Quà tặng và tặng quà
Cre: Kaitlin Folland Tôi không phải người có trí nhớ quá tốt (hoặc ít nhất là không còn quá tốt) nhưng tôi hay nhớ những...
Tôi không phải người có trí nhớ quá tốt (hoặc ít nhất là không còn quá tốt) nhưng tôi hay nhớ những thứ lặt vặt linh tinh về những người tôi quan tâm. Tôi nhớ anh Phó Chủ tịch CLB cũ thời sinh viên của tôi không bao giờ ăn hành, rau sống hay dưa góp, anh cũng không thích ăn măng. Tôi nhớ bạn thân của bạn thân tôi (nhưng không phải bạn thân của tôi) không ăn đồ ngọt vào buổi tối. Tôi nhớ cô bạn tôi thích một quyển sổ nhỏ nhỏ xinh xinh. Tôi nhớ sinh nhật của tất cả những chàng trai tôi từng thích hoặc từng thích tôi (không nhiều lắm nên mới nhớ được). Tôi nhớ một đứa bạn tôi chưa từng được đi đạp vịt và tôi từng nói nếu 30 tuổi nó vẫn chưa đi đạp vịt tôi sẽ đi cùng nó. Đỉnh cao là giờ tôi còn nhớ luôn hộ anh họ sở thích của người yêu ông ý. Trước nghe ổng nói chị người yêu thích lavender tươi mà ở Hà Nội khó kiếm. Hôm qua đi hội chợ thấy nên tôi mua hộ gửi chị luôn. Hai người đang yêu xa tạm 2 tháng nhưng tuần nào ông ý cũng gửi quà gì đó cho chị.
Tôi thích được tặng quà. Hồi nhỏ là vì món quà tôi nhận được. Khi 6 tuổi tôi bảo chị tôi rằng tôi muốn được tặng sinh nhật một quyển sổ vì chưa được tặng sổ bao giờ. Vậy là chị đưa tôi đi chọn một cuốn sổ màu hồng có khóa. Khi 10 tuổi tôi xin ông già Noel tặng tôi búp bê Barbie. Sinh nhật tôi hay xin bố tôi tặng sách, truyện. Năm 15 tuổi tôi có chút tỏ thái độ khi tôi không ưng ý món quà Noel bạn thân tôi tặng, làm nó buồn một chút. Đến hôm sau tôi đã tự kiểm điểm bản thân vì thái độ của mình, dù không thay đổi được việc đã làm tổn thương bạn trong khoảnh khắc đó. Dù sao thì món quà đó vẫn được tôi giữ đến gần đây trước khi con mèo nhà tôi lấy ra làm đồ chơi.
Đến khi lớn rồi, tôi vẫn thích được tặng quà nhưng phần nhiều hơn vì hành động tặng quà. Khi lớn, những món quà cũng sẽ chỉ lặp đi lặp lại, cũng không còn có thứ gì người ta có thể tặng mà bạn không tự kiếm được cho bản thân mình nữa. Những thứ giá trị hơn mà mình không tự mua được thì cũng chẳng dám nhận từ người khác. Vì thế, thích nhận quà là vì tình cảm chứa trong món quà, vì cảm nhận được người ta bỏ bao nhiêu tâm sức để chuẩn bị món quà ấy. Người tặng quà có để tâm đến sở thích của bạn không, có đủ quan tâm để chọn hộp, chọn túi đẹp đẽ một chút, nếu bỏ cả thời gian để làm đồ handmade hay viết một tấm thiệp thật dài thì quá là tuyệt vời. Quà nhiều khi tôi không giữ được, hoa rồi cũng tàn, bánh kẹo ăn là hết,... nhưng chắc chắn tôi sẽ luôn giữ những mẩu giấy note hay tấm thiệp đính kèm.
Tôi cũng thích chuẩn bị quà cho mọi người. Thích nhất là khi tìm ra được món đồ mà người đó chắc chắn sẽ thích. Cần nhiều thời gian dành cho nhau, cần một chút quan tâm, để ý và may mắn nữa, mới tìm được một cái gì đó như vậy. Vậy nên có những người bạn sinh nhật năm nào tôi cũng tặng quà nhưng chỉ có một vài món quà tôi thật sự tâm đắc, bởi không phải lúc nào cũng tìm được một món quà mà bản thân ưng ý, dù biết bạn bè cũng không quan trọng chuyện đó quá nhiều.
Khi tìm được một thứ gì như vậy rồi, tôi thường bất chấp mọi giá (thời gian, tiền bạc) để kiếm được nó cho người xung quanh mình (mong các bạn không một ngày nào đó có đam mê với kim cương với đá quý). Nếu không tìm được một thứ thật đặc biệt, tôi sẽ mua một cái gì đấy hữu dụng rồi cố gắng cá nhân hóa gói quà, dù không khéo tay hay làm cho lắm. Đơn giản thì viết tay một tấm thiệp, kỳ công hơn thì tự làm một cái gì đó bỏ vào cùng. Tôi hay làm bánh, hoặc ghi âm một bài hát, ghi âm lời chúc, in vài tấm ảnh chung,... Bất kỳ điều gì làm người nhận cảm thấy rằng đây không chỉ là hộp quà nhặt vội trên giá một cửa hàng nào đó. Và cái trí nhớ dành cho mấy điều nhỏ nhặt của tôi giúp ích khá lớn cho việc này.
Tuy nhiên điều ấy cũng từng gây cho tôi một số vấn đề nho nhỏ. Giả như bạn sẽ thấy buồn hơn bình thường khi những người ấy không đáp trả bạn lại bằng những điều tương tự. Như việc nhận quà từ bạn thân mà bên trong không có tấm thiệp nào, hay khi bạn biết người tặng chỉ ra ngoài mua tạm một cái gì đó (dù có thể cũng đẹp và đắt tiền) để đưa cho bạn vào dịp lễ cho đúng nghi thức.
Tôi không phải người quá trọng hình thức. Tôi cũng không quan tâm nhiều đến mấy ngày lễ linh tinh như Quốc tế Phụ nữ hay Giáng sinh,... những ngày được các nhãn hàng tuyên truyền để thúc đẩy chủ nghĩa tiêu thụ, các cặp đôi lấy cớ để đi chơi, và một số bạn thì lấy cớ để đòi quà. Thỉnh thoảng tôi cũng sẽ tặng quà Tết, quà Giáng sinh, quà chẳng vì cái gì cho bạn bè xung quanh, tùy hứng. Cũng có những đứa bạn thân mấy năm rồi còn chẳng được nhận quà sinh nhật từ tôi. Dù có, dù không, chúng tôi cũng sẽ không xa nhau vì việc đó.
Tất nhiên, như đã nói ở trên, tôi thích được tặng quà nên cũng chẳng tỏ vẻ thanh cao mà từ chối nếu được tặng quà trong bất kỳ dịp gì. Nhưng không có thì cũng chẳng sao cả. Dù sao vẫn đỡ hơn cầm một hộp quà mà không cảm thấy vui khi mà người tặng quà chỉ coi đó như nghĩa vụ.
Điều mà tôi thích hơn có khi là những thứ nhỏ nhỏ hàng ngày hay một điều gì đó khiến ngày bình thường có cảm giác khác biệt. Như khi đứa bạn nửa đêm đói qua ra siêu thị mua bánh ăn rồi nhắn hỏi: "Cậu có ăn cùng không, tớ mang đến nhà cho nè". Hay có đứa lên cơn hảo ngọt hỏi địa chỉ bán bánh ngon, khi nó mua một hộp cho nó cũng sẽ mua thêm một hộp mang đến cho tôi. Khi mà chẳng phải ngày gì, có đứa bạn dạo TTTM cùng gia đình thấy mấy đồ cute đáng yêu sẽ nhặt cho tôi một cái chỉ vì thích thế. Hay như hồi nhà nyc thừa mấy sợi dây màu linh tinh ngồi tết cho tôi một chiếc vòng tay to như vòng cổ, rồi hứa làm vòng cổ cho cả em mèo nhà tôi.
Trong nhiều trường hợp, tôi cũng không thật sự nhận được món quà về mặt vật chất. Như khi đứa bạn hỏi mang bánh qua cho ăn, tôi từ chối vì muộn rồi và tôi không đói. Chiếc vòng cho mèo mà nyc hứa cũng mãi sẽ chỉ là lời hứa. Nhưng tôi nghĩ như thế cũng đủ rồi. Tôi từ chối vì tôi đã nhận đủ giá trị mà tôi cần từ món quà. Tôi biết được rằng, trong khoảnh khắc họ nhìn thấy cái bánh, đồ lưu niệm hay vài sợi dây, họ nghĩ đến tôi và tôi là người mà họ muốn chia sẻ những điều nhỏ bé ấy cùng.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất