Nhìn chung truyện có nhiều tình tiết hay, lối viết cuốn hút. Mình không thích nửa đầu của cuốn sách lắm vì có cảm giác tác giả đang gồng lên, cố ép mình vào nhân vật chính khi dùng ngôi thứ nhất để kể chuyện. Mỗi khi ngôi thứ nhất xuất hiện là mình lại thấy truyện bị lệch đi hẳn, thiếu mạch lạc và rất chủ quan (phải chăng đây là dụng ý của tác giả?). Ngoài ngôi thứ nhất của nhân vật chính ra thì ở những ngôi kể còn lại, tác giả đã rất xuất sắc trong việc thể hiện những tình tiết đặc sắc và vén bức màn bí mật cho độc giả.

Mình đặc biệt yêu thích đoạn sử dụng ngôi thứ nhất của nhân vật Tường để kể chuyện. Nếu trong vai nhân vật chính, tác giả dường như bị cường điệu hoá mọi thứ và mang nét văn bi tráng nhưng hơi cứng, thì với nhân vật Tường mọi lời kể đều hết sức tự nhiên như người ta hát một bài hát ru đã thuộc từ lâu vậy. Vô cùng ấn tượng với cách Tường kể về Hai Hợi. (Tác giả viết về tình yêu và cảm xúc rất hợp, rất đẹp, tiếc là những chi tiết như vậy không nhiều). Tuy vậy, dù là phần mình thích nhưng việc tác giả tập trung vào ca ngợi Hai Hợi nhiều ở phần cuối mà không đả động mấy đến nữ chính Ba Sương dẫn đến sự mất cân bằng cho mạch truyện.

Image result for ăn mày dĩ vãng

Cần phải bàn thêm về nhân vật phản diện Địch nữa. Mình cảm giác so sánh với những nhân vật còn lại thì Địch hơi bị lép vế. Không phải lép vế trong truyện (vì rõ ràng đến cuối Địch thắng nhiều hơn là thua) hay về năng lực (to khoẻ, xảo quyệt,...) hay cả về may mắn (quá nhiều hành vi tội ác trót lọt) mà lép vế về chiều sâu. Địch được xây dựng là một kẻ ác hoàn toàn, xấu xa từ đầu đến chân, điểm sáng duy nhất là tình yêu với Hai Hợi khi xưa (mà kiểu tình yêu bệnh hoạn này làm sao chiếm được cảm tình của độc giả?). Có lẽ vì nhân vật này chỉ được khai thác dưới góc nhìn của nam chính là chủ yếu nên thành ra phiến diện. Nếu đem so Địch với những nhân vật còn lại thì Địch thực sự bị lép vế, và với chiều sâu nội tâm của các nhân vật kia (chưa kể đến bối cảnh hậu chiến tranh và Địch luôn nằm trong phe phản diện) thì đúng là Địch như một con tốt tội nghiệp được tạo ra để người ta phỉ nhổ vào. Hơi thất vọng với nhân vật phản diện này.

Về phần nữ chính cũng có nhiều điểm mình chưa thấy hài lòng cho lắm. Ba Sương dù được miêu tả rất kĩ dưới góc nhìn của nam chính nhưng dường như vẫn rất mờ nhạt, đặc biệt là khi đứng cạnh người chị em Hai Hợi. Nét tính cách nổi trội của Ba Sương là sự hiền dịu nhu mì, nhưng mình cảm thấy sự nhu nhược đã chiếm lấy toàn bộ cuộc sống của nhân vật này, để rồi đến tận phút cuối chính sự nhu nhược của Ba Sương đã khiến bà bỏ mạng khá lãng xẹt. Không hiểu tác giả muốn nhấn mạnh điều gì khi xây dựng một nữ chính nửa mùa như thế? Đứng bên cạnh nam chính và người chị họ, Ba Sương chỉ lờ mờ như một cái bóng, một cái cớ để toàn bộ câu chuyện được bắt đầu, cái xác cho một cái chết hờ run rủi, vị nữ thần từ bóng ma quá khứ của nam chính (chưa kể đến việc động cơ chính khiến nam chính tìm gặp bà là do sự day dứt tội lỗi chứ không hoàn toàn là tình yêu). Quá đáng tiếc cho nam chính vì mặc cho hình ảnh ông ở hiện tại xuất hiện khá thảm thương, một kẻ "ăn mày dĩ vãng" nhưng nữ chính lại còn thảm thương và không xứng hơn rất nhiều.

Mạch truyện khá ổn, các chi tiết xảy ra theo trình tự hợp lý, tốc độ vừa phải dễ nắm bắt. Có nhiều mốc thời gian đan xen nhưng đã được tác giả sắp xếp khá hợp lý nên không có cảm giác khó hiểu chút nào. Chỉ hơi tiếc cho cái kết hơi vội, cụt lủn và có phần máy móc (nhân vật được định sẵn là phải chết nên chết nhanh, gọn thì tốt hơn?). Dù là truyện lịch sử nhưng cái kết lại mang đậm dấu ấn phim truyền hình dài tập và motip "cái thiện không ngừng truy đuổi cái ác" được lồng vào ở cuối có phần buồn cười, như thể "biên tập bảo thế".

Nói tóm lại, truyện đậm chất khẩu ngữ và những chi tiết lịch sử, không chán nhưng để nói là hay thì cũng khó bởi sự mất cân bằng trong tuyến nhân vật (nhân vật phụ chiếm được nhiều cảm tình hơn nhân vật chính) và cách kết truyện gây mất hứng cho người đọc.