Nhân một khoảng thời gian bất ổn của bản thân, mình mong muốn đi xem bộ phim này với hi vọng sẽ tìm ra được một lối ra cho mình. Mình cũng nghĩ là sẽ rơi nước mắt rất nhiều.
Suy nghĩ đầu tiên của mình khi xem trailer đó là cảm giác đây là một bộ phim "nối lại tình xưa", với thông điệp làm sao chúng ta có thể dọn đi những kí ức đã gắn với một người mình từng thương, và cụ thể ở đây là chuyện tình nam nữ. Nhưng hơn cả thế, phim đã mở cho mình những suy tư về nhìn chung các mối quan hệ trong cuộc đời, dù đó là thân sinh phụ mẫu hay người bạn trước đây mình từng bỏ quên những xích mích chưa giải quyết.
CÂU CHUYỆN CỦA CÔ GÁI TÊN JEAN
Phim có bối cảnh một cô gái tên Jean, du học sinh từ Thụy Điển ba năm nay trở về quê nhà. Là một kĩ sư, cũng như đã tiếp thu lối sống khi còn du học, Jean muốn sẽ sử dụng căn nhà của mẹ và anh sửa thành studio, xây dựng theo phong cách tối giản (minimal). Trong khi thực tế căn nhà kia thì lại quá nhiều đồ đạc, đến mức Pink - bạn thân của Jean - phải thốt lên "căn nhà của cậu thật là maximal".
Theo những lớp bóc tách từ đầu đến cuối phim, có thể thấy Jean là một sản phẩm của nỗi sợ bị bỏ rơi, nên thay vì đối mặt với chuyện chia li, Jean chọn trở thành người quay lưng lại trước, ngoảnh mặt vô tình. Jean vô tình với những đồ vật đã cũ, lạnh lùng thẳng tay đưa chúng vào những bao rác đen "hố vũ trụ", đến nỗi cô lỡ tay vứt đi món quà từ bạn thân của mình. Tuy nhiên, cũng từ sự việc trên, Jean nhận ra mình cần có trách nhiệm với những món đồ đó và quyết định mang trả lại cho chủ cũ. Nội dung phim không chỉ xoay quanh câu chuyện Jean và Aim mà còn là quá trình tháo gỡ những mối quan hệ khác, trong đó là câu chuyện về người cha đã bỏ đi, để lại là một chiếc đàn piano mang nhiều tổn thương khi nhìn.
Khi Jean gặp Aim để trả lại chiếc máy ảnh và nói lời xin lỗi muộn màng, mình đã nghĩ rằng đây chính là giải pháp mà tất cả chúng ta nên làm đối với những kỉ niệm mang day dứt. Chắc hẳn Jean cũng như chúng ta, đã vô cùng đắn đo để quyết định nói hay không nói, trả hay không trả, quên bằng cách nào. Như Pink đã nói "chỉ khi hai người cùng quên, thì đó mới thật sự là kết thúc", còn làm sao để quên thì Jean phải tự tìm câu trả lời. Lời xin lỗi của Jean là thứ mà cô ấy nên nói từ ba năm trước, tuy muộn nhưng không hề có tính toán. Còn về những cảnh sau đó, có Jean và Aim, đều có Mi - người yêu mới của Aim - xuất hiện, như một lẽ thường tình họ phải đi cùng nhau để giữ sự minh bạch.
Từng đồ vật trong chiếc bao rác đen của Jean đều chứa đựng kỉ niệm, chúng gắn kết với những cái tên và những khoảng thời gian cô gái ấy đã đi qua. Những đống đồ từ tuổi thơ giờ đã được công nghệ hóa, những tấm ảnh lưu lại cảm xúc vô giá một thời và những món quà gợi nhớ về một người từ quá khứ. Sáu bài học Jean liệt kê ra, là sáu bước cô ấy đã trải qua trong một tháng thu dọn nhà, đồng thời là sáu sự chuyển biến trong cả hành vi, tư duy, suy nghĩ của cô gái tưởng chừng như rất vô tâm đến mọi thứ xung quanh mình. Cây đàn không chỉ mang dáng hình của người cha trong gia đình Jean, đó còn là một hi vọng của sự hàn gắn, đến khi sự hi vọng đó vụn vỡ thì cây đàn chỉ là sự chấp nhận rằng quá khứ đã đi qua. Cũng như cây đàn, chiếc máy ảnh là cầu nối, là thứ duy nhất để bắt đầu lời giải thích dang dở mà Jean bỏ lại ba năm trước cho Aim.
Kết quả hình ảnh cho happy old year gdh
Núi bao rác "hố đen vũ trụ" của Jean và gia đình
Xuyên suốt câu chuyện, mình cảm thấy có những luồn suy nghĩ, tư duy và hành động xung động với nhau liên tục đến từ người của những thế hệ khác nhau. Jean, Pink hay thậm chí là Aim và Mi, đều là hiện thân của thế hệ mới - young gen Y and generation Z - với những nét tính cách độc lập, thẳng thắn, nắm bắt công nghệ và dứt khoát trong nhiều việc. Khác với mẹ của Jean, kiên quyết giữ lại những món đồ mang dáng hình của kỉ niệm, cho dù người cùng nhau tạo ra kỉ niệm đó đã sớm quên cả rồi. Cuộc cãi nhau của Jean và mẹ chính là đỉnh điểm của sự đối lập trong ý thức hệ, khi khái niệm về ích kỉ, về quá khứ và về bước tiếp được nhìn dưới lăng kính của thế hệ khiến lời thoại vừa đau lòng lại nhiều tâm tư phía sau.
Kết quả hình ảnh cho happy old year gdh
Cây đàn của người cha để lại
NHỮNG PHÂN ĐOẠN MÌNH YÊU THÍCH
Cảnh đầu tiên khiến mình bật khóc là khi chiếc xe chở những bao rác đen "hố vũ trụ" được đạp ga và chạy đi. Mình nhìn lúc đó cảm thấy rất nghẹn ngào, như là nhìn những phần kí ức và kỉ niệm được hiện hình hóa và bị người ta mang đi đến một nơi chỉ dành cho phế liệu. Vậy là mình khóc thôi.
Một trong những cảnh mình ấn tượng nhất là khi Mi đến gặp Jean để trả lại chiếc áo, khung cảnh được lồng trong hai khung cửa, Mi một bên, Jean một bên, từ ống kính nhìn ra thì thứ ngăn cách họ là thanh cửa gỗ. Hai người này, một là người yêu mới, một là người yêu cũ, đứng cách nhau khoảng cách gần như vậy, nhưng xa nhau bởi tình cảm của một con người. Mi đến để trả lại chiếc áo thun, đồng thời thông báo chuyện cô ấy và Aim đã chia tay, người xem cũng có thể hiểu nguyên do chính là việc Jean đã xuất hiện trở lại trong cuộc sống của Aim. Trong cuộc hội thoại đó, Mi đã bảo "nếu như mình không từ chối bưu kiện của cậu, thì sự việc đã khác", câu nói chứa đầy sự tiếc nuối. Câu nói của Mi là câu nói mà mỗi chúng ta đã từng nói với lòng, khi nhận ra bài học rằng mọi quyết định đều sẽ dẫn đến những kết quả khác nhau, hiện tại của bản thân chính là kết quả từ những hành động trong quá khứ.
Sự tức giận của Aim lúc cuối phim để lại cho mình nhiều suy nghĩ nhiều hơn cả, vì trước đó đã tin rằng hành động xin lỗi của Jean là vô cùng chính đáng. Nếu như là bản thân mình thì chắc chắn cũng sẽ muốn đến gặp trực tiếp người ta để nói một lời ngay thẳng, xin lỗi thành tâm dù biết không thể nào bù đắp lại khoảng tổn thương đã gây ra. Aim đã chỉ ra rằng, chính những lời xin lỗi và mong cầu sự tha thứ đó là những điều ích kỉ của cá nhân, khi họ chỉ muốn thoát khỏi cảm giác mặc cảm, tội lỗi do chính hành động mình đã gây ra. Câu nói của Aim mang lại một sự bối rối cho mình, và biểu cảm của Jean có lẽ cũng sẽ là của mình nếu trong hòan cảnh đó. Vậy thì mình nên làm gì nếu mình là Jean? Chỉ nên im lặng vứt chiếc máy ảnh đi và để lương tâm tự cắn rứt hay sao?
Vì vậy, có lẽ theo quy luật dọn nhà thứ 6 của Jean là đừng nhìn lại, việc tốt nhất đừng bao giờ nhìn lại quá khứ, hãy cứ buông bỏ những gì đã qua để bước tiếp, hướng đến những điều tốt đẹp đang chờ đợi mình ở phía trước.
Ngoài ra, phim có những góc quay rất đẹp, với gam màu ấm của mùa thu, xen kẽ đó là những màu trắng - xanh nhạt trống trải và "gọn gàng" của một ngôi nhà đã được dọn sạch, hi vọng tâm trí chúng mình cũng có thể như vậy sau khi đã dọn kí ức. Những góc quay chậm chạp, khoảng thời gian hình tĩnh nhiều, cũng như là cách máy quay đi từ một khung cảnh rộng và tiến dần về một điểm tập trung khiến cho nhiều chi tiết được nhìn kĩ hơn, nặng nề tâm tư và cảm xúc nhiều hơn.
FACTS - BUT NOT SURE TO BE FUN
Điểm lại 6 bước dọn của Jean:
Bước 1: Đặt mục tiêu tìm ra nguồn cảm hứng
Bước 2: Không hồi tưởng lại quá khứ
Bước 3: Đừng giữ cảm xúc quá nhiều
Bước 4: Đừng nao núng, đừng quá tình cảm
Bước 5: Đừng thêm nhiều thứ khác vào
Bước 6: Đừng nhìn lại

Một đoạn trả lời phỏng vấn từ đao diễn: 
Câu hỏi: Trong khi xem phim của anh, tôi đã luôn cố gắng tìm những chi tiết nhỏ nhặt, như những thông điệp trong những dòng chữ ngắn được ẩn giấu ở đâu đó giữa các nhân vật và hiện thực của họ. Có một thứ tôi đặc biệt thích: bị lạc trong không gian (lost in space). Thông điệp trên kết nối với bước tiếp theo: đừng thêm nhiều thức khác vào (bước 5). Câu hỏi của tôi sẽ là - làm thế nào để không lạc trong không gian và làm thế nào để không thêm nhiều thứ nữa?

Câu hỏi rất khó! (cười) Tôi nghĩ bạn phải hiểu chính mình. Trong trường hợp của tôi, tôi bắt đầu thực hành kiểu suy nghĩ này, vì tôi thích sách đựng ảnh và tôi thường mua rất nhiều. Nhưng kệ của tôi đã đầy chúng bây giờ, vì vậy tôi cần phải ngừng làm điều đó. Đôi khi bạn chỉ cần mở nó, bạn thích nó, bạn mua nó, chỉ như thế. Trong 4 hoặc 5 năm nữa, bạn có thể sẽ không mở nó nữa. Đôi khi chúng ta nhìn vào thứ gì đó trong 5 phút trong hiệu sách, chúng ta mua nó, nhưng thực tế, nó không hoàn toàn cần thiết trong cuộc sống của chúng ta. Khi tôi nhìn vào mọi thứ, tôi bắt đầu suy nghĩ, liệu tôi có thực sự muốn nó hay không; hãy tự hỏi mình - tôi sẽ thực sự sử dụng nó trong tương lai chứ? Chúng ta có một không gian rất hạn chế, vì vậy chúng ta không thể có mọi thứ, chúng ta cần phải biết những gì chúng ta muốn thực sự, chúng ta phải biết giới hạn, vì vậy chúng ta có thể nhận thức được sự cần thiết của chúng ta, những gì chúng ta phải thực sự đưa vào cuộc sống của chúng ta .
Kết quả hình ảnh cho happy old year gdh mi and jean
Lost in space
Words for anyone who read to this point: Cảm ơn bạn đã đọc bài viết đầu tiên và chưa hoàn hảo của mình. Chúc bạn một ngày vui vẻ!