Chắc hẳn mọi người ở đây đã không còn xa lạ gì với phim ảnh Trung Quốc: nội dung hấp dẫn, dàn diễn viên nổi tiếng, xinh đẹp. Và chắc hẳn những bạn học sinh, sinh viên - nhất là các bạn nữ, không còn xa lạ gì với thể loại truyện tiểu thuyết mạng Trung Quốc thường được gọi là ngôn tình. Và trước đây, đã có khi nào các bạn chi tiền của mình để ủng hộ thần tượng Trung Quốc? Mình đã từng, và chính thần tượng của mình là một trong những người chia sẻ đường chín đoạn (hay đường lưỡi bò) do Trung Quốc tự vẽ ra. Hơn ai hết, mình ý thức được tầm quan trọng của nghệ thuật trong chính trị và nó chính là một lưỡi dao ngầm, một vũ khí sắc bén trong hoạt động chính trị.
Nhiều người vẫn tưởng rằng nghệ thuật chỉ là để giải trí, nghe nhạc vì nó hay, ủng hộ thần tượng vì anh ấy hát hay, nhảy đẹp, xem phim là để thư giãn sau những giờ học căng thẳng. Nhưng điều đó chỉ đúng khi không có những yếu tố chính trị lồng ghép vào nghệ thuật. Một ví dụ điển hình chính là bản đồ đường chín đoạn xuất hiện trong phim ảnh do Trung Quốc sản xuất, nó cũng xuất hiện trên dòng thời gian của các thần tượng Trung Quốc, những người có không ít fan từ Việt Nam. Về phim ảnh, những chi tiết vô cùng nhỏ nhặt về việc Trung Quốc coi quần đảo Hoàng Sa Trường Sa thuộc chủ quyền của mình thường lướt qua rất nhanh, đôi khi người xem không phát hiện ra. Ví dụ cụ thể về việc Trung Quốc cố ý chèn “đường lưỡi bò vào sản phẩm nghệ thuật chính là phim hoạt hình Everest - Người tuyết bé nhỏ phát hành năm 2019, tuy nhiên, đã có nhiều khán giả tinh mắt phát hiện ra và lên án dữ dội, buộc rút khỏi các rạp chiếu trên cả nước. Những chi tiết nhỏ này vô tình cố ý nhắm đến những thế hệ trẻ, chưa có sự tìm hiểu sâu về lịch sử địa lý cũng như là bộ phận người nước ngoài làm việc và sinh sống tại Trung Quốc. Gặp nhiều, họ sẽ coi là đúng, là dĩ nhiên. Điều đó thật đáng quan ngại nếu như con cháu chúng ta sau này bị ảnh hưởng bởi những kiến thức sai lệch đó. Chưa dừng lại ở đó, đáng lo hơn chính là thái độ của giới trẻ đối với sự xâm phạm dơ bẩn này. Thời gian gần đây, một bộ phim tên là “Quân đội Vương Bài” do Trung Quốc sản xuất nói về sự đổi mới, từng bước hiện đại của quân đội Trung Quốc do hai diễn viên nổi tiếng là Tiêu Chiến và Hoàng Cảnh Du đảm nhận vai chính đã được chiếu và nhận được sự quan tâm từ một bộ phận lớn giới trẻ. Lấy bối cảnh những năm 1980, các nhân vật tham gia chiến đấu và rà phá bom mìn tại Quảng Tây - một tỉnh biên giới TQ giáp với vùng Đông Bắc Việt Nam. Người làm phim đã khéo léo lồng ghép một vài thông tin sai sự thật vào kịch bản như là Việt Nam có ý định xâm phạm chủ quyền biên giới Trung Quốc, phát động nhiều cuộc quấy rối đến sự bình yên đất nước Trung Quốc. Những điều này là sai với sự thật, hoàn toàn không có thật trong lịch sử hai nước. Tuy nhiên, một bộ phận fan của diễn viên đóng phim hoàn toàn không để ý đến những thông tin sai sự thật đó, thậm chí còn có những phát ngôn gây tranh cãi như: “Họ là người Trung Quốc, vì vậy đối với họ người Việt Nam là giặc”, “Diễn viên không có lỗi, lỗi là do người viết kịch bản”. Họ gọi những người lính Trung Quốc là anh hùng, là siêu nhân giải cứu công dân vô tội. Mình đã từng hỏi một số bạn fan của Tiêu Chiến về cảm nghĩ của họ về bộ phim này, hầu hết họ không có ý kiến khi Trung Quốc làm phim có sự xuất hiện của Việt Nam, và những thông tin sai sự thật mình nhắc ở trên chỉ là những yếu tố phụ giúp cho bộ phim nổi tiếng hơn thôi. Mình khá bất ngờ khi nghe được những lời chia sẻ hồn nhiên như vậy, liệu họ có nghĩ đến những gian khổ khó khăn của dân tộc Việt Nam trong lịch sử bị Trung Quốc đô hộ? Hay là sự hấp dẫn của nghệ thuật nước láng giềng đã làm cho lịch sử đó bị lu mờ đi?
Thứ hai, sự khôn khéo trong lợi dụng sức ảnh hưởng của thần tượng là phương pháp hoàn hảo mà Trung Quốc đã sử dụng để từ từ tạo nên ảnh hưởng trong văn hóa Việt Nam. Như đã nhắc đến ở trên, Tiêu Chiến là một diễn viên nổi tiếng và có sức ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc. Mình trước đây cũng từng là một fan của Tiêu Chiến, mình cũng đi những buổi offline giao lưu với các bạn fan khác ở Việt Nam, chúng mình đã tổ chức sinh nhật cho thần tượng, và cùng nhau lên mạng chia sẻ những hình ảnh, bộ phim mà anh ấy đã đóng. Tuy nhiên, mình đã cập nhật được Tiêu Chiến là một trong những thần tượng chia sẻ đường chín đoạn, mình bỏ theo dõi ngay sau đó. Hơn nữa, những fanclub này đã huy động ủng hộ cho thần tượng của họ lên đến hàng tỷ đồng, trong đó mình nhớ nhất là kêu gọi mua nhạc “Hồng Mai Tán” ủng hộ ca ngợi Đảng Trung Quốc, số tiền ủng hộ lên đến trăm triệu chỉ trong vòng 3 ngày. Mình đã rất bất ngờ khi con số donate lại lớn đến như vậy, có thể suy ra là những fan hâm mộ của TC không chỉ là những bạn nhỏ mà còn nhiều người trưởng thành, có thể đã có công việc ổn định, được học tập đầy đủ. Sau khi thấy tên thần tượng mình trong danh sách chia sẻ đường lưỡi bò, fanclub của những người này cũng đăng bài trên facebook nói rằng thần tượng của họ không cố ý làm như vậy, là do chính phủ Trung Quốc ép buộc họ, nếu ai không đăng thì sẽ không thể tiến xa trong sự nghiệp nghệ thuật được. Theo mình, không có một lý do nào là do chính phủ ép buộc cả, họ đã chia sẻ những hình ảnh đó, tức là họ coi chủ quyền Trung Quốc là bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa, và thử nghĩ mà xem, chúng mình - những con dân Việt Nam, là gì trong con mắt thần tượng? Liệu có phải là những con người nhiệt tình, yêu quý họ, đáng để họ trân trọng, hay là những cô gái ngây thơ trở thành tay sai chính trị khi nào không hay biết?
Và câu hỏi mình đặt ra ở đây là, liệu văn học mạng và phim ảnh Trung Quốc có nên bị cấm hoàn toàn tại Việt Nam hay không? Theo mình là có. Sự ảnh hưởng tiêu cực của nghệ thuật Trung Quốc đã và đang mang lại nhiều tư tưởng sai lệch của thế hệ trẻ ngày nay về chủ quyền và lịch sử Việt Nam và nhiều hệ lụy cho con cháu đời sau. Thử nghĩ mà xem, những thế hệ trẻ ngày nay sẽ là cha mẹ trong tương lai, họ sẽ có con cái, cháu chắt, nếu họ truyền lại những tư tưởng sai lệch đó đến những thế hệ sau thì lịch sử của dân tộc Việt Nam sẽ bị bóp méo như thế nào? Những cuộc đấu tranh anh hùng, đổ xương đổ máu liệu có biến thành những cuộc phản động quấy rối đất nước Trung Quốc mà họ tôn sùng không? Thứ hai, văn hóa Việt Nam đang bị ảnh hưởng quá nhiều bởi văn hóa Trung Quốc. Bằng chứng là phim ảnh Trung Quốc xuất hiện với tần suất dày đặc trên mạng xã hội và những nền tảng xem video khác như youtube, tik tok mà không có sự kiểm duyệt nghiêm ngặt. Đặc biệt, trẻ em là phần lớn đối tượng sử dụng những nền tảng đó, và những nội dung “bẩn” đó sẽ có cơ hội xâm nhập vào trí não của con trẻ chúng ta. Ở đây, mình vẫn nói là nên cấm văn học mạng, phim ảnh mạng Trung Quốc. Tuy nhiên, nghệ thuật thực sự thì vẫn nên được tôn vinh và lưu truyền, để Việt Nam có thể trao đổi và hấp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Việc cần làm chính là chọn lọc và kiểm soát nghiêm ngặt nội dung nghệ thuật truyền vào trong nước bằng những biện pháp chặt chẽ, tránh trường hợp những nội dung sai lệch được truyền bá tự do. Thứ hai, văn hóa và lịch sử Việt Nam cần được phổ biến hơn trong giới trẻ cũng như toàn dân. Robert A. Heinlein đã từng nói “A generation which ignores history has no past — and no future” tạm dịch “Một thế hệ ngoảnh mặt lại với lịch sử là một thế hệ không có quá khứ – và cũng không có tương lai”. Lịch sử rất quan trọng, nó là một cách để những thế hệ sau biết được những gì đã xảy ra trước đây, và họ nên ghi nhớ những gì mà người đi trước đã làm để rút ra bài học kinh nghiệm cho chính mình. Lịch sử được dạy ở các cấp học từ tiểu học cho đến cấp 3, tuy nhiên học sinh không nắm được nội dung mặc dù là vô cùng cơ bản của lịch sử Việt Nam. Hiện nay mình thấy trên facebook có khá nhiều hội nhóm để nâng cao vốn hiểu biết về lịch sử Việt Nam như group Tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam, Tìm hiểu Lịch sử. Trong group cũng có khá nhiều người có chuyên môn, và nhiều bạn trẻ tìm hiểu sâu về lịch sử cũng như là giáo viên dạy lịch sử các cấp học. Mình cảm thấy đây là một kênh thông tin cực kỳ hữu ích và dễ để tiếp thu do đối tượng sử dụng facebook đa số là các bạn trẻ.
Cuối cùng, như Bác Hồ đã nói “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, không chỉ trong thời chiến mà cả trong thời bình, lời dạy ấy vẫn có giá trị thực tiễn trong công tác chính trị. Tuy nhiên, nghệ thuật chân chính mới là nghệ thuật cần được tôn vinh. Nó không chỉ là một phương tiện để giải trí mà còn là một thứ vũ khí vô hình trong lĩnh vực chính trị. Quan điểm của mình vẫn là nên cấm những nghệ thuật “rởm” xuất phát từ Trung Quốc nói riêng và những nền văn hóa khác nói chung. Tuy rằng sự cấm đó sẽ có ít nhiều ảnh hưởng, nhưng nó là cần thiết để duy trì một nền văn hóa độc đáo, đậm đà bản chất văn hóa dân tộc Việt Nam.