Dịch từ bài gốc của Kristin Ohlsonis trên Aeon
Hình ảnh trong bài do tác giả cung cấp
---
Tôi là con út trong một gia đình có năm người con. Khi mẹ thụ thai tôi năm 1951, bà 35 tuổi, thất vọng quá đỗi trước sự thể chẳng đặng đừng này tới nỗi bà ra sức giấu không cho dì tôi biết bà mang thai. Anh cả rúm sợ của tôi không muốn kể cho chúng bạn ở trung học biết về đứa trẻ sắp sửa chào đời, mà cái thị trấn thì nhỏ. Tiếng dữ đồn xa.
Độ tuổi của mẹ và sự xuất hiện muộn màng của tôi trong gia đình đến tôi còn cảm thấy phiền toái, nhất là khi tôi bắt đầu đến trường năm 1957 và thấy những bà mẹ của bạn cùng lớp. Họ vẫn đang có em bé! Vẫn chất con cái của mình lên xe để đi tới những buổi picnic ven sông hay đi bộ đường trường trên bình nguyên phủ dung nham đầy dẫy hoa dại bên ngoài thị trấn. Họ vẫn phải hòa giải chuyện con cái nắm tóc hay giật đồ chơi của nhau. Nhưng lúc tôi học lớp Một, anh chị em của tôi đều không còn ở quanh; ba người lớn nhất đã lên đại học và người chị áp út theo học một trường nội trú cách nhà bốn giờ đi xe, thế là ngôi nhà từng hết sức ồn ĩ của chúng tôi trở thành một nơi rất yên ắng.
Nhà tôi kể chuyện về những tháng năm trước đó, khi mọi thứ hãy còn nguyên vẹn. Lúc anh cả của tôi đặt cho tôi biệt danh Ubangi vì tóc tôi mọc thành những lọn xoắn chặt trên đầu. Lúc một anh khác thích phục chờ tôi ở các góc nhà với con cá sấu đồ chơi chỉ vì nó lúc nào cũng khiến tôi rú lên trong hoảng hốt. Lúc chị lớn ẵm tôi quanh nhà như một con kangaroo điệu con trong túi. Nhưng tôi chỉ có thể nhớ lại rất ít ỏi những câu chuyện về mình suốt quãng năm tháng ấy.
Hồi tưởng mạnh mẽ nhất của tôi chính là cố gắng thường trực muốn được theo các anh các chị. Tôi nhớ phải đi ngủ khi trời còn chưa tối, cứ đạp tung các tấm trải khi nghe tiếng của họ vọng lên từ dưới nhà hay từ sân sau vang qua cửa sổ. Có lúc tôi còn ngửi thấy mùi bắp rang. Sáng hôm sau, tôi lục thảm phòng khách tìm chỗ bắp rang thừa và cho những hạt bắp chưa nở toét vào miệng. Tôi thật sự nhớ cảnh tượng này, có lẽ bởi vì nó cứ tái đi tái lại trong đầu tôi đêm này tới đêm khác - cha tôi rất thích bắp rang.
Nhiều năm trước, tôi nghĩ có lẽ mình có cơ may khôi phục lại quá khứ lạc mất ấy lúc tất cả chúng tôi gắn bó khăng khít dưới một mái nhà. Các anh đi xe tới hồ Bucks ở Sierras phía Đông Bắc California; ở đó, cho tới lúc tôi chừng ba tuổi, gia đình tôi từng thuê một căn nhà chỉ cho riêng mỗi mùa hè để tránh khỏi cái nóng của thung lũng Sacramento. Họ thấy ngôi nhà gỗ ngày trước vẫn y hệt. Kể cả một chiếc bàn làm bằng mạt cưa hãy còn trong phòng khách. Họ gõ cửa, và lạ thay, một người anh của tôi còn quen cả người đang thuê. Anh ấy mời các anh vào chơi và sau đó rủ tôi và các anh chị còn lại đến lần nữa để tham quan.
Cùng với cha, chúng tôi khởi hành ít tháng sau đó, lên các xa lộ thu hẹp lại thành những con đường bụi bặm, qua những hàng thông tối và qua những đỉnh đá sáng choang. Khi đến ngôi nhà, các anh chị sẽ tản ra, giành lấy những chỗ ngoài trời yêu thích, còn tôi vẫn chôn chân gần chiếc xe, ngạc nhiên trước khác biệt của nó so với những gì tôi nghĩ rằng mình còn nhớ được.
Tôi nhớ bờ nước là một chặng bách bộ dài ngoằng từ nhà qua một bãi cát; tôi còn nhớ hình ảnh mẹ đứng trên bãi nước rộng thênh kia, váy phất phơ trong gió, tay bụm che miệng. Nhưng bờ nước có thảm sỏi chỉ cách chừng một thước mà thôi. Tôi nhớ lại sống giữa của một con đập nhô khỏi mặt nước ở chỗ không quá xa nhà, một tường bê tông nguy hiểm và đột ngột trờ ra tại mép hồ nước mà anh chị em nhà tôi từng đến quá gần. Nhưng kể cả khi đây chỉ là một hồ nước nhân tạo, từ nhà nhìn ra chẳng ai nhìn thấy con đập cả. Tôi đi theo cha vào trong, sự nhỏ nhắn đáng yêu của gian bếp khiến ông thích thú. Ông cứ mở đi mở lại cánh tủ bếp và cười phá lên mỗi khi chúng va vào nhau giữa lối đi hẹp. “Mẹ ghét cái bếp này lắm!” ông nói. “Lúc nào mẹ cũng sửa soạn các bữa sáng thịnh soạn - trứng, xúc xích, bánh kếp - và mới vừa rửa chén xong xuôi thì mấy đứa đã kịp về lại nhà để chờ dùng bữa trưa.”
Tôi không nhớ. Tôi không nhớ chiếc bàn. Tôi không nhớ bất cứ điều gì về chốn ấy. Anh chị em na tôi dọc theo ngôi nhà, chỉ rõ ai từng ngủ ở đâu - họ bảo tôi từng ở hốc tường nhỏ dọc hành lang, dù theo tôi nhớ thì tôi ở trong phòng của cha mẹ và nhìn thấy cả hai thiếp ngủ trong ánh sáng sớm tinh mơ. Họ chỉ tiếp các chi tiết gắn với cái cuộc sống khi tất cả chúng tôi sống bên trong cabin, háo hức chờ tôi sẽ nhớ ra, nhưng vô vọng. Tôi thậm chí còn khuỵu gối và bò quanh phòng khách ngang tầm nhìn một đứa trẻ, nhìn vào những bệ cửa sổ phủ bụi và ngửi cả lỗ khóa trên bức tường ghép bằng gỗ thông và lần ngón tay trên các tấm gỗ sàn. Hoàn toàn không.
Giờ thì tôi đã rõ nếu tôi còn nhớ được bất cứ thứ gì từ quãng thời gian ấy sẽ rất bất thường. Chẳng người trưởng thành nào còn nhớ cả. Thậm chí còn có cả một thuật từ mô tả tình trạng này - mất trí nhớ về tuổi thơ, do Sigmund Freud đề ra vào năm 1910 - để mô tả sự khiếm khuyết trong hồi tưởng của người trưởng thành về thời gian ba năm đầu đời và sự hiện diện cách chừng của một số ký ức cho tới quãng lên bảy. Đã có cả một thế kỷ nghiên cứu tới lui xoay quanh việc liệu ký ức những năm tháng đầu đời ấy có bị một phần nào đó trong bộ não cất đi mất và chỉ cần một manh mối để truy hồi mà thôi hay không. Đó là điều mà tôi hy vọng khi về lại căn nhà cũ cùng với các anh chị em.  Tôi dự định sẽ hẫy ra khỏi đầu một ký ức khó bảo nào đó khi tiếp xúc với cảnh trí, âm thanh, mùi vị và động chạm tay chân với nơi chốn này. Thế nhưng nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các ký ức chúng ta hình thành trong quãng ba năm đầu đời ấy chỉ đơn giản là biến mất.

Freud luận rằng chúng ta dồn nén các ký ức khởi nguyên bởi chấn thương về tình dục, thế nhưng, mãi tận thập niên 80 thế kỷ trước, đa phần các nhà nghiên cứu cho rằng chúng ta như vậy là bởi chúng ta chẳng tạo dựng ký ức nào - rằng các sự kiện diễn ra và trôi đi chẳng hề để lại dấu ấn sâu đậm nào trên bộ não sơ sinh của chúng ta. Nhưng vào năm 1987, một nghiên cứu của nhà tâm lý Robyn Fivush cùng các đồng nghiệp của bà tại ĐH Emory đã nắn lại cái quan điểm sai lệch kia một lần và mãi mãi, chỉ ra rằng trẻ dưới hai tuổi rưỡi đã có thể mô tả các sự việc xảy ra với mình trong giãn cách sáu tháng trước thời điểm hiện tại.
