Quan điểm: Sin sin cos cos không bằng thằng dốt lắm tiền
Học giỏi là giải được tất cả những bài tập trên lớp khiến cả lớp không thèm “ồ” lên nữa vì việc đó quá đỗi bình thường? Hay là sách...
Học giỏi là giải được tất cả những bài tập trên lớp khiến cả lớp không thèm “ồ” lên nữa vì việc đó quá đỗi bình thường? Hay là sách giáo khoa của mười một môn học nằm hết trong đầu? Hoặc đi thi được 29, 30 điểm? Đúng. Nhưng chỉ phần nào. Học giỏi chưa bao giờ được định nghĩa là “mọt sách” mà không hiểu sao có quá nhiều người đánh đồng nó. Một người học việc sửa xe máy có thể làm lại công việc của người dạy sau một lần quan sát có được tính là học giỏi? Tại sao không? Một bạn học sinh có thể thực hiện được các động tác trong một bài nhảy chỉ sau ba lần xem, rồi lên biểu diễn văn nghệ trên sân khấu một cách tự nhiên và tự tin có được tính là học giỏi? Why not?
Học là quá trình trau dồi, tích lũy kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, biến cái của người khác thành cái của mình. Từ đó, làm bản thân phát triển hơn, có được lợi thế hơn trong cuộc sống. Còn học giỏi là giỏi việc học, chỉ đơn giản là vậy. Lưu ý, học là cả một quá trình, không phải một kết quả. Nhiều người có tâm lý ảo tưởng, thích ăn xổi, có thể là do sự phát triển của video ngắn làm con người mất đi kiên nhẫn hoặc bị nhiễm tư tưởng của “thầy” nào đó trên mạng:"Cái gì cũng phải nhanh, xã hội đang thay đổi từng ngày, ngay khi các em nghe xong câu này, một phát minh mới đã ra đời". Nhanh là tốt nhưng nhanh không đúng cách là tồi. Chúng ta không thể bắt cây ớt vừa gieo hạt hôm qua cho ra quả ớt chín vào ngày hôm nay. Đó là sự phi lý không thể chấp nhận được! Ấy vậy mà vẫn có không ít người tin vào sự vô lý đó. Để rồi tức giận:"Vì sao tôi học mãi không giỏi?" Khi hỏi anh đã học bao lâu thì trả lời rằng:"Tôi học lượng giác cấp tốc ba ngày sao tôi không giải được mấy bài vận dụng cao trong khi những đứa xung quanh chúng nó đều giải được”. Họ đâu biết rằng “những đứa xung quanh ấy đã học lượng giác từ những năm cấp hai trong khi lên lớp 10 thì định lý Pythagore là gì mình còn không biết.
1, Với năng lực của một người thực sự học giỏi, kiếm tiền là một việc không khó
Quay trở lại vấn đề. Như định nghĩa ở trên thì người học giỏi không chỉ có kiến thức trên sách vở từ nhà trường mà họ còn có kiến thức từ cuộc sống xung quanh, internet. Họ không chỉ có kiến thức đơn thuần mà còn thực hành thành thạo, vận dụng những gì đã học được từ tất cả các nguồn một cách linh hoạt để giải quyết vấn đề trong cuộc sống. Ngoài chuyên môn tốt, họ còn có kỹ năng quản lý, marketing bản thân, xây dựng thương hiệu cá nhân… và nhiều thứ khác. Khi đã làm được như vậy rồi thì thật sự tiền không còn là vấn đề quá quan trọng nữa. Vì lúc này, tiền sẽ tự tìm đến với họ. Chắc chắn là như vậy. Có chăng mọi người nhìn thấy một người cực kỳ giỏi chuyên môn nhưng vẫn không có tiền là do ngoài cái chuyên môn cứng chỉ chiếm 25% sự thành công ra, anh ta chẳng còn biết gì khác cả. Và đó thì không được coi là một người học giỏi. Còn việc một người chẳng được học hành bài bản gì, hồi nhỏ không đi học hoặc bỏ học giữa chừng mà vẫn thành công, giàu có như Bill Gates bỏ học đại học chẳng hạn hoặc như những tiktoker nổi tiếng chỉ sau một đêm nhờ một video nhảy thì lại được nhiều người tán dương, ủng hộ, lấy đó mà làm gương (chỉ là một ví dụ, không có ý coi thường những tiktoker). Để trả lời vấn đề này thì tôi thấy có hai tư tuy sai lầm phổ biến của người Việt.
Thứ nhất: Khôn lỏi, “không làm mà đòi có ăn”, bóc ngắn cắn dài, thích việc nhẹ lương cao
Bởi vậy mới có suy nghĩ “thôi đằng nào cũng thế, học làm gì cho mất công, nhin Bill Gates kia kìa, bỏ cả học đại học mà vẫn thành tỉ phú đấy thôi. Hay như mấy em tóp tóp cơ kia cong mông làm mấy đường thôi mà bằng mình làm cả tháng”. Xin thưa rằng Bill Gates là bỏ là bỏ học Harvard chứ không phải mấy trường làng ở Việt Nam. Còn mấy cô dancer trên tiktok thử hỏi có làm như vậy được mãi không? Mười năm, hai mươi năm nữa họ có còn trẻ đẹp như bây giờ để tiếp tục hay bị thay thế bởi một thế hệ trẻ hơn, đẹp hơn? Sống ngày hôm nay nhưng phải nghĩ mười năm sau mình thế nào, đừng để một thiệp mời đám cưới cũng làm chúng ta đau đầu. Tri thức là vĩnh cửu. Kiếm tiền dựa trên tri thức là cách kiếm tiền lành mạnh mà bền vững nhất. Warren Buffett tập tành kinh doanh từ năm 11 tuổi, năm nay đã là 93 tuổi nhưng ông vẫn là CEO của Berkshire Hathaway.
Người giỏi chắc chắc giàu, người giàu chắc chắn giỏi
Thứ hai: Học thuyết “thiên nga đen”
“Ôi dào ôi, thằng A kia có học hành gì đâu, ngày xưa học ba năm một lớp mà bây giờ giàu nhất làng thây, còn mấy thằng BCD học đại học đàng hoàng mà bằng về cũng chỉ để tủ rồi không đi công ty thì cũng đi làm thuê cho mấy đứa vô học”. Please, xin mọi người hãy vui lòng nhìn nhận lại. Mọi người có nhìn thấy sự nỗ lực, cố gắng của đứa A. Đứa A học trên lớp thì dốt thật đấy nhưng mọi người có thấy được nó giỏi gì không? Giao tiếp tốt, nắm bắt cơ hội tốt, dám nghĩ dám làm. Còn những đứa học đại học kia mọi người có nhìn được họ học đại học như thế nào không? Học ở trường chẳng ai nghe nói tên, học chỉ đủ qua môn, học cho có lệ, học xong chỉ về chơi game thì có đi làm công ty hay đi làm thuê những công việc vất vả có xứng đáng hay không? Thật sự chúng ta rất lười tư tuy, lười hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Không chịu nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, chỉ nhìn một cách phiến diện mà thôi. Thói quen đó nguy hại vô cùng. Thấy đứa bé hôm nay ăn trộm quả ổi, mặc định automatic chửi luôn đã rồi mới tính tiếp:”Làng nước ra đây mà xem, BÉ đã ăn trộm ổi mai này, thêm tí nữa thì trộm gà trộm chó, LỚN lên cũng chỉ là phường hút chích, ăn cắp vặt, chắc bố mẹ mày không ra gì nên mới để mày đi ăn trộm thế này”. Đáng buồn thay, nhiều khi chỉ một câu nói vô tình có thể hủy hoài cả một đời người. Trong khi chúng ta chỉ cần “bớt lười’ đi một xíu, chịu nghĩ hơn một xíu thì mọi chuyện sẽ khác, khác rất nhiều rồi. Không thể từ một cá nhân để suy ra một tập thể. Nước ngoài không phải mặc định lúc nào cũng tốt. Đọc những mặt tối của họ mới thấy nó kinh khủng tởm thế nào. Idol Hàn Quốc nhìn có vẻ hào nhoáng đấy, nhưng sự thật đằng sau là một cuộc sống cực kỳ bị kiểm soát. Mọi thứ đều phải nghe theo công ty chủ quản, không yêu đương, không có cái gọi là chủ nghĩa cá nhân tồn tại đâu, thậm chí họ còn bị đối xử không khác gì loài vật. Vậy liệu những ông lớn như tiktok, youtube, facebook có đang nhìn nhận Việt Nam quá phiến diện. Khi chỉ một bộ phận lớn có hành vi gian lận mà các ông tắt, hạn chế kiếm tiền trong khi vẫn còn đầy rẫy những người Việt làm ăn chân chính?
2, Xã hội đâu chỉ cần tiền
Đồng ý rằng “vật chất quyết định ý thức”, không có tiền trong thời buổi này thì không làm được gì cả. Nhưng xã hội cần nhiều hơn thế. Nếu mục đích tối thượng của một người là kiếm tiền, anh ta sẽ trở thành nô lệ của đồng tiền, bị đồng tiền chi phối, cũng như cách mạng xã hội đang thao túng một bộ phận bạn trẻ hiện nay. Ngoài việc kiếm tiền, con người còn cần nhiều giá tinh thần khác (điều kiện tiên quyết là phải đủ sống, khi không đủ sống, mọi thứ đều là vô nghĩa) như yêu và được yêu, sự thoải mái trong đầu óc và tinh thần hay chỉ đơn giản là một giấc ngủ ngon. Những điều tưởng chừng đơn giản ấy lại không tiền nào có thể mua được. Đã qua thời “ăn no mặc ấm” rồi, bây giờ là thời đại của “ăn ngon mặc đẹp”, “ăn độc mặc lạ”. Và những người học giỏi có những thứ đó. Theo định nghĩa ở trên, họ không chỉ có kiến thức, kỹ năng về lĩnh vực giúp họ kiếm tiền mà họ còn am hiểu cách làm sao để giữ cho gia đình hạnh phúc, làm sao giữ được cả sức khỏe thể chất, trí tuệ lẫn tinh thần… Rất tiếc, những người học không giỏi không nhìn nhận được và không có được những điều trên.
3, Kết
Tôi viết những dòng trên không có ý khinh thường những người học không giỏi hoặc không có học. Ngược lại tôi lại thấy thương họ nhiều hơn. Có một nghịch lý chọn nghề hiện nay. Không biết chọn ngành nào vì không biết có những ngành gì và cụ thể ngành đó như thế nào. Muốn hiểu rõ thì lại phải thử làm, trải nghiệm. Khi làm đủ rồi mới biết nó không phù hợp thì không còn cơ hội chọn lại nữa vì đã quá muộn rồi. Mà chọn bừa theo cảm tính, theo lời khuyên của những người đi trước thi lại không chuẩn, vì chỉ khi làm rồi thì mình mới biết mình có hợp ngành đó hay không. Thành công có trước đam mê là vì thế. Người không có học họ còn thậm chí không nhận ra điều căn bản nhất là họ không có học. Đúng như kiểu càng học càng thấy mình dốt, càng dốt lại càng muốn học, cứ như vậy, cuối cùng họ lại giỏi lên. Thời xưa (sau nạn đói 1945) nghèo đói, người ta phải lo ăn từng bữa, chẳng còn tâm trí đâu mà để ý đến việc học – vốn là thứ xa vời. Người ta cũng chẳng biết học để làm gì, có no được cái bụng không, chữ đấy có mài ra mà ăn được hay không. Tôi rất hiểu và thông cảm cho những người như vậy. Thật sự bị dòng đời xô đẩy, không có quyền được chọn lựa. Nhưng thế hệ ngày nay, được ăn ngon mặc đẹp không còn nỗi lo đói nghèo nữa vẫn có một bộ phận không nhỏ coi thường việc học. Thiết nghĩ không phải do nhận thức, bởi ngày xưa thì không được ai nói cho nhưng bây giờ thì bố mẹ, báo đài, tivi, thầy cô giáo nói rất nhiều về lợi ích của việc học nhưng các vẫn không chịu học. Là do cách tuyên truyền sai hay là do nguồn động lực sâu thẳm đã mất đi khiến các bạn
rất khó để “vượt sướng”?
Học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công nhưng là con đường nhanh nhất và ít vất vả nhất dẫn đến thành công (nói là ít vất vả nhất nhưng đó cũng là những lúc đau đầu, những lúc muốn bỏ cuộc lắm nhưng cố học đó).
Mong mọi người, nhất là các bạn trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước giác ngộ càng sớm càng sớm càng tốt. Chúc các bạn trở thành những người “học giỏi”.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất