Nếu ai hỏi tôi "Chúa có thật không?" Tôi sẽ trả lời "Không biết", vì tôi không nhìn thấy vị Chúa nào bẻ bánh hay đi trên mặt nước bao giờ, xong, tôi không có bằng chứng và lí lẽ nào để chứng tỏ trên đời này không hề tồn tại một vị Chúa.
Bạn tôi kể về người yêu cũ của tôi: "Tớ gặp anh ta trước cửa tạp hóa, tóc anh ta bết dính bù xù, dây lưng anh ta trầy trượt hai mép trông như sắp tách ra làm hai cái dây lưng một trước một sau". Đó là sự thật, cô ấy nói đúng. Tôi phụ họa thêm: "Bởi vì anh ta là một tên chây ì, một tên ngu dốt, mê hưởng thụ". Về hình thức, tôi đang giải thích tại sao anh ta có bộ dạng như kia, về tính chất nội dung, tôi chỉ dựa vào bộ dạng anh ta để phỏng đoán. Bất cứ ai kịp nhìn tôi trước cửa phòng trọ khi tôi chưa kịp chải đầu và chỉnh trang áo xống đều có thể đánh giá về tôi theo cách như trên. Tôi, bạn tôi, người yêu cũ của tôi, người yêu cũ của người yêu cũ của tôi và bạn của bạn của chúng tôi đều đang sống trong một thế giới ngôn từ đầy quán tính, rằng một sự kiện được mô tả lại chân thực khách quan có thể kéo theo vô số diễn giải đằng sau, nếu sự kiện ấy liên quan tới một nhân vật nổi tiếng và gặp môi trường thuận lợi, chúng hợp nhất lại thành "siêu tự sự".
Có lúc, chúng ta nhận ra nhiều vấn đề không cần tranh luận, thậm chí khi vấn đề ngã ngũ cũng chẳng cần bàn luận thêm. Xong, đầu chúng ta luôn nảy ra một định luật hoặc kinh nghiệm mà chúng ta cho rằng nó liên quan, nó tương đồng với các diễn biến đập vào mắt ấy, để cố gắng giải thích và phỏng đoán nó.
Bạn không muốn tỏ ra khô khan khi ai đó kể một câu chuyện mà bạn chỉ đáp "ừ, thế à", bạn có thể hỏi thêm thay vì kết luận giùm cho họ. Nhiều khi ai đó kể chuyện cho tôi nghe rồi buông ra một lời nhận xét, tôi mặc định như người đó mong muốn tôi tranh luận lại hoặc đồng tình, sau mỗi lần như vậy, tôi biết tôi không đúng cho dù tôi có làm như người đối diện mong muốn.
Các cụ có câu "hết khôn dồn đến dại", là khi chúng ta đã nói xong điều cần nói, chúng ta chưa muốn dừng, chúng ta phải liên tưởng và liên hệ, y như khi chúng ta sắp kết thúc bài nghị luận thời đi học vậy. Có lẽ, lỗi không thuộc về chúng ta, lỗi thuộc về những đề văn cứ bắt chúng ta tỏ ra am hiểu một ông tác giả, cứ bắt chúng ta hoặc chối bỏ hoặc đồng tình, bắt chúng ta phải lập luận để gia cố chắc chắn cái luận điểm mới chịu.
Dì tôi từng cho tiền người đàn bà đi tìm chồng, bà ấy nói không đủ tiền mua vé xe khách về quê, tôi hỏi: "Dì không sợ bị lừa à?", dì bảo: "Nếu họ lừa thì mình mất tiền oan, nhưng nhỡ họ không lừa thì sao, họ sẽ về nhà bằng cách nào?" Tôi không nói chúng ta nên mở ví trước lời cầu cứu và nài nỉ, tôi nói về lòng tin, chúng ta có quyền nghi ngờ nhưng không có quyền phủ định, rằng, chúng ta không cần vội vàng buông ra kết luận về thực hư sai đúng chỉ để chứng tỏ mình không ngây thơ. 
Hôm sau, một cô bé ham viết than thở với tôi "Em vừa lướt newfeel vừa rơm rớm, em thấy link của cuộc thi viết, mà ý tưởng em ở đâu đâu, em không tìm được. Em đã viết rất nhiều bài và vo viên đi vì nghĩ chúng vô dụng, giờ,... đúng là khi khán đài tiến đến trước mắt em thì em chẳng còn bài mà biểu diễn, em chán." Tôi hoàn toàn có thể coi em là một đứa nói phét hoặc ảo tưởng, xong, nếu như em nói thật... (thở dài), nghĩ lại tình huống tôi và dì gặp hôm trước, tôi biết điều tôi có thể làm cho em (và cho thế giới khó hiểu khó chiều này) là lắng nghe, tôi không biết có nên an ủi em bằng vài câu nhạt nhẽo về duyên và thời vận, giá mà tôi nghĩ được câu lời hài hước nào, nhưng, lúc đó, đầu óc tôi cũng rỗng tuếch, và tôi để.. tự nhiên.
Sau cùng, nếu quán tính của ngôn từ khiến cho câu chuyện được bổ sung và kéo dài, để duy trì một cuộc thoại rôm rả, điều đó chưa hẳn không tốt, nhưng, nếu chúng ta để cái quán tính ấy dẫn chúng ta đến kết luận ẩu thì chúng ta vô tình đã trở thành kiểu người "thẩm phán" thật là xấu xí.
Chúc các bạn luôn xinh xắn và có duyên.