạt được sự tin tưởng dài lâu đến từ cả hai phía. 
Lời khuyên thứ ba: BIẾT LẮNG NGHE VÀ KHUYẾN KHÍCH NGƯỜI KHÁC NÓI VỀ VẤN ĐỀ CỦA HỌ. Trong mỗi người chúng ta đều có một cái “Tôi”, đa phần bạn muốn chia sẻ những vấn đề của bạn hơn là bạn lắng nghe thật tâm từ câu chuyện của người khác. Việc lắng nghe, khuyến khích họ nói về các vấn đề của mình sẽ giúp bạn hiểu hơn về người đối diện, giúp bạn có một cái nhìn khác trong tính cách của họ được che lắp đi bằng những cử chỉ rất bình thường trong sinh hoạt hằng ngày. Điều đó giúp mối quan hệ bạn càng bền chặt hơn, khi người đối diện cảm nhận được sự chân thành của bạn trong cách lắng nghe câu chuyện của họ.
Lời khuyên cuối cùng: HÃY MỈM CƯỜI. Thành ngữ chúng ta có câu: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, việc bạn mỉm cười không chỉ giúp bạn thân thiện hơn trong mắt người đối diện, giảm sự xa cách trong các mối quan hệ xã hội mà còn giúp bạn có thể giải tỏa đi những căng thẳng, áp lực trong cuộc sống. Bạn mỉm cười không chỉ đem lại hạnh phúc cho bản thân mà còn cho chính người đối diện. Nhưng điều quan trọng nhất trong nụ cười ấy phải xuất phát từ thật tâm của mình. Có như thế, bạn sẽ tự động thu hút được sự chú ý từ mọi người xung quanh bởi sức mạnh đến từ việc Mỉm Cười.
***Lời kết: Trong bài viết này, tôi muốn sử dụng “Lời Khuyên” để thay cho “Nguyên tắc” trong quyển sách. Bởi vì, trong quyển sách có một vài điểm đối với cá nhân mà tôi không thấy phù hợp với bản thân mình và mong muốn được chia sẻ những điều đó với các bạn.
– Thứ nhất: 12 cách hướng người khác theo suy nghĩ của bạn. Cá nhân tôi thấy mỗi người chúng ta đều có lối suy nghĩ và góc nhìn, góc cảm nhận riêng biệt. Việc đề ra các cách để hướng người khác theo suy nghĩ của chính mình thì tôi cảm thấy nó phù hợp về mặt lợi ích hơn là về giá trị đạo đức hoặc có thể gọi là cái Tâm của mỗi người và điều này khiến bản thân tôi cảm thấy không thoải mái.
– Thứ hai: Việc thay đổi quan điểm, cách ứng xử của một người rất khó có thể thực hiện. Vì đó là các yếu tố phụ thuộc vào môi trường sống, cách giáo dục, mối quan hệ và ý thức cá nhân của bản thân người đó. Thay vì áp dụng “Nguyên Tắc” thì tôi nghĩ “Lời Khuyên” sẽ phù hợp hơn. Lời khuyên sẽ giúp cho người ấy thêm góc nhìn mới để có thể tự thay đổi bản thân theo chiều hướng tốt mà không mang tính cứng nhắc.
Tất nhiên, đó là quan điểm cá nhân của riêng tôi khi đọc quyển Đắc Nhân Tâm và cũng không phủ nhận một số lợi ích chúng ta vẫn có thể áp dụng vào cuộc sống. Tuy nhiên, để bạn có hiểu rõ hơn về quyển sách thì hãy tự mình đọc và chiêm nghiệm, để đúc kết ra những lợi ích cho riêng mình. 
Quyển sách không mới, nhưng chính góc nhìn của chúng ta trong từng giai đoạn khác nhau sẽ khiến quyển sách sẽ mới. - Zoey C