Sơ lược một chút về tác giả Richard Nicholls – là một nhà trị liệu tâm lý, từng giữ chức vụ Giám đốc Phát triển của Hội đồng Quốc gia về Chữa bệnh bằng liệu pháp Thôi miên. Bên cạnh đó, ông còn là nhà sản xuất của chương trình phát thanh nổi tiếng nhất nước Anh : Motivate Yourself Podcast With Richard Nicholls và sở hữu kênh Podcast với hơn 5 triệu lượt tải. Ông cho ra đời quyển sách “Cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông” nhằm mục đích giúp độc giả hiểu rõ hơn về khái niệm và giá trị của sự hạnh phúc.
Nguồn : google
Nguồn : google
Quyển sách gồm 8 chương, mỗi chương sẽ chia thành các phần nhỏ có sự gắn kết với nhau. Về nội dung, tác giả mang đến sự giải đáp về khái niệm và các yếu tố liên quan đến “hạnh phúc” dựa trên góc nhìn khoa học và chia sẻ những hiểu biết, kinh nghiệm có được từ rất nhiều các nghiên cứu trong suốt những thập kỷ qua. Tiếp theo, mình sẽ chia sẻ một vài chương mà bản thân khá yêu thích.
Chương 1 : Liệu tiền có mua được hạnh phúc?
Mình nghĩ gần như tất cả mọi người đều sẽ trả lời có, điều này không có gì quá ngạc nhiên khi đồng tiền giữ một vai trò cực kì quan trọng và cần thiết trong xã hội hiện nay, điều này chắc chắn không thể phủ nhận. Có nhiều tiền đồng nghĩa với việc cuộc sống của chúng ta đầy đủ, ấm no, sức khỏe được chăm sóc một cách cẩn thận, hầu hết mọi vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, theo tác giả, điều này là không hoàn toàn đúng (dựa trên rất nhiều các bài nghiên cứu và khảo sát), tiền không làm chúng ta hạnh phúc mà cách chúng ta xài tiền mới là thứ quyết định hạnh phúc. Những món đồ yêu thích, xa xỉ mà chúng ta hằng mơ ước sẽ chỉ mang lại sự hạnh phúc nhất thời và sau một thời gian ngắn sở hữu, chúng ta sẽ dần mất đi cảm giác sung sướng vì bản thân mỗi người đều có thói quen hưởng lạc, tiếp xúc thường xuyên khiến chúng ta coi nó là một điều hiển nhiên và dần mất đi cảm giác sung sướng ban đầu. Thay vào đó, nếu chi tiền để mua các trái nghiệm tích cực cho bản thân như đi du lịch, gặp gỡ hoặc đi ăn uống cùng gia đình, bạn bè khiến chúng ta cảm thấy thỏa mãn hơn hoặc dùng tiền để giúp đỡ người khác đã được chứng minh rằng nó đem lại hiệu quả hạnh phúc cao hơn. Vì vậy, thay vì tập trung theo đuổi những món đồ chỉ mang lại hạnh phúc ngắn hạn, chúng ta cần cân nhắc đến việc sử dụng tiền cho những trải nghiệm mang lại lợi ích cho bản thân và cũng đừng quên, thỉnh thoảng hãy giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, vì điều này có liên quan đến chủ nghĩa vị tha, mà theo như các nghiên cứu thì những người có lòng vị tha thường có cuộc sống hạnh phúc.
Chương 5 : Thoải mái với việc thất bại
Thất bại khôngphải là một điều tệ hại mà là yếu tố cần thiết để gặt hái thành công. Dù vậy, khôngcó nhiều người có khả năng nhìn nhận sự thất bại của bản thân và lấy đó làm nguồn động lực để thúc đẩy bản thân phát triển hơn. Nhất là khi con người ta đang sống trong xã hội hiện đại, tất cả mọi người và các phương tiện truyền thông đại chúng đều chỉ nói về người chiến thắng, mặc định những người không đạt được các chỉ tiêu dựa trên thước đo mà xã hội đưa ra là những người thất bại. Một ví dụ thường thấy nhất đó là khi các bạn học sinh không vào được trường Đại học mình mong muốn, có nhiều lý do, có thể là vì thiếu một chút may mắn hoặc gia đình không có đủ điều kiện để chi trả những khoản tiền quá lớn cho việc học Đại học và vì những định kiến tồn tại từ lâu, tự xem mình là kẻ thất bại, chuẩn bị cho một tương lai tối tăm nghèo khổ, cảm thấy mặc cảm với bạn bè đồng trang lứa. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào khẳng định những người không vào được Đại học thì sau này đều không thể thành công, Đại học là một con đường phổ biến nhất nhưng không phải là con đường duy nhất. Nếu bạn lười biếng, không biết ước mơ mình là gì, không trau dồi bản thân qua việc học hành hoặc đơn giản là vào Đại học nhưng học đại thì khả năng thất bại hay thất nghiệp đều có thể xảy ra. Mọi kết quả đều dựa vào sự nỗ lực không ngừng của bản thân và đôi lúc, bởi vì thế giới luôn đổi thay từng ngày nên chúng ta cần đến những thất bại để biết bản thân mình đang ở đâu, cần điều gì để không chủ quan, kiêu ngạo hay ngủ quên trên chiến thắng. Những người nổi tiếng được đưa ra như Bowie, chị em nhà Bronte sau bao nhiêu nỗ lực thành công cho ra đời những tuyệt tác làm nên tên tuổi thì cũng không thấm nổi các tác phẩm đầu đời của họ.
Chương 7 : Kết nối bản thân
Mỗi người là một phần của xã hội và việc tương tác giữa người với người khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn vì tất cả đều là một phần của “bộ lạc”. Bên cạnh đó, nhu cầu kết nối xã hội cũng quan trọng như các nhu cầu ăn, uống, nghỉ ngơi và nhu cầu này đang ngày càng bị coi nhẹ và giảm một cách mạnh mẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đối với tinh thần mà còn với sức khỏe thể chất. Vào những năm gần đây, mọi người khi đang gặp khó khăn, áp lực nhưng thay vì tìm kiếm người thân trong gia đình hoặc bạn bè để giải tỏa cảm xúc thì họ lại dành nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội, sống trong thế giới ảo, tự cô lập bản thân và tách mình ra khỏi xã hội, dẫn đến khả năng bị trầm cảm cao hơn. Lời khuyên được đưa ra ở đây, là hãy cố gắng tương tác với cuộc sống bên ngoài nhiều hơn, tham gia các tổ chức tình nguyện, hội nhóm để gặp gỡ, kết giao bạn bè, biết được thêm một vài kĩ năng sẽ khiến bản thân tự tin hơn rất nhiều, ban đầu có thể sẽ không thoái mái hoặc thậm chí sẽ hơi áp lực, tuy nhiên việc này sẽ giúp cuộc sống trở nên lành mạnh hơn rấtnhiều.
“Cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông” là một cuốn sách hay, rất đáng để trải nghiệm và mình nghĩ nó phù hợp với tất cả mọi người, đặc biệt là những ai đang muốn thay đổi các thói quen không tốt để xây dựng một cuộc sống lành hơn. Tác giả nói về cách thức cơ thể chúng ta hoạt động, đặc biệt là não bộ, các chủ đề quen thuộc trong cuộc sống với một góc nhìn khác. Đồng thời mang đến các ví dụ cụ thể, những câu chuyện truyền cảm hứng từ các bệnh nhân của ông cùng rất nhiều lời khuyên hữu ích và bài tập xây dựng lòng tin, nâng cao giá trị bản thân, tips để cuộc sống dễ dàng hơn cho người đọc tự thực hành, chẳng hạn như bài tập xé bỏ nhãn dán, thiền chánh niệm, bài tập chủ nghĩa duy vật, cách đo mức độ hạnh phúc,…Tất cả theo mình đánh giá đều rất thiết thực và không quá khó nếu chúng ta kiên trì, tác giả đặc biệt nhấn mạnh chúng ta có thể làm được mọi thứ nếu điều đó được lặp đi lặp lại đủ nhiều để biến nó thành một thói quen, thậm chí là trở thành một bản năng của cơ thể.
Điều duy nhất mình chưa hài lòng lắm ở cuốn sách, là nội dung không hẳn là dễ hiểu với mình, có những đoạn mình phải đọc đi đọc lại vài lần mới thật sự hiểu ý tác giả và bên cạnh đó, vì đây là sách dịch lại từ tiếng Anh nên có một số chỗ người dịch dùng từ hơi lộn xộn và khó hiểu. Nhưng tóm lại, mình vẫn đánh giá cao cuốn sách này và có lẽ sẽ còn đọc lại nhiều hơn để hiểu một cách tường tận hơn.
Hy vọng bài review này sẽ giúp mọi người có thêm sự lựa chọn cho tủ sách của mình :D