Quân đội Israel - Nguồn Gốc và Sức Mạnh
Đây là lời tuyên chiến đầu tiên của Israel kể từ năm 1973, tỏ rõ ý định muốn chơi tới cùng với Hamas và chắc chắn sẽ giành được chiến thắng chung cuộc.
Tháng 10/2023, nhóm vũ trang Hamas, một lực lượng Hồi giáo Palestine kiểm soát dải Gaza đã mở cuộc tấn công bất ngờ vào Israel theo cả đường bộ, đường không và đường biển khiến quốc gia này phải hứng chịu những thiệt hại vô cùng nặng nề về người và của. Cuộc tấn công đã cướp đi mạng sống của ít nhất 700 người Israel tính đến ngày 08/10. Theo nhận định, đây là một đợt tấn công chưa từng có tiền lệ vào Israel, gửi đi thông điệp rằng “Jerusalem chưa sẵn sàng để chiến đấu”. Sự kiện này đã đánh mạnh vào lòng kiêu hãnh của người Israel từ trước tới giờ. “Israel sẽ không bao giờ thua dù chỉ một cuộc chiến” - niềm tin suốt 76 năm qua của quân đội Israel đã bị thách thức nghiêm trọng.
Ngay lập tức, thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố đất nước đang ở trong “tình trạng chiến tranh” và họ “sẵn sàng phát động một cuộc trả đũa quy mô lớn” về phía Hamas. Đây là lời tuyên chiến đầu tiên của Israel kể từ năm 1973, tỏ rõ ý định muốn chơi tới cùng với Hamas và chắc chắn sẽ giành được chiến thắng chung cuộc. Dĩ nhiên, đây không phải là những tuyên bố suông vì hiện tại, quân lực Israel đang được xếp hạng 18 trên toàn thế giới, vượt qua nhiều cái tên sừng sỏ có quốc lực, diện tích và dân số lớn hơn nhiều khác. Và cũng trong suốt lịch sử từ khi lập quốc, có thể xem Israel như một hình mẫu bất bại khi chưa từng để thua bất kì cuộc chiến nào.
Vậy, nhờ đâu mà quân đội Israel lại sở hữu bề dày thành tích đáng gờm như vậy?
Xin lưu ý rằng bài viết chỉ thuần cung cấp thông tin, không ủng hộ bất cứ phe phái nào trong cuộc chiến. Đồng thời, bài viết có sử dụng nguồn tư liệu tham khảo từ Wikipedia, Global Firepower; nguồn tin tức từ các trang tin chính thống trong và ngoài nước như Tienphong, VOV, Báo Thanh Niên, The New York Times, CNN, The Guardian,... nhằm cung cấp cho các bạn những thông tin chính xác nhất.
Sự hình thành của Lực lượng Phòng vệ Israel
Để hình dung được bối cảnh hình thành của Lực lượng Phòng vệ Israel (gọi tắt là IDF), chúng ta cùng nhìn lại kế hoạch phân chia của Liên Hợp Quốc năm 1947 đối với vùng đất Palestine, khi đó nằm dưới sự kiểm soát người Anh. Trước khi nhà nước Israel được thành lập, khu vực này đang tồn tại nhiều nhóm vũ trang tự phát khác nhau bao gồm Haganah, Irgun và Lehi, hoạt động như các lực lượng bán quân sự của cộng đồng người Do Thái tại Palestine (thuộc Anh). Mỗi lực lượng này lại có nguồn lực và đường lối khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một chí hướng là bảo vệ người Israel sống tại nơi đây. Lịch sử của quân đội Israel có giai đoạn đầu gắn liền với Haganah bởi họ là lực lượng nòng cốt trong quá trình hợp nhất các tổ chức vũ trang. Quá trình để Haganah phát triển từ một lực lượng dân quân ngầm trở thành quân đội nhà nước không hề đơn giản.
Trong bộ luật đầu tiên của hội đồng chính phủ lâm thời có nêu rằng “Chính phủ Lâm thời được trao quyền thành lập các lực lượng vũ trang trên bộ, trên biển và trên không. Lực lượng này được phép thực thi mọi hoạt động cần thiết để bảo vệ đất nước Israel.” Sau đó, vào ngày 26/5/1948, đại diện cho chính phủ Lâm thời, David Ben-Gurion, khi đó đang là bộ trưởng Bộ Quốc phòng, công bố Pháp lệnh Lực lượng Phòng vệ Israel số 4. Pháp lệnh này có bao gồm việc thành lập quân đội IDF, nghĩa vụ quân sự, lời thề trung thành và ban hành lệnh cấm thành lập bất cứ lực lượng vũ trang nào khác.
Ben-Gurion có 3 toan tính cùng với IDF bao gồm:
- Thay thế hoàn toàn cấu trúc nhiều tổ chức và nhiều phe phái, hợp nhất thành một lực lượng duy nhất
- Giải thể tất cả các đơn vị khác có liên quan tới chính trị để hướng tới xây dựng một nhà nước thống nhất
- Xây dựng quân đội theo mô hình giống với quân đội Anh, phá vỡ mô hình “quân đội cách mạng” truyền thống của Palmach.
Lệnh cấm thành lập các lực lượng vũ trang cũng để phục vụ các mục tiêu lớn ở trên của Ben-Gurion. Điều này dẫn đến cuộc đối đầu trực tiếp với các thủ lĩnh của Palmach, một phe khác thuộc Haganah. Sau một loạt các mâu thuẫn, sau cùng, “Lực lượng Phòng vệ Israel”, gọi tắt là IDF, chính thức được thành lập ngày 31/5/1948. Điều này bao gồm việc đổi tên và thống nhất các lữ đoàn thuộc Haganah và Palmach về dưới quyền chỉ huy trung ương. Các sĩ quan lần lượt tuyên thệ trung thành vào ngày 27/6. Sau đó không lâu, Lehi và Irgun cũng được về dưới sự kiểm soát của trung ương để tạo thành một IDF thống nhất.
Trên đây, chúng ta đã nắm được sơ lược về bối cảnh hình thành của quân đội Israel. Nhưng làm thế nào mà một quốc gia mới chỉ 70 năm tuổi, dân số trên dưới 9 triệu người, địa hình thì chủ yếu là sa mạc hoang tàn và trên hết là nằm ở giữa rất nhiều lực lượng đối địch, lại có thể có sức mạnh thuộc top 18 thế giới như hiện tại?
Lịch sử phát triển
Có thể nói, để có được vị thế quân sự như ngày nay, lịch sử quân đội của Israel đã phải trải qua những sự thay đổi mạnh mẽ ngay từ điểm xuất phát của nó. Kể từ lúc thành lập nhà nước vào ngày 14-5-1948 cho tới hiện tại, Israel đã trải qua 4 cuộc chiến tranh quy mô lớn và nhiều cuộc xung đột nhỏ hơn với các nước láng giềng. Những cuộc chiến đó đã tác động không nhỏ đến đường lối cũng như cách thức hoạt động của quân đội Israel, tạo nên một trong những lực lượng quân sự thiện chiến bậc nhất thế giới như ngày nay.
Giai đoạn khởi đầu
Trong giai đoạn khi mới thành lập từ 1949 đến 1956, IDF bắt đầu tái thiết lại cơ cấu của mình theo tiêu chuẩn của một quân đội hiện đại. Tiêu chuẩn giữa quân đội truyền thống và quân đội hiện đại rất khác biệt, mang đến vô vàn thách thức dành cho Israel.
Để dễ hiểu, chúng ta có thể so sánh về sự khác biệt của kiểu quân đội này trên 5 khía cạnh chính: mô hình áp dụng, mục đích hoạt động chính, xu hướng kiểm soát đối với dân chúng, vai trò của công nghệ thông tin và cơ cấu tổ chức ưu tiên. Cụ thể như sau:
- Thứ nhất, về mô hình áp dụng, trong mô hình quân đội truyền thống nhà nước sẽ độc quyền mọi khía cạnh của an ninh quốc gia. Ngược lại, mô hình quân đội hiện đại sẽ mang tính kinh tế hơn khi bộ quốc phòng sẽ được hỗ trợ bởi các liên minh kinh tế và các tổ chức hoạt động phi quân sự.
- Thứ hai, về mục đích hoạt động chính, quân đội truyền thống hướng tới việc chống lại các mối đe dọa có thể dự đoán được (cụ thể là lực lượng quân đội của các quốc gia khác) trong khi quân đội hiện đại sẽ hướng tới cả những mối đe dọa khó lường như các lực lượng khủng bố, bạo loạn, thảm họa… đồng thời duy trì cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ và huấn luyện lực lượng.
- Thứ ba, về xu hướng kiểm soát đối với dân chúng, IDF không hề có quyền thực thi pháp lý dân sự bên trong lãnh địa Israel. Tuy nhiên vẫn sẽ có những ngoại lệ. Như là trong các khu vực xảy ra xung đột, IDF có quyền áp dụng các biện pháp như lệnh giới nghiêm, hạn chế tụ tập công cộng, hay hạn chế lai vãng vào các khu vực nhất định. Ngoài ra, IDF có thể thực hiện các cuộc tấn công và hành động quân sự nhằm mục tiêu triệt hạ các tổ chức khủng bố, cũng như phản ứng an ninh nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công, tập kích vào lãnh thổ Israel. Miễn là phục vụ cho mục tiêu bảo vệ an toàn an ninh quốc gia, IDF sẽ có mặt.
- Thứ tư, vai trò của công nghệ thông tin, đối với quân đội truyền thống thì đây chỉ là yếu tố hỗ trợ, trong khi với quân đội hiện đại thì đây lại là yếu tố then chốt, bao quát từ hệ thống kết nối mạng đến các thiết bị điện tử cá nhân.
- Cuối cùng, về cơ cấu tổ chức ưu tiên, quân đội truyền thống được tổ chức quan liêu đa cấp; duy trì lượng lớn nguồn cung trong khi quân đội hiện đại có cơ cấu lực lượng và các tổ chức hỗ trợ ngày càng ít quan liêu và tinh gọn hơn.
Trong cuộc tấn công vào Israel năm 1948, quân đội Ả Rập có 270 xe tăng, 150 khẩu pháo dã chiến và 300 máy bay trong khi phía Israel không có máy bay nào và chỉ có 3 xe tăng. Do đó, động thái đầu tiên của IDF trong mục tiêu hiện đại hóa này, đó là thành lập một quân đoàn thiết giáp và Lực lượng Không quân Israel nhằm tạo đối trọng với kẻ địch. Cùng với đó, để trang bị cho lực lượng quân sự mới kể trên, Israel đã chi một nguồn tiền khổng lồ để mua các vũ khí quân sự đời mới cũng như liên tục tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước đồng minh tiềm năng bất kể là thuộc khối tư bản hay khối XHCN.
Không chỉ nâng cấp về mặt quân trang, IDF còn chú trọng về mặt tinh thần của quân sĩ. Để nâng cao tâm lý và tổ chức của quân đội cũng như chống lại sự quấy nhiễu của Palestine, Đơn vị 101 đã được thành lập. Đơn vị này đã thực hiện nhiều cuộc tấn công trả thù lên lãnh thổ Jordan để đáp trả những cuộc đánh phá thường xuyên của lực lượng Ả Rập nơi này. Sau khi thực hiện vụ thảm sát Qibya khét tiếng vào năm 1953 khiến 69 dân thường vô tội Palestine tử vong, dưới áp lực của dư luận quốc tế, lực lượng này được tuyên bố giải tán (thực tế thì nó đã được sáp nhập với Tiểu đoàn Nhảy dù). Đơn vị 101 được coi là tiền thân các đơn vị lực lượng tấn công của IDF về sau.
Từ khi đó, Israel đã trải qua nhiều giai đoạn và nhiều cuộc chiến khác nhau. Sau đây là tóm lược ngắn gọn về các cuộc chiến lớn mà IDF đã phải tham gia.
Trong đó bao gồm cuộc chiến Suez năm 1956, Israel khởi động cuộc chiến tranh chiến lược chống Ai Cập nhằm loại bỏ mối đe dọa tại bán đảo Sinai. Lực lượng thiết giáp và không quân của Israel được trang bị các vũ khí hiện đại như xe tăng M4 Sherman và máy bay Dassault Mystère đã có thể đánh bại 300.000 quân Ai Cập, giúp IDF chiếm đóng được toàn bộ khu vực cho đến tháng 3/1957, họ buộc phải rút quân dưới áp lực của cộng đồng quốc tế.
Cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, IDF càng khẳng định được sức mạnh quân sự khi có thể giành chiến thắng trước liên quân Ai Cập, Syria, Jordan và Lebanon, một lần nữa chiếm lại được Sinai, Bờ Tây và Cao nguyên Golan. Sau cuộc chiến, Pháp ngừng cung cấp vũ khí và cấm vận cho Israel, khiến họ phải tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ các quốc gia khác, đặc biệt là phát triển vũ khí của riêng mình.
Để rồi trong chiến tranh Yom Kippur năm 1973, Ai Cập và Syria phát động cuộc tấn công trả đũa nhắm vào Israel. Mặc dù thông tin tình báo đã cho biết trước ý định tấn công, nhưng IDF không kịp triển khai lực lượng đầy đủ, để rồi bị đặt vào tình thế bất lợi. Kết thúc cuộc chiến, cả 2 bên đều phải chịu tổn thất, nhưng Israel rút ra bài học chí mạng về điểm yếu trong hệ thống tình báo và quyết định chính trị, dẫn đến sự cải tổ lãnh đạo vào giai đoạn sau đó.
Giai đoạn 1974 đến nay
Sau cuộc đàm phán ngừng bắn với Jordan và Ai Cập vào năm 1974 và nhiều ký kết hòa bình sau đó, IDF đã chuyển hướng từ việc tập trung đề phòng các lực lượng quân sự Ả Rập sang phòng chống khủng bố quốc tế. Nhiều chiến dịch giải cứu con tin và triệt tiêu các lực lượng khủng bố đã được IDF tiến hành và được đánh giá là vô cùng thành công, có thể kể tới như chiến dịch Entebbe năm 1976, chiến dịch Litani năm 1978, Chiến dịch Liban 1982...
Sau khi bắt tay hợp tác với Mỹ, IDF bắt đầu dựa vào vũ khí và công nghệ do Mỹ cung cấp để thực hiện nâng cấp hỏa lực cho quân đội. Cho tới tận bây giờ, nền quân sự Israel vẫn có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ. Ngoài ra, IDF còn tập trung tìm cách ứng dụng các công nghệ mới được phát minh vào các mục đích quân đội, như hệ thống vệ tinh do thám (được triển khai thành công kể từ năm 1988) hay hệ thống thông tin toàn cầu như Internet...
Ngân sách & Nghĩa vụ quân sự
Ngân sách quốc phòng
Nhìn chung, trong suốt lịch sử phát triển của mình, Israel đã chi một số tiền khổng lồ cho quốc phòng. Trong thời kỳ 1950-1966, Israel chi trung bình 9% GDP cho các hoạt động quân sự. Tỷ lệ chi tiêu quốc phòng gia tăng mạnh sau các cuộc chiến tranh năm 1967 và 1973 (đỉnh điểm lên tới 3,76 tỷ USD vào năm 1975, tương đương với 30,5% GDP). Trong thập niên 1980, sau khi ký kết Hiệp ước hòa bình Ai Cập-Israel năm 1979, tỷ lệ chi tiêu này đã giảm về khoảng mức 15%. Cuối thập niên 1990 đầu thập niên 2000, Israel tiếp tục ký kết Hiệp ước hòa bình Jordan-Israel và tỷ lệ chi tiêu quốc phòng giảm xuống còn khoảng 10%. Kể từ thập niên 2010 cho tới hiện tại, tỷ lệ này có xu hướng giảm sâu hơn nữa, chỉ giữ ở mức khoảng trên dưới 5%. Dù vậy, hiện nay Israel vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ chi tiêu cho quốc phòng cao nhất (luôn nằm trong top 10 các quốc gia có tỷ lệ chi tiêu quân sự trên tổng GDP cao nhất trong giai đoạn thập niên 2010 đến nay).
Nghĩa vụ quân sự
Để khoản chi lớn cho quốc phòng không bị lãng phí, Israel phải có những điều khoản nghĩa vụ quân sự có tính quy củ và khắt khe bậc nhất thế giới. Việc tham gia nghĩa vụ quân sự quốc gia là bắt buộc đối với bất kỳ công dân Israel phi Ả Rập nào trên tuổi 18 (mặc dù những ngoại lệ khác có thể được áp dụng theo tôn giáo, thể chất hay tâm lý). Thời gian tại ngũ là từ 32 cho tới 36 tháng với nam giới, từ 24 đến 32 tháng với nữ giới (thay đổi linh hoạt theo vị trí phục vụ). Sau khi hoàn thành thời gian phục vụ tại ngũ này, quân nhân được xuất ngũ nhưng vẫn có thể bị xếp vào lực lượng dự bị (có thể bị triệu tập trở lại quân ngũ nếu đất nước rơi vào tình trạng chiến tranh). Luật quân ngũ dự bị sẽ có hiệu lực đến khi người đó khoảng 40 tuổi, nhưng có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng quân sự của Israel. Quân nhân dự bị được phép cất giữ vũ khí, quân phục và trang thiết bị tại nhà với mục đích khi được huy động sẽ triển khai nhanh nhất có thể để bảo vệ lãnh thổ Israel.
Ngoài người dân Israel, những người ngoại quốc cũng được khuyến khích tham gia quân đội Israel theo một số chương trình đặc biệt.
Sức mạnh hiện tại
Hiện tại, Israel đang sở hữu lực lượng quân sự đáng gờm với sức mạnh tổng hợp từ cả bộ binh, không quân và thủy quân. Theo Đài ITV News trích dẫn từ tài liệu năm 2023 của Viện Nghiên cứu chiến lượng quốc tế (IISS), Israel hiện có 169.500 quân nhân tại ngũ trong lực lượng lục quân, hải quân và bán quân sự. Bên cạnh đó là 465.000 quân nhân dự bị, sẵn sàng ra chiến trường khi được điều động. Theo Giám đốc học thuật của Quỹ FMES, trong trường hợp huy động hoàn toàn, Lực lượng phòng vệ Israel có thể điều động 642.000 nam và nữ, chiếm 10% tổng dân số - một tỷ lệ kỷ lục chỉ đứng sau Triều Tiên.
Thời gian qua, Israel đã dành nguồn nhân lực tốt nhất cho các lực lượng vũ trang. Với những kinh nghiệm tổ chức lực lượng đúc rút từ các cuộc chiến trước đây, từ năm 1999, quân đội Israel đã bắt đầu điều chỉnh, cải cách cơ cấu, đưa ra các thứ tự ưu tiên để tăng cường năng lực tác chiến của lực lượng thường trực và dự bị, tăng cường thực lực không quân, hải quân, tăng cường năng lực tình báo và tăng cường tối đa hiệu quả của hỏa lực, coi đây là mục tiêu cơ bản.
Bộ binh
Đầu nhánh mũi nhọn của quân đội Israel là lực lượng lục quân, bao gồm Bộ binh, quân đoàn Thiết giáp, Pháo binh, Kỹ sư, lực lượng Hỗ trợ Kỹ thuật, Tình báo, Lực lượng hậu cần Thông tin. Lực lượng bộ binh của Israel tính tới hiện tại bao gồm 133,000 lục quân đang phục vụ liên tục cùng với 380,000 dự bị. Trong đó, lực lượng dự bị được huy động với mức độ nhanh chưa từng có khi ghi nhận 300.000 người tái nhập ngũ trong vòng hai ngày kể từ sau khi Bộ Quốc phòng Israel phát lệnh tổng động viên.
Không quân
Trong khi đó, lực lượng không quân của họ cũng thuộc hạng kinh nghiệm hàng đầu thế giới với số lượng đông đảo, trong đó có 252 phi cơ phản lực, 252 máy bay chiến đấu, 49 máy bay vận chuyển, 131 máy bay thực tập, và 143 phi cơ đặc biệt. Không quân của Israel sử dụng chủ yếu là máy bay F-15 và F-16 mua từ Mỹ, vốn nằm ở top 7 các máy bay chiến đấu tốt nhất thế giới. Mới đây, họ còn sử dụng thêm cả F-35, chiếc phi cơ top 1 thế giới hiện tại.
Thủy quân
Thủy quân Israel không có quy mô lớn nếu xét theo phương diện của một quốc gia giáp biển. Chỉ có 67 tàu, trong đó đã bao gồm 5 tàu ngầm, 7 tàu hộ tống, 45 tàu tuần tra ven biển, và 12 tàu quét mìn. Con số này còn thấp hơn cả Việt Nam khi chúng ta đang có 109 tàu Hải quân. Thế nhưng lực lượng thủy quân của Israel đều được trang bị vũ khí tối tân nhất cũng như được huấn luyện vô cùng bài bản nên chắc chắn là một lực lượng mạnh mẽ, lấy chất lượng để bù đắp số lượng. Trong đó, Hải quân Israel có 4 tàu ngầm tối tân thuộc lớp Dolphin do Đức chế tạo và được Israel sửa đổi để có thể mang theo tên lửa hạt nhân. Hải quân Israel cũng đang vận hành các chiến hạm cực mạnh lớp Sa’ar 5. Dù mang danh là tàu hộ tống nhưng Sa’ar 5 lại được trang bị hệ thống vũ khí và có tốc độ di chuyển ngang với các khu trục hạm hiện đại trên thế giới. Có thể nói, không hề kém cạnh các lực lượng trên bộ và trên không, Hải quân Israel cũng là một lực lượng đáng gờm trong khu vực.
Công nghiệp quốc phòng
Ngành công nghiệp quốc phòng của Israel hiện nay có thể được xem như là đi đầu của sự tiên tiến. Một số vũ khí do Israel tự phát triển, sản xuất và được xếp hàng đầu trong bảng danh sách các vũ khí mạnh nhất thế giới hiện nay như xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava, súng trường tấn công Tavor... Một trong những thành tích đáng kể nhất của nền công nghiệp quốc phòng Israel, đó là hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Tính đến thời điểm hiện tại, Israel là quốc gia duy nhất trên thế giới có hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo đang hoạt động ở cấp quốc gia - Hệ thống Arrow, do Israel và Mỹ đồng tài trợ và sản xuất. Ngoài hệ thống kể trên, Israel còn sở hữu hệ thống Iron Dome chống lại tên lửa tầm ngắn đang hoạt động và tỏ ra thành công, đánh chặn hàng trăm tên lửa pháo Qassam, 122 mm Grad và Fajr-5 do phiến quân Palestine bắn từ Dải Gaza. David's Sling, một hệ thống chống tên lửa khác được thiết kế để chống lại tên lửa tầm trung, đã và đang hoạt động hiệu quả từ năm 2017. Israel cũng đã hợp tác với Mỹ để phát triển hệ thống laser năng lượng cao chiến thuật chống lại tên lửa tầm trung (được gọi là Nautilus hoặc THEL).
Không dừng lại ở mục tiêu tự sản xuất để sử dụng, Israel cũng tập trung xuất khẩu vũ khí của mình để cạnh tranh ảnh hưởng trên phạm vi thế giới. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn 2016-2020, xuất khẩu vũ khí của Israel đứng thứ 8 thế giới và chiếm 3% tổng lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Thậm chí, với tư cách là nhà phát triển, sản xuất quốc phòng hàng đầu thế giới nhưng chính Mỹ cũng phải mua nhiều công nghệ quân sự từ Israel như tên lửa phòng thủ Iron Dome hay hệ thống Trophy…
Ngoài ra, Israel được coi là bậc thầy trong việc tận dụng và cải tiến các vũ khí mua của nước ngoài hay chiến lợi phẩm thu được của đối thủ. Rất nhiều món vũ khí đã được nâng cấp lên một tầm cao mới sau khi được chuyển giao vào tay của Israel. Ví dụ có thể kể đến xe tăng T-55 do Liên Xô sản xuất đã được Israel thu được trong những cuộc chiến tranh với các nước Arab và cải tiến thành xe chiến đấu bộ binh Achzarit Mk-1 với hiệu quả sử dụng lớn hơn rất nhiều.
Kịch bản nào cho cuộc xung đột Israel-Hamas hiện nay?
Tính đến ngày 9 tháng 11 năm 2023, tình trạng xung đột ở Dải Gaza vẫn đang có chiều hướng căng thẳng và tiếp tục leo thang. Theo Israel, 31 binh sĩ nước này đã thiệt mạng trong cuộc tấn công trên bộ ở Gaza, hơn 260 người bị thương. Trong khi đó, chính quyền ở dải Gaza thông báo hơn 10000 người đã thiệt mạng kể từ khi xung đột bùng phát ngày 7 tháng 10 vừa qua với 40% số nạn nhân là trẻ em. Vấn đề được dư luận quốc tế quan tâm hàng đầu lúc này là làm thế nào để chấm dứt xung đột, dù chỉ là tạm thời, để xử lý cuộc khủng hoảng nhân đạo tại dải Gaza. Xa hơn, bắt đầu đã nhen nhóm những cuộc thảo luận về câu hỏi những kịch bản nào có thể diễn ra cho cuộc xung đột Israel-Hamas hiện nay.
Các chuyên gia Trung Đông cho rằng cuộc xung đột sắp bước vào giai đoạn tàn khốc hơn, đồng thời cho rằng bất cứ dự đoán nào về kết quả cuộc chiến đều là không chắc chắn. Một tâm lý bi quan đang lan rộng về triển vọng giảm leo thang trong thời gian ngắn bạo lực giữa Israel và Hamas, khi mà dân thường được cho là sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Hãng tin CNBC đã xem xét một số kịch bản hậu quả có thể xảy ra của cuộc xung đột, từ việc Hamas bị hủy hoại và có khả năng bị tiêu diệt cho đến sự can thiệp quốc tế và lệnh ngừng bắn.
Vào khoảng giữa tháng 10, sau khi tấn công Gaza bằng các cuộc không kích trong nhiều ngày, giới phân tích khi ấy đã cho cho rằng IDF sẽ tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào lãnh thổ này ngay sau đó, và họ tin rằng sẽ có rất ít hoặc không có sự thương xót nào được thể hiện khi Israel đã thề “nghiền nát và tiêu diệt” những gì được xem là thành trì của Hamas. Và kết quả này đã được chứng thực khi Israel đã tiếp tục tấn công không ngừng nghỉ vào Dải Gaza. Sau một tháng, xung đột tại Dải Gaza cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người Palestine, cao hơn số người chết trong gần hai năm chiến sự ở Ukraine. Những diễn biến mới nhất cho thấy, thương vong tại Gaza dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng cao khi chưa có dấu hiệu hạ nhiệt từ hai bên. Diệt trừ hoàn toàn tổ chức Hamas vẫn là mục tiêu số 1 của quân đội Israel. Vậy nên, có thể dự đoán rằng trong một tương lai gần, sự hiện diện của quân đội Israel tại Palestine và những cuộc tấn công đẫm máu dưới danh nghĩa “diệt trừ khủng bố” vẫn sẽ còn được thực hiện với tần suất dày đặc, nhất là khi lực lượng dự bị của quân đội Israel phần lớn đã tập trung tại đất nước, chỉ chờ được triển khai.
Và đó là toàn bộ nguồn gốc và sức mạnh của Quân đội Israel. Nếu các bạn cảm thấy hay hoặc có những nhận định nào muốn chia sẻ với mọi người về chủ đề này thì hãy để lại ý kiến của mình dưới phần bình luận nhé.
Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất