Trước khi review lại bộ phim này, tôi phải cảm ơn đạo diễn Trấn Thành vì đã cho tôi cảm hứng để viết về một cái gì đó. Đã lâu rồi tôi không gõ phím...
Life's too short.
Bạn có nhiều lí do để ra rạp xem bộ phim này: Vì là một fan cứng của Trấn Thành và muốn ủng hộ thần tượng của mình, vì những con số thống kê phòng vé ấn tượng, những kỉ lục mà bộ phim này đang nắm giữ hay đơn giản chỉ là muốn ra rạp để tìm những giây phút thư giãn ngày Tết... Dù là lí do nào đi chăng nữa, tôi tin rằng bộ phim này sẽ không làm bạn thất vọng.
Cũng như BỐ GIÀ và NHÀ BÀ NỮ, hai bộ phim trước của Trấn Thành, MAI thuộc thể loại hài, tâm lý, tình cảm nhưng lần này được gắn mác 18+ vì có những cảnh nóng trong phim.
Nơi tình yêu bắt đầu
Bộ phim xoay quanh nhân vật Mai (Phương Anh Đào) với quá khứ tủi cực và tăm tối, thậm chí bị người cha ham mê đỏ đen bán đi làm gái để lấy tiền thỏa mãn nhu cầu bản thân. Quá khứ đáng quên đó in dấu bằng vết sẹo trên cổ tay khi cô từng tự tử nhưng bất thành, cùng với đó là người con LGBT (Uyển Ân), niềm vui gần như duy nhất của cô.
Mai của hiện tại ở chỗ làm là một nhân viên mát-xa lành nghề, được nhiều khách hàng săn đón nhưng lại bị đồng nghiệp đố kỵ và ra tay hãm hại. Dẫu vậy với bản chất hiền lành, cô luôn nín nhịn để bảo vệ bản thân và lo cho gia đình. Tương tự như vậy, ở chỗ trọ, cô bị những người hàng xóm xấu bụng lời ong tiếng ve, bị họ đổ rác và để chó "làm bậy" trước nhà. Tệ hơn, cô còn bị một tên hàng xóm dê xồm cưỡng hiếp nhưng được giải cứu kịp thời. Những lúc như vậy, cô cũng chỉ bấm bụng cho qua.
Yêu đâu có ai khôn đâu.
Sâu (Tuấn Trần), cậu ấm trong một gia đình giàu có và cũng là một tay chơi chính hiệu. Với mong muốn sống một cuộc sống tự lập, thoát khỏi sự lệ thuộc của gia đình, anh ra ngoài thuê phòng trọ và từ đó gặp Mai. Cuộc gặp gỡ định mệnh này thay đổi tất cả. Từ một tay chơi chỉ biết tiêu tiền và "sát gái", Sâu nghiêm túc tìm một công việc và mong muốn gắn bó với một ai đó. Từ một người cô gái trải đời, mất niềm tin vào tình yêu và cuộc sống, Mai đã dám mở lòng, chấp nhận phiêu liêu trong tình yêu. Cùng với đó, cuộc gặp gỡ này cũng đem lại những tình tiết thú vị, hấp dẫn trong bộ phim, tiếng cười cũng lắm và nước mắt cũng nhiều.
Cái mền sạch nhất cũng có bụi
Cha mẹ nào cũng yêu thương con
Nếu được bầu chọn diễn viên xuất sắc nhất trong phim, tôi sẽ chọn cô Đào (Hồng Đào). Diễn xuất của cô khi khóc nghẹn trên xe, khi bị tai biến trong bệnh viện và ở những phân cảnh khác trong phim là kết tinh của một tuổi nghề gạo cội và lão luyện.
Người phụ nữ thành đạt và góa chồng ấy được biết đến là khách hàng thân thiết, là người quen duy nhất của Mai ở thành phố và là người yêu thương và luôn đối xử tử tế với Mai. Có ai ngờ định mệnh đã khiến bà Mai phải "trở mặt" với nhau.
Em muốn yêu. Em gần 40 tuổi rồi.
Những lời bà khuyên Mai ở phòng mát-xa với tư cách là của một chị thương em. Nhưng những lời khuyên ở nhà thờ trên danh nghĩa là cùng tư cách trên nhưng thực chất lại là những lời khuyên của một người mẹ thương con. Điều đáng nói là những lời khuyên này lại mâu thuẫn với nhau. Cô Đào ở phòng mát-xa khuyên Mai đừng tìm người chín chắn để yêu, cứ yêu đi rồi nó sẽ chín chắn, nhưng khi ở nhà thờ, cô lại nói là Sâu chẳng thể lo lắng và đem lại hạnh phúc cho Mai.
Đừng tìm người chín chắn để yêu, cứ yêu đi tồi nó sẽ chín chắn
Bà mẹ ấy yêu thương. Điều này chẳng thể phủ nhận. Với gia cảnh hiện tại, có người mẹ nào can đảm để đứa con trai duy nhất trong gia đình hào môn của mình lấy một cô gái U40, hơn con mình 7 tuổi với quá khứ làm gái và hiện tại làm nhân viên mat-xa, hằng ngày tiếp xúc với biết bao nhiêu đàn ông, liệu rằng tay của cô ấy chẳng đã "dính chàm" nhiều lần nữa. Chẳng những thế, cô ấy còn có một đứa con LGBT chẳng kém con trai mình bao nhiêu tuổi và một người cha dính tới bài bạc, nợ nần và cả xã hội đen.
Một người mẹ thương con nỡ để con trai của mình gánh lấy một gia đình 3 người có hoàn cảnh như thế sao? Đặt lên bên cân giữa một "đứa em xã hội" và một người con mình đứt ruột đẻ ra và hy sinh cả thanh xuân để lo cho nó. Nếu là bạn, bạn sẽ chọn bên nào?
Nhưng ở một góc nhìn khác, tôi cho rằng cô Đào đã chọn BẢO BỌC CHO CON thay vì HẠNH PHÚC CỦA CON hay TỰ DO CỦA CON. Lời thoại của Tuấn Trần tôi chỉ nhớ đại ý: ước mơ của con sâu là luôn mong một ngày nào đó sẽ hóa thành con bướm. Nhưng nếu con sâu cứ sống trong cái kén của người mẹ như thế thì đến bao giờ nó mới cất cánh để trở thành con bướm được.
Đối lập với nhân vật cô Đào là nhân vật ông Hoàng (Trấn Thành), người cha đang tâm đẩy con gái mình xuống bờ vực thẳm. Bao lần Mai muốn vươn lên là bấy nhiêu lần ông lại đạp xuống. Ông Hoàng làm tôi liên tưởng đến nhân vật người mẹ của nhân vật Phòng Tự Cẩm trong bộ phim nhiều tập An Gia Thiên Hạ của Trung Quốc. Biết sao được, xã hội này vẫn không thiếu những người cha, người mẹ như thế. Chúng ta buộc phải đón nhận điều đó như một phần trong bộ phim và một phần tất yếu trong cuộc sống hiện thực.
Giá trị nhân văn
Cái chết của ông Hoàng như tháo được nút thắt lớn nhất cuộc đời của Mai, tương tự như cái chết của nhân vật ông nội cũng tháo được nút thắt lớn nhất của Phòng Tự Cẩm trong An Gia Thiên Hạ. Tôi tin đây là một chủ ý có tính toán của đạo diễn Trấn Thành. Khi "cái túi tiền không bị thủng đáy" nữa, chỉ trong vòng 4 năm, Mai đã thành công trong việc xây dựng sự nghiệp và trở nên một người phụ nữ thành đạt.
Bên cạnh đó, trong phim có một người phụ nữ không được gọi tên, lúc nào cũng ngậm điếu thuốc trên môi, ăn mặc diêm dúa, mở miệng là thốt ra những lời cay nghiệt, tục tĩu. Khỏi nói thì chúng ta cũng biết bà ta làm nghề gì. Và dĩ nhiên, bà ta bị cả dãy trọ hắt hủi, né tránh. Có lẽ trong phim bà ta chỉ nói những lời tử tế với riêng Mai, những lời chia sẻ, động viên, khuyên bảo... Thế đấy, những con người ở dưới "đáy xã hội", những người "có chung cảnh ngộ" lại tìm thấy nhau, tìm thấy nơi nhau sự nâng đỡ, sẻ chia chân thành. Trong khi những người tự cho mình là thiện lương, là tốt lành thì lại chuyên làm những việc ám muội, xấu xa. Hạng người này miệng luôn nói đạo lý nhưng có cơ hội lại chực chờ giơ nanh múa vuốt để hãm hại người khác.
Nếu ai chú ý sẽ thấy phòng của người phụ nữ này nằm ở tầng trên cùng của dãy trọ. Điều này thể hiện thế đứng của bà ta vượt lên trên dư luận, vượt lên trên những phán xét của xã hội. Những lần gặp gỡ qua đường theo đúng nghĩa đen của nó (hai người thậm chí chẳng kịp hỏi tên nhau) lại là chất xúc tác khiến Mai thay đổi hoàn toàn tính cách của mình. Từ một người phụ nữ chỉ biết cam chịu, Mai uýnh lại người đồng nghiệp chuyên ức hiếp, hãm hại mình, bật lại những người hàng xóm xấu tính chuyên làm những điều tồi tệ sau lưng cô. Chắc ai trong chúng ta cũng hả hê, phấn khích khi xem những phân cảnh đó.
Chúng ta đều xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Người như Mai lại càng xứng đáng hơn nữa.
Nốt trầm trong phim
Đã không có một happy ending, một cái kết viên mãn. Sâu và Mai trong tình yêu không có ai sai, ai đúng. Cái sai duy nhất của họ là đã đến với nhau sai thời điểm. Sâu yêu Mai chân thành, nhưng trong mối quan hệ, trước mọi biến cố cần đưa ra quyết định, Mai luôn là người chủ động. Những lúc đó, Sâu chỉ biết khóc, cả lúc gặp lại sau 4 năm cũng vậy. Anh có thể đem lại cho Mai cảm xúc dữ dội, cuồng nhiệt khi lần đầu được yêu nhưng lại chẳng thể giúp được gì cho cô khi những cơn giông tố cuộc đời ập tới. Thứ mà Mai cần không đơn giản chỉ là tình yêu mà xa hơn nữa còn là bờ vai của một người đàn ông từng trải để Mai có thể tựa vào, sau khi đã đi qua hết những khúc quanh nghiệt ngã của cuộc đời tăm tối.
Cảm ơn anh. Vì đã không đợi em.
"Cảm ơn anh vì đã không đợi em." Sau 4 năm gặp lại, Mai buông câu nói này nhẹ tênh, như mặt hồ không gợn sóng. Người nói đợi nhưng lại đã có một người con gái khác, sắm vai một người con có hiếu. Người nói không đợi rốt cuộc lại là người chờ đợi trong mỏi mòn. Dưới mặt hồ không gợn sóng lại đang tồn tại một con sóng ngầm, bao nhiêu năm cứ cồn lên, da diết, khôn nguôi. Con sóng tình ấy chưa được tuôn trào đã vỡ vụn khi gặp lại người "đàn ông của cuộc đời" đang tay trong tay hạnh phúc với người con gái khác. Tôi đã khóc cùng Mai trong cảnh cuối trên xe.
Thấy không? Đâu có ai sống thiếu ai mà chết đâu.
"Thấy không? Đâu có ai sống thiếu ai mà chết đâu." Liệu có thật như vậy. Cuộc đời người con gái ấy đã "chết" trong tình yêu một lần rồi. Người đàn ông ấy bước qua trong đời những tưởng sẽ làm cô gái được hồi sinh nhưng lại làm cô ấy "chết" thêm một lần nữa. "Tại sao yêu nhau không đến được với nhau?" Lời bài hát của ca sĩ Tuấn Hưng chợt vang lên trong đầu ngay lúc này khiến tôi hoài niệm về mối tình đầu nhiều năm về trước.
Về Mai
Ai trong chúng ta cũng biết mai là loài hoa biểu tượng cho mùa Xuân của dân tộc, ít nhất là ở miền Nam. Trong văn học xưa, mai còn là loại cây tượng trưng cho khí tiết, cốt cách của người quân tử "Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất" (Mạnh Tử) và đúng như câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du "Mai cốt cách, tuyết tinh thần". Nhân vật Mai trong phim cũng như vậy, mặc dù ở gần bùn, ở giữa bùn nhưng chẳng hôi tanh mùi bùn. Mai làm việc, lao động một cách chân chính, không để hoàn cảnh, số phận đẩy mình vào con đường nhơ nhớp. Những sugar baby thời nay không muốn lao động, chỉ muốn "ngồi bát ăn bát vàng" có suy nghĩ gì khi soi chiếu cuộc đời của mình vào cuộc đời của Mai?
Mai cũng có nghĩa là ngày mai, một biểu tượng của sự hi vọng. Dẫu cuộc sống có đối xử với chúng ta bất công như thế nào đi chăng nữa, miễn là chúng ta còn hi vọng, miễn là chúng ta còn niềm tin vào cuộc đời, lao động chân chính, nhiệt huyết và đam mê thì quả ngọt sẽ luôn đợi chúng ta phía trước. Có thể Mai thất bại trong tình yêu thì ít nhất Mai cũng đã có một sự nghiệp có thể được coi như là viên mãn. Đúng vậy, chúng ta luôn có một thứ hi vọng mang tên là ngày mai. Sau cơn mưa trời lại sáng. Sau những ngày u ám, ảm đạm sẽ luôn có một ngày mai tươi sáng chờ đợi phía trước.
Tôi yêu hình tượng nhân vật Mai, yêu tính cách và con người của nhân vật này. Khi tình yêu đến, Mai yêu một cách cuồng dại. Phân cảnh Mai "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" tìm đến trong đêm và chủ động lao vào Sâu có lẽ sẽ khiến nhiều người đang yêu cảm thấy thỏa mãn. Nhưng cũng chính người phụ nữ đang khát khao tình yêu mãnh liệt đó lại chủ động rời đi để đảm bảo hạnh phúc cho một gia đình khác. Những người hiểu chuyện thường thiệt thòi chính là như vậy.
Và như đã nói ở trên, tôi yêu Mai vì những phẩm chất tốt đẹp của một con người sống giữa thời đại kim tiền nhưng không bị những thứ đó làm cho lóa mắt. Trong xã hội hiện nay, ai có thể sống được một cuộc đời như Mai? Tôi tin là vẫn còn, rất nhiều, cũng như tôi vẫn luôn tin những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Thay lời kết
Bạn có thể yêu hay ghét Trấn Thành, nam đạo diễn đã dính vào rất nhiều drama dạo thời gian gần đây. Cũng như bạn có thể đồng tình hay không đồng tình với những quan điểm tôi nêu lên trong bài viết.
Như đã nói ở đầu, tôi viết bài viết này chỉ vì bộ phim cho tôi có cảm hứng để viết một cái gì đó, trên quan điểm hoàn toàn trung lập, với tư cách là một người yêu thích và mong muốn thưởng thức nghệ thuật chân chính
Tôi viết bài viết này cho những người đã coi phim Mai, mong góp một góc nhìn khác. Tôi cũng viết cho những người chưa coi, hi vọng họ có thêm động lực để đừng bỏ qua bộ phim này. Cũng giống như Bố Già và Nhà Bà Nữ, Mai sẽ có lúc khiến bạn bật cười thành tiếng nhưng cũng có lúc làm bạn nghẹn ngào chẳng nói nên lời. Chắc hẳn nó có lý do để thống trị đường đua phim Tết 2024.
Một lần nữa, cảm ơn đạo diễn Trấn Thành vì bộ phim tuyệt vời này.