Nếu cuộc đời không có quá khứ, chúng ta sẽ ra sao?
Hoặc nếu có, và chúng ta có quyền được quên thì liệu bao nhiêu người trong triệu người sẽ lựa chọn quyền quên lãng này? Bởi quá khứ là khổ đau, tủi nhục hoặc nếu có tươi đẹp đi chăng nữa thì cũng qua rồi, níu lại, kể ra thì có ý nghĩa gì? Với ai?
Qua khỏi dốc là nhà mang tới câu trả lời cho những câu hỏi này. Có thể nói, những câu chuyện trong cuốn sách “không chương” của Phan Thúy Hà là tập hợp những suy tư về quá khứ vốn nhiều nghịch cảnh.
Bắt đầu từ những bữa cơm thèm thịt, Phan Thúy Hà miên man nhớ về quá khứ của mình với một người mẹ là giáo viên, người cha là lính trận và những hàng xóm chung quanh con dốc dài.
Điểm chung ở đây là những phận người xuất hiện ai cũng khổ. Kể cả những “nhân vật” không mang phận người vẫn khổ.
Chuyện người mẹ giáo viên sinh năm đứa con chưa từng được một hớp cháo nhưng khi con lợn nuôi đẻ thì phải đun cháo nếp bồi dưỡng, bởi nó mang gánh nặng kinh tế của cả gia đình. Chuyện người phụ nữ làng Trùa chồng đòi chôn sống nhưng vẫn chăm cho người đàn bà ăn vạ chồng mình mẹ tròn con vuông. Chuyện bác Chắt phải bỏ làng đi vì mang tiếng nhà có thuốc độc. Chuyện một người bạn nhảy giếng bỏ dở những tập phim Đơn giản tôi là Maria. Chuyện người làng bàn làm sao để đánh một phát chết ngay con chó Mực bị dại…
Chuyện nào cũng buồn.
Phan Thúy Hà cứ kể như bao suy tư định sẵn, yên lòng cho dòng chảy của cảm xúc ra thôi. Dòng chảy đó nếu người đọc không lắng lòng lại sẽ dễ sa vào bi lụy. Đó không phải là điều Phan Thúy Hà muốn hướng tới, mà ẩn sâu sau những câu chuyện không tên là những phận người luôn biết cách thích nghi với thăng trầm của cuộc sống.
Đọc Qua khỏi dốc là nhà sẽ nhận vào chính mình một cảm giác rất đau. Nó cũng như việc mỗi người ngồi suy tư về quá khứ của mình, rất đau mà cũng rất đẹp, bởi khi ta dám đối diện với những giai đoạn không mấy bình yên đó ta lại thấy lòng bình yên hơn.
Phan Thúy Hà bảo chị viết Qua khỏi dốc là nhà không phải để kể khổ, mặc dù mỗi câu chuyện ở đó khổ đau là thật. Chị viết không phải để thở than hay để nuối tiếc về một quá khứ đã lùi xa, chị viết trước hết có lẽ là để chính mình tìm lại những dịu dàng, mà dưới vỏ bọc của những nỗi buồn đôi khi chính chị (hay chúng ta) vẫn sợ gợi lại.
Kể chuyện xưa để nói về chuyện nay. Phan Thúy Hà bây giờ là mẹ của những đứa con bắt đầu khôn lớn. Tất nhiên, thời bây giờ con cái của chị cũng như chúng ta không thể “khổ đắng nước” như xưa nữa. Nhưng liệu cái “sung sướng” hôm nay có lấp đầy những khoảng trống trong tâm thức của mỗi đứa trẻ không? Phan Thúy Hà đau đáu về điều đó, vì thế chị bảo “thay vì lý luận khô khan để dạy con thì hãy dùng chính tuổi thơ của mình để minh họa”. Và, Qua khỏi dốc là nhà trên hết vẫn là món quà chị dành tặng cho những đứa con của mình.
Cuối cùng, đôi lời về chuyện quá khứ của mỗi người. Tôi thường đặt câu hỏi nên quên hay nhớ những ký ức buồn. Tôi thường nghiêng về vế thứ nhất: quên đi.
Một mặt, chuyện buồn xưa nay tôi đâu ưa gì nó, quên được chẳng phải tốt hơn sao? Mặt khác, chuyện buồn (trong quá khứ) thường kéo tôi đi ngược hành trình sống cho tương lai lẫn hiện tại, điều này trái với “đạo lý thời @”?
Nhưng rồi tôi cũng tự đặt câu hỏi khác cho mình, nếu cứ thẳng đường mà đi, không ngoái nhìn lại quá khứ thì có phải một ngày tôi không còn là tôi nữa?
Vậy thì, hãy dẹp bỏ những vỏ bọc vốn che giấu những lo lắng về quá khứ. Hãy mở lòng ra, viết và kể những câu chuyện của đời mình, như bao câu chuyện mà Phan Thúy Hà đã kể trong Qua khỏi dốc là nhà.
Hãy nhớ, qua khỏi dốc là nhà!