Nhưng điều gì xảy ra với các ký ức ấy? Hầu hết chúng ta cho rằng khi đã lớn mình chẳng còn nhớ gì về chúng là bởi chúng thuộc về quá xa trong quá khứ nên còn ít mắc míu với thực tại, nhưng nói thế là sai. Chúng ta đánh mất khi ta hãy còn là trẻ.
Nhà tâm lý Carole Peterson ĐH Memorial ở Newfoundland tiến hành một loạt nghiên cứu để định ra độ tuổi khi đó các ký ức sơ sinh biến mất. Trước tiên, Carole cùng các đồng nghiệp tập hợp lại một nhóm trẻ độ tuổi từ 4 tới 13, yêu cầu các em mô tả các trải nghiệm sớm sủa của mình. Cha mẹ chúng đứng cạnh bên để bảo đảm các ký ức ấy là có thực, và kể cả đứa trẻ nhỏ tuổi nhất trong nhóm cũng có thể nhớ lại các sự kiện diễn ra khi em mới lên hai.
Hai năm sau, các em được phỏng vấn một lần nữa để tìm xem đã xảy ra thay đổi nào hay không. Hơn một phần ba các em 10 tuổi hoặc lớn hơn vẫn còn nhớ các ký ức từng kể ở lần nghiên cứu đầu tiên. Thế nhưng các em bé hơn - nhất là em nhỏ tuổi nhất mới lên bốn ở lần nghiên cứu trước - lại gần như quên hết. “Cả khi chúng tôi gợi nhắc, các em vẫn nói: ‘Chuyện đó chẳng xảy ra với con,’” Peterson thuật lại. “Chúng tôi chứng kiến quá trình quên lãng ấu thơ diễn ra ngay trước mắt.”
Ở cả trẻ con và người lớn, ký ức tuân thủ nguyên tắc lạ kỳ về đâu là cái giữ lại và đâu là cái sẽ cho đi. Trong một nghiên cứu, Peterson thuật lại một câu chuyện về con trai bà và về một ký ức thơ ấu mất đi hoàn toàn. Bà đã dắt cậu tới Hy Lạp khi mới 20 tháng tuổi, và trong lúc ở đó, cậu bé cực kỳ thích thú với các chú lừa. Đã diễn ra một cuộc trao đổi xoay quanh chúng trong gia đình chí ít cả một năm. Nhưng tới khi bắt đầu đến trường, cậu bé quên bẵng chúng đi. Tới tuổi thiếu niên, khi được hỏi về ký ức tuổi thơ sớm sủa nhất, thay vì những chú lừa Hy Lạp kia, cậu ta lại nhớ về một kỷ niệm diễn ra không lâu sau chuyến sang Hy Lạp, ở lần cậu được vợ chủ nhà tặng cho rất nhiều bánh cookie trong lúc chồng của bà dẫn cha mẹ cậu tham quan ngôi nhà họ dự sẽ mua.
Peterson không biết vì sao cậu lại nhớ sự việc kia - vốn là một thời điểm hoàn toàn chẳng có gì đáng nhớ và bản thân gia đình cũng chẳng đề cập thêm ở các tâm sự hàng ngày. Nhằm hiểu thêm lý do một số ký ức lại kéo dài hơn số khác, Peterson cùng đồng nghiệp của mình một lần nữa nghiên cứu về ký ức. Họ kết luận rằng nếu ký ức ấy mang lại thật nhiều cảm xúc, trẻ dễ lưu lại chúng trong đầu tới ba lần trong vòng hai năm sau khi ký ức xảy ra. Các ký ức đầy đặn hơn - nếu trẻ hiểu rõ nhân vật, đối tượng, thời điểm và lý do - dễ lưu lại hơn những năm lần so với các mảnh ký ức rời rạc. Ấy vậy mà, các ký ức lạ kỳ không đầu không đũa như số bánh ứ hự cậu bé nhận được lại vẫn tiếp diễn, làm người muốn có một cái nhìn thấu suốt hơn về quá khứ trước kia phát cáu.
Để hình thành được ký ức dài hạn, rất nhiều tổ hợp sinh học và tâm lý buộc phải đồng bộ, và hầu hết trẻ thiếu đi cơ chế tạo ra sự đồng bộ này. Nguyên liệu thô của ký ức - hình ảnh, âm thanh, mùi và vị, và các cảm giác động chạm tới từ trải nghiệm sống của chúng ta - xuất hiện và ghi nhận vào vỏ não, trung khu nhận thức. Để các nguyên liệu thô này trở thành ký ức, chúng phải đi qua quá trình đóng gói ở hồi hải mã, cấu trúc bên trong não được đặt tên theo hình dáng giống một con hải mã, bố trí bên dưới vỏ não. Hồi hải mã không chỉ đóng gói nhiều dữ kiện đầu vào có từ giác quan của chúng ta thành một ký ức đơn mới, mà nó còn gắn kết các hình ảnh, âm thanh, mùi và vị, và các cảm giác động chạm vào những lưu trữ ký ức tương tự trước đó trong não. Nhưng một số cấu phần của hồi hải mã hãy còn chưa phát triển hoàn toàn cho tới khi ta tới tuổi trưởng thành, khiến bộ não trẻ gặp nhiều khó khăn hơn để hoàn thành quá trình này. 
“Để một ký ức được lưu trữ cần tới rất nhiều tiến trình sinh học diễn ra,” nhà tâm lý Patricia Bauer, ĐH Emory, chia sẻ với tôi. Có cả “một cuộc đua cật lực nhằm giữ vững và đóng tạc ký ức trước khi ta quên nó. Cũng giống như làm món thạch: ta trộn mọi thứ, cho vào khuôn, và cho vô tủ lạnh để đông lại, nhưng trong khuôn có một chiếc lỗ nhỏ. Ta chỉ có thể hy vọng rằng hộp thạch - ký ức của ta - có thể đông cứng trước khi nó kịp rò ra khỏi cái lỗ bé tí kia.
Chưa hết, trẻ nhỏ lại còn nắm bắt về trình tự thời gian rất mơ hồ. Còn phải nhiều năm sau chúng mới thuần thạo về đồng hồ, lịch lạc, và vì thế chúng rất khó lòng có thể đóng gắn sự việc xảy ra vào một mốc thời gian và nơi chốn cụ thể. Chúng càng không có từ vựng để mô tả lại sự kiện, và thiếu đi từ vựng, chúng không thể tạo ra được cái sự thuật lớp lang sau trước, cái Peterson tìm thấy ở gốc rễ của một ký ức vững vàng. Và các em càng chưa có một cảm quan về bản thân nhào nặn công phu, để tự khuyến khích mình tích trữ và nhìn nhận lại các bó trải nghiệm đã qua như một phần của tự thuật kể lại cuộc đời mình.
Mong manh dường ấy, thế nên ký ức của trẻ thường dễ rơi vào một quá trình gọi là phân mảnh. Trong các năm đầu đời, chúng ta hình thành cả một lô lốc neuron mới ở phần hồi hải mã được gọi là hồi răng và tiếp tục hình thành trong suốt phần đời còn lại, mặc dù ở vận tốc không hoàn toàn như nhau. Một nghiên cứu của hai nhà khoa học thần kinh Paul Frankland và Sheena Josselyn tại Hospital for Sick Children tại Toronto chỉ ra rằng quá trình hình thành thần kinh có thể gây ra sự quên bằng cách phá vỡ mạch nối của các ký ức trước đây.
Ký ức của chúng ta có thể bị ký ức của người khác về cùng một sự kiện hay một thông tin mới nhập vào bóp méo, nhất là khi thông tin này có nhiều điểm giống nhau với thông tin đã chứa trước đó. Chẳng hạn, ta gặp ai đó và nhớ tên người đó, nhưng lúc sau ta gặp một người khác có cùng tên, và nhầm lẫn với tên của người trước. Ta cũng có thể mất ký ức khi các synap kết nối neuron bị suy thoái vì ít sử dụng. “Nếu không bao giờ động tới ký ức ấy, các synap có thể được sung quỹ cho một ký ức khác,” Bauer chia sẻ.

Khi trẻ lớn, các ký ức càng khó bị phân mảnh hoặc xóa sổ. Hầu hết các ký ức chặt chẽ mà chúng ta mang theo suốt cuộc đời hình thành từ những “ký ức nổi trội”, từ tuổi 15 tới 30, khi chúng ta bỏ ra rất nhiều sức lực để khảo nghiệm tất cả mọi điều nhằm tìm xem mình là ai. Các sự kiện, văn hóa và con người vào giai đoạn này vẫn còn lại  với chúng ta và thậm chí còn có thể làm lu mờ cả các đặc điểm của hiện tại đang lão hóa của chúng ta, theo Bauer. Những bộ phim chúng ta xem vào thời điểm này đều là hay nhất, và âm nhạc, thời trang, các chính trị gia, các mối tâm giao, cả các cuộc tình cũng đều là hay nhất. Vân vân. 
Đương nhiên một số sẽ có nhiều ký ức ấu thơ hơn số khác. Có vẻ việc nhớ một phần nào đó chịu ảnh hưởng bởi văn hóa gắn bó gia đình. Một nghiên cứu năm 2009 do Peterson cùng Vương Kỳ, ĐH Cornell, và Hầu Ngọc Ba, ĐH Bắc Kinh, phát hiện rằng trẻ ở Trung Quốc có thể có ít ký ức hơn trẻ tại Canada. Kết quả này theo họ có thể lý giải bằng văn hóa: người Hoa kém chú trọng tính cá nhân hơn người Bắc Mỹ và do đó ít khi bỏ ra thời gian quan tâm tới các khoảnh khắc trong đời. Ngược lại, người Canada, lại thúc đẩy việc hồi tưởng và giữ cho các synap nối kết các ký ức cá nhân thủa đầu luôn sống động. Một nghiên cứu khác, bởi nhà tâm lý Federica Artioli và đồng nghiệp tại ĐH Otago, New Zealand, năm 2012, phát hiện rằng người Ý trẻ tuổi từ các gia đình nhiều thế hệ có các ký ức sâu và dày hơn những người đến từ các gia đình nguyên tử, có lẽ là kết quả từ ký ức gia đình nổi trội hơn.
Nhưng không nhất thiết phải viện tới một nhúm họ hàng sum vầy bên cạnh mới có thể thúc đẩy hồi ức của một đứa trẻ. Nghiên cứu của Bauer còn chỉ tới “sự chuyển hướng đối thoại từ mẹ”, nghĩa là người mẹ (hay một người lớn khác) tham gia vào cuộc trao đổi hào hứng của trẻ về các sự kiện, chuyển ngược vai trò ghi nhớ về phần trẻ và mời em tham gia đóng góp cho câu chuyện. “Cách tương tác ấy góp phần làm giàu ký ức trong một thời gian dài,” Bauer chia sẻ với tôi. “Nó không thể dự báo được liệu ta có thể nhớ một sự kiện hay không, nhưng chắc chắn nó hình thành một cơ bắp. Trẻ học cách có các ký ức và hiểu được nên chia sẻ phần ký ức nào. Trong suốt các trao đổi này, trẻ học được cách kể chuyện.”
Vay mượn hình tượng chiếc khuôn của Bauer, lúc nào tôi cũng ngờ vực rằng mẹ tôi cũng có một cái lỗ còn nhỏ hơn cả của tôi, thành ra bà có thể giữ được thông tin cho tới lúc nó đông thành ký ức. Dường như bà nhớ hết mọi thứ từ thời thơ ấu, từ ký ức các anh chị em nhà tôi, và cả quãng sáu năm đầu đời. Rất mãnh liệt, bà nhớ về lần gây gổ giữa ông bà ngoại, lần bà ngoại rốt cuộc bất tỉnh nhân sự và ông buộc mẹ phải nói với hàng xóm sang thăm là mẹ đang ngủ. Hôm bà ngoại chuẩn bị dọn đồ cho dì và mẹ và đưa cả hai từ Nebraska sang Nevada, cùng những món đồ thừa bày ra thảm cỏ để người trong thị trấn tới chọn lựa và mặc cả. Ngày bác sĩ mổ ruột thừa của mẹ trên bàn mổ. Ngày bà làm đũng quần ở trường và các sơ buộc mẹ phải cuốc bộ về nhà giữa thời tiết lạnh tới nỗi quần lót của bà đông cứng. Tôi không biết ký ức của bà có sắc bén dường ấy phải chăng vì đó đều là những sự kiện khủng khiếp, nhất là khi so với những năm đầu đời tẻ nhạt của chính tôi.
Giờ tôi lại ngờ không biết khả năng kể chuyện quá khứ của mẹ có phải còn đến từ những hằng hà vô số con người tụm quanh cái lõi của nó. Người mẹ trẻ của bà, vụt thoát một cuộc hôn nhân ép buộc và trốn lánh về căn nhà chật chội của bác, với hai đứa con gái. Dì tôi, hơn mẹ ba tuổi, lúc nào cũng vừa đấm vừa xoa, vừa hỏi vừa đáp. Mẹ và dì nói về đời mình tới một mức độ có vẻ như trừ phi xảy ra chuyện, họ chẳng có gì để tâm sự với nhau. Do đó, câu “Đừng kể với dì Helen!” sẽ được khẽ kháo khắp nhà khi xảy ra chuyện, theo sau là câu “Đừng kể với dì Kathleen!” ở nhà anh chị em họ chúng tôi khi xảy ra chuyện.
Có lẽ tôi lại có một cái lỗ rất to bên dưới khuôn thạch, nhưng tôi cũng tự hỏi liệu khả năng kể chuyện và cơ chế hình thành ký ức của dòng họ tôi đã vỡ nát khi mình xuất hiện. Anh chị tôi ra sức chăm bẵm tôi - tôi được kể và tin như vậy - nhưng việc của họ là ra ngoài cưỡi ngựa, chơi bóng, đánh vần thật cừ và lâm vào đủ thứ rắc rối trên đời, chứ nào phải tỉ tê với con nít. Và đâu đó giữa lúc tôi được sinh ra và họ rời khỏi gia đình, mẹ tôi trải qua một cuộc suy sụp kéo tuột bà vào 20 năm trầm cảm và sợ hãi không gian trống. Bà chỉ có thể đi tới tiệm tạp hóa khi cha tôi theo sát, vừa đẩy xe vừa cầm danh sách mua sắm. Cả khi tới tiệm làm tóc để cắt và tạo mẫu tóc theo hình dáng nào đó, cha tôi cũng ngồi cạnh bà đọc tờ Wall Street Journal trong lúc bà co người dưới một chiếc máy sấy tóc. Khi cả gia đình ở nhà, bà rất hay ru rú trong phòng mình. Chẳng ai biết khi nào nỗi buồn và sự xa lánh khỏi thế giới bắt đầu - và bà cũng chẳng còn sống để kể lại - nhưng chắc hẳn từ lúc tôi còn rất bé. Cái tôi nhớ được chỉ là lặng thinh.
Quãng ba hay bốn năm đầu đời là những trang giấy mở đầu trống trơn đến lạ kỳ, khó hiểu trong câu chuyện về bản thân mỗi người chúng ta. Như Freud tuyên bố, quên lãng ký ức tuổi thơ “đậy che thời ấu thơ sớm sủa nhất khỏi mắt chúng ta và khiến nó trở nên xa lạ”. Trong thời gian này, chúng ta chuyển từ cái mà anh vợ của tôi gọi là “ổ bánh mì có hệ thần kinh” thành những cá thể có nhận thức. Nếu không còn nhớ được gì nhiều nhặng từ những năm tháng kia - dù bị bạo hành hay được cưng chiều hết mực - liệu chúng có thật sự quan trọng hay không? Nếu một cây rơi ra khỏi khu vườn ban sơ và chúng ta chẳng có não và công cụ nhận thức để trữ vào ký ức, liệu nó có giúp ích gì vào chuyện hình thành con người chúng ta?
Bauer cho là có. Kể cả khi ta không còn nhớ các sự việc này, chúng vẫn để lại dấu ấn trong cách chúng ta hiểu và cảm nghiệm về mình, người khác, về thế giới rộng lớn ngoài kia, dù tốt dù xấu. Chúng ta có những nhận thức cầu kỳ về chim chóc, chó, sông hồ và núi non, chẳng hạn, kể cả khi ta không còn nhớ được những trải nghiệm gây ra chúng. “Bạn không nhớ lần đi trượt băng với Chú Henry, nhưng vẫn hiểu rằng trượt băng và thăm nom họ hàng vẫn vui thú,” Bauer giải thích. “Ta cảm nhận sự tử tế, tin cậy của con người. Ta có thể không bao giờ chỉ ra rõ đã học được gì từ đó, mà chỉ biết về chúng mà thôi.”
Và chúng ta chẳng phải là tổng hòa các ký ức mình có, hay chí ít chẳng thể hoàn toàn tạo nên từ ký ức. Chúng ta còn là chuyện ta tự dựng xây về mình, tự sự cá nhân để giải thích và gán đặt ý nghĩa cho những điều ta còn nhớ và những điều người khác nói về ta. Nghiên cứu do nhà tâm lý Dan McAdams, ĐH Northwestern, tác giả cuốn Redemptive Self (2005), cho rằng các tự thuật này dẫn lối cho hành vi và giúp chúng ta tiến bước vào tương lai. May mắn hơn nữa là những kẻ trong số chúng ta sở hữu những chuyện kể chữa lành, cho chúng ta tìm thấy phúc trong họa.
Thế nên câu chuyện của chúng ta chẳng phải những thực tế khô khan đóng lên thạch bảng. Chúng là những câu chuyện chuyển động và đổi hình thay dạng, và đây là nền tảng vững chãi cho phần lớn liệu pháp trị liệu bằng trò chuyện. Và sau đây là một khía cạnh tích cực của sự trưởng thành: câu chuyện của chúng ta về bản thân chỉ càng hay hơn. “Dù vì bất kỳ lý do gì, càng lớn tuổi chúng ta càng có khuynh hướng nhấn nhá nhiều hơn vào những điều tích cực,” McAdams chia sẻ với tôi. “Chúng ta sẵn lòng hoặc thôi thúc được nhìn thấy thế gian một cách tích cực hơn. Chúng ta hình thành thiên kiến lạc quan về ký ức của chính mình.”
Tôi không thể khiến mình nhớ về quãng thời gian đầu đời sống cùng các anh chị em và với mẹ trước khi bà suy sụp, dù cho có quay trở lại khúc điền viên nơi những mùa hè hạnh phúc ấy từng diễn ra. Nhưng tôi có thể vận dụng những lăng kính từ tâm hơn về sự lão hóa và nghiên cứu từ những nhà khoa học về ký ức hòng khắc tạc nên một câu chuyện trên những trang giấy trắng hãy còn chưa nhuốm màu mất mát.
Về bản tính, tôi là người tin tưởng và lạc quan, những đặc điểm tính cách mà tôi đôi lúc âu lo có phải chúng là dấu hiệu của sự nhu nhược về trí tuệ hay chăng, nhưng tôi có thể chọn giải thích chúng như những cách tiếp cận dành cho thế giới làm nên từ hằng hà sa số những trải nghiệm, giả như không hồi tưởng được, với một gia đình trìu mến ấm yên vào những tháng năm kia. Tôi chẳng nhớ, nhưng tôi chọn được hình dung mình ngồi trong lòng các anh chị khi họ đọc truyện hay ca hát, hoặc bày tôi nhìn thấy hai càng vung của con cua đất từ vùng hồ trên núi ấy. Tôi có thể hình dung mình bấu vào vai các anh chị, ngón tay vịn chắc vào mái tóc xoăn của nhà Ohlson.
Tôi có thể hình dung anh chị kiên nhẫn bón tôi ăn theo từng dòng thơ bài thơ Đêm trước Giáng Sinh, hết lần này sang lần khác, ngày qua ngày, vì ai đó phải làm - mẹ kể với tôi tôi có thể thuộc hết bài thơ lúc hai tuổi. Chẳng phải các anh chị còn nhớ, bởi hầu hết họ đều đã sang tuổi thiếu niên và bận vướng với những cuộc tiếp xúc với con người và thứ văn hóa sẽ định hình nên nhân cách của họ suốt nhiều năm sau. Nhưng tôi sẽ hình dung và tái thiết nó, cho cả tôi và cho cả họ. Bởi quá khứ của chúng tôi buộc cần phải có vô vàn những dịu ngọt kia, nếu nhìn vào niềm gắn kết gụi gần may mắn của anh chị em chúng tôi ngày nay. Chúng tôi chỉ quên đi các chi tiết mà thôi.
k.