Quỷ kiếm Muramasa - Thực hư đằng sau những truyền thuyết
Đây sẽ là câu chuyện về một thợ rèn độc nhất, kẻ được đồn đoán là đã tạo ra những thanh kiếm của quỷ - thứ mà chỉ có thể ngủ yên sau khi tắm đẫm máu của kẻ thù.
Bên hông những Samurai kiệt xuất nhất của xứ sở hoa anh đào đều là những thanh tuyệt kiếm. Vô số các thợ rèn trên khắp nước Nhật khi đó có thể tạo ra những thanh kiếm thượng hạng, nhưng bạn ơi, đây sẽ là câu chuyện về một thợ rèn độc nhất, kẻ được đồn đoán là đã tạo ra những thanh kiếm của quỷ - thứ mà chỉ có thể ngủ yên sau khi tắm đẫm máu của kẻ thù. Thợ rèn đó là Muramasa Sengo.
Nhưng ở đời truyền thuyết thì luôn được thêu dệt muôn hình vạn trạng, quỷ kiếm của Muramasa cũng vậy, và để cho đến tận bây giờ những truyền thuyết đó đã trở thành một phần không thể tách rời của văn hóa Nhật Bản hiện đại.
Muramasa, thường được biết tới với họ Sengo, là một thợ rèn kiếm nổi tiếng. Không ai rõ ngày sinh hay ngày mất của ông, chỉ biết rằng ông sinh ra trước năm 1501 và sống trong thời đại Muromachi kéo dài từ thế kỉ thứ 14 tới thế kỉ 16. Người ta đồn đoán rằng Muramasa đã từng sinh sống tại Kuwana thuộc tỉnh Ise, tức là tỉnh Mie ngày nay. Sau tất cả các lời đồn, cuộc đời của Muramasa chưa từng được ghi lại một cách chính thức, tất cả những gì người đời nay biết về ông cũng chỉ là những sự truyền miệng. Cũng không có bất cứ một hình ảnh gì được ghi lại cho tới nay về Muramasa, nên tác giả xin được sử dụng hình ảnh của nhân vật giả tưởng Senji Muramasa để minh họa cho bài viết này.
Muramasa đã tạo nên trường phái rèn kiếm của riêng mình. Nhưng nguồn gốc thực sự chưa bao giờ được làm rõ. Thanh kiếm Muramasa cổ nhất được tìm thấy là vào năm Bunki thứ nhất, tức năm 1501. Nhưng các học giả cũng đã chỉ ra một vài thanh kiếm khác có tuổi đời lâu hơn, nhưng không khắc ngày làm ra rõ ràng trên thân kiếm. Giả thuyết được củng cố bởi sự tương đồng với phong cách rèn kiếm khi ấy của Muramasa. Trường phái Muramasa kéo dài ít nhất 3 thế hệ, bởi vẫn còn một vài thanh kiếm được khắc mốc thời gian thuộc thời kì Kanbun vào thân kiếm, vào khoảng những năm 1661-1673.
Có giả thuyết từ cuối thời đại Muromachi (đầu thế kỉ 16 tới năm 1573) cho rằng Muramasa đã từng là học trò của Masamune, người được cho là thợ rèn kiếm xuất sắc nhất lịch sử Nhật Bản. Gia tộc Hon’ami, một gia tộc chuyên rèn kiếm cũng đã chỉ ra giai đoạn hoạt động tích cực nhất của Muramasa là thời đại Joji từ năm 1362-1368. Tuy vậy, các học giả từ thời Azuchi-Momoyama cho tới nay lại bác bỏ giả thuyết mối quan hệ thầy trò giữa Muramasa và Masamune, bởi những thanh kiếm còn tồn tại của Muramasa quá mới so với thời kì hoạt động của thế hệ trường phái Masamune đầu tiên. Một giả thuyết khác đáng tin cậy hơn, Muramasa đã từng là học trò của Heianjo Nagayoshi, một thợ rèn nổi tiếng ở Kyoto, được biết tới nhiều nhất bởi việc tạo ra những cây thương tuyệt hảo và chuyên chạm khắc những hoạ tiết tinh xảo lên những sản phẩm của ông. Một vài tài liệu của trường phái Masashige, một nhánh nhỏ của trường phái Muramasa ghi lại rằng thế hệ Masashige đầu tiên đã kết thúc từ năm 1456, bởi vậy mà Muramasa chắc chắn phải hoạt động từ trước những năm 1456 dựa trên những tài liệu này.
Giống với danh tiếng dị thường của Muramasa, những thanh kiếm do ông tạo ra cũng có những đặc điểm độc đáo không giống với bất cứ sản phẩm nào khác. Bên cạnh những điều tiên quyết để tạo ra một thanh kiếm chất lượng thì có 2 đặc điểm nổi bật và dễ nhận thấy nhất.
Đầu tiên là Muramasa-ba. Có thể hiểu nôm na là hoa văn đặc trưng trên các thanh kiếm Muramasa. Những hoa văn lượn sóng trên các thanh kiếm Katana được gọi là “hamon”. Và “Hamon” ở trên các thanh Muramasa được xếp vào loại “Gunome-midare”, tạo thành bởi các đường sóng uốn lượn ngẫu nhiên, nhưng điều thú vị là những đường uốn lượn này giữa 2 mặt của thanh kiếm lại hoàn toàn trùng khớp với nhau. Để điều này có thể xảy ra đòi hỏi người thợ rèn phải thực sự tài giỏi để có thể xử lý những công đoạn phức tạp trong khâu tạo ra “Hamon” trên thân kiếm.
Thứ 2 là Muramasa-nakago. Đây là phần kim loại phía bên trong cán kiếm. Những thanh Muramasa có phần Nakago đặc trưng được rèn theo hình bụng cá. Ngoài ra, tên, huy hiệu và năm rèn ra thanh kiếm cũng có thể được khắc ở trên phần này.
Có rất nhiều truyền thuyết liên quan tới Muramasa và những thanh kiếm do ông làm ra, tất cả đều bắt nguồn từ tính cách của ông. Muramasa được biết tới như là một con người cục cằn, nóng tính và đầy bạo lực. Vài người còn cho rằng Muramasa là một kẻ điên. Khi những tin đồn này lan rộng, Muramasa đã đưa sự tàn bạo của bản thân vào trong những thanh kiếm mà ông rèn để tạo thành những thanh quỷ kiếm. Lời nguyền sẽ đeo bám lên những kẻ mang trên mình thanh kiếm Muramasa, khiến họ mất hết lý trí và nhân tính, trở thành những kẻ khát máu, luôn tìm tới giết chóc để có thể thỏa mãn được quỷ kiếm.
Trong một lần, Muramasa đã thách đấu với thợ rèn kiếm vĩ đại Masamune cho một cuộc thi. Người nào tạo nên thanh kiếm tuyệt hảo nhất sẽ là người chiến thắng. Cả hai người đã dày công để tạo nên thanh kiếm tuyệt hảo nhất lúc bấy giờ để phục vụ cho cuộc đấu. Muramasa với thanh kiếm Juuchi Yosamu, “Vạn đêm lạnh giá”. Còn Masamune là thanh kiếm Yawarakai-Te, tạm dịch là “bàn tay dịu dàng”. Cả hai thanh kiếm được cắm lên một con sông với lưỡi gươm được hướng theo dòng chảy của nước. Thanh Juuchi Yosamu của Muramasa cắt mọi thứ chạy ngang qua nó, dòng nước, lá trôi, cá bơi ngang, thậm chí là cả ngọn gió, không thứ gì đi ngang qua thanh kiếm còn lành lặn. Ngược lại, thanh kiếm của Masamune thì chẳng xẻ cái gì ra làm đôi cả, những ngọn gió chỉ như dịu dàng lướt ngang qua lưỡi kiếm. Muramasa đắc chí, cho rằng mình mới là thợ rèn kiếm kiệt xuất nhất thiên hạ, còn tài năng của Masamune hoá ra cũng chỉ là lời đồn. Nhưng đúng lúc ấy có một nhà sư đi ngang qua cuộc tỉ thí giữa hai người và chứng kiến tất cả. Nhà sư ấy bình phẩm rằng Masamune cùng thanh kiếm Yawarakai-Te mới là người chiến thắng. Bởi lẽ, thanh kiếm của Muramasa là một sản phẩm thượng hạng, nhưng nó là một thanh kiếm hắc ám và khát máu, sẽ sát hại tất cả những gì ngáng đường kẻ mang nó. Còn với thanh kiếm của Masamune, nó chỉ sử dụng để thực thi công lý, và sẽ không gây hại tới những thứ, hay những người vô tội.
Câu chuyện truyền miệng này dần được lan rộng, mở đầu cho những truyền thuyết bất tận về Masamune và những thanh kiếm “thèm” máu người. Nhưng dù sao, câu chuyện trên mang rất nhiều màu sắc hư cấu và không ai có thể chứng thực được tính chính xác của nó. Tuy vậy, có một câu chuyện khác liên quan trực tiếp đến một nhân vật lịch sử quan trọng của Nhật Bản, đó là Tokugawa Ieyasu, đây cũng là lý do tại sao mà rất ít những thanh kiếm Muramasa còn sót lại cho tới ngày nay.
Như tôi đã đề cập ở trên, tuyệt kiếm mà Muramasa rèn ra luôn đạt đến tột đỉnh về chất lượng. Cũng bởi lý do ấy, những thanh kiếm này trở thành vũ khí vô cùng lợi hại được tin dùng bởi không ít Samurai trên khắp Nhật Bản. Đặc biệt là các Samurai của tỉnh Mikawa, được dẫn đầu bởi Tokugawa Ieyasu. Cũng chính là người trở thành Shogun của Nhật Bản, sau khi Oda Nobunaga bị sát hại dưới tay của Akechi Mitsuhide, và sự qua đời của Toyotomi Hideyoshi.
Rất nhiều sự kiện bi thảm của gia tộc Tokugawa, bằng một cách nào đó, lại liên quan tới Muramasa, cụ thể là những thanh kiếm do ông rèn ra. Năm 1535, ông nội của Tokugawa Ieyasu, ngài Matsudaira Ieyasu, bị ngộ sát bởi thuộc hạ của chính mình, Abe Masatoyo. Nhiều giả thuyết để lại rằng Matsudaira đã ra lệnh cho Abe Masatoyo ra tay để bản thân không mất mạng bởi tay kẻ thù. Và thanh kiếm được dùng để tước đi sinh mạng của ông là một thanh kiếm mang trên thân biểu tượng của Muramasa. Một vài năm sau đó, cha của Tokugawa Ieyasu, ngài Matsudaira Hirotada cũng đã bị đâm bởi Iwamatsu Hachiya bằng một thanh Muramasa khi anh này đang say rượu. Ieyasu có đứa con đầu tiên, Matsudaira Nobuyasu. Đứa con cả này cũng đã bị bắt buộc thực hiện nghi lễ tự sát Seppuku. Người lấy đi thủ cấp của Matsudaira Nobuyasu, Amagata Michitsuna, đã sử dụng một thanh kiếm Muramasa. Tokugawa Ieyasu cũng đã từng không may bị đứt tay bởi một thanh kiếm Muramasa.
Bản thân Tokugawa Ieyasu cũng sở hữu 2 thanh kiếm được rèn bởi Muramasa. Cả 2 thanh kiếm này cũng đã được truyền xuống các thế hệ sau của gia tộc Tokugawa. Đến năm 2013, gia tộc Owari-Tokugawa, một nhánh của gia tộc Tokugawa cũ vẫn còn giữ một trong 2 món bảo vật gia truyền này. Tuy vậy, sau tất cả những sự kiện không may xảy ra, Ieyasu Tokugawa đã coi các thanh kiếm do Muramasa rèn ra là những món vũ khí bị nguyền rủa, thậm chí chúng sẽ đưa gia tộc tới sự tuyệt diệt. Theo cuốn “Tokugawa Jikki”, một cuốn sách được phát hành bởi mạc phủ vào năm 1849 trích dẫn lại, kể lại rằng Ieyasu Tokugawa ra lệnh cấm sử dụng các thanh kiếm Muramasa tới toàn nước Nhật, thậm chí còn cử người đi thu hồi và nung chảy các thanh kiếm ấy. Đối với các gia đình Nhật thời xưa, thanh kiếm là một món đồ quý hiếm, thậm chí còn là một món bảo vật gia truyền của dòng họ, được truyền từ đời này qua đời khác. Có một vài gia tộc đã giấu thanh kiếm Muramasa đi, hoặc xoá dấu ấn của Muramasa trên thanh kiếm. Bởi vậy, vẫn còn một số rất ít những thanh kiếm Muramasa còn tồn tại cho tới ngày nay và đó cũng là một sự lý giải cho việc dù bản thân ra lệnh cấm nhưng Tokugawa Ieyasu vẫn giữ lại 2 thanh kiếm Muramasa cho gia tộc mình. Còn đối với người bên ngoài, thanh kiếm Muramasa đã trở thành một lời nguyền đối với mạc phủ Tokugawa. Hiểu rõ điều này, đã từng có rất nhiều cuộc khởi nghĩa chống lại mạc phủ xảy ra, những người tham gia khởi nghĩa đều thu thập và sử dụng các thanh kiếm Muramasa. Thậm chí, hoàng tử Arisugawa Taruhito đã sử dụng một thanh Muramasa để dẫn dắt quân đội hoàng gia chống lại chính quyền mạc phủ Tokugawa trong cuộc nội chiến Nhật Bản vào năm 1868-1869.
Lời giải thích hợp lý nhất cho tất cả các sự kiện liên quan giữa gia tộc Tokugawa và những thanh kiếm Muramasa có lẽ không quá phức tạp và hư cấu như tất cả sự đồn đoán. Chỉ đơn giản là những thanh kiếm Muramasa khi ấy được sử dụng rộng rãi bởi tất cả các Samurai trên cả nước, nên hoàn toàn dễ hiểu khi một ai đó mất mạng bởi những thanh kiếm này. Nhưng nhờ vào kịch nghệ Kabuki, những thanh kiếm Muramasa đã bị gắn mác như là những thanh quỷ kiếm ngay từ thế kỉ 18-19 cho tới tận ngày nay.
Trong văn hóa đại chúng, kiếm Muramasa vẫn được gắn liền với hình ảnh là những thanh quỷ kiếm trao cho chủ nhân sức mạnh hắc ám để thỏa mãn cơn thèm khát máu tươi của thanh kiếm. Nhà văn Oscar Ratti và Adele Westbrook đã bình luận rằng “Muramasa là một thợ rèn kiệt xuất, nhưng tính cách bạo lực và sự điên rồ của ông đã được truyền vào những thanh kiếm. Chúng sẽ khiến người sử dụng nó trở nên khát máu, khiến những Samurai luôn phải đi sát hại người khác, hoặc tự sát để có thể khiến thanh kiếm ngủ yên”. Một lời đồn khác cũng cho rằng những thanh kiếm Muramasa sẽ từ chối được đưa trở lại bao cho tới khi chúng được tắm máu bằng bất cứ giá nào. Truyền thuyết này được sáng tạo và phổ biến rộng rãi dựa trên những vở kịch Kabuki từ thế kỉ 18-19. Có rất nhiều các vở kịch khai thác chủ đề này như “Katakiuchi Tenga Jaya Mura” năm 1781, “Hachiman Matsuri Yomiya no Nigiwai” năm 1860, “Konoma no Hoshi Hakone no Shikabue” năm 1880, và “Kago-tsurube Sato-no-Eizame” năm 1888. Những vở kịch Kabuki ảnh hưởng tới người dân một cách mạnh mẽ khiến họ tin vào những truyền thuyết này. Thậm chí, vào năm Bunsei thứ 6, tức năm 1823, Matsudaira Geki đã mất tự chủ và sát hại lãnh chúa của mình tại thành Edo, người dân cũng đã đồn đại rằng anh ta sử dụng một thanh Muramasa, mặc dù không có bằng chứng nào chứng minh thanh kiếm Muramasa có liên quan tới sự kiện ấy.
Cho tới ngày nay, vẫn còn rất nhiều các phim, Anime hay Game lấy cảm hứng từ những thanh quỷ kiếm Muramasa. Như là một tập thuộc Series phim “Garo” nổi tiếng đã lấy câu chuyện về một Samurai bị ám bởi một thanh quỷ kiếm khát máu khiến anh ta liên tục phải tìm địch thủ để sát hại nếu không muốn rơi vào điên loạn. Hay có hẳn một Video Games có tên “Muramasa: The Demon Blade” đã được phát hành cho hệ máy Wii và Playstation Vita. Tựa Game gacha Fate/Grand Order cũng đã có nhân vật Senji Muramasa lấy cảm hứng từ người thợ rèn kiệt xuất.
Vẫn còn 20 thanh kiếm Muramasa tồn tại cho tới tận ngày nay. Không một thanh kiếm nào được công nhận là bảo vật quốc gia, hay là sản vật văn hóa của Nhật Bản, nhưng chất lượng của những thanh kiếm ấy cũng là quá đủ để chứng minh cho tài năng thực sự của Muramasa.
Nguồn tư liệu: Wikipedia và các trang báo nước ngoài.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất