Hai tháng trước, khi mình biết rằng Drive my car trong Những người đàn ông không có đàn bà của Haruki Murakami được chuyển thể thành phim và cũng được đánh giá là có thể đoạt giải Oscar, thì trong đầu mình bật ra nhận xét rằng “Cái quái gì vậy? Tại sao truyện ngắn đó lại được dựng thành phim chứ không phải truyện ngắn khác trong cuốn Những người đàn ông không có đàn bà? Rồi lại đủ hấp dẫn để đi tranh giải Oscar?”
Với cá nhân mình thì Kino và Nàng Scheherazade (Cá mút đá) thú vị hơn để chuyển thể thành một tác phẩm điện ảnh hơn là Drive my car, một truyện ngắn có sự yên ả và ít điểm nhấn hơn. Và khi xem xong thì mình vừa đúng và sai, Drive my car rất hấp dẫn, nhưng trong Drive my car có cả Kino lẫn Nàng Scheherazade trong đó. Drive my car không phải là một bộ phim dựa trên một truyện ngắn mà là một loạt các truyện ngắn và tạo thành một tiểu thuyết dược dạng ngôn ngữ điện ảnh dài 180 phút. 
Vì thế Drive my car vừa quen thuộc nhưng cũng rất mở mẻ, có sự sáng tạo và biến tấu nhưng vẫn mang đậm phong cách và văn chương của Murakami dưới một hình thức khác thông qua các thước phim chứ không phải là trang sách. Nhưng cái hay của Drive my car là dù bạn chưa từng đọc những gì Murakami viết thì nó cũng đáng bỏ ra 3 tiếng đồng hồ để xem bằng một câu chuyện đánh thẳng vào các vấn đề tình yêu, tình dục, phản bội, mất mát cô độc và tái sinh vốn luôn là thứ ảnh hưởng tới thế giới nội tâm của tất cả chúng ta.

MỘT CÂU CHUYỆN NẰM TRONG NHỮNG CÂU CHUYỆN 

Tình dục, tình dục và tình dục là những gì đập vào mắt người xem liên tiếp đến hơn 20 phút đầu tiên trong Drive my car.
Cách này có thể gây sốc với người xem khi không biết rằng chủ đề sex vốn một trong những điều quen thuộc trong văn chương của Haruki Murakami. Còn với một người đã đọc gần như tất cả các tác phẩm của Haruki Murakami như mình thì lại ghi nhận rằng đây là cách mà những nhà làm phim đã đi sát với phong cách của tác giả nhất có thể.
Điều này thực sự truyền tải đúng những gì mình cho là thú vị khi một câu chuyện được chuyển thể thành phim là: xem phim nhưng cứ ngỡ đang đọc truyện. Trước đây mình đã cảm nhận được điều này khi xem The Burning – một truyện ngắn khác được Hàn Quốc chuyển thể thành phim, đặc biệt là thông qua diễn xuất của nhân vật nữ và lời thoại trong The Burning. Thật tiếc là mình chưa xem trọn vẹn Rừng Na Uy sau hai lần ngồi xuống bàn và và bật laptop xem. Mình có nhận định chủ quan rằng Rừng Na Uy phiên bản điện ảnh không truyền đạt được những gì mình cảm nhận được từ tiểu thuyết chứ chưa nói đến là có sự thú vị riêng. Có lẽ vì thế mình chẳng có đủ kiên nhẫn để xem một bộ phim của Tran Anh Hung hợp tác với Murakami.   
Nhưng Drive my car còn làm tốt hơn thế khi có một bước đi táo bạo hơn rất nhiều : kết hợp và lồng ghép những truyện ngắn với nhau (các tình tiết) để tạo ra một câu chuyện hoàn toàn mới (tiểu thuyết) nhưng vẫn giữ được tính nguyên bản của tác giả.
Drive my car bắt đầu không phải bằng những tình tiết trong truyện ngắn Drive my car mà là Nàng Scheherazade, khi Oto - Nữ chính thức dậy trong tình trạng khoả thân bên Nam chính là Kakufu và kể câu chuyện có một nữ sinh yêu thầm một nam sinh, rồi cho đến một ngày nữ sinh này nảy ra ý định đột nhập vào nhà nam sinh đó để chạm vào những đồ vật của người cô yêu và sau đó là thủ dâm trong phòng cậu trước khi về. 
Nữ chính tiếp tục kể rằng cô gái này cho rằng mình kiếp trước của mình là một con Cá mút đá, sống bằng cách rỉa thịt các loại cá khác mà nó bám chặt lấy. Câu chuyện dừng ở đây. Hai nhân vật hôn nhau rồi những cảnh phim tiếp theo giới thiệu về bản thân và nghề nghiệp của cả hai: họ đã kết hôn, cùng hoạt động trong nghệ thuật, chồng là diễn viên kịch kiêm đạo diễn còn vợ viết kịch bản nhưng trước cũng là một diễn viên. Từ đây, người xem mới chính thức bước vào nội dung chính của truyện ngắn Drive my car trong Drive my car.
Nhưng cũng chỉ ngay sau đó, người xem một lần nữa lại được dịch chuyển tới một trường đoạn quan trọng trong phim, nó là nút thắt mang tính bản lề để những diễn biến tiếp theo được diễn ra theo một dòng chảy cuốn hút. Đó là lúc Nam chính bị huỷ chuyến bay công tác liền trở về nhà chứ không ở lại khách hàng và thấy Nữ chính là vợ anh đang làm tình với một đồng nghiệp của cô. Chàng trai này chính là Nam phụ trong Drive my car, người sẽ xuất hiện thường xuyên hơn trong phim. Nhưng tình tiết bất ngờ này lại không có trong truyện ngắn Drive my car mà trong Kino – cũng là một truyện ngắn của cuốn Những người đàn ông không có đàn bà. 
Ba truyện ngắn được lồng vào nhau tạo thành một tiểu thuyết dưới dạng phim điện ảnh. Từ đây cốt truyện của Drive my car đã dịch chuyển sang một trạng thái hoàn toàn mới mẻ nhưng vẫn giữ được sự quen thuộc và hấp dẫn rất đặc trưng của Haruki Murakami. 
CÙNG MỘT VỞ KỊCH CẤT LÊN NHỮNG TIẾNG NÓI NỘI TÂM CỦA CÁC NHÂN VẬT
Nhưng mọi thứ vẫn chưa dừng lại ở đó khi những nhà làm phim đã tiếp tục lồng vào Drive my car một câu chuyện khác là Cậu Vanya, một vở kịch của Anton Chekhov và cũng là một trong những nhà văn mà Murakami rất hâm mộ. Thậm chí trong ít nhất hai tiểu thuyết của mình, Murakami đã nhắc tới khái niệm “Khẩu súng của Chekhov” có ý rằng nếu một khẩu súng đã nạp đạn, sẵn sàng khai hoả thì chắc chắn phải có tiếng súng vang lên.
Tất nhiên vở kịch Cậu Vanya không tự nhiên mà xuất hiện trong Drive my car. Thứ nhất các diễn viên chính và phụ trong phim đều là diễn viên và kịch bản sân khấu. Điều này tạo ra sự đồng nhất từ nguyên tác truyện ngắn lẫn nội dung và diễn biến chính trong phim. 
Thứ hai, có thể là có sự vô tình hay trùng hợp ở đây, nhưng bản thân vở kịch Cậu Vanya có rất nhiều cuộc màn kịch chứa đựng lời thoại có sự tương đồng và liên quan đến những tình tiết nút thắt trong Drive my car. Cả hai đều được có chung những vấn đề, mâu thuẫn và bi kịch bắt nguồn từ gia đình, tình yêu, sự thiếu chung thuỷ giữa các đôi vợ chồng với nhau. 
Drive my car được diễn đạt bằng hình ảnh và dòng chảy được tiếp nối bằng đa số cảnh quay cận và trung cảnh, như một cách thể hiện sự tôn trọng với văn phong và phong cách viết đặc trưng của Haruki Murakami, khi ông thích tập trung và tiểu tiết cùng những cự ly nhỏ được bắt đầu từ những nhân vật mà nhà văn Nhật Bản lấy làm trọng tâm trong những tác phẩm của mình. Tuy nhiên Drive my car lại có sự câm lặng gần như hoàn toàn của các nhân vật chính kéo dài cho đến tận những phút cuối cùng. Đó là sự câm lặng được giấu kín trong nội tâm, được phủ lên bằng sự cô độc và lặng lẽ sống trong quá khứ với những bí mật không bao giờ được tiết lộ hay có câu trả lời. 
Còn với vở kịch Cậu Vanya được lồng vào trong Drive my car phần lớn được thể hiện thông qua những lời độc thoại của Nam chính (Kakufu) trong chiếc Opel màu đỏ và những buổi diễn tập vở kịch của tất cả những diễn viên được phân vai. Thông qua Cậu Vanya thì những nhân vật chính của phim đều đã nói lên những tâm tư và suy nghĩ của mình. Với Nam chính là sự kết tội thiếu chung thuỷ và phản bội của vợ mình. Với Nam phụ thì là những sự bộc phát dành cho tình yêu đến cuồng si mà anh dành cho...vợ của Nam chính. Còn Nữ phụ thì chính là diễn viên “thật” nhất trong vở kịch Cậu Vanya. Thật ở đây là Nữ phụ chẳng liên quan gì đến cuộc tình tay ba trong Drive my car, nhưng bản thân vai diễn của cô trong Cậu Vanya trớ trêu thay lại chính là nhưng cô ấy đã vọng lên những lời nói đầy tâm trạng và cảm thán trước việc nhận được quá nhiều tình yêu từ những người đàn ông không phải chồng mình, như Nữ chính ở bên ngoài thế giới thật vậy.
Yếu tố siêu thực đặc trưng trong các tác phẩm của Haruki Murakami chính là các thế giới song song phụ thuộc và tồn tại lẫn nhau. Trong Drive my car thì cũng tồn tại hai thế giới song song như thế - Thế giới của hiện thực và thế giới của sân khấu. Đó là hai thế giới mà các nhân vật chính có thể dễ dàng dịch chuyển để diễn vai của mình và rồi ngay sau đó trở lại với bản thể thực tại của mình. Quả là rất thú vị.

SỰ CÔ ĐỘC, NHỮNG CÁI CHẾT VÀ SỰ ẨN DỤ TÌNH DỤC TRONG DRIVE MY CAR

Bất cứ người đọc nào cũng có thể nhận biết ba điểm đặc trưng trong văn chương của Murakami: sự cô độc, tình dục và cái chết. Và Drive my car cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng khác với trong truyện ngắn thì trên Drive my car phiên bản phim điện ảnh là tập hợp những cái chết.
Tuy nhiên những cái chết trong phim Drive my car lại không giống với những cái chết trong truyện ngắn hay tiểu thuyết của Murakami. Trong văn chương thì những cái chết đều có sự tiền định hoặc một kết quả không thể đảo ngược. Còn trên phim, những cái chết lại là sự hướng đến lại có tính hiện sinh giống như trong, Anh em nhà Karamazov hay Tội ác và Trừng phạt của Fyodor Dostoevsky. Thật ra mình cũng chẳng thấy ngạc nhiên lắm khi cuốn anh em nhà Karamazov cũng là một tiểu thuyết của Murakami. Bản thân ông cũng thừa nhận rằng tham vọng trong văn chương của mình là kết hợp được phong cách của Raymond Chandler và Dostoevsky lại trong tiểu thuyết của mình.  
Đó là những cái chết mang tính nhân quả (hay quả báo cũng được) cho những hành động của chính người đã chết, trừ cái chết của cô con gái 4 tuổi và cũng là lý do gây ra sự rạn nứt và phản bội giữa hai nhân vật chính. Từ Oto – vợ Nam chính, người Mẹ của cô gái tài xế và nạn nhân bị Nam phụ đánh trọng thương rồi chết. Mỗi cái chết trực tiếp hoặc gián tiếp có liên quan đến sự tổn thương bên trong đến mức không thể tái tạo hay hàn gắn được.
Sự khác biệt giữa cái chết trong văn chương và điện ảnh chính là nó có lý do, có chủ đích chứ không phải sự giải thoát khỏi những bế tắc hay đó là lựa chọn không thể khác. Cái chết trong điện ảnh như mình đã nói ở trên – có tính hiện sinh và chân thực hơn rất nhiều. Vì thế thay vì lý do để chết trong tiểu thuyết hay truyện ngắn là cô độc đến cùng cực thì cái chết ở trên màn ảnh lại phức tạp hơn khi đến từ bất cứ lý do hay hoàn cảnh nào. 
Trong Drive my car, việc xây dựng Nữ chính kiêm vai người kể chuyện về Nàng Scheherazade (Cá mút đá) là một trong hai điểm nhấn tạo nên sự KHÁC BIỆT (đến mức mình phải viết hoa để nhấn mạnh) đến mức biến đổi một truyện ngắn thành một tiểu thuyết hoàn chỉnh. Với một người có tính cách kỹ lưỡng, chăm chút từng tiểu tiết như Murakami thì không nghi ngờ rằng ông cũng đã tham gia vào quá trình viết lại truyện ngắn cũng như xây dựng kịch bản phim một cách sát sao. Biến đổi một truyện ngắn thành một truyện ngắn thành một tiểu thuyết cũng là một thủ pháp quen thuộc của Haruki. Bản thân Rừng Na Uy được chuyển thể từ một truyện ngắn tên là Đom Đóm. 
Oto – Nữ chính vốn là một nhà biên kịch có thói quen hay sở thích sẽ tìm kiếm ý tưởng mới sau mỗi lần làm tình với chồng và những người đàn ông khác cô chủ ý chọn. Cái hay ở đây là Nữ chính chỉ có thể kể chứ không có khả năng ghi nhớ chính câu chuyện của mình. Có thể coi đấy là một dạng xuất thần. Điều này lại dẫn dụ mình đến một tiểu thuyết khác của Haruki là 1Q84. 
Nhưng đổi lại nó cũng chính là ẩn dụ về sự hoà hợp giữa Âm và Dương, giữa người kể chuyện và người lắng nghe hay giữa sự cảm tri và cảm thụ. Nói cách khác, thông qua tình dục, Oto đã từ thế giới hiện thực xâm nhập vào một thế giới khác và lấy từ đó những chất liệu để tạo ra những kịch bản của mình rồi lại ngay lập tức quay trở về thế giới cũ. Như một kẻ trộm lửa từ Thiên giới, Nữ chính phải truyền lại (kể ra) ngọn lửa đó ngay tức khắc cho những người đàn ông ngủ cùng với cô mà không quan trọng đó là chồng hay đồng nghiệp trước khi câu chuyện bị lãng quên theo sự khoái lạc đang dần tan biến. 
Giống như văn chương, tình dục trong phim điện ảnh của Murakami không phải là yếu tố câu khách, nói lên thực trạng của thời đại đầy những vấn đề hay nâng tầm nghệ thuật, nhưng nó còn hơn thế. Dù rằng cái nghệ thuật ẩn mình sau cảnh làm tình trong Drive my car rất đẹp khi Nam chính bất chợt quay về nhà và thấy vợ mình rên rỉ đầy khoái lạc khi ở trên người tình trẻ là Nam phụ, mà là ẩn dụ để che đậy những bí mật của nội tâm. 
Cuối cùng là sự cô độc và trống rỗng khi thế giới bên trong héo tàn là cảm giác mà bất cứ ai xem Drive my car đều có thể cảm nhận được từ những nhân vật. Tuy nhiên, tất cả đều giấu giếm sự cô độc đó, như một thứ năng lượng giúp cho bản thân tiếp tục sống trong sự trống rỗng, vốn là lý do chính để cô độc có thể khởi sinh.
Để ngăn cản sự trống rỗng đó đưa đẩy đến cái chết thì mỗi nhân vật đều chọn cho mình một cách giải toả khác nhau.
Với Nam chính là sự hoá thân đầy cay đắng vào các nhân vật khi không thể nói ra những suy nghĩ với vợ mình. Nam chính vẫn yêu vợ, vẫn rất sợ mất vợ nhưng bị giằng xé trong sự phản bội mà cô dành cho anh. 
Với Nữ chính là sự cuồng nhiệt trong những lần làm tình với chồng để tìm kiếm ý tưởng viết.  Nhưng sự cuồng nhiệt của cô lại câm lặng như một cỗ máy vô cảm, khác xa với những tiếng rên đầy nhục cảm khi quan hệ với nhân tình. Nữ chính yêu chồng rất nhiều. Nhưng thời điểm khi cô con gái 4 tuổi chết thì mỗi quan hệ của cô với chồng đã bước sang giai đoạn họ có thể ở bên nhau nhưng mỗi người phải đi tìm những động lực khác để tiếp tục sống. 
Với Nam phụ thì sự nghiệp của anh trượt dài ngay sau khi cái chết của Nữ chính – người anh yêu nhưng lại là vợ của người khác. Anh bị quá khứ, sự ngọt ngào và vẻ đẹp của Nữ chính ám ảnh đến mức dù cô đã chết nhưng anh lại chọn cách đi theo người chồng của cô để tìm kiếm những ký ức còn lại về cô từ chính chồng cô. 
Với Nữ tài xế (đây chính là Nữ chính thứ hai) thì cô đã có một cuộc trốn chạy khỏi thế giới lẫn bản thân mình sau cái chết của người mẹ mà cô luôn cho rằng mình phải chịu trách nhiệm về việc đó. Cô không thể từ bỏ suy nghĩ rằng cô đã giết mẹ. Cô tìm kiếm sự dằn vặt lẫn thay tẩy bằng cách lái xe. Lái xe gắn kết với quá khứ trước đây của cô với mẹ và hiện tại của cô – chạy trốn đến một nơi thật xa để có thể bắt đầu lại từ đầu. Đối với mình Nữ tài xế là một nhân vật đặc trưng trong tiểu thuyết của Murakami. Có một tổn thương bị cắt sâu mãi mãi, chìm trong sự cô độc và liên tục tìm kiếm câu trả lời thông qua thời gian và những sự kiện. 
Nhưng cô độc không phải là lời nguyền đối với những nhân vật và tiểu thuyết của Murakami. Trái lại đó là lý do để họ bắt đầu chuyển mình, bắt đầu thay đổi để cho phép bản thân được tái sinh và xứng đáng sống một cuộc đời mới bằng cách vô tình gặp gỡ những con người khác giống mình, thông qua tình dục hay sự cô độc. Và trong phim Drive my car cũng như thế.
Các nhân vật còn sống và đã không trượt dài vào hố sâu trống rỗi thì họ đã nhận được bài học rằng: Cuộc đời mong manh và phũ phàng dù có bị rơi vào hoàn cảnh bi đát đến đâu, thì chỉ cần không chấp nhận buông xuống và cam chịu số phận, cứ sống tốt hơn mỗi ngày và dần dần quên đi quá khứ thì những ngày tiếp theo sẽ trở nên tốt đẹp hơn, yên bình hơn như chính lời thoại của Nam chính khi vào vai Cậu Vanya đã kết luận rằng:
“Chúng ta phải chịu đựng, phải kiên tâm, phải sống sao cho tới cuộc đời tươi đẹp hơn và lúc chết đi,trước nhan Chúa nhân lành thì chúng ta có quyền nói rằng mình đã đau khổ, đã than khóc, đã biết thế nào là cay đắng”.

MỘT CÂU CHUYỆN BÍ ẨN KHÁC PHÍA SAU DRIVE MY CAR

Khi viết đến đây thì tự bản thân mình đã nổi da gà. 
Mình cực kì phấn khích khi những nhà biên kịch nhưng nhiều khả năng là Murakami đã thêm vào chi tiết này để đẩy cao sự kịch tính trong Drive cũng như biến đổi toàn bộ dự đoán của người xem: đó là một câu chuyện khác về Nàng Scheherazade. 
Trong nguyên tác truyện ngắn Nàng Scheherazade thì nữ chính đã không thể quay lại ngôi nhà của người bạn trai cô yêu đơn phương nữa khi mẹ cậu phát hiện thiếu một một chiếc áo của cậu con trai nên đã thay khoá cửa. Cuộc đột nhập lén lún của cô chính thức bị ngăn chặn.
Nhưng trong Drive my car thì lại diễn ra theo một cách đen tối, bí ẩn và mang tính ẩn dụ hơn.
Khi Nam chính và Nam phụ cùng ngồi trong chiếc Opel màu đỏ thì Nam phụ có nói rằng việc vợ anh ngủ với Nam phụ thực chất là không phải là tình yêu mà anh chỉ là một công cụ để cô thoả mãn bản thân và đồng hoá anh với những nhân vật cô tạo ra mà thôi. Bản thân Nữ chính và Nam phụ quen biết nhau khi anh vào vai một vở kịch của cô. Trong mắt Nam chính thì đó kiểu tình dục giữa hai người mang tính chất trao đổi chứ không phải là tình yêu. 
Sau đó Nam chính kể cho Nam phụ về câu chuyện Nàng Scheherazade như một minh chứng rằng anh và người vợ đã chết ý hợp tương đồng thế nào sau mỗi lần làm tình cô đều nhận được mặc khải là những ý tưởng viết lách, dù cho cô đã phản bội và anh chấp nhận điều đó. Và câu chuyện Nàng Scheherazade là một ví dụ. Một cô 
Nhưng Nam phụ mỉm cười và chiếu ánh mắt chiến thắng rọi thẳng vào Nam chính. Cậu nói rằng Nam chính đã nhầm vì chính Nữ chính cũng đã kể cho mình về Nàng Scheherazade nhưng với một cái kết hoàn toàn khác so với những gì Nam chính nghe được từ người vợ. Câu chuyện cùng với tình tiết mới được diễn ra như sau.
Lần cuối cùng khi Nàng Scheherazade lén lút bước vào ngôi nhà của người mình yêu thì cô đã tụt váy xuống để thủ dâm. Những lần trước cô không làm như thế, nhưng lần này thì cô đã làm. Và rồi có tiếng động ở dưới nhà vang lên. Có ai đó bất ngờ trở về nhà. Đó có thể là cậu nam sinh hoặc bố mẹ của cậu ta. Điều này trùng khớp với những gì Nữ chính kể cho Nam chính,nhưng cô lại không cho anh biết kết thúc như thể nào. Còn Nam phụ thì biết. Anh tiếp tục câu chuyện bí ẩn đó bằng việc tiết lộ vào nhà là một tên trộm. 
Khi bước lên phòng, tên trộm Nàng Scheherazade đang cởi truồng thủ dâm và lao tới cưỡng hiếp cô. Cô đã chống cự trong tuyệt vọng. Nhưng Nàng Scheherazade đã vớ được cây bút chì ở trong phòng đâm thẳng vào mắt gã trộm, rồi vào mặt, vào thái dương. Sau đó cô đã giết chết tên trộm rồi chạy vào phòng tắm gội rửa toàn bộ vết máu của gã vấy lên người mình. Lần đột nhập này thì thứ cô để lại không phải quần lót hay băng vệ sinh nữa mà là một xác chết. 
Sáng hôm sau cô định tự thú với cậu nam sinh tất cả mọi chuyện. Nhưng khi gặp cậu ta thì Nàng Scheherazade kinh ngạc khi biết rằng thái độ của cậu như thể chẳng có gì xảy ra vào tối qua cả. Không có ai đột nhập, cũng chẳng có xác chết nào hết. 
Sau đó Nàng Scheherazade quay trở lại ngôi nhà đó, cô phát hiện cửa đã thay ổ khoá và lắp đặt camera. Cô nhìn thẳng vào camera, miệng thốt ra lời thú tội “Tôi đã giết hắn. Tôi đã giết hăn.Tôi đã giết hắn” rồi bỏ đi.
Qua phiên bản khác của Nàng Scheherazade từ Nam phụ kể lại thì cậu muốn nhắn nhủ tới Nam chính rằng : ẩn dưới sự bình yên đầy giả tạo trong thế giới này luôn có rất nhiều điều bí ẩn và đen tối tồn tại. Quan trọng hơn, Nam phụ đang cười cợt trên sự ngây thơ của Nam chính về việc tình yêu của Nữ chính dành cho anh là tuyệt đối, còn với người khác thì chỉ là trò đùa. 
Nhưng thôi qua câu chuyện trọn vẹn về Nàng Scheherazade thì Nam phụ tự tin khẳng định rằng người vợ thực sự đã phản bội chồng và yêu mình nhiều như cách cô đã yêu Nam chính. Điều này được chứng minh qua những khoảnh khắc lên đỉnh và một câu chuyện có cái kết chứ không chỉ là làm tình trong câm lặng cùng một câu chuyện lưng chừng như Nam chính nhận được. 
Và một lần nữa Murakami lại chứng minh rằng mọi thứ phi lý đều có thể xảy ra trong thế giới văn chương của mình. Nó vượt ra khỏi logic thông thường nhưng lại xoáy sâu vào nội tâm của người đọc và xem như thể muốn nói với họ rằng “Những gì được coi là hiện thực có thể là không thực”. Có lẽ cuộc đời này rất giống với những cuốn tiểu thuyết, luôn chứa đựng rất ít cái gọi là thực và không có gì thoát ra khỏi sự vô thường.

LIỆU DRIVE MY CAR CÓ THỂ ĐOẠT GIẢI OSCAR?

Drive my car rất xứng đáng với 180 phút bạn bỏ ra để xem. Ngay cả bạn không phải là fan hay người từng đọc những gì Murakami viết. 
Với cá nhân mình thì khả năng Drive my car có thể thắng Oscar như Ký sinh trùng trước đây là không.
Xét trên nhiều phương diện thì Drive my car và Ký sinh trùng đều là những bộ phim rất xuất sắc, từ cảnh quay cho tới diễn xuất của các diễn viên, nhưng đối với mình thì những vấn đề nếu ra trong Ký sinh trùng nó mang tính phổ quát và phù hợp với đại chúng hơn là Drive my car. Có lẽ trong mắt giới hàn lâm, Drive my car có khả năng thắng giải nhưng đối với người xem phổ thông thì đó lại là một điều vô lý. 
Cái hay và cũng là cái khó của Drive my car là nó mang đậm tính độc thoại về những vấn đề nội tâm, vốn là thứ rất khó diễn giải để đi thẳng vào lòng người xem. Nói gì thì nói thì tình yêu, tình dục và sự phản bội trong Drive my car được khắc hoạ không theo cách phổ quát. Nó gây ấn tượng nhưng có phần xa lạ với người xem, nếu không muốn nói đáng sợ khi vượt ra khỏi luân lý. Còn Ký sinh trùng khắc hoạ một xã hội với sự phân cấp lớp giàu nghèo vốn là vấn đề nhức nhối trong thời đại, nhưng lại được truyền đạt bằng sự châm biếm và hài hước khiến người xem dễ dàng thẩm thấu những thông điệp mà nhà làm phim muốn truyền đạt tới theo cách nhẹ nhàng hơn. 
Nhưng đổi lại, với tư cách một người thích đọc những gì Haruki Murakami thích thì mình vừa đánh giá cao Drive my car khi đưa số điểm 4,75/5. Gần như là tuyệt đối. Mình có lý do để hào phóng vì Drive my car không chỉ là một bộ phim điện ảnh đáng xem, mà còn là một tiểu thuyết mới của Murakami dưới dạng hình ảnh được tạo ra bởi sự chắt lọc những chi tiết thú vị và ăn tiền nhất trong những truyện ngắn của ông.