*Trong ánh tà dương của những sự kiện vừa mới diễn ra những ngày gần đây, mình đột nhiên nghĩ nhiều về quá khứ. 
Absolemn sẽ không thể mãi mãi là một con sâu bướm lười nhác ưa hút cần. Điều đó không có nghĩa là nó sẽ quên đi khoảng thời gian tự tại (?) đó, đúng không.  

Dẫu có công nhận hay không, mỗi bước mà chúng ta sống về phía trước, ta đã bỏ lại sau lưng mình một điều gì đó. Một dấu chân, một mùi hương; một cái nắm tay, một ánh mắt; một cảm xúc, một người - một tấm chân tình, hay một bản ngã của chính ta. Đó, chính là quá khứ - là những ký ức đã lặng lẽ rời khỏi ta, đôi khi vô tình, đôi khi đầy chủ định, và nằm lại mãi ở thời điểm đó. Ta nhớ về quá khứ trong cái hình hài lúc nó lìa khỏi con đường mình, cũng như chính quá khứ ấy nhớ về ta trong y nguyên trạng thái khi ta đặt nó ở lại. Quá khứ như một bức tranh sống động trong cái ngưng đọng của thời gian.
Mỗi thời khắc quá khứ nằm lại sau lưng ta đều là dấu vết của một sự biến hoá. Như con sâu nhỏ tách mình khỏi chiếc kén để vươn đôi cánh bay vào không trung, cái kén nằm lại kia chính là một quá khứ - khô tàn và đã chết, nhưng đồng thời cũng là sự nhắc nhở về nguồn gốc của sức mạnh vút bay kia. Bởi vì mỗi điều ta làm, một nơi ta đi qua, mỗi lời mà ta nói... tất cả đều sẽ định hình bản thân ta trong những ngày sắp tới, quá khứ của ta chính là quyển nhật trình vẽ lại những điều đã làm nên chúng ta hôm nay.
Ta thường nhìn về quá khứ với những cảm nhận, hơn là suy tưởng. Có lẽ, một con bướm sẽ không bao giờ nhìn lại chiếc kén chỏng chơ trống rỗng, hay những chiếc lá loang lổ đầy vết gặm, và cảm thấy hoài niệm hay u buồn vì những gì mình không còn sở hữu. Nhưng, chúng ta lại chẳng thể đơn giản như thế. Khi ta nhìn lại, có những quá khứ thật đẹp, đến mức ta nuối tiếc nó trong nỗi hoài nhớ, khao khát được trở lại sống trong những tháng ngày đầy hạnh phúc đó, trong sự tuyệt vọng rằng nó đã thực sự trôi qua. Cũng có những quá khứ thật tối tăm, mà chỉ nghĩ đến thôi ta cũng đã giật mình. 'Làm sao ta đã có thể sống sót qua những thời khắc đó?'. Có những quá khứ trôi qua như một chiếc lá rơi, ta nhận ra nó, rồi quên mất nó. Chúng chỉ bình thường như một lẽ tự nhiên, già rồi sẽ rụng; và chỉ có những bậc hiền triết mới có đủ sự quan tâm nhỏ nhặt để nghĩ về những việc như là, vì sao đó lại là một lẽ tự nhiên? (Như vì sao tình mẫu tử lại là một lẽ tự nhiên? Hay, nó có phải?) Cũng có những quá khứ xảy ra với ta như một cơn sấm chớp. Ta chỉ kịp cảm thấy tức giận, hoặc sợ hãi, hoặc một cảm xúc tột độ nào đó, mà không bao giờ nhớ rõ được hình hài của quá khứ ấy như thế nào - chuyện gì đã xảy ra, ai đã làm gì, và bản thân mình đã hành xử ra sao.
Mình tin, có nhiều điều ta có thể học được từ quá khứ, như là cách nghĩ của một người khác, như là một định luật của tự nhiên, hay như là sự thấu hiểu về bản thân của chúng ta. Quá khứ thật sự là một người thầy lớn. Bởi, khi bạn nghĩ về nó, có phải chúng ta đã trưởng thành thêm nhiều trong lúc trải qua nó, rồi lại học thêm được nhiều hơn khi quay đầu lại và nhìn thấy nó? Ta trưởng thành lên trong những điều ta trải qua - đây là câu chuyện tất yếu. Nhưng có vẻ không phải lúc nào ta cũng thực sự hiểu thêm điều gì khi nhìn lại chúng. Bởi vì con người có quá nhiều xúc cảm, thường khi, ta để cho cảm xúc đứng thay chỗ của suy nghĩ khách quan và chân thành trong ta.
Như mọi sự học tồn tại ở trên đời - ta chỉ chân chính chạm tới được sự hiểu biết khi dám đối mặt với tri thức bằng sự khách quan và công bằng. Đối với sự học trong những gì thuộc về quá khứ - sự vật, sự việc, xúc cảm, hay con người, sự đối diện khách quan chính là khi ta có thể lắng lòng mình mà chào đón sự tồn tại của chúng, chấp nhận chúng là một phần của ta - hay, đã từng - rồi cho phép chính ta quên đi những xúc cảm, và chỉ nhìn thấy sự việc trần trụi như bản chất của nó. Chẳng dễ, chắc chắn, khi nghĩ đến việc quên đi buồn-vui-mừng-giận để nhìn vào một ký ức. Có lẽ, việc học được cách can đảm đối diện với những gì trong quá khứ cũng có thể giúp ta trưởng thành hơn, một chút.
Ta và quá khứ không phải là những mối liên hệ không bao giờ gặp lại. Song, ta và quá khứ đồng thời cũng là những kẻ không bao giờ gặp lại nhau. Bởi lẽ, thời gian là tuyến tính. Và ta, trong hiện tại, chỉ có thể gặp lại một phiên bản đã-cập-nhật của quá-khứ của ta. Người cũ, vật cũ, việc cũ... đều chỉ là từng quen, chứ không hẳn là đang biết. Thời gian là một nhà điêu khắc hiện thực tàn nhẫn, tới mức có thể khiến chiếc hộp kỷ niệm ta đã cất trong hộc tủ trở nên gỉ sét xấu xí sau mười năm gặp lại. Hoặc giả, ngay cả khi chiếc hộp kỷ niệm được làm bằng thép không gỉ, vẫn còn giữ nguyên dáng hình năm đó; ta có chắc bản thân mình không thay đổi? Nhìn lại quá khứ qua cái lăng kính hiện thực đó, liệu những gì cất giữ trong chiếc hộp kỷ niệm có còn vẹn nguyên? Quan trọng hơn, liệu những ký ức đi cùng với chúng có bị hoen màu? Và, quan trọng nhất, những bài học mà ta học được từ chúng có mất đi giá trị và bị méo mó đi hay không?
Đối diện với quá khứ không phải là một việc dễ làm, chứ không phải là một việc ta không thể lựa chọn. Bạn sẽ chọn thế nào, nếu quá khứ tình cờ tạt ngang qua con đường của bạn - một lá thư, một bức ảnh, một bóng hình gợi đầy cảm xúc, hay một con người? Bạn sẽ làm gì? Chạy về phía đó, quay lưng bỏ đi, hay nhìn ngắm, gợi nhớ, và suy tư? Có lẽ không có câu trả lời đúng nào cả, cũng như không có lựa chọn đúng nào cả. Tất cả, đều là ở lựa chọn mà ra. Riêng với mình, mình trân trọng, và đối diện với nó.
20.05.2018