Chúa ở đâu khi con người trải qua trăm ngàn đau khổ?
Chúa có đang lắng nghe lời thỉnh cầu của những đứa con bé bỏng không?
Tầm thường và cao thượng, bạn sẽ chọn điều gì làm lý tưởng sống cho cuộc đời mình? Ranh giới giữa chúng thật mong manh, vì đến sự tử tế thật khó để định nghĩa rõ ràng. Ai cũng muốn đóng vai người tốt trong bộ phim cuộc đời, chẳng ai muốn làm kẻ phản diện người người đều ghét. Nhưng ai dám khẳng định mình đã làm được điều ấy nếu chưa đi hết một đời?
“Sơ dạy chúng ta, rằng những ai chọn yêu cách sống cao thượng sẽ không bao giờ phải kết thúc cuộc đời trong bi kịch.”
The Tree of Life
Vậy mà người sống cao thượng vẫn gặp phải chuyện xấu. Một đứa trẻ về với Chúa khi mới 19 tuổi khiến người ta nghi ngờ niềm tin dành cho đấng toàn năng. Nếu Chúa thực sự phân minh thì tại sao Người lại lấy đi người tốt và để lại cho thế giới đầy những tị hiềm, dối trá? Con người đạp lên nhau với những mánh khóe, lừa lọc để dành lấy thành tựu. Yếu mềm trở thành điểm chí mạng dẫn tới thất bại, đau khổ. Thế giới trở nên hỗn độn khi những giá trị sống đích thực bị gạt sang bên rìa để nhường chỗ cho những kẻ mạnh đứng lên.

Bộ phim chỉ xoay quanh một gia đình nhỏ nhưng đủ để người xem suy nghĩ về vòng xoáy cuộc đời. Sự áp đặt phải trở thành kẻ mạnh làm chủ cuộc chơi đã đẩy 3 đứa trẻ vào những suy nghĩ tiêu cực, trở nên nhạy cảm, nổi loạn hơn so với độ tuổi của chúng. Người anh cả muốn dành lấy tình yêu thương của cha mẹ và dần trở thành kiểu người mà chính bản thân ghét nhất. Đối lập với người anh, người em thứ hai tính tình ôn hòa, không muốn gây đau khổ cho ai dù người khác khiến em chịu đau thương, sợ hãi. Nhưng trớ trêu rằng, Chúa lại đưa em đi mất. Có lẽ, mục đích của Người là để những người sống phải tự vấn, dằn vặt và học những bài học dang dở của mình.

Không nhiều cuộc hội thoại giữa các nhân vật trong phim. Thay vào đó là tiếng nói nội tâm của họ. Những tiếng nói sâu thẳm về lẽ sống, cuộc đời cứ trào lên đầy day dứt. Niềm tin lung lay về mọi thứ, hỗn độn như chính các cảnh quanh trong phim, không theo một mạch cụ thể hay tập trung sâu vào vấn đề gì. Từng thước phim đều đẹp ma mị, kết hợp với nhạc giao hưởng đã đẩy cảm xúc người xem từ quay cuồng đến rùng mình, sởn gai ốc.

Đặc biệt, cảnh không gian khai sinh vũ trụ đẹp mơ màng gây ám ảnh mãi. Chúng ta là ai? Từ đâu đến? Phải chăng cũng chỉ là một chấm nhỏ không rõ giữa hàng trăm dải ngân hà trong vũ trụ này sao? Nhưng rốt cục Chúa ở đâu và Người có thực sự dõi theo, lắng nghe lời nguyện cầu của những con chiên ngoan đạo luôn hướng về Người? Không có câu trả lời. Không có tiếng nói vọng lại. Chỉ có trái tim con người vang lên tiếng lòng và dẫn lối đường đi mà thôi.

The Tree of Life - Cây Đời - Nó xuyên suốt bộ phim và tại sao tác giả lựa chọn hình ảnh ấy? Chúng ta có thể thấy cây cối xuất hiện khắp mọi nơi, từ núi rừng hùng vĩ đến đồng bằng phẳng lặng. Cây cũng có vòng đời riêng, có sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng nó khác con người ở chỗ, nó biết mục đích sống của mình là gì mà vươn lên hướng về phía ánh sáng. Còn chúng ta, phần đầu cuộc đời êm ả, phần giữa loay hoay tìm lẽ sống và định hình bản thân, phần cuối đời chìm đắm suy tư về tất cả chuyện cũ. Có người đi được hết lộ trình ba phần, có người dừng lại ở đâu đó. Nhưng dài hay ngắn có quan trọng đâu nếu cả con đường ấy chúng ta chỉ tồn tại mà quên đi mình phải sống. Vì vậy, nếu có thể, hãy sống như một cái cây.

138 phút tập trung xem trọn bộ phim này cũng đáng, dù phim có nhiều tầng nghĩa mà mình chưa hiểu hết. Mặc dù không được đại chúng đón nhận, nhưng The Tree of Life phù hợp với các anh em du thần thích dòng phim chiêm nghiệm. Trân trọng những gì đang có và đừng kịch tính hóa cuộc đời mình. Đến một lúc nào đó, tất cả câu hỏi đặt ra sẽ được vũ trụ hồi đáp, hoặc bạn cũng chẳng cần câu trả lời nữa vì trong lòng đã có đáp án riêng.
“Con người không lớn lên trong bão tố, không lớn lên trong chiến tranh. Con người chỉ lớn lên trong chính nỗi cô đơn, nếu không tuyệt vọng. Tôi ơi đừng tuyệt vọng là vậy!” - Nhạc sĩ Trần Tiến.