"Mìn Sống"
 Kính thưa quý bà con, cô bác, tháng 5, tháng 6 đang  là thời điểm rất thuận lợi để cạo và thu thập mủ cao su, để có một mùa  cà phê bội thu thì mình cũng nên chuẩn bị vài thứ, như công cụ, áo quần,  và tất nhiên là không thể thiếu cách phòng tránh rắn cắn, mà cái loài  tôi đang nhắc đến ở đây là loài chàm quạp, hay còn gọi là "mìn sống"!

 Giới: Động vật - Animalia
Ngành: ĐV có dây sống - Chordata
Lớp: Bò sát - Reptilia
Bộ: Có vảy - Squamata
Họ: Rắn lục - Viperidae
Chi: Calloselasma
Loài: C.rhodostoma
 Trước tiên, cùng sơ lược về loài này để hiểu được vài thứ, tiện cho việc phòng tránh sau này...
 ***Đặc điểm bên ngoài:
 Là loài rắn cỡ trung bình, dài ~1m trở xuống, toàn thân có màu biến  thiên từ nâu sậm, xám cho đến màu hồng sáng. Dọc theo sống lưng loài này  có hình tam giác trông như cách bướm, các hình đấy thường sắp xếp so le  nhau và có màu tối hơn so với tổng thể con rắn... Màu sắc cùng hoa văn  đấy giúp nó ngụy trang dưới lớp lá khô để phục kích con mồi, nhưng cũng  vì thế mà khá nguy hiểm vì người dân đi cạo mủ cao su dễ dẫm phải. Trước  mắt của nó có hố nhiệt lớn dùng để cảm nhận nhiệt của con mồi và động  vật săn mồi 
 ***Lưu ý:
 Không phải vì hình cánh bướm mà người ta gọi con đấy là "hổ bướm" đâu,  có lắm người rảnh rỗi đi gọi con Russell's viper ở đâu bên Ấn Độ là con  nưa hay hổ bướm, không nên nghe theo vì quá là vô lý khi đặt tên địa  phương vô căn cứ bằng tiếng Việt cho một con không hề có ở Việt Nam! Và  con chàm quạp này KHÔNG PHẢI CON Russell's viper, và cũng không phải  sinh vật truyền miệng tên là "con nưa" mà dân mạng hay đồn nhảm!!! 
 ***Phân bố:
Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia, Ấn Độ, Malaysia (thế nên nó mới có tên là Malayan pit viper).
 Ở Việt Nam thì chúng có nhiều ở các tỉnh miền Trung và miền Nam như  Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Sông Bé và An Giang.
Thích sống ở những nơi gần tự nhiên, có lá khô, cây cối um tùm, và vâng, nghe mô tả thì cứ y nó lại nghe như như các rẫy cao su, cọ, cà phê ấy.
 ***Tập tính:
 Là một loài ăn đêm (nocturnal) và sống trên mặt đất (terrestrial),  chúng thường rất ù lỳ vào ban ngày và khá linh hoạt, tăng động vào ban  đêm.
Khi chuẩn bị tấn công, chúng thường khoanh mình lại, cổ uốn  thành hình chữ S, lúc tấn công chỉ cần bắn đầu ra nên tốc độ tấn công  của nó CỰC KỲ NHANH nên đừng bao giờ nghĩ đến chuyện bạn né được cú đớp của một con chàm quạp.
 ***Thức ăn:
Các loài bò sát nhỏ, thú có vú nhỏ như chuột hay ếch nhái, chim... Đôi khi chúng còn ăn cả rắn khác.
 ***Nọc độc:
 Nọc độc của loài này là một hỗn hợp cytotoxin (chất độc tấn công tế  bào) và haemotoxin (chất độc tấn công máu) cùng một số enzyme và các  protein khác dùng để tiêu hóa, tăng tốc độ lan truyền của nọc,... Nọc  độc khó gây chết người nếu điều trị y tế kịp thời, nhưng vẫn không nên  chủ quan vì tỷ lệ cắt cụt chi, tháo khớp khá cao.
Khi bị tiêm nọc,  chỗ bị cắn sẽ bị sưng nề, nổi bóng nước, tím đen và có dấu hiệu hoại tử,  máu sẽ đông ở một vài chỗ, đôi lúc gây đột quỵ, vỡ mạch máu và không  đông ở một số chỗ, gây xuất huyết nội, khá nguy hiểm.
 ***Cách phòng tránh bị rắn cắn:
 Đây là một loài rắn có tính phục kích nên nếu thấy động, chúng sẽ sợ và  đứng im hơn, làm cho bà con dễ đạp trúng hơn vì không nhìn thấy, thế nên một trong những cách phòng chống hữu hiệu nhất là khi đi vào bất cứ đâu, đặc biệt là những bãi lá khô và những bụi cỏ, luôn nhìn đường và có một cây gậy để di chuyển rắn ra chỗ khác, luôn luôn dọn lá khô trong  vườn và luôn mang đèn pin khi đi đêm... Mang ủng cao su có thể GIẢM KHẢ  NĂNG BỊ CẮN nhưng không tuyệt đối vì răng chàm quạp có thể xuyên ủng cao su nếu không muốn nói là dư sức.
 ***Cách sơ cứu:
- Luôn luôn chụp ảnh con rắn đầu tiên, đây không chỉ là riêng với rắn mà với mọi loài động vật, luôn chụp ảnh đầu tiên.
- Dùng gậy hoặc chổi, cây hốt rác để di chuyển con rắn ra khỏi chỗ khác, không nên đập vì dễ có nạn nhân thứ 2 (tự hiểu).
- Trấn tĩnh nạn nhân (nhưng ko đc kể chuyện cười).
- Rửa vết thương bằng nước, thuốc sát trùng, không đc động chạm nhiều vào vết cắn.
 - Tháo gỡ hết trang sức (nhẫn, đồng hồ, vòng tay,...), cắt bỏ hết ống  tay áo, ống quần gần chỗ bị cắn nếu quá bó, chật, tuyệt đối KHÔNG BĂNG  BÓ, KHÔNG GARO vì sẽ làm hoại tử nặng thêm!
- Gọi 115 hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất, cho bác sỹ xem hình full HD không che để xác nhận loài rắn 
 

Rắn chàm quạp - Calloselasma rhodostoma. Ảnh: inaturalist.org
Video về tác dụng của nọc lên máu: https://www.youtube.com/watch?v=cNXD10-r6QE