Bạn thường đối xử với với giây phút hiện tại như thế nào?
Hãy thử nhìn nhận lại xem mình đã từng có những cảm giác sau chưa:
Có những ngày khi thức dậy bạn cảm thấy có cảm xúc khó chịu nào đó không gọi tên được, cũng không biết lý do tại sao.
Hoặc có khi bạn cảm thấy dễ bực tức với một ai đó hay một điều gì đó.
Hay có khi tự nhiên bạn cảm thấy rất căng thẳng, có chút gì đó mong đợi, rồi bực bội khi sự việc không như ý mình.
Nếu đã từng có những trải nghiệm như vậy thì chính là lúc bạn nên đặt câu hỏi cho chính mình "Quan hệ của tôi với giây phút hiện tại này là kiểu quan hệ gì?"
Ảnh: sưu tầm
Ảnh: sưu tầm
Trong quyển sách Thức Tỉnh Mục Đích Sống, tác giả Eckhart Tolle viết rằng sợ hãi, âu lo, trông chờ, hối tiếc, lầm lỗi hay tức giận là những trạng thái biểu hiện bạn đang không hiện hữu với giây phút hiện tại, hay nói cách khác dễ hiểu hơn đó là bạn đang không cảm thấy hài lòng với những gì đang diễn ra. Vì vậy nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề xuất phát từ cách tâm trí bạn đánh giá giây phút hiện tại theo 3 hướng sau:
(1) Xem giây phút hiện tại là một phương tiện để đạt được một cái gì đó và cho rằng tương lai thì quan trọng hơn. Khi đó tâm trí bạn sẽ bị chạy theo những dự định, suy nghĩ vẩn vơ và không thể tập trung ở hiện tại.
(2) Khi tâm trí càng cho rằng tương lai quan trọng hơn thì khi đó giây phút hiện sẽ trở thành một chướng ngại mà bạn cần vượt qua. Đây là nguyên nhân gây ra những cảm giác nôn nóng, căng thẳng, bực dọc và bất hạnh trong đời sống của chúng ta hôm nay.
(3) Một kịch bản càng tệ hơn đó là giây phút hiện tại được xem như một kẻ thù. Bạn cảm thấy chán ghét những gì mình đang làm, kêu ca về hoàn cảnh, trách móc những chuyện đã hoặc đang diễn ra...đó chính là lúc bạn đang tranh cảnh với hiện thực, với những gì vốn luôn là chuyện đã rồi.
Cho nên một câu hỏi thiết yếu bạn nên thường xuyên hỏi chính mình là: Quan hệ của tôi với giây phút hiện tại là kiểu quan hệ gì?
Hãy quan sát xem bạn có đang đối xử với giây phút hiện tại như thể nó chỉ là một phương tiện để đạt được điều gì đó hay không? Hay bạn có xem nó là chướng ngại cần vượt qua hay không? Hay chính bạn có đang biến nó thành một kẻ thù không?
Ảnh: sưu tầm
Ảnh: sưu tầm
Hãy dành thời gian để hỏi và quan sát câu trả lời ở bên trong, bạn không cần nhất thiết phải phân loại rạch ròi rằng mình đang rơi vào chính xác kịch bản nào trong 3 kịch bản kể trên.
Điều quan trọng nhất là bạn quan sát lại suy nghĩ và hành động đang làm của mình. Khi bạn nhìn thấy được vấn đề thì khi đó bạn sẽ có khả năng lựa chọn giải pháp phù hợp. Hoặc có thể bạn không tìm thấy ngay giải pháp nhưng một kết quả chắn chắn có thể đạt được đó là bạn đã có thể làm hòa với giây phút hiện tại được trong vài khoảnh khắc thay vì bị dẫn dắt hoàn toàn.
Lý giải cho hiệu quả của cách làm trên dưới góc nhìn của khoa học đó là não bộ chúng ta rất yêu thích các câu hỏi. Một câu hỏi có thể đánh thức và khiến não bộ thích thú. Bộ não chúng ta yêu thích việc tiếp nhận các câu hỏi, ngay cả những câu hỏi buồn cười hay kỳ lạ, và lật đi lật lại chúng để giải quyết.
Vì vậy bằng cách đặt cho mình câu hỏi tỉnh thức sẽ giúp tác động đến nguồn sức mạnh bên trong bạn, khơi gợi cảm xúc hạnh phúc, khả năng sáng tạo và quan trọng nhất là mang đến khám phá mới mẻ.
"Cuộc sống quanh ta được định hình bằng những câu hỏi ta đặt ra, những câu hỏi ta từ chối hỏi, hoặc chưa bao giờ nghĩ sẽ hỏi - Sam Keen.
Hãy bắt đầu đặt nền móng cho chương trình đổi mới tích cực của bản thân bằng việc thường xuyên tự hỏi mình"Quan hệ của tôi với đời sống là mối quan hệ gì?".
Hi vọng gợi ý nhỏ này có thể giúp bạn ngày càng thân thiện hơn với giây phút hiện tại, bạn có thể tìm hiểu nhiều hơn về chủ đề này qua 2 quyển sách tham khảo mình giới thiệu bên dưới nhé. Chúc bạn có được những khám phá thú vị!
Chú thích: Sam Keen một tác giả, giáo sư và nhà triết học người Mỹ, người được biết đến nhiều nhất với việc khám phá những câu hỏi liên quan đến tình yêu, cuộc sống.
Sách tham khảo:
Thức Tỉnh Mục Đích Sống, tác giả Eckhart Tolle.
Phương pháp Kaizen, tác giả Tiến sĩ Robert Maurer.