Cấp Ba là quãng thời gian đẹp nhất của đời người. Nó là những năm tháng hồn nhiên nhất và hạnh phúc nhất...
"Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào, dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa thì bạn vẫn muốn được đắm mình trong cơn mưa ấy lần nữa"
Tôi không nhớ mình đã nghe được câu nói tương tự như vậy bao nhiêu lần trong suốt quãng thời gian cấp Ba của mình nữa. Thành thật mà nói, tôi ghét câu nói này. Bởi lẽ, đối với tôi, khoảng thời gian cấp Ba không nhiều màu hồng đến vậy. Nếu bức tranh cấp Ba của mọi người tràn ngập những gam màu sáng và tươi tắn, bức tranh của tôi sẽ có gam màu tối và xám xịt. 
Mất một khoảng thời gian khá dài để tôi có thể học cách chấp nhận rằng cấp Ba của tôi không đẹp như mình mong đợi. Thực tế, đó là bài học đau đớn đầu tiên của cuộc đời tôi - Học cách chấp nhận và không kì vọng quá nhiều. Thay vì cảm giác buồn bã và đau nhói mỗi khi thấy những bức ảnh hạnh phúc của bạn bè tôi trên mạng, tôi học cách bỏ qua và chấp nhận rằng tôi không có những gì họ đang có. 
Bài học đầu tiên và cũng là bài học đắt giá nhất của tôi, lại là vào khoảng thời gian đáng lẽ là hồn nhiên nhất trong cuộc đời con người. 
Lên lớp 12, tôi chọn chuyển trường vì căn bệnh trầm cảm của tôi không có chuyển biến tốt. Tôi đã hi vọng rất nhiều về một môi trường mới, nơi tôi có thể bắt đầu lại từ đầu và vớt vát lại năm cấp Ba "hồn nhiên nhất cuộc đời" bằng việc có bạn bè mới và có những kỉ niệm đẹp thời học sinh. Nhưng, có vẻ như ông trời không tán thành lắm với kế hoạch ấy của tôi, khi tất cả những đau khổ và khó khăn nhất cuộc đời tôi lại rơi vào năm cuối cùng trong đời học sinh. 
Vậy là, tôi rút ra được bài học thứ hai: Đừng kì vọng quá nhiều vào một quyết định. 
Bài học thứ ba là khi tôi bị thầy giáo chủ nhiệm tát vào mặt mình khi ngủ gật vào giờ Lý. Hồi đó là khoảng thời gian tôi bắt đầu uống thuốc trầm cảm và nó có tác dụng phụ là cơn buồn ngủ kéo dài. Điều buồn cười là ở chỗ, mặc dù tôi là người ngủ nhiều nhất lớp, cũng có rất nhiều học sinh ngủ gật trong giờ Lý này nhưng ông thầy ấy lại cười xuề bỏ qua. Buồn cười hơn ở chỗ, tôi chỉ cần thi đỗ tốt nghiệp để đi du học nên môn lý chỉ cần trên 1.5 điểm. 
Bị tát vào mặt thì tôi cũng chấp nhận được, vì tôi cũng sai vì tôi liên tục ngủ gật trong giờ học của các thầy cô. Nhưng, có một kỉ niệm đau đớn mà tôi không thể quên được với người thầy giáo này. Đó là vào buổi đi tham quan cuối cấp, tất cả học sinh trong lớp đều bị thầy chủ nhiệm bắt phải đi (vì một lý do nào đó mà tôi quên mất rồi). Tôi, một đứa không chơi được với bạn nào trong lớp, đương nhiên là rất sợ ngày này đến vì mình không có bạn nào để chơi cùng trong ngày tham quan. Vì vậy, tôi đã lấy hết can đảm, bước vào phòng làm việc của thầy và xin phép không đi vì tôi "quên không đem quần áo". Đương nhiên là ông thầy không hài lòng rồi, và quát rằng "Sao con không hòa hề hòa nhập với lớp vậy ? Con xem mình có khác gì con Thu H* không? Lúc nào cũng lập dị lầm lì không chơi với các bạn."
Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác như tim bị bóp vụn ra thành nghìn mảnh vậy. Những lời nói đó không khác gì có người cầm con dao, trực tiếp đâm vào tim của tôi vậy. Bởi lẽ, tôi đã cố gắng rất nhiều để có thể vượt qua bệnh tâm lý và nỗi sợ kết bạn của mình, nhưng tôi không thể làm thế. Đó cũng chính là lý do vì sao, tôi bị ám ảnh với từ "hòa nhập" một khoảng thời gian rất dài sau đó. 
Bài học thứ ba của tôi: Để có thể tồn tại, tôi phải giống mọi người. Bằng mọi cách, tôi phải "hòa nhập" để có thể tồn tại. 
Bài học thứ tư của tôi có lẽ là bài học đau đớn nhất của tôi trong ba năm cấp Ba: Những gì tôi cố gắng vun đắp, chưa chắc sẽ có kết cục có hậu. Tôi nhận ra điều đó vào ngày tôi nhắn tin cho bạn trai cũ của tôi sau một khoảng thời gian dài không nói chuyện. Trong năm đầu tiên của cấp Ba, tôi vứt bỏ tất cả mọi thứ để xây dựng mối quan hệ với một cậu con trai, gọi là P đi. Tôi và P, như những mối quan hệ của những người chưa trưởng thành, không đi đến đâu cả và rất tăm tối. Mối quan hệ này cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới căn bệnh trầm cảm và chứng sợ xã hội của tôi. Năm lớp 11, P có người bạn gái mới sau 6 tháng chia tay, và tôi đã không thể chịu đựng cảnh cậu ấy và người bạn gái mới ở ngay trước mặt tôi. Đó cũng là một trong những lí do tôi chọn việc chuyển trường. 
Thành thật mà nói, P là người bạn thân nhất trong vòng 3 năm cấp Ba của tôi. Vào năm lớp 10 và nửa năm lớp 11, tôi dành gần như toàn bộ thời gian và tất cả công sức của mình vào người con trai này, một cách đầy mù quáng và cố chấp. Thật không dễ gì để có thể chấp nhận được rằng tất cả những công sức và cố gắng của mình trong một khoảng thời gian dài kết thúc bằng việc mọi thứ đổ vỡ và cậu ấy vui vẻ bên người mới. 
Và P đã dạy tôi bài học quan trọng nhất của đời người: Học cách chấp nhận. Nó khá giống bài học thứ nhất, nhưng khác ở chỗ tôi học cách chấp nhận rằng không phải lúc nào cố gắng cũng có được kết cục tốt đẹp. Thậm chí, tôi đã đánh cược cả tuổi trẻ và thanh xuân của tôi, nhưng nó không hề kết thúc tốt đẹp một chút nào cả. Lần cuối cùng bọn tôi nói chuyện là vào một ngày năm lớp 12, tôi vì quá cô đơn và nhớ những kỉ niệm mà bọn tôi từng có nên đã nhắn tin cho cậu ta. Tôi nói rằng tôi đang bị trầm cảm, và tôi vẫn chưa thể quên được những kỉ niệm mà bọn tôi từng có với nhau. Tôi cũng bảo rằng tôi không hề có ý gì với cậu ta, và hi vọng rằng những dòng tâm sự này sẽ trút đi những vương vấn cuối cùng tôi dành cho mối quan hệ này. Và, không ngoài dự đoán của tôi, P trả lời rằng cậu ta đã có bạn gái mới và hi vọng rằng tôi không nhắn tin cho cậu ta như vậy nữa. 
Thật buồn cười khi hai con người tưởng như đã từng hòa vào làm một lại có thể kết thúc một cách lạnh lùng như vậy. 
Tuy nhiên, quãng thời gian khó khăn đó đã dạy cho tôi bài học cuối cùng - bài học quý giá nhất trong cuộc đời tôi. Đó là bài học mà tôi trân trọng nhất, trân quý nhất, và nó khiến tôi thực sự trân trọng khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời mình: Tôi đã học được rằng, gia đình chính là món quà quý giá nhất mà ông trời đã ban tặng cho tôi cùng với cuộc đời này. 
Vào khoảng thời gian tôi học cấp Ba, không biết vì lí do gì mà tất cả thành viên trong gia đình nhỏ bé của tôi đều gặp khó khăn nhất cuộc đời. Mẹ tôi có ba năm vất vả và đau đớn nhất cuộc đời khi nhìn thấy hai chị em tôi đều bị trầm cảm. Em tôi còn bị bệnh tâm lý nặng hơn tôi nữa, và không có một bác sĩ nào có thể giải thích được bệnh của em tôi. Bố tôi thì sống trong gia đình đầy căng thẳng và luôn phải cố gắng hòa giải mọi người. Và bà ngoại tôi thì lâm bệnh nặng nguy hiểm tới tính mạng, khiến mẹ tôi vô cùng vất vả khi vừa phải chịu áp lực từ hai đứa con, vừa phải lo lắng cho bố mẹ mình. 
Có lẽ trong ba năm đó, những khó khăn của tôi không thể so bì gì với mẹ tôi. Người mẹ tần tảo của tôi một thân gánh vác cả gia đình: tìm cách chữa bệnh cho chị em tôi, chịu đựng cơn trút giận của em tôi khi bị bạn bè bắt nạt và về nhà ức chế không thể trút lên ai khác đành phải trút lên mẹ tôi, và bà tôi thì liên tục phải vào viện. Hồi năm lớp 11, bà ngoại tôi đã từng phải điều trị trong một tháng tại bệnh viện cùng đội ngũ và thiết bị tân tiến nhất, mỗi ngày phải trả tận 15 triệu đồng. Tôi thương mẹ tôi vô cùng: Tôi vẫn còn nhớ, vào sinh nhật thứ 44 của mẹ tôi, em tôi đã quát mẹ và làm mẹ tôi khóc không nguôi, mặc dù mẹ tôi là người vất vả nhất khi cố gắng giúp đỡ em gái của tôi thoát khỏi căn bệnh khó nhằn. 
Trong 17 năm đầu đời của tôi, gia đình là điều tôi ngó lơ nhiều nhất. Nhưng họ, bố mẹ tôi, lại là người sẵn sàng đưa tay ra và giải cứu tôi trong lúc tôi đang trên bờ vực thẳm. Mẹ đã tìm bác sĩ chữa bệnh cho tôi, còn bố thì luôn cố gắng động viên và hiểu cho tôi. Trong 17 năm đầu đời, tôi luôn là một đứa con gái "bình thường" - học không giỏi, không có tài năng gì, nhan sắc cũng chả nổi bật, bạn bè cũng không nhiều. Nhưng, ông trời đã ban cho tôi một kho báu bí mật, mà một khi tôi tìm ra được nó, tôi có thể trở thành người may mắn và hạnh phúc. Và đó chính là ba năm cấp ba, và gia đình yêu quý của tôi. 
Bây giờ thì bà tôi mất cũng gần hai năm rồi, còn em tôi bệnh vẫn còn rất nặng - con bé không thể giao tiếp và luôn cáu gắt với người trong gia đình, nhưng đã có tiến triển so với hai năm về trước. Chúng tôi thực sự là một gia đình - vui buồn cùng nhau, khó khăn sẻ chia cùng nhau, và quan trọng hơn hết là luôn tha thứ cho những lỗi lầm của nhau.
Và đó là năm bài học vô cùng giá trị đầu đời của tôi, và chúng xảy ra vào "quãng thời gian đẹp nhất của đời người". 
Tôi mang năm bài học này làm hành trang bước vào đại học, nơi tôi bắt đầu cuộc sống tự lập ở một đất nước xa lạ. Bây giờ tôi đang học năm hai, và cuộc sống của tôi đã tốt hơn rất nhiều rồi. Tôi cố gắng vượt qua chứng sợ giao tiếp của mình bằng việc thử cố gắng giao tiếp, thất bại nhiều lần và rút kinh nghiệm. Vì vậy, tôi có rất nhiều bạn thân và bạn xã giao khi lên đại học. Tôi cũng đang ở trong một mối quan hệ nữa, và mối quan hệ ấy đang tiến triển rất tốt đẹp vì tôi đã trưởng thành hơn và rút ra được những bài học từ mối quan hệ đầu tiên. 
Về gia đình của tôi, tôi bắt đầu ít nói chuyện hơn với mọi người khi lên năm hai. Tôi đang học kĩ sư tin học, nên khi lên năm hai tôi rất bận rộn với chương trình học của mình. Bố mẹ tôi thì cũng vui vẻ hơn so với ngày trước nhiều rồi, mọi thứ cũng bắt đầu tốt dần lên. Tôi vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tha thứ cho em tôi vì những sai lầm của nó với gia đình hồi tôi học cấp Ba, nhưng tôi cũng cố gắng tha thứ cho nó và bắt đầu nói được một số câu xã giao với nó gần đây. 
Đối với tôi, hai năm đại học mới là những năm tháng vui vẻ, vì tôi đã có rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ bên bạn bè của mình. Và, đương nhiên là cuộc sống hiện tại của tôi có nhiều khó khăn, bởi lẽ tôi đang dần tiến lên phía trước và nắm được nhiều thứ trong tay, thay vì không có gì như trước nữa. Tôi là một học sinh giỏi, xinh xắn, có nhiều bạn bè và là một người cầu tiến. Nhưng, tôi sẽ không thể đạt được những thành công ngày hôm nay nếu không có những đau đớn trong quá khứ.
Bây giờ, thay vì đau lòng khi nghĩ về những năm tháng cấp Ba, tôi có thể chấp nhận rằng quãng thời gian cấp Ba là những năm tháng khó khăn nhất trong 19 năm cuộc đời. Đó là những đau đớn hơn gấp vạn lần những vết dao cứa sâu vào lồng ngực, và những sai lầm ngu xuẩn nhất của một đứa con gái tuổi vị thành niên như tôi. Tuy nhiên, những khó khăn ấy đã dạy tôi nhiều bài học mà tôi không thể nào quên được, và là một bước đệm vững chắc để tôi có thể học cách vượt qua những khó khăn trong cuộc đời và học cách chấp nhận nỗi đau để trưởng thành hơn. 
Và đương nhiên, tôi luôn giấu quá khứ của tôi với bạn bè đại học của mình, trừ những người bạn rất thân thiết mà tôi cảm thấy có thể chia sẻ và đồng cảm với tôi được. Đôi khi không phải ai cũng hiểu những nỗi đau người khác trải qua, và điều đó không sao cả. Sẽ tốt hơn nếu như tôi cất giấu quá khứ của mình vào trong một chiếc hộp hoài niệm, thứ đã dạy tôi cách để trưởng thành.