Màn hình trang chủ Sci-hub, công cụ đã giúp mình vượt qua bao giông bão
Quyền sở hữu trí tuệ (Intellectual Property Rights – IPRs) là một trong những quyền nổi lên trong thời đại số hiện nay. Hầu hết chúng ta ai cũng có một đôi (chục) lần vi phạm quyền này: xem phim “chùa”, dùng phần mềm crack (win và office), giáo trình, nghiên cứu “lậu” (sci-hub), ... Nhưng tại sao IPRs lại quan trọng như vậy? Người ta thường lập luận rằng bảo vệ IPRs sẽ giúp đảm bảo quá trình sáng tạo không ngừng và kéo theo phát triển kinh tế. Thật là vậy chăng? Lịch sử kinh tế nói với chúng ta điều gì về IPRs?

LƯỢC SỬ VỀ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Khi mà các nước phát triển ngày nay còn đang phải trải qua giai đoạn công nghiệp hóa thì sự chuyển giao công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chính quá trình này từ các nền kinh tế phát triển hơn ở châu Âu vào thế kỉ XVI – XVII (chẳng hạn như Venice) là một yếu tố quan trọng giúp cho nước Anh trở thành một nước sản xuất hàng hóa, thay vì xuất khẩu nguyên liệu thô (Reinert, 1995). Sau Cách mạng Công nghiệp lần I ở Anh, sự chuyển giao công nghệ sang các nước còn lại ở châu Âu và Mĩ đã đóng vai trò to lớn trong giúp các nước này trở nên thịnh vượng (Landes, 1969; Jeremy, 1981).
Khi nhắc tới quá trình phát triển công nghệ và sáng tạo này, người ta thường nghĩ tới các thành quả của những con người hay doanh nghiệp, mà bỏ qua vai trò của chính phủ. Các chính phủ thời đó đã thiết lập những chính sách để thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ mới với các trường nghề hay các viện nghiên cứu. Các chính phủ tổ chức các cuộc triển lãm quốc tế, mạnh tay chi tiêu đưa máy móc tân tiến cho các công ty tư nhân, hay thậm chí tự mình thiết lập các “xí nghiệp kiểu mẫu”. Họ cũng hỗ trợ về mặt tài chính cho các công ty để sử dụng các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là thông qua miễn thuế nhập khẩu (Landes 1969). Đến khi nền công nghiệp bản địa đã đủ sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, các nền kinh tế này bắt đầu thắt chặt đầu ra công nghệ để giữ lợi thế cho riêng mình.
Một ví dụ tiêu biểu là nước Anh. Vào thời vua Henry VII, ông đã bỏ ra nhiều nỗ lực để đưa về nước mình những công nhân lành nghề trong ngành sản xuất lông cừu từ các quốc gia phát triển hơn. Thậm chí ông còn ban hành lệnh cấm xuất khẩu lông cừu thô để tạo động lực sản xuất các sản phẩm cao cấp hơn. Đến năm 1719, nước Anh đưa ra lệnh cấm xuất cảnh đối với nhân công kĩ năng cao, cũng như ngăn cản các hành vi cố gắng tuyển dụng họ bởi các nước khác (chủ yếu là Pháp và Nga). Bất cứ ai phạm luật này đều phải đóng phạt và thậm chí là ngồi tù, những công nhân lành nghề rời xa đất nước hơn 6 tháng sẽ bị tước quốc tịch và toàn bộ tài sản. Bộ luật này nhắm tới các ngành công nghiệp quan trọng như lông cừu, sắt, thép, sản xuất đồng hồ, ..., nó tồn tại đến tận năm 1825 (Jeremy, 1977). Trong những năm này, nước Anh còn từng ban hành các luật cấm xuất khẩu và máy móc linh kiện cho các nước xung quanh. Các nước khác đã không ngần ngại thực hiện thứ gọi là “gián điệp công nghệ” để đưa nhưng thứ tiên tiến nhất về nước mình, tiêu biểu là Pháp, Nga, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan, và Bỉ (Landes, 1969; Harris, 1991).
Các nền kinh tế phát triển ngày nay thiết lập luật sáng chế trong khoảng nửa đầu thế kỉ XIX. Các bộ luật này thời đó đều rất sơ sài và không hề đoái hoài tới quyền lợi của các nhà đầu tư nước ngoài (Crafts, 2000). Các nước như Anh. Hà Lan, Áo và Pháp thậm chí còn cho phép cấp bằng sáng chế cho các công trình được nhập khẩu từ nước ngoài. Tại Mĩ, trước khi luật sáng chế được hoàn thiện vào năm 1836, các bằng sáng chế được cấp vô tội vạ mà không cần qua kiểm tra xuất xứ (proof of originality). Điều này dẫn tới một vấn nạn hi hữu: cấp bằng sáng chế cho các thiết bị máy móc đã được sử dụng trên thị trường. Người sở hữu bằng sáng chế đó sau đó có quyền đòi tiền sáng chế từ những người sử dụng nếu không muốn bị kiện.
Ở Thụy Sĩ và Hà Lan, tình hình còn đáng chú ý hơn (Schiff, 1971). Hà Lan ban hành luật bản quyền vào năm 1817 nhưng lại bãi bỏ vào năm 1869. Thụy Sĩ chỉ chấp nhận sở hữu trí tuệ là một quyền từ năm 1888. Đến năm 1907, trước sức ép từ Đức khi nước này liên tục vi phạm các sáng chế trong lĩnh vực hóa chất và dược phẩm, Thụy Sĩ mới chịu ban hành một bộ luật sáng chế hẳn hoi. Nhưng phải đến năm 1954, bộ luật này mới có các quy chế chặt chẽ tương đương các nước phát triển khác (Schiff, 1971).
Tất cả các ví dụ lịch sử trên cho thấy IPRs đã từng là một thứ gì đó cực kì xa xăm đối với các nước phát triển hiện tại. Trong những ngày tháng đầu tiên của quá trình công nghiệp hóa, các nước phát triển không hề tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. So sánh với các nước đang phát triển ngày nay, khi mà tôn trọng IPRs là một trong những điều kiện tiên quyết để có được nguồn lực đầu tư nước ngoài hay tham gia vào các thỏa thuận thương mại, có vẻ các nước này đang bị bất công, và cũng “ngoan ngoãn” hơn nhiều (Dutfield & Suthersanen, 2005). Các nước đang phát triển đang bị ép buộc phải thực hiện những chiến lược mà các nước phát triển đã từng chối bỏ để đạt tới sự thịnh vượng.

QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Cho dù lịch sử có sắc nét tới đâu thì ta cũng không thể thay đổi thời thế hiện nay, khi mà có hàng tá các ràng buộc về IPRs đã được ban hành. Hãy trở lại một chủ đề thực tiễn hơn: IPRs có lợi – hại thế nào đối với phát triển kinh tế, đặc biệt là ở các nước đang phát triển?
Những người ủng hộ bảo vệ IPRs cho rằng chúng sẽ giúp thúc đẩy tạo ra các tri thức mới, kéo theo đổi mới và phát triển kinh tế, bởi các thể chế bảo vệ nó sẽ tạo ra đông lực cho các hoạt động đổi mới. Nhưng cần nên nhớ rằng con người theo đuổi tri thức vì những mục đích khác hơn là vì tiền bạc. Báo cáo của UNDP vào năm 1999 đã cho thấy nhiều ví dụ khi mà truy cập mở (open access) đã thúc đẩy, thay vì kìm hãm, sự ra đời của nhiều tri thức mới, đặc biệt là ở lĩnh vực thiết kế phần mềm. Hơn thế nữa, kể cả không có sự bảo vệ, người phát minh vẫn sở hữu lợi thế “tự nhiên” trên thị trường, khi mà cần một quá trình biến đổi cũng như tài nguyên tiền bạc và con người để áp dụng một công nghệ mới. Các rào cản “tự nhiên” này là một lập luận phổ biến ở thế kỉ XIX chống lại bằng sáng chế và cũng là ý tưởng trọng tâm đối với tầm nhìn của Schumpeter về “sự hủy diệt sáng tạo” (creative destruction).
Một khảo sát thực hiện bởi Levin và cộng sự (1987) đối với 650 giám đốc R&D ở Mĩ cho thấy rằng các công ty không quá quan trọng bằng sáng chế bởi họ nhận thức được các lợi thế khi tự mình có những công nghệ mới. Khảo sát cho thấy rằng khi nói đến quy trình đổi mới, việc giữ bí mật, chứ không phải là có bằng sáng chế, mới đóng vai trò quan trọng.
Một lập luận khác ủng hộ bảo vệ IPRs là bởi nó thúc đẩy sự “phát tán” kiến thức mới. Lập luận này bị phản bác nhiều hơn cả bởi kể cả một nhà phát minh khư khư giữ bí mật thì xã hội nói chung sẽ không có hậu quả gì do thông thường các ý tưởng trùng hoặc tương tự nhau được phát triển đồng thời và độc lập. Hơn thế nữa, khi nhà phát minh nghĩ rằng mình hoàn toàn có thể giữ bí mật về công trình mới của mình, ông sẽ chẳng cần đăng kí bằng sáng chế với ai cả, làm triệt tiêu động lực công bố nó. Cuối cùng, bởi vì các sáng chế được trao cho các phát minh có những ứng dụng thực tiễn, chúng lại cổ vũ việc giấu đi các phát minh trong quá trình phát triển (Machlup & Penrose, 1950).
Tóm lại, chúng ta vẫn chưa thể biết được là bằng sáng chế có là một cơ chế đảm bảo cho việc xuất hiện các tri thức mới hay không. Điều này thậm chí còn gây ra sự tốn kém về tài nguyên khi mà nhiều công ty cố gắng “lách luật” hơn là tự tạo ra các tri thức hữu dụng cho mình. Khi mà càng ngày càng nhiều thứ có thể được cấp bằng sáng chế, chúng lại tồn tại nguy cơ làm cản trở hơn là thúc đẩy quá trình đổi mới. Một ví dụ điển hình là “gạo vàng” (golden rice) – một giống gạo biến đổi gen có chứa nhiều hơn beta-carotene, giúp chuyển đổi thành vitamin A. Khi công nghệ này được bán cho các công ty đa quốc gia Syngenta, các nhà phát minh của công nghệ này đã phát mệt khi phải đàm phán với các cá nhân/ tập đoàn liên quan tới hơn 80 bằng sáng chế liên quan tới nghiên cứu này.

LỢI VÀ HẠI CỦA IPRS, ĐẶC BIỆT LÀ IPRS TRONG CÁC THỎA THUẬN THƯƠNG MẠI ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN

Những người bảo vệ IPRs tin rằng bên cạnh các động lực đối với quá trình đổi mới trong nước (thứ đã bị chỉ trích ở trên), các thỏa thuận về IPRs còn giúp tăng cường khả năng hấp thụ các công nghệ tân tiến. Điều này được thực hiện qua các cơ chế:
Bảo vệ IPRs là cần thiết để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cũng như giúp thiết lập các kênh chuyển giao công nghệ chính thức thường xuyên hơnĐiều này sẽ dẫn tới nguồn vốn FDI chảy vào cao hơn khi các công ty cảm thấy “an toàn” đối với công nghệ của mìnhCác nhà đầu tư sẽ sử dụng các công nghệ tân tiến để làm lợi cho thị trường trong nước (chẳng hạn như với dược phẩm, công ty mẹ ở nước ngoài sẽ sử dụng công nghệ mới để tạo ra thuốc phù hợp với địa phương).
Với các lập luận tương tự ở phần trước, các cơ chế này có vẻ không bền vững. Đầu tiên, bảo vệ IPRs mặc dù làm các công ty nước ngoài sẵn sàng thiết lập các kênh chuyển giao công nghệ, nhưng vẫn luôn tồn tại các bất lợi để bắt kịp và ứng dụng các công nghệ tân tiến ở nước bản địa. Với cơ chế thứ 2, đúng là có nhiều bằng chứng cho thấy tôn trọng IPRs sẽ thu hút nhiều FDI hơn, nhưng không có gì đảm bảo các nguồn vốn đó sẽ chảy vào lĩnh vực công nghệ cao. Trong nhiều trường hợp như đối với Canada và Ý (UNDP, 1999), việc bảo vệ IPRs không hề có tác động đáng kể lên dòng chảy vốn FDI. Với cơ chế cuối cùng, các nước đang phát triển hầu hết không chiếm quá nhiều phần quan trọng trong quyết định R&D của tổng bộ.
Vậy còn các bất lợi mà việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ gây ra ở các nước đang phát triển thì sao?
Thứ đầu tiên có thể quan sát được là điều này sẽ làm tổn hại nguồn lực tài chính của nền kinh tế bản địa khi muốn sử dụng một thiết bị hay máy móc cố định. Một cơ chế bảo vệ IPRs cũng có thể dẫn tới tình trạng độc quyền khi mà các công ty lớn nắm trong tay các bản quyền của nhiều phát minh cốt lõi cho nhiều ứng dụng quan trọng. Thứ ba, như ta biết, không phải cứ mang một công nghệ về là có thể sử dụng ngay, mà còn cần một bộ phận con người để vận hành tương ứng. Chi phí này còn lớn thêm nhiều khi luật định về IPRs có tác dụng. Cuối cùng là các xung đột lợi ích diễn ra khi mà các công ty ở nước ngoài có thể được cấp bằng sáng chế cho những thứ vốn dĩ đã được sử dụng rộng rãi ở các nước bản địa. Dù sao thì với một đống các thỏa thuận về IPRs, các quốc gia đang phát triển sẽ có ít không gian để phát triển nền công nghệ của mình hơn, và cũng khó có thể leo lên nấc thang thịnh vượng hơn.
Qua bài viết vừa rồi, ta đã thấy rằng các quốc gia phát triển ngày nay đã từng sẵn lòng vi phạm Quyền sở hữu trí tuệ trong thời điểm họ vẫn đang tìm con đường để phát triển. Hầu hết các nước này không ban hành hoặc ban hành các luật lệ bảo về quyền này một cách lỏng lẻo cho đến khi nền kinh tế của họ đủ sức để cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, kể từ đó họ mới ra sức truyền bá những thứ tốt đẹp của việc bảo vệ Quyền sở hữu trí tuệ như là một ngọn hải đăng trong phát triển kinh tế. Từ góc nhìn của lịch sử cũng như các phân tích về lợi và hại của việc bảo vệ IPRs kể trên, ta thấy được cần tạo ra một “sân chơi” chung có các điều khoản “công bằng” hơn đối với các nước đang phát triển để tạo ra một thế giới hòa hợp và cùng phát triển.

Nguồn tham khảo
Crafts, N. 2000. Institutional Quality and European Development before and after the Industrial Revolution, a paper prepared for World Bank Summer Research Workshop on Market Institutions, 17-19 July, 2000, Washington, D.C..
Dutfield, G. & Suthersanen, U. 2005. Harmonisation or differentiation in intellectual property protection? The lessons of history, Prometheus, 23:2.
Harris, J. 1991. Movement of Technology between Britain and Europe in the Eighteenth Century in D. Jeremy (ed.), International Technology Transfer - Europe, Japan, and the USA, 1700-1914, Aldershot, Edward Elgar.
Jeremy, D. 1981. Transatlantic Industrial Revolution: The Diffusion of Textile Technologies Between Britain and America, 1790-1830s, Cambridge, Mass.: The MIT Press.
Jeremy, D. 1977. Damming the Flood: British Government Efforts to Check the Outflow of Technicians and Machinery, 1780-1843, Business History Review, vol. LI, no. 1.
Landes, D. 1969. The Unbound Prometheus – Technological Change and Industrial Development in Western Europe from 1750 to the Present, Cambridge: Cambridge University Press.
Machlup, F. & Penrose, E. 1950. The Patent Controversy in the Nineteenth Century, Journal of Economic History, vol. 10, no. 1.
Reinert, E. 1995. Competitiveness and Its Predecessors – A 500-year Crossnational Perspective, Structural Change and Economic Dynamics, vol. 6.
Schiff, E. 1971. Industrialisation without National Patents – the Netherlands, 1869-1912 and Switzerland, 1850-1907, Princeton, Princeton University Press.
UNDP. 1999. Human Development Report 1999, New York, Oxford University Press.