Bữa trước mình có thấy một vài cái pic ám chỉ chuyện “giả điếc” của mấy bạn học sinh giỏi trong giờ kiểm tra trên mạng xã hội kèm với những dòng mỉa mai kiểu như bạn bè mà không giúp nhau hay là chảnh, kiêu vì học được,... Trên cương vị là một người “đã từng thường xuyên cho bạn bè cóp bài” và bây giờ là một người “thường xuyên cóp bài bạn bè”, mình cảm thấy khá bực mình với những dòng đó. Và mình cảm thấy thực sự ghê sợ khi vô tình đọc được một bài báo viết về vụ nam sinh đánh bạn đến chấn thương sọ não chỉ vì… bạn không cho cóp bài?!
VẬY TẠI SAO LẠI CÓ TÌNH TRẠNG QUAY CÓP BÀI ?
Theo mình thì nguyên nhân chính là do học sinh lười, nhưng mà mình hiểu được sự lười ấy. Tưởng tượng một học sinh học 13 môn (theo chương trình THPT) với một mớ công thức cùng lý thuyết xuyên suốt phải học, học, và học, mình đã thấy hơi ớn lạnh rồi. Phần lớn các môn đều cho ghi khá nhiều lý thuyết và đề kiểm tra lại khá là sâu (với môn xã hội) và xa (với môn tự nhiên). Vì thế mà một học sinh có thể trung hòa được 13 môn đó một cách toàn diện mà không phải gian lận trong thi cử là rất rất rất rất khó.
Chúng ta thường có sự phân biệt những môn mình thích và không thích. Do đó ta không phân bổ thời gian cho tất cả các môn và có xu hướng học lệch về môn mình thích, việc trung hòa 13 môn lại càng khó. Vài người nói rằng nếu không có năng lực thì thừa nhận thôi, đâu cần phải đi quay cóp, điểm số không quan trọng. “Điểm số không quan trọng” nhưng tại sao chúng ta lại nặng về nó như thế. Bảng điểm đẹp cho một học bạ đẹp để dễ dàng xét tuyển đại học và tìm việc. Bảng điểm đẹp để được bạn bè ngưỡng mộ, không bị coi thường. Bảng điểm đẹp để bố mẹ không ca cải lương mỗi dịp đi họp cha anh…
Giữa hai con đường, một là lao lực học tập để khó khăn lắm mới bằng điểm những đứa ăn cóp, hai là ăn cóp, phần lớn chúng ta chọn con đường thứ hai.
Và còn một nguyên nhân khác nữa theo mình nghĩ là đến từ chính những học sinh giỏi cho người khác quay cóp đó. Với tư tưởng rằng “mình sẽ hòa đồng với các bạn hơn” hoặc là “mình cho nó coi môn này, nó cho mình coi lại”..., thì dù có biết việc đó là đang hại bạn mình thì ta vẫn tặc lưỡi cho qua.
VỀ VIỆC GIẢ ĐIẾC.
Như mình nói, mình đã từng là một học sinh giỏi và mình không nhớ đã giả điếc bao nhiêu lần… Mình cố tình giả điếc nhưng cũng là có lý do và mình nghĩ là nhiều bạn cũng giống mình.
Thứ nhất: Mình bị coi rất chặt. Các thầy cô giáo thường chú ý đến những bạn học khá trong lớp để giảm thiểu nguy cơ điểm ảo. Nên là làm ơn ạ, hiểu giúp đi, đâu phải chảnh hay ích kỷ gì đâu. Mình cũng sợ bị đánh dấu bài lắm chứ.
Thứ hai: Tại sao những khó khăn ôn luyện của mình lại để “dâng hiến” cho người khác nhỉ? Mình nhớ là đã rất chăm chỉ học cơ mà, sao các bạn không học gì mà điểm vẫn cao thế?
Thứ ba: Có một số người rất-không-ý-tứ. Chép sạch của người ta từ A đến Z mà không một lời cảm ơn. Rồi lại mừng rỡ với điểm số đó, không chút áy náy rằng mình học kém nó mà mình lại bằng (thậm chí là cao hơn do mình chữ đẹp) điểm nó. Đã bao giờ nghĩ đến cảm xúc của người cho chép chưa? Nghĩ rồi thì đã bao giờ gắng học để không phụ thuộc vào người khác không?
VÀ HỆ LỤY…
Bài báo mình đọc về vụ đánh bạn đến chấn thương sọ não vì không cho cóp bài ấy lý do vô cùng đơn giản. Bạn học giỏi hôm ấy bị cảnh cáo và suýt thì bị đánh dấu bài nên sợ và không cho bạn kia chép nữa. Rồi bạn ấy bị ăn bụp… Chấm hết.
Chuyện này không có gì là hư ảo đâu. Mình cũng từng lâm vào tình trạng tương tự. Năm lớp 7(thời còn học khá, giờ thì đỡ rồi ^^), mình ngồi cạnh một “chị đại” và phải “cống hiến chất xám” cho bả. Ngày thi hôm đó cô giáo coi rất gắt và mình bị cảnh cáo lần một, mình sợ nên không dám cho coi bài nữa. Sau giờ thi thì mình phải xin lỗi và năn nỉ “bạn trùm” đó tha lỗi dù biết mình không có lỗi. Nhưng mình không nghĩ nó là biểu hiện của sự nhu nhược, mình muốn được yên ổn. Mình không muốn mỗi ngày đến lớp bị bao ánh mắt gièm pha, không muốn trở về nhà giữa trưa nắng với một cái xe bị hỏng lốp, không muốn ngăn bàn dính đầy mực và chì than…
Mình đã từng muốn bày tỏ những điều này với người lớn nhưng họ lại nghĩ rằng “Ôi dào, chuyện trẻ con ấy mà. Giận nhau vài bữa rồi lại dính nhau như đỉa”. Hoặc mọi thứ được giải quyết bằng bản tường trình kèm kiểm điểm với cái ôm thân mật là lời xin lỗi “từ đáy lòng” nhưng hơi thở lại đầy mùi nguy hiểm. Ở tuổi vị thành niên, mình không nghĩ rằng chỉ với bản kiểm điểm, tường trình( những hình thức phạt phổ biến của giáo viên) hay vài lời răn đe của phụ huynh có thể thay đổi cái tính “chị đại” đó được.
Mình đã luôn sợ như thế… Và nhiều bạn cũng sợ như thế. Suy nghĩ đơn giản đó là “mình muốn yên ổn học hành thôi.”
VẬY NÊN LÀ…
Với những người hiện đang là copy-er, mong rằng các bạn có thể hiểu cho sự giả điếc ấy và bớt trách các bạn đó lại. Họ không có nhiệm vụ cho chúng ta ăn cóp mà. Mình( với vị trí là một copy-er) biết được cảm giác chới với và bất lực khi không làm được bài, biết được cảm giác hoảng loạn với con điểm cực thấp và cũng đau đầu vì những “lời ca tiếng hát” của cha anh. Nhưng cũng đừng trách cứ họ, họ cũng đang chật vật với chính bài kiểm tra của họ đấy chứ. Và làm ơn, khi quay cóp thì chép vừa phải thôi, tém tém lại, công sức người ta mà nuốt trọn như thế không thấy hổ thẹn à?
Với những bạn học sinh giỏi giả điếc, mình nghĩ rằng giả điếc không phải là một biện pháp hay. Hãy vạch rõ ranh giới với người chép bài của mình rằng mình abcxyz nên không cho bạn chép được hoặc nói thẳng ra là bạn đừng chép hết… Còn nếu bạn thấy khó chịu thì ngay từ đầu không cho chép luôn, dăm bữa nói xấu cũng được, chịu khó một xíu để xây dựng hình ảnh cho người khác là một “con nhỏ không cho ai cóp bài” rồi sau này sẽ quen dần thôi. Những điều các bạn mặc định là tốt bụng, hòa đồng đôi khi chính là cơ sở để những bạn kia ỷ lại, dựa dẫm. Năm lớp 9, mình từng đi thi học sinh giỏi môn sử và chỉ bài cho một bạn không quen biết trước giờ thi. Bạn đó ngồi sau mình và liên tục kéo áo cũng như gọi mình đòi cho xem bài. Mình sau khi hơi lag vì sao bạn hồn nhiên thế thì quyết định làm nhanh rồi lăn ra ngủ. Đương nhiên là bạn ấy không làm gì được mình rồi, ngay từ đầu mình đã thể hiện là không cho bạn ấy cóp bài cơ mà.
TÓM LẠI LÀ
Mình không phản đối hay ủng hộ hoàn toàn về việc quay cóp trong giờ kiểm tra, cái gì cũng có hai mặt của nó. Nhưng mình muốn các bạn “đã đang và sẽ copy bài người khác” với các bạn “đã đang và sẽ cho người khác copy bài” suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề này để những việc đáng tiếc, đau lòng sẽ không còn xảy ra nữa...
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất