Lưu ý: tác giả bài viết không được tài trợ để ủng hộ hay công kích bất cứ cá nhân hay tổ chức nào.
poster phim Trạng Tí.


    Trạng Tí là hình tượng nhân vật trong bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt nổi tiếng tại Việt Nam, được sáng tác bởi hoạ sĩ Lê Phong Linh có bút danh là Lê Linh dưới chủ sở hữu tài sản của công ty phát hành Phan Thị. Thần Đồng Đất Việt có bốn nhân vật chính là Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, và Cả Mẹo, cùng nhiều nhân vật khác đặt tên theo Sanh Tiếu. Trạng Tí Phiêu Lưu Ký, hay gọi tắt là phim Trạng Tí, là một tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ bộ truyện Thần Đồng Đất Việt (từ đây viết tắt là TĐĐV), thường được mọi người gọi tắt là truyện Trạng Tí.

Tập 1 truyện Thần Đồng Đất Việt.
    Gần đây cộng đồng mạng dấy lên làn sóng tẩy chay tác phẩm điện ảnh Trạng Tí Phiêu Lưu Ký của Ngô Thanh Vân (viết tắt NTV), một diễn viên, đạo diễn, và nhà sản xuất quá quen thuộc trong ngành điện ảnh Việt Nam. Đối mặt với làn sóng tẩy chay là những người tuyên bố ủng hộ phim và sẽ bỏ tiền mua vé ra rạp dịp Tết này. Sau đây là một số luận điểm của những người theo làn sóng "anti" (tạm dịch trong ngữ cảnh này là tẩy chay) và suy nghĩ của tôi về các luận điểm ấy.

1. Ngô Thanh Vân ăn cắp bản quyền từ hoạ sĩ Lê Linh.
    Được biết, giữa hoạ sĩ Lê Linh và công ty Phan Thị (từ đây viết tắt là CTPT) của bà Phan Thị Mỹ Hạnh đã có tranh chấp bản quyền từ năm 2006, và hoạ sĩ Lê Linh đã theo đuổi con đường pháp lý kể từ năm 2007 để giải quyết mâu thuẫn giữa hai bên [1]. Sau nhiều nhiêu khê trên hành trình đưa vụ việc ra toà án, cuối cùng toà đã chấp nhận đưa ra xét xử lần thứ nhất ngày 28/12/2018 [1]. Cuối cùng ngày 3/9/2019, Toà án Nhân dân Tp.HCM đã chính thức công nhận hoạ sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất của bốn nhân vật trong truyện TĐĐV [2]. Trong khi đó, Ngô Thanh Vân tuyên bố đã bỏ tiền ra (hoàn thành) mua lại bản quyền từ công ty Phan Thị vào tháng 12 năm 2017 [3]. Phán quyết của toà án đã trao Quyền nhân thân cho hoạ sĩ Lê Linh, trong khi Quyền tài sản vẫn thuộc về CTPT.  Dựa theo Luật Sở hữu Trí Tuệ [4], các quyền được qui định như sau:
Điều 18. Quyền tác giả
Quyền tác giả đối với tác phẩm quy định tại Luật này bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.
Điều 19. Quyền nhân thân
Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:
1. Đặt tên cho tác phẩm;
2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Điều 20. Quyền tài sản
1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:
a) Làm tác phẩm phái sinh;
b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
c) Sao chép tác phẩm;
d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.
3. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.
 
    Như ta thấy, điều 19.4 nói rằng: "Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả". Đây là điều luật mà nhiều người viện dẫn để cho rằng phim Trạng Tí phải "bảo vệ sự toàn vẹn" của truyện Trạng tí, rằng phim Trạng Tí đã sáng tạo quá mức khi luật cho rằng "không được sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc", và vì vậy nên đây là lý do hợp lệ để tẩy chay phim Trạng Tí. Hầu hết những người dẫn luật này đã không dẫn cả câu mà trong đó có chi tiết "gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả". Vì sao chi tiết này quan trọng? Vì không thể có chuyện phim chuyển thể từ truyện có thể diễn tả 100% sắc thái của truyện. Cơ bản thì bất cứ ai cũng có thể viện dẫn bất cứ chi tiết nhỏ nhặt nào để chỉ ra sự khác biệt, mặc dầu sự khác biệt đó có khi không lớn và không quan trọng, và chi tiết gây phương hại sẽ được dùng để phân định điều đó. Hoạ sĩ Lê Linh hoàn toàn có quyền kiện nhà làm phim nếu ông cảm thấy uy tín và danh dự bị xúc phạm (và ông lại phải chứng minh điều đó), nhưng đó sẽ lại là một vụ kiện hoàn toàn khác và không dính dáng đến tranh chấp giữa ông và CTPT.
    Mặt khác, điều 20.1a lại cho phép bên Quyền tài sản làm tác phẩm phái sinh, và 20.2 cho phép người khác làm lại các điều trong điều 20.1 được qui định như trên. Trong điều 4.8 Luật Sở hữu Trí tuệ [4], tác phẩm phái sinh được định nghĩa như sau: 
Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.
    Như vậy, CTPT, được toà trao cho quyền tài sản, vẫn có quyền bán lại quyền làm tác phẩm phái sinh, vốn bao gồm "phóng tác, cải biên, chuyển thể, v.v" như cái cách mà NTV đã làm đối với phim Trạng Tí. 
    Vậy thì trên mặt pháp lý, NTV đã hoàn toàn không làm gì sai, và không hề có chuyện "ăn cắp bản quyền" như nhiều người vu khống vô căn cứ. Sự hợp pháp về chuyện bản quyền của phim cũng đã được luật sư xác nhận [5]. Tại sao lại tẩy chay phim dựa trên lý do này khi giữa NTV và hoạ sĩ Lê Linh không hề có tranh chấp bản quyền như tranh chấp giữa hoạ sĩ và CTPT?

2. Bổ tử hình bản đồ Việt Nam bị thay thành hình cá chép.
    Lý do này thường được lập luận rằng việc "tự kiểm duyệt" bản đồ Việt Nam có thể bị coi là một hành động không tôn trọng chủ quyền quốc gia và các giá trị văn hoá dân tộc Việt Nam. Vì sao bổ tử được thay đổi thì cũng đã được đạo diễn Phan Gia Nhật Linh giải thích: 
...
Một lý do nhỏ khác, chính là vì mình không muốn xác định niên đại trong phim, và mình thống nhất với nhà sản xuất, đây là một phim fantasy, và mở ra một thế giới cổ tích rất Việt Nam, nên việc để bổ tử hình bản đồ trong tập đầu tiên sẽ không hay lắm, vì bạn biết đó, phải tới đời nhà Nguyễn, thời Pháp vào, thì bản đồ chúng ta mới có hình dáng như ngày nay. Mình phải làm gì: làm đúng lịch sử, để Tí mặc bổ tử bản đồ một nửa đất nước mà không có lời giải thích nào hay làm theo truyện và sai lịch sử?
...
    Bổ tử trong Truyện Trạng Tí có bản đồ Việt Nam nhưng lại không có Hoàng Sa - Trường Sa (vì khi truyện được phát hành thì tranh chấp biển đảo chưa nóng hổi như gần đây), nên nếu phim để bản đồ Việt Nam vào phim thì lại phải có hai quần đảo đó để tránh phản ứng gay gắt của cộng đồng. Rõ ràng đây là một sự việc rất rối ren, và tôi nghĩ quyết định của tác giả rất đúng đắn. Thứ nhất, chủ quyền quốc gia không thể được đặt quá nặng duy nhất lên một doanh nghiệp tư nhân làm phim mang tính giải trí lành mạnh, nhất là khi họ tự bỏ tiền ra đầu tư làm phim. Thứ hai, đụng đến chính trị lúc nào cũng phức tạp, và thường thì tư nhân sẽ tránh liên can tới chính trị để tránh tranh cãi và gây tổn thất. Nhiều người sẽ dẫn chuyện phim Trung Quốc mang đường lưỡi bò vào để biện luận cho vấn đề này, nhưng họ quên rằng hậu quả của việc đó thường rất lớn và các phim đó thường bị cấm chiếu, dẫn đến thất thu và có thể là lỗ và phá sản. Nhiều nhà làm phim TQ có nguồn lực lớn, và có khi được chính phủ tài trợ, nên họ có thể có khả năng chịu đựng mất mát (loss tolerance) lớn hơn các nhà làm phim VN. Cho nên, một phim có bị lỗ thì họ sẽ không đến mức bị phá sản, khác với nền điện ảnh non trẻ của Việt Nam. Các nhà làm phim đụng tới chính trị bị mất tiền chứ người tẩy chay có lẽ sẽ không mất gì.
    Thêm nữa, các giá trị văn hoá Việt Nam không chỉ gói gọn trong bản đồ mà còn rất nhiều thứ đặc sắc khác. Nếu phim có được chiếu ở nước ngoài thì việc quảng bá văn hoá Việt Nam thông qua các chi tiết nhẹ nhàng sẽ tự nhiên và hiệu quả hơn việc đưa họ một tấm bản đồ mang tính khiên cưỡng. Ví như nhiều người yêu đất nước Hàn Quốc là vì Kpop, K-drama, và nhiều thứ khác chứ không phải cứ đưa thế giới lá cờ hay bản đồ Hàn Quốc là họ sẽ có thiện cảm, đặc biệt là trong buổi đầu của làn sóng văn hoá HQ. Truyền bá hình ảnh cần nhiều sự tinh tế chứ không phải chỉ đơn giản là bản đồ.

3. Nội dung phim nhìn chung không bám sát nội dung truyện.
    Điều này không chỉ có phim Trạng Tí mà hầu như tất cả các phim chuyển thể đều mắc phải, dù đó có là Marvel hay Harry Potter. Không một phim chuyển thể nào được làm ra mà không vướng vào làn sóng tranh cãi giữa người thích sáng tạo và người thích nguyên tác. Cũng dễ hiểu vì sao phim chuyển thể sẽ dường như không bao giờ như bản gốc vì chất phim và chất truyện rất khác, lại tuỳ thuộc vào thời đại giữa hai thể loại được tạo ra. Có những thứ lên phim hay nhưng áp dụng vào truyện sẽ không hay và ngược lại, cho nên mới có cái gọi là Vũ trụ Điện ảnh. 
    Liên quan đến việc nội dung được thay đổi, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh có nói [7]:
Một trong những điều mình không thích ở bộ truyện Thần đồng đất Việt chính là việc truyện dựa vào nhiều tích dân gian, trong đó có nhiều mẩu truyện dạy con nít những trò khôn lỏi, khôn vặt, ranh mãnh, chứ không bằng trí thông minh để giải quyết vấn đề. Mình không muốn đưa những trò khôn lỏi, khôn vặt đó vào phim, mình muốn đề cao trí tuệ bằng tư duy logic và toán học, đồng thời lên án những trò khôn vặt cũng như cho thấy những trò khôn vặt có thể gây nên hậu quả như thế nào. Hay do các bạn bây giờ vẫn yêu thích những trò khôn lỏi, khôn vặt trong các truyện Trạng nên các bạn phẫn nộ? Thế thì mình thua vậy. Nếu thế thì phim Trạng Tí thật sự sẽ khiến bạn tức giận nếu bạn là fan của những trò trí khôn của ta đây.
    Và chia sẻ này của anh lại dấy lên làn sóng giận dữ trong cộng đồng mạng, và nhiều người và ngay cả nhiều tờ báo đã nhanh nhảu nhảy vào cho rằng đạo diễn chê "Trạng Tí khôn vặt". Thật ra sau nhiều lần câu nói được dẫn lại thì ngôn từ ít nhiều sẽ bị thay đổi. Như tác giả nói rằng "một trong những điều mình không thích ở bộ truyện" không có nghĩa là "tác giả không thích cả bộ truyện". Tương tự, "trong đó có nhiều mẩu truyện dạy con nít những trò khôn lỏi, khôn vặt..." không có nghĩa là "truyện Trạng Tí toàn khôn vặt". Có một sự khác biệt giữa hai cách nói. Bạn hoàn toàn có thể đồng thời thích một bộ truyện và không thích một vài chi tiết hoặc thậm chí một số tập trong bộ truyện đó. Và dĩ nhiên là một vài chi tiết không xuất sắc không có nghĩa là cả tác phẩm sẽ không hay. Việc công kích đạo diễn Nhật Linh sau khi giản lược hoá câu nói của ông giống như nguỵ biện tấn công người rơm (strawman fallacy).
    Thế nào là khôn vặt? Để phân định một chi tiết là khôn vặt thì ắt sẽ lại gây ra thêm nhiều tranh cãi. Mỗi thời mỗi khác. Dù bản chất con người có thể không thay đổi, cách nhìn nhận của người xưa có thể sẽ khác thời nay. Ví dụ người xưa cho rằng ăn mặc nhiều vải để chứng tỏ quyền thế thì thời nay chuộng gọn gàng thực tế. Người xưa cho rằng "quân xử thần tử, thần bất tử bất trung" thì người nay bình đẳng dưới pháp luật. Người "xưa" cho rằng vẽ mười con giun trong một cuộc thi hội hoạ để thắng thì người nay không mấy ai dám dạy con làm vậy khi đi thi. Một vài ví dụ để chúng ta hiểu rằng là người của thời hiện đại, ta phải đọc để học hỏi một cách có chọn lọc người xưa, và có khi phải suy nghĩ nghiêm túc để biết người xưa thiếu gì và đã làm sai điều gì để tránh khỏi sai lầm trong quá khứ. 
    Bản thân tôi rất đồng tình với triết lý làm phim của đạo diễn Nhật Linh. Thế giới nhân loại đang tiến nhanh không ngừng nghỉ, đồng thời là trách nhiệm của chúng ta cần xem xét lại các giá trị cốt lõi để thúc đẩy xã hội tiến lên một cách văn minh nhất. Chúng ta nên tập trung vào tư duy khoa học và sáng tạo ở hầu hết các vấn đề, từ tự nhiên đến xã hội, để Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung ngày càng phát triển lành mạnh hơn.

Lời kết:
    Mặc dù tôi rất hiểu hoàn cảnh của hoạ sĩ Lê Linh trong hành trình gian khổ dài chục năm tìm công lý của ông, tôi vẫn cho rằng việc tẩy chay phim Trạng Tí là hoàn toàn không thoả đáng. Sẽ nhiều người vẫn cảm thấy bức xúc với kết quả của phiên toà và cảm thấy không thuyết phục, cảm thấy không hợp tình hợp lý hay thậm chí "có lý mà không có tình". Nếu bạn không hài lòng với "lý" thì đó là trách nhiệm của những nhà làm luật, không phải của nhà làm phim, và bạn nên tìm các luật gia làm việc. Tôi tin rằng những người làm luật cũng có lý do khi đưa luật ra như vậy và nếu bạn thấy không phục thì hoàn toàn có quyền đề xuất sửa đổi theo đúng qui trình. Việc tẩy chay theo kiểu dùng số đông ăn hiếp doanh nghiệp làm phim một cách vô ý thức có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý các nhà làm phim tương lai.
    Về "tình" thì thực sự quá phức tạp. NTV đã chủ động đi tìm hoạ sĩ Lê Linh để kêu gọi hợp tác, có thể là cho các tập phim sau (theo đạo diễn Nhật Linh thì có thể có 5 tập phim), nhưng đều bị từ chối cả bốn lần. NTV cũng đã chính thức xin lỗi vì cho rằng bản thân không tìm hiểu kĩ tranh chấp nội bộ [8], mặc dù cá nhân tôi nghĩ cô không cần phải xin lỗi vì cô đã làm đúng với pháp luật và không hề vi phạm chuẩn mực đạo đức nào hết. Tranh chấp nội bộ là thứ rất khó để người ngoài biết tới, và có khi chúng ta cần xem xét lại cột mốc thời gian của vụ án giữa hoạ sĩ và công ty, và việc mua bản quyền giữa công ty và NTV. Mặt khác, NTV đã đầu tư nghiêm túc làm một bộ phim thể loại kì ảo, hoàn toàn nổi bật với đại đa số các phim hài tình cảm hay kinh dị trong giới điện ảnh Việt Nam. Điều này cũng cho thấy sự đột phá trong tư duy làm phim và tôn trọng thị hiếu khắt khe của khán giả hiện đại, làm nguồn cảm hứng cho ngành điện ảnh Việt Nam vươn ra cạnh tranh với điện ảnh thế giới. 
    Việc tác giả TĐĐV là hoạ sĩ Lê Linh phải chịu nhiều bất trắc với kết cục không mấy thoả mãn là điều đáng tiếc. Hành trình tìm công lý của vị hoạ sĩ là một bài học cho chính ông, cho những người làm nghệ thuật, và cho tất cả chúng ta. Chúng ta có lẽ phải nhìn nhận lại một số lỗ hỏng trong luật pháp hiện tại để xem xét sửa chữa và hoàn thiện bộ máy hành chính. Đối với hoạ sĩ Lê Linh, chúng ta có thể tiếp tục ủng hộ ông trong sự nghiệp truyện tranh sắp tới của ông và có thể là khả năng làm cố vấn cho các tập sau của Trạng Tí.
    Đối với khán giả, thích hay ghét, khen hay chê là quyền của mỗi cá nhân, nhưng nếu bạn cố gắng hợp lý hoá (rationalize) cái ghét của mình để kêu gọi tẩy chay làm ảnh hưởng tiêu cực đến nhà làm phim nói riêng và ngành công nghiệp điện ảnh không khói của quốc gia nói chung, thì cũng cần xem lại "cái lý cái tình" của bản thân. Nếu bạn nghĩ số đông không sai thì hãy đọc lại trong lịch sử có rất nhiều vụ oan ức vì phán xét sai lệch của số đông và hiểu vì sao chúng ta cần pháp luật. Hãy làm người tiêu dùng có lý trí và cởi mở với cái mới để ủng hộ doanh nghiệp phát triển trên tinh thần tôn trọng pháp luật và các giá trị đạo đức xã hội.

Mọi lời bình tranh luận văn minh luôn được chào đón và trân trọng. Xin cảm ơn đã dành thời gian đọc bài viết.
-----------------------------
Nguồn tham khảo: