Phụ nữ là phái đẹp còn đàn ông là trụ cột trong gia đình. Nếu như phụ nữ là giới được tôn vinh và tặng quà 1-2 tháng/lần vào 8/3, 1/6, Trung thu, 20/10, thậm chí là cả Giáng sinh, thì ngày đàn ông được tôn vinh rầm rộ nhất, bên cạnh ngày Sinh nhật, có lẽ chỉ có Ngày của Cha – khi cả xã hội công nhận họ dưới vai trò trụ cột trong gia đình. 
Một lẽ tự nhiên: khi phụ nữ được nhận quà thì nghiễm nhiên đàn ông phải trả tiền, miễn bàn cãi! Những định kiến này có thể càng ngày càng ít phổ biến hơn trong xã hội hiện đại, nhưng đàn ông vẫn luôn phải chịu một áp lực chứng minh bản thân với vai trò gánh vác nói chung, làm chủ tài chính theo cách thức vô hình lẫn cố ý bởi xã hội. Phụ nữ được khuyến khích và giải phóng để trở nên tự lập, tự chủ hơn, nhưng sự thật thì nếu phụ nữ không thành công trong việc tự chủ tài chính thì cũng không có vấn đề gì, vì hệ thống xã hội không đặt gánh nặng này lên vai phái nữ.

Trong khi phụ nữ đang dần được thoát ra khỏi việc đầu bù tóc rối quanh quẩn bên xó bếp trong vai trò làm mẹ làm dâu thì dường như đàn ông vẫn chưa được giải phóng để tự do trở thành “phái đẹp” giống như cách phụ nữ có thể trở thành “girl boss” (sếp nữ), hay chỉ đơn thuần là được chấp nhận như họ là chính họ. Vậy thì, liệu quyền được trở nên đẹp hơn có dành riêng cho phái nữ?
Hay đặt vấn đề theo cách dễ gây tranh cãi hơn, đến khi nào đàn ông có quyền được trang điểm và được đẹp?
Bài báo được đăng tải trên Mr Porter ngày 14/10/2020 về chủ đề: Tại sao bạn nên cân nhắc việc trang điểm – Và cách bắt đầu.
Tua về quá khứ đến thế kỷ XVII, đẹp là một tiêu chuẩn của giới quý tộc, đẹp không có ý nghĩa giới tính. Ở thời kỳ này, quý tộc không kể giới tính đều trang điểm, dùng nước hoa, đội tóc giả, dùng đồ da, ăn mặc chuẩn mực và đi giày cao gót. Thậm chí, giày cao gót từng là biểu tượng của quyền lực và sự nam tính. Với phái nữ, họ đi giày cao gót để bảo vệ cho đôi giày họ thực sự đi không bị bám bẩn bởi bùn đất.
Mẫu giày được yêu thích bởi nam giới thế kỷ XVII
Về cơ bản, cái đẹp, việc làm đẹp và biểu tượng dành riêng cho phái đẹp hiện đại không mang ý nghĩa giới tính nào, hay nói cách khác, chúng không được nữ tính hóa. Concept về cái đẹp trong giai đoạn quý tộc chính là nền móng cho sự sáng tạo nên ngành hàng xa xỉ. Đẹp là biểu hiện của khiếu thẩm mỹ tinh tế, là chỉ dấu của giai cấp xã hội và khả năng thưởng thức cuộc sống.
Louis XIV (bên trái) và Marquise de Pompadour (bên phải)
Khi giai cấp tư sản lên ngôi, ý niệm về cái đẹp, phẩm chất về cái đẹp của tầng lớp quý tộc bị biến tướng. Chúng mang đặc tính của sự làm giả giai cấp quý tộc và nhằm mục đích thể hiện địa vị xã hội. Tư duy tư bản với đặc tính đề cao hiệu quả công việc, phân chia lao động, cũng góp phần dẫn đến việc chia nhóm, chia vai trò giới tính nam – nữ cùng những công việc tương ứng với giới. Với vai trò là người lao động chính, là trụ cột trong gia đình, người đàn ông không được khuyến khích mặc đẹp. Nữ giới được đặt vai trò trong việc làm mẹ, chăm con, dâu thảo, vợ hiền, họ có thời gian nhàn rỗi để trở nên đẹp và phù phiếm. Điều này làm đẩy mạnh quá trình nữ tính hóa cái đẹp.
Thời trang những năm 1950s: Phụ nữ là đại diện của phái đẹp
Xã hội tư bản quy ước cách ăn mặc phù hợp cho giới tính sinh ra đã có nhằm phục vụ cho sự phân vai, hoạt động hiệu quả trong xã hội này. Hơn nữa, tầng lớp bình dân hay tầng lớp tư sản vốn dĩ không được giáo dục hay có được phẩm chất quý tộc được truyền thừa qua nhiều thế hệ để trở nên “đẹp” theo ý nghĩa nguyên bản của nó: đẹp là biểu hiện của thánh thần, của khiếu thẩm mỹ, thưởng thức cuộc sống tinh tế, của vẻ đẹp không cần gắng gượng hay làm giả mạo. Vì thiếu đi đặc tính thánh thần, phẩm chất và giá trị quý tộc, xã hội tư bản định nghĩa mọi sự kiện, hiện tượng qua giá trị bề mặt. Và sự phân chia đặc tính nam là phải làm ra tiền – nữ là phái đẹp trở thành định kiến xã hội tư bản hiện đại khó có thể xóa bỏ được hoàn toàn.
Như một lẽ tất nhiên, nam giới sở hữu nhiều đặc tính nữ hay thể hiện sự yếu đuối sẽ được gọi là “đàn bà”, đàn ông vì vậy cũng không được xã hội khuyến khích trang điểm. Sự thật là, phụ nữ đang ngày càng nhiều quyền lực và đặc quyền hơn, nhưng đàn ông vẫn chưa được “giải phóng” để có quyền trở thành phái đẹp.
Bản chất của ngày 20/10, có lẽ sẽ phù hợp hơn cả khi trở thành ngày tôn vinh tính nữ ở bên trong mỗi cá nhân thay vì tôn vinh nữ giới do sinh học quy định.