Quên đi và ghi nhớ
Không như tựa đề có thể gợi ý, bài viết này mình không đề cập đến tính hay quên của bộ não hay kỹ thuật ghi nhớ thông tin. Quên đi và nhớ mãi là hai động từ được dùng trong hai hoàn cảnh khác nhau.
Không như tựa đề có thể gợi ý, bài viết này mình không đề cập đến tính hay quên của bộ não hay kỹ thuật ghi nhớ thông tin. Quên đi và nhớ mãi là hai động từ được dùng trong hai hoàn cảnh khác nhau, là cách viết ngắn gọn của một điều mình thường tự nhắc nhở bản thân. Đó là: khi mình làm một điều gì tốt cho ai thì hãy quên đi. Ngược lại, khi ai đó giúp mình điều gì thì hãy ghi nhớ.
Quên đi
Đức Phật từng nói rằng trên đời này có hai hạng người khó tìm, đó là người thi ân bất cầu báo và người nhận ơn mà không quên ơn. Thi ân bất cầu báo có nghĩa là làm điều tốt mà không mong đợi được người trả ơn, cũng có nghĩa là làm điều tốt vì muốn làm điều tốt mà thôi. Người có hiểu biết về nhân quả phúc báo sẽ hiểu rằng nên tránh làm những những việc xấu mà thay vào đó là làm nhiều việc thiện để tạo cái phúc về sau cho mình.
Tuy vậy, nếu một người cứ chăm chăm làm điều tốt với mong muốn sẽ nhận được quả tốt hay tiếng thơm thì ... cũng chẳng sao. Xã hội vẫn luôn cần nhiều hơn những người sẵn sàng làm điều tốt, vì làm điều tốt không phải là việc dễ dàng. Đôi khi để làm người tốt, một người phải hi sinh sự tiện nghi mà mình đang có, để rồi khi làm xong có khi mang tiếng "vác tù và hàng tổng", "bao đồng", "làm màu", "diễn sâu" hay "đạo đức giả". Chưa kể, sốt sắng làm việc tốt mà không đúng cách có khi lại trở thành phá hoại.
Người ta mất niềm tin vào lòng tốt, khi mà xung quanh họ xấu xa giả dối ngập tràn, đến nỗi mà có câu nói "miếng pho mát miễn phí chỉ nằm trong bẫy chuột". Khi mà niềm tin vào một xã hội tốt đẹp thiếu đi, thì niềm tin vào một xã hội xấu xa lại tăng lên. Trong một trạng thái như thế, người ta dè chừng cả điều tốt, sợ mình sẽ trở thành một trong những con chuột bị sập bẫy kia. Điều này càng khó khăn và khắc nghiệt hơn đối với những người nổi tiếng như ca sĩ Thủy Tiên, chú Hoài Linh, MC Phan Anh v..v.. Nhưng dù là với mục đích gì, hành động của họ cũng như thắp lên một ngọn nến, khiến cho những cây nến khác bên cạnh cũng bùng cháy theo.
Thế thì lòng tốt vị lòng tốt để làm gì? một người có thể hỏi như thế. Có lẽ là, vì lòng tốt xứng đáng được nhìn nhận như một loại giá trị đặc biệt. Nó không phải kiểu giá trị vật chất người ta nhận được khi cho đi một giá trị vật chất khác, vì như vậy thì nó trở thành một giao dịch tài chính hay một thương vụ đầu tư mất rồi.
Lòng tốt vị lòng tốt là một giá trị thuần khiết, tỏa sáng đẹp đẽ và ấm áp như một bếp lửa trong đêm đông và không lẫn tạp chất như một thỏi vàng 9999 (có lẽ còn hơn thế). Điều kỳ diệu với lòng tốt dạng này, là sau khi cho đi cả người cho và người nhận đều cảm thấy vui. Niềm vui có thể đến từ khi họ nghĩ tới việc đó, trong khi họ làm và cả sau đó nữa. Niềm vui đến mà không cần phải nghĩ liệu phúc báo có quay lại hay không, và nếu có thì nhiều hơn hay ít hơn điều tốt họ đã làm.
Và chính khi một người thực hiện lòng tốt với tâm không mong cầu mà phúc báo họ nhận được sẽ là trọn vẹn so với lòng tốt vị lợi. Điều này mình chả thể chứng minh bằng bất cứ nghiên cứu nào, nhưng mình tin rằng nó là thật. Mình tin trời đất chẳng phụ lòng người, nếu như quả thật họ có một tấm lòng như vậy. Biết đâu một ngày giới khoa học sẽ tìm ra định luật "cân bằng năng lượng", khi những gì con người cho đi một ngày sẽ trở về lại với họ.
Nếu khoa học không làm được điều đó, có lẽ người ta chỉ có thể lờ mờ chứng nghiệm qua thời gian, qua trải nghiệm những năm tháng cuộc đời mãi về sau này. Khi một người đã lớn tuổi họ có thể, như Steve Jobs nói, kết nối những dấu chấm. Ngay cả khi một ngày kia nó được chứng minh là không đúng, chả phải điều đó cũng rất đẹp sao?
Ghi nhớ
Về phía những người nhận được lòng tốt thì sao? có những người coi những gì mình nhận được là điều đương nhiên. Dường như con người chỉ biết ơn những điều lớn lao mà người khác làm cho mình như ơn cứu mạng của ân nhân, ơn sinh thành của cha mẹ hay ơn dạy dỗ của thầy cô mà không để ý đến những điều nhỏ bé khác.
Những điều đó có thể là một người lạ tốt bụng nhắc nhở bạn đ̶i̶ ̶đ̶i̶ ̶c̶ò̶n̶ ̶3̶ ̶g̶i̶â̶y̶ ̶đ̶è̶n̶ ̶đ̶ỏ̶ ̶t̶h̶ô̶i cái chân chống chưa gạt khi đang lái xe, người phục vụ bàn mang đồ ăn đến, anh shipper vất vả luồn lách qua phố phường để đến nhà bạn, ai đó nhường bạn lên trước khi chờ thanh toán hay một món đồ được tặng mà hàng ngày bạn dùng.
Lòng biết ơn có thể đơn giản chỉ là lời cảm ơn chân thành hay cầu chúc những điều tốt lành sẽ đến với người đã giúp đỡ ta. Nếu đó là một dịch vụ hay một món đồ mà bạn mua, bạn có thể cho họ một đánh giá tích cực. Nếu đó là những nội dung online thì việc trao một cái like hay bình luận khích lệ cho bài viết mà bạn thích, video clip mà bạn thấy hữu ích, hay có khi chỉ mang lại tiếng cười cũng đủ làm cho một ai đó bên kia màn hình cảm thấy vui.
Cho dù một người ở vị trí nào trong mối quan hệ cho - nhận, việc cho đi và biết ơn cũng làm cho họ cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn với cuộc sống của mình hơn. Vì không có ý định viết một bài luận, mình để link một số nghiên cứu bên dưới cho các bạn quan tâm về khía cạnh khoa học nhé.
Để kết thúc bài viết, mình xin được trích bài thơ Dặn Con của tác giả Trần Nhuận Minh, một bài thơ bỗng dưng mình nhớ đến khi viết mặc dù mình không thích thơ và cũng chưa từng làm bố.
Chúc các bạn một ngày tốt lành và cảm ơn đã đọc bài của mình nhé!
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Dặn con
Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn
Nhà mình sát đường, họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào
Con chó nhà mình rất hư
Cứ thấy ăn mày là cắn
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán
Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này…
Một số nghiên cứu về lợi ích của việc cho đi và lòng biết ơn
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất