Quá trình phát triển của điện thoại thông minh (phần 1)
Năm 2006. Đó là thời kì nở rộ của công nghệ. Máy tính và mạng Internet ngày càng phổ biến ở các công sở. ...
Năm 2006.
Đó là thời kì nở rộ của công nghệ. Máy tính và mạng Internet ngày càng phổ biến ở các công sở.
Các dữ liệu thông tin được truyền đi với một tốc độ chóng mặt chưa từng thấy trong lịch sử. Chỉ cần một chiếc đài thu thanh, lựa chọn tần số phù hợp là các bạn có thể tiếp nhận thông tin dạng âm thanh từ đài phát sóng. Tương tự, bằng một chiếc máy thu hình, cũng bằng việc lựa chọn tần số phù hợp, và sau này là lựa chọn kênh trong danh sách các kênh truyền hình hiện hữu là các bạn đã sẵn sàng cho việc tiếp thu thông tin dạng hình ảnh từ đài truyền hình.
Ngoài ra, khả năng giao tiếp giữa người với người cũng được đẩy lên một tầm cao mới. Chỉ cần một chiếc điện thoại, quay số và nhấc ống nghe là các bạn có thể gọi điện nói chuyện với một người ở cách xa hàng chục, hàng trăm km. Chỉ cần một chiếc máy tính, các bạn có thể lưu trữ thông tin âm thanh, hình ảnh, văn bản bằng các định dạng tệp. Và với sự xuất hiện của mạng Internet cộng thêm nhiều chuẩn kết nối khác, các tệp tin có thể được truyền đi khắp nơi chỉ với một cú nhấp chuột.
Ở công sở, việc có thể giao tiếp từ xa bằng điện thoại, fax, email giúp các công việc được hoàn thành nhanh chóng, hiệu quả hơn hẳn. Bên cạnh sự cải thiện về hiệu suất công việc, sự phát triển thần kì của công nghệ cũng tạo ra các phương thức giải trí mới giúp con người giải toả căng thẳng sau giờ làm việc, bằng việc nghe nhạc với băng cassette rồi sau này là chiếc máy MP3 gọn nhẹ bỏ túi, hoặc là chơi điện tử với 1 chiếc máy tính rồi sau này là với 1 chiếc điện thoại.
Chưa bao giờ chúng ta thấy được 1 cuộc sống thuận lợi đến như vậy.
Điện thoại di động cũng phát triển từng ngày để góp phần chung vào cuộc sống thuận lợi đó. Đầu tiên là nghe gọi mọi lúc mọi nơi, tiếp theo là với sự phát triển của điện thoại, các tính năng mới lần lượt được tích hợp vào: các chuẩn kết nối, camera, nghe nhạc, xem video,... Vậy là chỉ cần 1 thiết bị cầm tay bỏ túi là chúng ta có thể làm bao nhiêu việc mọi lúc mọi nơi: chụp ảnh, lướt web, nghe nhạc, chơi điện tử và làm việc mọi lúc mọi nơi.
Tuy nhiên, trong thời điểm này, điện thoại di động vẫn còn nhiều điểm có thể cải thiện.
Người dùng có nhu cầu loại bỏ bàn phím bởi vì, với hệ thống phím di chuyển và phím chọn vẫn thông dụng đáp ứng đủ cho 1 chiếc điện thoại cơ bản dùng để nghe-gọi đơn thuần thì giờ đây, hệ thống bàn phím này đã trở nên cồng kềnh, phiền toái trong chiếc điện thoại tiền thông minh.
Hệ thống bàn phím đã trở nên quá đơn giản cho hệ thống giao diện phức tạp, dẫn đến khó khăn trong quá trình sử dụng. Đồng thời, hệ thống bàn phím đã dẫn đến khó khăn trong quá trình vận hành các ứng dụng phức tạp từ bên thứ 3.
Trong thời gian đó, vào tháng 12 năm 2006, LG công bố mẫu điện thoại LG Prada.
Điểm đột phá của mẫu điện thoại này là màn hình cảm ứng điện dung.
Nhớ lại năm 1992 khi IBM Simon ra mắt chiếc điện thoại tiền thông minh đầu tiên trên thế giới. Ngay từ thời đó IBM đã hào phóng trang bị cho chiếc máy màn hình cảm ứng - nhưng chỉ là màn hình cảm ứng điện trở. Màn hình này vẫn khó thao tác ở chỗ nó cần tác động lực, nên gây khó khăn trong việc thao tác bằng tay. Đa phần người ta sử dụng cái bút cảm ứng (stylus) để thao tác cho thuận lợi.
Sự xuất hiện của màn hình cảm ứng điện dung giúp thao tác thuận lợi hơn hẳn bằng tay. Do trong con người chúng ta có điện trường, điện trường này làm thay đổi điện dung giữa 2 lớp màn hình cảm ứng, nên mình có thể thao tác vuốt chạm bằng tay 1 cách dễ dàng, không khó khăn như màn hình cảm ứng điện trở.
So với màn hình điện trở thì cảm giác vuốt chạm bằng màn hình điện dung mượt hơn hẳn.
Ngoài ra màn hình cảm ứng điện dung cũng giúp thao tác đa điểm, tạo nên sự thuận lợi trong chơi game, zoom ảnh.
Nhưng tiếc là LG Prada chỉ dừng lại ở đó, không còn gì nổi bật hơn.
Ngoài ra vào thời điểm bấy giờ, hệ điều hành Symbian cũng bộc lộ rất nhiều hạn chế, trong đó hạn chế lớn nhất là khó khăn trong việc cài đặt ứng dụng bên thứ 3. Bởi vì tuy cùng là Symbian nhưng mỗi hãng điện thoại lại chỉnh sửa theo hướng của riêng họ. Nếu chỉ chỉnh sửa giao diện như các hãng Android thì được chứ đây họ chỉnh sửa tận trong lõi, mỗi hãng hỗ trợ 1 định dạng ứng dụng khác nhau và 1 kho ứng dụng khác nhau. Ngoài ra với mỗi máy màn hình khác nhau, hệ thống bàn phím khác nhau, cùng 1 ứng dụng, cùng 1 định dạng nhưng vẫn phải điều chỉnh sao cho tương thích từng loại máy, với từng loại màn hình khác nhau và từng loại bàn phím khác nhau. Do vậy, các nhà phát triển gặp khó khăn trong việc phát triển và đồng nhất các ứng dụng, và người dùng cũng gặp khó khăn trong việc đồng bộ hoá dữ liệu, trong trường hợp muốn chuyển điện thoại chẳng hạn. Thứ 2 là trình duyệt của Symbian cũng có độ tương thích kém, nhiều link, nhiều website không mở được do trình duyệt không hỗ trợ. Và quá trình kết nối Wi-Fi và bật dữ liệu di động của Symbian cũng lủng củng, khó khăn trong quá trình sử dụng thực tiễn.
Trong bối cảnh đấy, ngày 9 tháng 1 năm 2007, ở bài phát biểu tại cuộc hội thảo triển lãm Macworld Conference & Expo tổ chức ở Moscone West, San Francisco, California, Steve Jobs đã giới thiệu iPhone đời đầu, giờ đây được biết đến trong lịch sử với tên gọi iPhone 2G.
Jobs giới thiệu iPhone - thiết bị 3 trong 1: iPod màn hình cảm ứng kích thước lớn, điện thoại di động cách mạng, thiết bị kết nối Internet đột phá.
So, three things: a widescreen iPod with touch controls; a revolutionary mobile phone; and a breakthrough Internet communications device. An iPod, a phone, and an Internet communicator. An iPod, a phone… are you getting it? These are not three separate devices, this is one device, and we are calling it iPhone. Today, Apple is going to reinvent the phone, and here it is.
Thiết bị đã thay thế hoàn toàn hệ thống bàn phím đã thống trị thị trường hàng chục năm bằng màn hình cảm ứng giúp đáp ứng tốt hơn với hệ điều hành, giúp sử dụng đơn giản hơn, không còn cồng kềnh phức tạp như bàn phím. Và cũng nhạy hơn, tạo ra cảm giác sử dụng thoải mái hơn so với màn hình cảm ứng điện trở.
Mặt trước của máy ngoài màn hình cảm ứng chỉ có nút Home, loa thoại. Ở trên có phím nguồn và khay cắm SIM (Apple ngay từ mẫu điện thoại đầu tiên đã sử dụng pin nguyên khối với khay cắm SIM như các mẫu máy điện thoại thông minh bây giờ). Ở cạnh bên có 2 phím tăng giảm âm lượng. Ở dưới có cổng sạc, cổng tai nghe 3.5mm. Thiết kế này trở thành đặc trưng của Apple, các iPhone đời sau đến iPhone 4s chỉ thay đổi vị trí khay cắm SIM và gia tăng kích thước màn hình.
Về phần cứng, iPhone đời đầu sử dụng vi xử lý ARM 32-bit của Samsung với tốc độ xử lý 412 MHz. Máy trang bị viên pin 1400 mAh. Ngoài ra máy còn nhiều cảm biến hỗ trợ người dùng trong quá trình sử dụng: gia tốc kế (để xoay ngang/xoay dọc màn hình), cảm biến tiệm cận để hỗ trợ trong quá trình nghe gọi, và cảm biến ánh sáng hỗ trợ quá trình chụp ảnh và tự động điều chỉnh độ sáng màn hình. Màn hình cảm ứng có đường chéo 3.5 inch, lớn hơn rất nhiều so với màn hình nhiều máy điện thoại khác (tuy bây giờ toàn màn 6.7 inch nhưng thời đó 3.5 là quá ấn tượng).
Về phần mềm, Apple tung ra thị trường hệ điều hành iPhone OS, sau này đổi thành iOS 4 năm 2010.
iPhone OS mang lại giao diện hoàn toàn mới. Hỗ trợ các tính năng: tin nhắn thoại có giao diện hình ảnh (visual voicemail), cử chỉ vuốt chạm đa điểm (tận dụng luôn lợi thế của màn hình cảm ứng điện dung), HTML email, ứng dụng "iPod" nghe nhạc và phát video, ngoài ra còn YouTube và Maps, chạy trên nền tảng Google Maps.
Các ứng dụng như gọi điện và nhắn tin cũng được làm mới, thân thiện hơn với người dùng.
Apple cũng đem ra trình duyệt Internet hoàn toàn mới có tên là Safari, mang lại những ưu điểm lớn so với những trình duyệt di động hiện hành: dễ sử dụng hơn; độ tương thích tới những website, link cao hơn, ít lỗi hơn; phông chữ dễ đọc hơn.
Tổng kết lại, sự trình làng của iPhone là bước tiến lớn, tạo nên cách mạng trong ngôi làng điện thoại di động. Steve Jobs hoàn toàn có lí do chính đáng để thể hiện thái độ tự hào của mình. Khi ra mắt thị trường Mỹ năm 2007, giá bán cho bản 4GB là $499, bản 8GB là $599 (hồi đấy 4GB và 8GB bộ nhớ trong cũng là cao rồi), cũng là mức giá hợp lý.
Tuy nhiên, iPhone đời đầu vẫn còn nhiều hạn chế: thiếu tin nhắn đa phương tiện (MMS), ứng dụng, tính năng sao chép văn bản (cần jailbreak máy để tự ý cài thêm những tính năng này). Các bản cập nhật sau của Apple đã dần dần khắc phục những thiếu sót này.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất