*Bài viết có tiết lộ nội dung phim*
In The Mood For Love (2000)
Có lẽ, ngôi đền Angkor sẽ bớt đi một câu chuyện, nếu ông Châu và cô Trần không đến hỏi thuê nhà bà Tôn.
Có lẽ, sẽ không có gì giữa ông Châu và cô Trần, nếu những bản nhạc thôi réo rắt mỗi khi họ chạm mặt.
Có lẽ, kết thúc có hậu sẽ đến với ông Châu và cô Trần, nếu cô đồng ý chiếc vé tàu đi Singapore.
Có lẽ.
Dìu nhau vào điệu waltz, chẳng rõ bản nhạc đã kết thúc hay chưa, nhưng đôi nam nữ vẫn cúi chào và lùi về hai phía sân khấu. Điệu nhảy quyến rũ ngưng lại, lửng lơ, gieo cho khán giả không ít ngóng trông và tiếc nuối, giống như khi Châu Mộ Văn (Lương Triều Vỹ) và Tô Lệ Trân (Trương Mạn Ngọc) rơi vào chuyện tình dở dang trong “In The Mood For Love” (Hoa Dạng Niên Hoa) vậy.
Những nốt thăng trầm trong đời hai người xuất hiện vào một buổi chơi mạt chược, cũng là lần duy nhất hai cặp vợ chồng gặp nhau trong cả phim. Soundtrack “Yumeji’s theme” nổi lên khi cô Trần bước đến, và chỉ kết thúc khi anh Châu đi ra khỏi khung hình. Tuy cả phân cảnh và bài nhạc đều ngắn ngủi,  nhưng đó vừa là mở đầu, vừa là tóm tắt của cả câu chuyện sau này.  
Tiếng violin cứ thế vang vọng trong từng giây phút cô đơn, tự vấn của ông Châu và cô Trần, dội vào con hẻm tối, lan tỏa khắp căn phòng 2046. Từng dây đàn được gảy là một lần hai người tự hỏi có điều gì sai trong cuộc hôn nhân của mình, và mỗi câu hỏi lại kéo hai người tiến đến gần nhau hơn, từng bước, từng bước, theo từng đoạn slow motion. Mất rất lâu để Châu Mộ Văn và Tô Lệ Trân nhận ra tình cảm dành cho đối phương, nhưng như cao trào của bài nhạc vậy, quyết liệt, ồn ã trong phút chốc, rồi lại lắng xuống, hết. Một mối tình không diễn tả được bằng lời đã kết thúc trong im lặng. Vương Gia Vệ không dùng “Yumeji’s theme” như nhạc nền, mà để nhịp điệu của nó trở thành người dẫn chuyện. Bản nhạc của Shigeru Umebayashi đơn giản như chính cách “In The Mood For Love” thể hiện, nhưng trong sự đơn giản đó là ngọt ngào, cay đắng, quyến rũ và khắc nghiệt. Để rồi, khi nghe lại giai điệu này ở phần credit,những gì diễn ra trên màn ảnh một lần nữa tái hiện đầy xúc cảm qua từng khắc người nhạc công kéo đàn.
Đối lập với nét buồn Umebayashi mang lại là giai điệu vui tươi với tiếng hát Nat King Cole trên nền cuộc hẹn đầu tiên của cô Trần và ông Châu. “Aquellos ojos verdes” (Mắt biếc) nhè nhẹ cất lên, êm đềm lướt theo cuộc trò chuyện. Xen giữa thực tại đau khổ khi biết mình bị lừa dối là một tín hiệu của tình yêu. Sự im lặng căng thẳng của thực tại được xoa dịu bằng giai điệu “Te quiero dijiste” (Tôi yêu em). Việc sử dụng những bài nhạc Mĩ Latin thay thế cho những ca khúc Trung Hoa của các cảnh trước như một ẩn dụ về tình yêu kiểu mới, phóng khoáng hơn, chỉ đơn thuần là cảm giác yêu và được yêu, đi ngược lại quan niệm truyền thống khi gắn trách nhiệm, rào cản vào những mối quan hệ yêu đương. Cứ thế, những lần gặp mặt tại nhà hàng được lấp đầy bởi lời ca ngọt ngào của danh ca Nat King Cole. Không một lời yêu nào được trao cho nhau, nhưng mùi hương lãng mạn vẫn quyện trong bầu không khí. Cùng đó là một chút bí ẩn với những lời thổ lộ bằng tiếng Tây Ban Nha, như cách ông Châu và cô Trần tránh ánh mắt của xã hội.
De mirada serena
Dejaron en mi alma
Eterna fe de amar.
Anhelos de caricias
De besos y ternuras
De todas las dulzuras
Que han podido brindar.
(Lặng sâu nơi mắt biếc
Tình yêu mãi dịu hiền
Mơ môi hôn, tay nắm
Em đến, ru giấc yên.)
Với “Te quiero dijiste”, vẫn là tình yêu say đắm, nhưng bản nhạc lại bị cắt ngay trước lời tỏ tình của chàng trai, dự báo một mối tình không thành:
A veces escucho
Un eco divino
Que envuelto en la brisa
Parece decir
Sí te quiero mucho
Mucho mucho mucho
(Tôi nghe làn gió
Thì thầm bên tai
“Tình yêu, quá rõ
Không em, thì ai?”)
Ngày qua ngày, tâm hồn của cả hai hòa lại thành một, trong sự du dương của “Yumeji’s theme” ở trường đoạn ông Châu và cô Trần cùng nhau sáng tác trong căn phòng 2046. Điệu nhảy của đôi nam nữ cứ thế tiếp diễn, chậm rãi, ngây ngất.

Nhưng một lần nữa, thực tại ập về, họ không thể vượt qua được định kiến xã hội để đến với nhau, như câu nói luôn được dùng để tự nhắc nhở: “Chúng ta sẽ không giống họ [cặp đôi đang ngoại tình].” Cuối cùng, ông Châu chọn cách ra đi, hỏi cô Trần rằng:
_ Nếu có một vé nữa, liệu em có đi cùng?
Lúc này, cô không trả lời, mà giọng Nat King Cole vang lên: “Quizas, quizas, quizas,...” (Có lẽ, có lẽ, có lẽ,...). Không cần nhân vật phải đối thoại, Vương Gia Vệ để âm nhạc đối thoại trực tiếp với khán giả. Ông giữ được sự khép kín, kiệm lời của con người châu Á, và để cho tính cách sôi nổi, thẳng thắn của phương Tây trả lời Châu Mộ Văn. Tô Lệ Trân chỉ biết nhờ năm tháng che mờ mối nhân duyên này, kể cả khi ông Châu quay về khu nhà cũ sau 4 năm và gõ cửa nhà cô, đáp lại vẫn chỉ có câu hát: : “Quizas, quizas, quizas…”
Nếu dàn đàn dây của Shigeru Umebayashi kể lại câu chuyện tình da diết, đượm buồn, thì với Michael Galasso là những khúc hoài niệm được tấu lên. Giữa đền đài rộng lớn, Châu Mộ Văn đến trút tâm sự vào vách đá. Không lời thoại, tiếng động, trường đoạn cuối chỉ có “Angkor Wat theme” trầm buồn đưa khán giả vào không gian uy nghiêm, tĩnh mịch của Angkor, và cũng là cảm xúc của ông Châu khi nhớ lại những ngày cũ, với tình yêu còn âm ỉ trong tâm tưởng. 
Vương Gia Vệ đã cho thấy tư duy thẩm mỹ tinh tế của ông khi cho câu chuyện nhịp nhàng theo những bản tình ca. Ngày tháng Hong Kong 1962 chỉ còn là mảnh kí ức với Châu Mộ Văn và Tô Lệ Trân, nhưng những rung cảm dành cho nhau vẫn vẹn nguyên. Tròn 20 năm tuổi, “In The Mood For Love” vẫn khiến khán giả phải thổn thức mỗi khi ngắm nhìn những khung hình duy mỹ, cùng giai điệu trau chuốt, đầy xúc cảm trải dài, và những luyến tiếc mà cuộc tình ngắn ngủi để lại.
“Quizas, quizas, quizas,...”