Lâu nay mình vẫn được nghe các anh chị đi trước trong lĩnh vực debate nói nhiều về việc: "Về cơ bản thì dẫn chứng (E) không có tính chứng minh. Mình cần phải có thêm lập luận để sử dụng kết quả của dẫn chứng đó chứng minh cho lý lẽ (R) hay luận điểm (C) của mình". Mình cũng hiểu được ý đấy rằng mình cần phải chỉ ra rằng kết quả của dẫn chứng chứng minh cụ thể cho lý lẽ (R) hay luận điểm nào (C). Nhưng sự hiểu đó thực sự vẫn còn thiếu sót!
1. Ý phản đối của mình "Video bạo lực không có tác động xấu tới hành động và suy nghĩ của người xem trên 12 tuổi".
Vừa qua, mình có tham gia vào một trận đấu tranh biện với kiến nghị: "Chúng tôi cho rằng nên cấm video bạo lực trên internet" tại câu lạc bộ. Mình ở phe phản đối, và nói thật là mình gặp trục trặc siêu to khổng lồ với việc tìm ra ý để phản hồi lại kiến nghị này. Đem từ khóa bạo lực lên trên mạng thì đi đâu cũng thấy là nó có tác động xấu tới người xem, người chơi; rồi suy nghĩ, hành động bạo lực này nọ. Không tác động nhiều thì cũng tác động ít. Đặc biệt là đối tượng trẻ em, với lập luận rằng chúng là những đứa nhỏ, đang học tập về thế giới xung quanh bằng cách quan sát thuần túy (không hề có sự đánh giá chọn lọc nào), mình hoàn toàn bị thuyết phục về việc video bạo lực chắc chắn có ảnh hưởng xấu tới trẻ dưới 12 tuổi.
Sau hàng giờ vật lộn với việc tìm kiếm một tia ý phản hồi trong kiến nghị, mình chật vật đưa ra một luận điểm mà mình thực sự cảm thấy không thực sự hài lòng "Video bạo lực không có tác động xấu tới hành động và suy nghĩ của người xem trên 12 tuổi".  Mình nhận thấy các nghiên cứu (mình có để link ở cuối bài), hầu hết là nghiên cứu trên các đối tượng dưới 18 tuổi, và trong đó thì đối tượng dưới 12 tuổi chắc chắn có tác động. Đối với nhóm trên 12 tuổi, giáo sư tâm lý học Patrick Markey [1] đã nghiên cứu 118 thanh thiếu niên để xem tác động của video game bạo lực lên họ. So sánh kết quả phân tích, khảo sát trước và sau khi xem video bạo lực một thời gian, ông nhận thấy rằng những người có một số đặc điểm như dễ nổi giận, thất vọng, xúc cảm, vô tâm, hờ hững, không giữ lời, hành động thiếu suy nghĩ có xu hướng chịu ảnh hưởng xấu bởi video game bạo lực. Những người còn lại chỉ bị ảnh hưởng rất nhỏ hoặc gần như không bị ảnh hưởng gì. 
Đối với nhóm đối tượng trên 16 tuổi, nghiên cứu "Does playing violent video games cause aggression? A longitudinal intervention study" [2] về tác động của yếu tố bạo lực trong game bạo lực tới một nhóm 90 người từ độ tuổi từ 28-45 chỉ ra rằng không có mối liên kết chặt chẽ nào giữa việc chơi game bạo lực và tăng suy nghĩ, hành động bạo lực ở người chơi. 90 người này phải chơi ít 30 phút mỗi ngày trong vòng 2 tháng liên tục. 
Và như thế, mình làm một phép so sánh giữa game bạo lực và video bạo lực để liên hệ tác động. Cả game bạo lực và video bạo lực đều có những hình ảnh bạo lực như đánh nhau, chém giết với tần suất xuất hiện gần như là 100%. Mình nhận thấy có hai điểm khác biệt chính. Thứ nhất, video bạo lực thường chứa những hình ảnh bạo lực có sự tham gia của người thật hay vì nhân vật hư cấu như trong game. Video bạo lực mình nhắc tới ở đây là những video toàn bạo lực, với mục đích là chỉ chiếu cảnh bạo lực (nghĩa là không tính các trường hợp như phim, nhạc có yếu tố bạo lực) và thường được quay thô rồi đưa lên trên mạng internet. Thứ hai, hình ảnh bạo lực trong video bạo lực được tiếp nhận một cách thụ động (chỉ xem), trong khi hình ảnh bạo lực trong game bạo lực được tiếp nhận một cách chủ động (bằng cả việc xem và tạo ra chúng). 
Từ những điểm giống và khác nhau trên, mình rút ra được 2 kết luận về mối liên hệ giữa video bạo lực và game bạo lực. Thứ nhất, những hình ảnh bạo lực trong game bạo lực sẽ dễ tiếp nhận hơn so với video bạo lực. Người tiếp nhận hình ảnh bạo lực nhận biết rõ được sự khác biệt giữa thực tế (trong video) và tưởng tượng (trong game) [3]. Khi nhận biết được những hành động bạo lực mình đang tiếp nhận là không thực tế, con người giảm nhẹ đi sự đánh giá về các giá trị đạo đức đối với nội dung tiếp nhận. Video bạo lực chứa các hình ảnh bạo lực trực tiếp liên quan tới đời sống, và là những hình ảnh thật, được đặt trong bối cảnh xã hội thật. Những hình ảnh bạo lực này sẽ phải chịu sự đánh giá từ những tiêu chuẩn xã hội, những giá trị đạo đức của người xem. Tóm gọn lại, khi tiếp nhận bất kể hình ảnh bạo lực từ video hay game, con người đều cần có sự đánh giá ít nhiều tới việc những hình ảnh bạo lực có phù hợp hay không, và sự đánh giá phù hợp đấy đối với những hình ảnh trong video bạo lực thì phức tạp và khó khăn hơn. Để so sánh, mức độ tác động xấu của video bạo lực sẽ thấp hơn nhiều so với game bạo lực.
Thứ hai, đặt trong trường hợp những hình ảnh bạo lực thực sự gây tác động xấu tới người xem/người chơi, thì tác động xấu của việc tiếp nhận thụ động thông qua việc xem video sẽ thấp hơn so với việc tiếp nhận chủ động thông qua việc chơi game. Người chơi game bạo lực chủ động tham gia vào các hành động bạo lực, sử dụng hành động bạo lực để đạt được một mục tiêu cụ thể được đề ra trong game, từ đó giúp người chơi đạt được cảm giác phân khích. Những cảm giác người chơi nhận được khiến họ cuốn hút hơi vào việc chơi game, vào việc tiếp tục sử dụng các hành động bạo lực để đạt được mục tiêu, và thậm chí là đạt được một mục tiêu cùng với mọi người. Vậy thì trong trường hợp mà hình ảnh bạo lực thực sự có tác động xấu tới người tiếp nhận, thì game bạo lực mang lại tác động ở một mức độ mạnh hơn nhiều so với video bạo lực. Hay nói cách khác, ảnh hưởng xấu của hình ảnh video bạo lực, nếu có, thì sẽ thấp hơn nhiều so với game bạo lực.
Quy chung lại là gì? Ở đây mình muốn chứng minh rằng, tác động xấu của video bạo lực thấp hơn hẳn so với tác động xấu của game bạo lực. Vậy thì, với người xem trên 12 tuổi, những người trên 12 tuổi không hề bị ảnh hưởng bởi những tác động xấu của video bạo lực như tăng suy nghĩ, lời nói và hành động bạo lực. Khi trên 12 tuổi, con người chúng ta đã hình thành được những giá trị sống cơ bản, những tiêu chuẩn đạo đức, những tiêu chuẩn xã hội để nhận định đánh giá điều gì là đúng, điều gì là sai. Vì vậy, họ tiếp nhận những hình ảnh bạo lực một cách có chọn lọc, điều gì là sai ắt bị lên án và tất nhiên họ sẽ không học theo cái họ cho là sai. 
Thế nhưng... chúng ta lại không biết liệu rằng họ luôn cho bạo lực là sai. Cũng có những trường hợp bạo lực được xem là cách tốt nhất đê giải quyết vấn đề mà. ví dụ như việc một người có thể cho rằng việc một cậu bé đã bị bắt nạt ngầm lâu năm đánh lại tên bắt nạt là một hành động đúng đắn! Nếu người xem cho rằng hình ảnh bạo lực họ xem từ video là đúng thì có hai trường hợp xảy ra. Một, việc sử dụng bạo lực thực sự đúng là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề trong tình huống đó, thì người xem đã có một nhận thức hoàn toàn đúng, và điều đó cũng không hề có ảnh hưởng xấu tới người xem như tăng suy nghĩ và hành động bạo lực một cách vô lý. 
Hai, việc sử dụng bạo lực đó thực ra không phải là cách giải quyết, như việc dùng bạo lực để giải quyết xích mích nhỏ giữa hai người bạn, thì sự nhân định sai lệch này không phải do tác động xấu của video bạo lực, mà chính là do hệ quả của giáo dục nhà trường và gia đình. Một người có nhận định sai về hành động bạo lực chắc chắn sẽ có những hiểu biết sai lầm về bạo lực kiểu như bạo lực là cách giải quyết bất kể vấn đề gì. Hiểu biết sai làm đến từ việc người đó đã không được giáo dục sai về bạo lực. Trách nhiệm ở đây thuộc về gia đình, nhà trường chứ không phải video bạo lực.
Tóm lại, dựa trên việc người xem trên 12 tuổi nhờ có năng lực tự chủ trong việc đánh giá, đưa quyết định nên không hề bị ảnh hưởng xấu bởi video bạo lực.
2. Ngộ nhận rằng kết quả của dẫn chứng là tuyệt đối
Nhìn qua thì luận điểm trên đã được triển khai khá tốt (ít nhất theo mình là vậy). Thế nhưng điều gì khiến mình chưa thực sự hài lòng? Một điểm "chết" là luận điểm "Video bạo lực không có tác động xấu tới hành động và suy nghĩ của người xem trên 12 tuổi" sẽ hoàn toàn vô dụng nếu trận tranh biện bị giới hạn trong phạm vi cho đối tượng dưới 12 tuổi. Và trước khi đấu, mình thực sự nghĩ rằng đối tượng dưới 12 tuổi hoàn toàn có lợi thế cho việc ủng hộ cấm video bạo lực, và không hề có tia sáng nào để phản đối điều đó. Lý do vì sao thì mình cũng đã nói ngay từ đầu bài viết.
Thế nhưng, sau khi đấu xong, mình đã được một anh giám khảo chị cho mình rằng luận điểm video bạo lực có tác động xấu tới người xem dưới 12 tuổi không phải là một điều tuyệt đối đúng! "Các em đã hoàn toàn bỏ qua vai trò giáo dục của nhà trường và gia đình. Những nghiên cứu về tác động của video bạo lực tới trẻ em toàn được đặt trong môi trường "hoang dã", nơi chúng được thể hiện bản năng của mình một cách tự do." Mình thật sự không nhận ra điều đấy. 
Ngẫm nghĩ kĩ lại, mình cũng đã có đả động một chút về vai trò của nhà trường, gia đình trong việc ảnh hưởng tới nhận thức về bạo lực của đứa trẻ khi lập luận cho luận điểm của mình. Nhưng mình hoàn toàn không xem xét lại những ngầm định của mình về kết quả của những nghiên cứu đã đọc. Quả là những nghiên cứu về tác động của video bạo lực tới con người đều phải cho họ xem video bạo lực trong một thời gian dài liên tục, rồi đánh giá trong suốt quá trình xem đó mà không hề đề cập tới các yếu tố khác tác động tư duy và đạo đức của trẻ. Trên thực tế, với sự can thiệp của nhà trường và gia đình, sự tiếp xúc với video bạo lực sẽ giảm đi, những tư tưởng đúng về bạo lực cũng sẽ được giáo dục. Điều đấy làm cho video bạo lực gặp nhiều trở ngại hơn nữa để có thể thực sự tác động tới những đứa trẻ.
Tóm lại, khi xem xét, đánh giá một nghiên cứu, mình còn cần phải xem xét dựa trên cả môi trường đối tượng nghiên cứu được đặt vào, rồi có sự so sánh giữa môi trường thí nghiệm với môi trường thực tế để đưa ra lập luận sử dụng kết quả nghiên cứa chứng minh luận điểm của mình. Cái này cũng nhắc suốt trong việc dùng ví dụ của nước khác như Singapore áp vào Việt Nam, mà giờ mới nhận ra thêm là phải áp dụng cả vào nghiên cứu nữa. Nguyên tắc thì vẫn có, không biết có áp dụng được hay không thôi!
Nguồn tham khảo: