Quý ngài tài năng - Patricia Highsmith
Một thanh niên nhút nhát có thể trở thành kẻ giết người máu lạnh, hay ngay từ đầu đã chẳng tồn tại “thanh niên nhút nhát” nào?
Đây là tiểu thuyết đầu tiên của nữ tiểu thuyết gia Patricia Highsmith về nhân vật phản anh hùng xuất sắc nhất của bà – Tom Ripley, về cách mà làm thế nào anh ta từ một thanh niên nhút nhát trở thành kẻ sát nhân máu lạnh. Tom Ripley là một thanh niên mồ côi, với diện mạo và cuộc sống rất bình thường, nếu không muốn nói là có vẻ như rất tầm thường. Đang sống túng thiếu và vật vờ tại Mỹ, tình cờ anh được cha của Dickie Greenleaf nhận nhầm là bạn thân của Dickie, và ông sẵn sàng chu cấp cho anh chi phí để sang châu Âu thuyết phục con trai mình trở về Mỹ kế nghiệp. Cũng chẳng mất mát gì, thế là Tom cứ đi thôi, và từ đây cuộc phiêu lưu của anh bắt đầu, một cuộc phiêu lưu đưa anh vào một con đường mà anh chẳng thể nào quay lại (mà anh cũng nào có muốn quay lại đâu).
Đối với tôi, ngay từ ban đầu, Tom đã chẳng hề tầm thường hay hiền lành. Ẩn sau trong vẻ ngoài nhút nhát là một đầu óc tính toán và cực kỳ thông mình. Chẳng phải bên Mỹ anh đã tham gia vào một số phi vụ lừa đảo tiền bạc đó sao, có ai hiền lành nhút nhát mà dám làm vậy? Rồi tiếp theo là việc nhận lời ông Greenleaf, và từ đó là tham vọng đổi đời. Sang đến châu Âu, Tom dùng sự khôn khéo của mình để kết thân với Dickie (chẳng phải ban đầu Dickie không hứng thú với anh ta đấy sao, mà sau đó chỉ qua một cuộc nói chuyện là đổi ngay thái độ). Tom chỉ cần nhìn là biết ngay Dickie thích cuộc sống êm đềm với những thú vui và phong cảnh tuyệt mỹ nơi đây, nhưng anh thiếu một người bạn thực sự thân thiết. Tom cũng nhìn ra rằng cô gái Dickie chỉ xem là bạn, Marge (cô này ngay từ đầu đã bị Tom ác cảm, và cô cũng ghét Tom luôn), lại đang yêu đơn phương Dickie. Tom biến mình trở thành con người Dickie yêu thích, vì anh thực sự cũng yêu thích Dickie chứ không đơn thuần là lợi dụng, và dĩ nhiên anh tìm cách chia rẽ Dickie và Marge. Dickie ngày một ngả về Tom hơn, nhưng nếu đơn giản chỉ là vậy, bi kịch đã không xảy ra. Marge cố gắng kéo Dickie về phía mình, và làm cho Dickie nghĩ rằng Tom đồng tính để Dickie “nghỉ chơi” Tom, đến cuối cùng đem lại cái chết cho Dickie và tên sát nhân hàng loạt Tom Ripley ra đời. Dùng trí thông minh của mình, Tom giết Dickie và sống luân phiên dưới hai thân phận nhằm che giấu tội ác, cũng như để sống sung túc bằng tài sản của Dickie. Đôi lúc, anh ta chẳng biết mình là Tom Ripley hay Dickie Greenleaf nữa.
Tom là kẻ sát nhân, và tôi biết anh ta không hiền lành gì từ đầu, nhưng không hiểu sao nhiều lúc tôi khá đồng cảm với anh ta (tất nhiên không nói đến hành vi giết người). Không bàn đến việc liệu tình cảm của Tom với Dickie có phải tình yêu hay không, nhưng nếu nó không phải tình yêu mà chỉ là sự cảm mến thông thường, tôi vẫn tin điều đó. Chỉ có từng trải qua cảm giác một người mà mình thực sự quý mến, một người trước giờ vẫn tỏ ra thân thiết và gắn bó với mình, lại đột nhiên quay lưng với mình vì một lý do nào đó, hay chẳng vì lý do nào cả, bạn mới hiểu cảm giác đó rất đau lòng. Câu hỏi được đặt ra là, mình đã làm gì sai, và làm thế nào để cứu mối quan hệ trở lại như xưa, nhưng chẳng thể tìm được đáp án, đó chính là cảm giác của Tom trong tình huống ấy. Dickie thật ra chẳng làm gì quá xấu, nhưng lại là nhân vật tôi khá ác cảm. Dickie không yêu Marge, chỉ muốn giữ cô bên cạnh như một người bạn ở nơi đất khách vì sợ cô đơn, và anh biết Marge yêu anh. Anh dùng điểm yếu đó để giữ lấy cô, dù không muốn đáp lại tình cảm của cô, thỉnh thoảng ban phát bố thí cho cô chút đỉnh khi cô giận để cô không rời đi. Với Tom thì anh cư xử càng tệ. Là một kẻ không có chính kiến, anh nghe lời gièm pha rồi thay đổi thái độ với người bạn này dù anh ta chẳng làm gì sai. Nói không ngoa, Dickie chính là chất xúc tác để tạo ra phản ứng mãnh liệt nơi Tom, khiến Tom bộc lộ bản ngã giấu kín của mình, và trở thành ác quỷ.
Nói tóm lại, đây là một tiểu thuyết tâm lý – tội ác khá đáng đọc, vì nó kể theo ngôi thứ nhất dưới góc nhìn của Tom, và cách tác giả mô tả tâm lý của Tom quá xuất sắc, khiến tôi nhiều lúc đặt cả mình vào vị trí của Tom, và hiểu được vì sao anh ta lại làm như vậy. Tôi không cổ xúy cho hành động độc ác của Tom, nhưng có thể nói ở đoạn đầu truyện, tôi thấy anh ta đáng thương thật sự. Tuy nhiên, đáng thương chưa bao giờ, và cũng không bao giờ là cái cớ cho việc giết người, dù đôi khi tôi cũng không biết mình có muốn anh ta phải trả giá vì điều đó hay không.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất