Quan điểm của Nho giáo về Đạo
triết học Trung Hoa hay Nho Giáo nói riêng cũng lên đường tìm kiếm chân lý. Hay ở chỗ, triết học Trung Hoa gói ghém tất thảy vào một từ - Đạo. Mỗi trường phái lại có cách định nghĩa riêng về Đạo.
Khi bàn về triết học, dù Đông hay Tây, bao giờ con người ta cũng sẽ suy tư, khao khát tìm kiếm để chạm tới tận cùng chân lý, đi tìm cho ra bản chất và quy luật chung nhất của tất cả các hiện tượng tức tính phổ quát, đơn nhất, bất biến và vĩnh cửu. Như một thực tại tất yếu, khi đi tìm câu trả lời triết học sẽ vượt ra khỏi phạm vi của thực tại, vượt lên trên cái hữu hình và đi sâu vào cái siêu hình.
Không nằm ngoài quy luật đó, triết học Trung Hoa hay Nho Giáo nói riêng cũng lên đường tìm kiếm chân lý. Hay ở chỗ, triết học Trung Hoa gói ghém tất thảy vào một từ - Đạo. Mỗi trường phái lại có cách định nghĩa riêng về Đạo.
Khởi đầu sách Đại Học, Khổng Tử cho rằng nhiệm vụ hàng đầu của con người khi học tập chính là để biết về Đạo, Khổng Tử nói rằng: Đạo của cái học lớn chính là làm sáng cái đức sáng ở tâm, thương yêu dân chúng, đạt tới chỗ vô cùng hoàn thiện….mọi vật đều có gốc ngọn, mọi sự đều có dầu đuôi, biết được cái chỗ có trước có sau đó thì đã gần tới đạo rồi. (Đại Học, Thánh Kinh)
Phải chăng theo Khổng Tử, việc biết đến tột cùng của sự vật (cách vật) là yếu tố cần thiết để có thể biết “Đạo”? Vậy đâu là đầu mối của vạn vật? “Đạo” được Nho Giáo nhắc đến trong suốt chiều dài phát triển của mình là gì?
Đạo và những ý nghĩa xoay quanh
Theo từ nguyên học, Đạo là cách gọi theo phiên âm Hán Việt, lấy nguyên gốc từ Hán. 道 (Đạo), chữ hội ý, gồm bộ xước 辶bên trái dưới, có nghĩa là bước đi, bên phải trên là chữ thủ 首, có nghĩa là đầu. Gom hai ý lại có nghĩa: Mở đầu cho những bước đi, đưa đến nghĩa đạo là con đường.
Hay trong Thuyết Văn Giải Tự của Hứa Thận, bản chất của từ 道 mô tả đầu người đang hướng về phía trước ngã tư đường, với hàm nghĩa chỉ dẫn, dẫn đường.
Ngoài ra, ta còn có một lối giải thích siêu hình khác theo ý nghĩa của chữ. Bộ Xước là bước đi tượng trưng cho nguyên lý động, tức Dương, cũng là biểu tượng cho Đất (sự vuông của bàn chân); chữ thủ có nghĩa là đầu, bộ phận bất động, tượng trưng cho nguyên lý tĩnh, tức Âm. cũng tượng cho trời (hình tròn của đầu). Tổng kết lại, đạo là hình tượng thâu tóm được, hòa hợp được những cặp phạm trù đối lập trong thế giới vũ trụ: Âm - Dương, Tĩnh - Động, Trời - Đất.
Khi nghĩ đến Đạo, người ta thường liên tưởng ngay đến Lão Giáo. Nếu như Đạo theo bản nghĩa nguyên thủy là con đường, thì đến thời kỳ của Đạo Đức Kinh, Đạo còn là Huyền Tẫn, Hỗn Độn,...vô ngôn, vô thanh, vô danh, vô ý,...trở thành một triết lý siêu hình học.
Và chữ Đạo không chỉ được sử dụng trong những học thuyết của Đạo Giáo mà trong những hệ thống thuộc triết học và tôn giáo phương Đông khác. Đạo cũng được sử dụng như một phạm trù nhằm lý giải vũ trụ, chân lý độc nhất, cội nguồn căn nguyên của thế giới.
Không nằm ngoài vòng xoáy đó, Nho giáo cũng sử dụng Đạo như là một công cụ và phương tiện xây dựng hệ thống học thuyết của mình. Nhưng hay ở chỗ, Nho giáo ban đầu không phải là một thực thể hay một học thuyết thống nhất. Sự hình thành, phát triển của nó trải dài trong suốt tiến trình lịch sử của các triều đại phong kiến - quân chủ Trung Hoa. Chính thức khởi tạo từ triều đại nhà Chu (1122 - 256 TCN) và hoàn chỉnh đạt đến đỉnh cao vào triều đại nhà Tống (960 - 1280). Chúng ta dễ dàng có thể chia Nho Giáo thành hai giai đoạn và đây cũng là 2 khái niệm quan trọng khi nghiên cứu triết học Trung Hoa: Hình nhi thượng và hình nhi hạ. Trong 2 giai đoạn này, quan điểm về Đạo của Nho Giáo cũng có sự dịch chuyển.
Đạo trong dòng chảy phát triển của Nho Giáo
Hình nhi hạ
Nho Giáo là đạo thống được khởi từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế đến thời Khổng Tử trong giai đoạn Xuân Thu hệ thống và hoằng dương. Đây là hệ thống cai trị bởi Đức Nhân đến từ các vua anh minh trong huyền sử là Nghiêu, Thuấn và tiếp tục sử dụng dưới thời Văn Vương, Vũ Vương, Chu Công nhà Chu.
Thời kỳ Xuân Thu lúc bấy giờ không chỉ loạn lạc bởi chiến tranh liên miên mà xã hội đặt trong hoàn cảnh hết sức éo le. Vương đạo suy vi, bá đạo lấn át vương đạo, kỷ cương xã hội bị đảo lộn, rối ren.
Nho Giáo được hình thành với chủ trương nhập thế, dấn thân để khôi phục lại trật tự xã hội, tạo ra một xã hội có đời sống văn hóa - chính trị tuân thủ Đức Nhân, thể hiện ra bên ngoài bằng Lễ để hợp với Đạo Trời. Vậy nên trong giai đoạn này, Đạo được Nho Giáo đề cập tới không mang tính chất của một tôn giáo mà mang tính chất của một học thuyết chính trị xã hội.
Với ước mong kiến thiết lại một xã hội hiện đang suy đồi về đạo đức và luân lý, các bậc Nho sĩ đương thời chỉ có 2 con đường: làm quan hoặc dạy học. Làm quan, tham dự vào việc xây dựng một thể chế chính trị lấy Nhân Nghĩa làm chuẩn mực cai trị. Dạy học, nhà Nho sử dụng văn hóa giáo dục để nuôi dưỡng và sửa trị nhân tâm đạo đức. Để nuôi dưỡng phát huy thể chế trên, lễ được sinh ra nhằm đưa mọi điều về trật tự, khuôn phép nề nếp.
Hình thành trong thời kỳ lịch sử đặc biệt cùng với mục tiêu trực diện, Đạo theo quan điểm Nho Giáo, nổi bật trong sách Luận Ngữ và Đại Học, là tổ hợp những quy tắc, chuẩn mực và cách thực hành luân lý của con người. Hay nói cách khác, thời kỳ đầu Nho giáo bàn đến Đạo nhằm ám chỉ cho Nhân Đạo (đạo làm người). Bất cứ ai sinh ra dưới hình dạng con người thì phải sống đúng với bản tính con người của mình (đặc điểm, tính chất, bổn phận, nghĩa vụ,...) và bản tính này hoàn toàn khác biệt và thậm chí ưu việt hơn so với sự vật khác.
Để thực thi ý niệm về Đạo của mình, Nho giáo cho ra đời quan điểm chính danh và nhân nghĩa.
Nội dung cơ bản của thuyết chính danh chính là định vị mỗi cá nhân trong xã hội, thiết lập trách nhiệm và bổn phận kèm theo. Từ đó, mỗi việc làm và hành động phải phù hợp với (danh) vị trí của bản thân mình.
Chính danh là làm cho mọi việc được ngay thẳng
vua thì phải làm trọn đạo vua, bề tôi phải làm trọn đạo bề tôi, cha phải làm trọn đạo của cha, con phải làm trọn đạo của con
Sau khi định vị được bản thân trong thế giới, nhận biết được nhiệm vụ và trách nhiệm của mình tiếp theo đó sẽ là hành động bản thân mình phải làm để phù hợp với cái danh đã có, phù hợp với nhiệm vụ của mình, làm những việc phải làm mà chẳng bàn đến bất cứ mục đích hay lợi lộc gì. Đó là nghĩa. Nghĩa là hành động biểu hiện ra bên ngoài thì nhân là gốc gác của những hành động ấy. Nhân chính là trung thứ, là yêu người và hết lòng vì người khác.
Hình nhi thượng
` Mang trong mình hệ tư tưởng chính trị xã hội, Nho giáo thời kỳ Xuân Thu đã dần lộ ra những điểm yếu và không còn giữ sự chi phối mạnh mẽ. Khi mà xã hội thời kỳ Chiến Quốc còn phức tạp hơn trước, thiên tử nhà Chu không còn có sức chi phối với các nước chư hầu, các vua chư hầu sát nhập với các tiểu quốc nhỏ hơn để củng cố địa vị quyền lực. Khổng Tử, người chủ xướng ra học thuyết muốn đưa xã hội về thời kỳ Tam Hoàng Ngũ Đế, chỉ làm chính trị trong vòng 9 tháng rồi lui về làm nghề dạy học.
Đứng cạnh một số học thuyết được sinh ra về sau nhưng mạnh về phần tâm linh như Lão Giáo hay học thuyết có nguồn gốc ngoại lai như Phật Giáo, Nho Giáo bộc lộ đầy đủ những khuyết điểm của mình. Cùng với đó, Nho Giáo hiện tại chỉ là một trong 10 tư tưởng cùng với Mặc Gia, Âm Dương Gia, Danh Gia,....tạo thành bình minh rực rỡ của triết học Trung Quốc mà thôi.
Để lấy lại vị trí của mình và sự chi phối đối với xã hội, Nho Giáo phải chuyển mình, kết hợp và du nhập những yếu tố khác vào nội hàm. Và yếu tố ngoại lai không có gì khác là sự uyên thâm, sâu xa đến từ yếu tố tâm linh - Siêu hình học của Lão Giáo và Phật Giáo.
Nền tảng siêu hình của Nho giáo được hình thành trong giai đoạn Chiến Quốc và tiếp tục phát triển trong thời đại Hán học, được bàn luận chuyên sâu trong giai đoạn Tống Nho. Hàng loạt các tác phẩm ra đời như Trung Dung, Đại Học, Mạnh Tử. Từ đây, Đạo theo quan niệm Nho giáo đã có có thêm yếu tố siêu hình. Những màu sắc siêu hình đó chính là Trung Dung và Dịch.
Trung dung
Trung 中: ở giữa, không thiên lệch.
Dung 庸: bình thường, không thay đổi, cần dùng, hay điều nhất định phải làm.
Đạo của trời là biên hóa liên tục, nhưng trong cái biến hóa đó vẫn xuất hiện sự bình hòa, đó là Trung. Mọi vật trên đời đều có sự quân bình chính đáng. Chưa đến cái mức ấy thì việc làm chưa đạt, quá cái mức ấy thì việc làm bị lố, không đúng. Mức ấy là Trung.
Đạo của trời là sự cân bằng giữa Âm và Dương. Dương Thanh thì nóng, Âm thanh thì lạnh, Âm Dương không đồng đều thì không thể sinh dưỡng vạn vật. Đạo người chủ về nhân và nghĩa (hình nhi hạ). Quá nhân thì yếu đuối, cảm tính, quá nghĩa thì khắc (đụng chạm, xung đột), không đủ nhân thì ác, không đủ nghĩa thì bạc (bạc bẽo). Tất thảy đều thiên lệch, hoặc thái quá hoặc bất cập, chưa hợp tới Trung.
Dung là bình thường. Ở đời việc khát thì uống, đói thì ăn hay muốn phát triển thì phải học đó chính là nguyên lý bình thường trong cuộc sống.
Có thể hiểu, Trung Dung chính là không thiên lệch ở bên nào, luôn giữ cho bản thân trong thế cân bằng, không thái quá cũng chẳng bất cập.
Nói cách khác, Trung Dung chi phối đời sống cá nhân bằng sự điều hòa tình cảm, hành vi, an định xã hội bằng việc điều hòa giữa các mối quan hệ. Khiến cho các sợi dây liên kết rường mối xã hội luôn ở thế quân bình.
Trung Dung không có nghĩa giữ cho con người ta luôn ở một trạng thái mãi mãi, mà còn phải thay đổi ứng biến với mọi trường hợp. Trạng thái quân bình được thiết lập sẽ là bàn đạp để sinh sôi ra vạn vật khác và chu trình tác động qua lại tiếp tục diễn ra. Cho nên Trung Dung không phải là một thái độ trạng thái nhất định mà phải luôn biến đổi để phù hợp với hoàn cảnh. Cũng giống như cùng một việc nhưng trong hoàn cảnh này chúng ta sẽ có cư xử khác nhưng trong hoàn cảnh khác lại phải làm ngược lại mới hợp tình hợp lý. Nếu vẫn giữ nguyên cách cư xử cũ rất dễ dàng sinh ra việc thiên lệch, ngăn cản công cuộc tiến hóa và lẽ tất yếu sẽ bị đào thải. Chính vì lẽ đó, Trung Dung cũng phải biến đổi theo để vẫn là một phần của chu trình vạn vật, thuận theo tự nhiên mà không bị mất cân bằng.
Muốn theo được đạo Trung Dung vừa dễ vừa khó. Dễ vì chỉ cần tu luyện duy nhất một thứ, đó là tâm (tâm đạo). Khó ở chỗ làm thế nào để rèn luyện cái tâm của mình trở nên chuyên nhất vì chưng “Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi; duy tinh, duy nhất, doãn chấp quyết trung” (Kinh Thư, Đại Vũ Mô). Nhân tâm của con người tuy rằng là một phần của đạo tâm, phần sáng suốt nhất trong vũ trụ nhưng chỉ cần lơ là một chút thì rất dễ bị vẩn đục, cho nên mới gọi là nguy, đạo của tâm thì chỉ là một phần trong thiên đạo, song nó vô thanh vô khứ nên khó nắm bắt ấy bởi vậy mới gọi là vi. Vì biết là nguy cho nên mới càng cẩn thận vì sai một li đi một dặm, đạo tâm lại nhỏ bé vì thế phải chăm chỉ rèn luyện, gạt thô lấy tinh (duy tinh, duy nhất) mới có thể giữ được trung (doãn chấp quyết trung).
Trung Dung là cái đạo được truyền thụ để rèn luyện tâm cho nên phải dùng tâm mà lãnh hội, chứ không phải dựa theo lời nói mà lãnh hội được. Màu sắc siêu hình ngày càng lộ rõ và được phát dương bởi hai trường phái Nho học sau này là Lý học và Tâm học.
Nếu giai đoạn hình nhi hạ, đạo của Nho giáo nhắc đến chỉ đơn thuần là đạo của con người (nhân đạo) thì sang giai đoạn hình nhi thượng với Trung Dung, nhân đạo đã hòa mình cùng thiên đạo. Tạo nên một đạo mới mang tên Trung Dung.
Dường như Trung Dung chỉ là “phiên bản nâng cấp” hơn của Nhân đạo mà thôi. Bản chất của Trung Dung vẫn là cách hành xử của con người với người xung quanh nhưng dựa trên sự hiểu biết về thiên đạo, về quy luật vận hành của vũ trụ.
Yếu tố siêu hình được thêm vào ít nhiều đã khiến cho Đạo theo quan điểm của Nho Giáo dần dần trở nên có hệ thống hơn, khỏa lấp phần thiếu sót bên trong của mình so với những học thuyết khác trong Bách Gia.
Dịch
Từ quan điểm của Nho Giáo về Trung Dung, ta thấy được các nhà Nho đã không dừng lại ở việc minh triết con người và vị trí con người trong thế giới. Thay vào đó, những tri thức về sự vận động biến đổi đã xuất hiện nhằm giải thích về nguồn gốc và cấu tạo của vũ trụ. Đạo của Nho Giáo lại tiếp tục dịch chuyển, bao trùm bởi sắc thái huyền bí. Để tìm kiếm nguồn gốc của vũ trụ (Đạo), Nho giáo đã chú trọng vào việc lý giải khía cạnh vận động của trời đất. Sự vận động đó gọi là Dịch
Dịch là biến đổi, thay đổi không ngừng nghỉ. Trong trời đất không có cái gì là không biến đổi cũng giống như thời gian không ngừng trôi “Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ”. Đạo của trời đất cũng vậy, không lúc nào ngừng nghỉ; cái vừa mới chưa kịp mất đi đã thành cái cũ, cái mới khác đã lại sinh ra, liên tiếp nhau kéo dài mãi mãi. Không có điều gì nằm ngoài vòng xoay ấy, nằm ngoài sự biến đổi.
Sự biến đổi, dịch chuyển này chính là nguồn gốc của vũ trụ. Ban đầu thế giới có chung một bản thể, chưa có sự biến hóa gọi là Thái Cực (Thái nghĩa là quá, Cực là chỗ tận cùng). Tuân theo quy luật vật động nói trên, Thái Cực di chuyển sinh thành hai khi Âm và Dương. Hai khí này tác động qua lại sinh ra muôn vật. Bởi vậy mới nói: “Dịch hữu Thái Cực, thị sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái”.
Toàn thể vũ trụ có được nhờ Thái Cực, sinh sôi nảy nở là do Âm Dương. Âm Dương là 2 khí vô hình bù đắp lẫn nhau để sinh ra vạn vật. Trong quá trình tương tác sinh hóa vạn vật xuất hiện, sinh ra bốn trạng thái phát triển và suy tận gọi là Tứ Tượng (Thái Dương, Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm). Trong quá trình tự tương tác của Tứ Tượng lại sinh ra thêm Bát Quái. Đây là sự phân chia nhỏ hơn của Âm Dương. Bát Quái được hữu hình hóa với hình tượng Ngũ Hành.
Theo Đổng Trọng Thư thì khí của trời đất, hợp thì là một, chia thì là Âm và Dương, tách ra làm bốn mùa, bày xếp thành Ngũ Hành. Âm Dương là một, nhưng Âm Dương thiên biến vạn hóa để sinh Ngũ Hành, và với tính cách tương phản tương thành đã sinh hóa vạn vật, muôn loài, tạo ra một chuỗi nhân quả liên tục không dứt. Vạn vật trong vũ trụ này sở dĩ có được là do sự “Diệu Hợp Nhị Ngưng”, phối hợp với nhau một cách kỳ diệu mà ngưng đóng lại của nhị ngũ (2, 5) tức Âm Dương Ngũ Hành từ Hình nhi thượng (khí năng, khí chất vô hình) qua Hình nhi hạ (thể chất, hữu hình). Khi biến thì hình hóa, ở trời là tượng, ở đất là hình. Âm Dương chuyển hóa, tiêu trưởng, thuận nghịch, đắp đổi cho nhau sinh ra Ngũ Hành, tạo nên vạn vật. Thái Cực động thì sinh Dương, động cực thì tịnh, tịnh thì sinh Âm, tịnh cực thì lại động, một tịnh một động cũng làm căn bản cho nhau, đó là trở về cái gốc (Hổ Vi Kỳ Căn).
Theo học giả Trần Trọng Kim, lý tưởng của Đạo trời đất từ đơn giản (phát sinh từ một hình thái duy nhất - Thái Cực) đến phồn tạp. Dịch bản chất là hai vạch, vạch liền là dương vạch đứt là âm. Lấy hai vạch đó mà thay đổi lẫn nhau theo cấp số nhân thành ra tám quẻ, rồi thành 64 quẻ,... Càng biến lại càng nhiều nhưng căn nguyên cũng chỉ có một đó là âm dương. Và hiểu được Âm Dương chính là hiểu được thiên hạ.
Kết luận
Nhìn vào quan điểm của Nho giáo về Đạo ta thấy được một lối minh triết tổng thể, sự vận động của chân lý từ hữu hình đến vô hình. Đạo được tạo dựng bởi hai mối tương quan lấy con người làm chủ thế: con người với vũ trụ và con người với con người.
Con người với vũ trụ: con người là thành phần của thế giới tự nhiên nên phải tuân thủ theo quy luật biến hóa của vũ trụ để đồng điệu với vũ trụ, hợp nhất với vũ trụ thành một thể thống nhất. Đi ngược với những quy luật đó chính là lựa chọn sự đào thải.
Con người với con người: Đức nhân vừa là bất di bất dịch (bản tính của con người - thiên đạo) lại biến ảo vô cùng (yêu thương tất thảy không chừa một ai). Chính vì lẽ đó, đức nhân được đưa ra như một tiêu chuẩn trong tương quan giữa người với người.
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất