Tôi nhận ra dạo này, người ta nghĩ đủ trò để tặng quà và hò hẹn nhau. Việc tặng hoa quà cho một nửa thế giới chẳng còn cố định vào Lễ tình nhân, Quốc tế phụ nữ hay là Ngày phụ nữ Việt Nam nữa. Ngày Tết thiếu nhi, tặng quà, ngày Tết trung thu, cũng tặng quà, thất tịch, là một dịp tốt để tặng quà, hôm nay là 20 tháng 5*, sao anh không tặng quà cho em?
Mãi rồi, quà tặng ở cái buổi kinh tế thu nhập bắt đầu lên cao còn đời sống tinh thần cứ ngày một nghèo nàn thấy rõ dần trở thành một thứ "phát chuẩn" nhạt nhẽo để tính toán tình cảm thiệt hơn. Nhiều anh đàn ông tặng quà như chạy deadline, lên hẳn một bộ lịch nhắc nhở dành cho việc... tặng quà.

Tôi tất nhiên chẳng phản đối chuyện tặng quà, ai chẳng thích được tặng quà, dù nó đôi khi có phần hơi lố bịch. Cứ coi như một năm anh tặng hoa vợ/bạn gái anh 2 lần, có thể thêm vài ngày kỉ niệm sinh nhật, thật đúng barem, đúng deadline. Nhưng hôm nay cô ấy đổi màu tóc mới anh cũng không nhận ra, hay cô mới mua một bộ đầm đẹp anh cũng chẳng để ý, thỉnh thoảng anh giúp đỡ cô ấy việc nhà. Và anh cảm thấy mình thật tinh tế và biết san sẻ.

Còn một số chị em, lại coi chuyện quà tặng quá mức quan trọng. Tôi không thể không để ý rằng cánh đàn ông bây giờ nhận định phụ nữ là giống loài thực dụng, đúng, có lẽ phụ nữ chúng tôi thực dụng thật. Bản năng của phụ nữ là lựa chọn những gì có tính chắc chắn và bền vững, nên không thể phủ nhận rằng chúng tôi có phần thực tế nguyên thuỷ ấy. Nhưng tôi không hy vọng câu chuyện thực tế hay thực dụng bị áp đặt lên mấy món quà, quà tặng, quan trọng ở người tặng mà thôi. Có đáng gì mà hơn thua rồi giận dỗi với người mình thương đúng không các chị?

Tôi không thích nói nhiều về câu chuyện nữ quyền, vì tôi không ủng hộ điều đó, tôi nghĩ, thay vì xé lẻ ra nam hay nữ quyền, mẫu hay phụ hệ, chúng ta nên quy về một hệ quy chiếu là con người mà thôi. Quà tặng, vốn là thứ thể hiện tâm ý, không phải là điều bắt buộc hay một lẽ dĩ nhiên gì. Quà tặng chỉ là lời chúc, là bữa cơm hôm nay ta nấu cùng nhau, là nụ hôn trước khi đi làm, đâu nhất thiết phải xây dựng quy phạm cho nó, rồi làm theo nó như những cỗ máy không cảm xúc. Để rồi một ngày hốt nhiên nhận ra, ngoài mấy món quà ta tặng nhau như người người ngoài kia, ta chẳng trao cho nhau điều gì ngọt ngào hơn được nữa.

Quà tặng, nhất là hoa tươi, đừng nên phung phí quá mức cần thiết. Nói thật là phụ nữ thích hoa tươi lắm, nhưng nếu chúng ta cứ phải tặng nhau những đóa hoa tiền triệu to ngang nửa người, để rồi hôm sau nó lại nằm ở bãi rác, với la liệt những giấy gói màu sắc vốn chẳng thân thiện gì với đất mẹ này; Thì thôi, mỗi bên nhường nhau một chút, anh tặng em một bông hồng đỏ, em cũng chẳng lấy làm phiền.

Ngày Hai mươi tháng Mười, xin chúc tất cả những món quà, những bông hoa được trao đi cho một nửa thế giới đều chứa đựng tình cảm chân thành. Chúc cho mỗi món quà đều là tình yêu. Chúc cho những người độc thân cũng tự tặng cho mình tình yêu mà chẳng cần một ai khác. Chúc cho các anh sẽ dừng lại một phút nghĩ xem người phụ nữ của mình thực sự thích điều gì. Chúc cho chị em không "quạu" nếu được người đàn ông của mình tặng một thỏi son màu hồng cánh sen.

Cuối cùng, mong cho một nửa, à không, hai nửa thế giới đang vật lộn với nước lũ Miền Trung sẽ nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn. Có thể giữa miền nước lũ sẽ chẳng có hoa hồng, nhưng cứ trao nhau yêu thương là được thôi, nhỉ?

(*) 20/5: 520 là ngày lễ tỏ tình ở Trung Quốc, vì phát âm của 520 - wuerling rất giống với Anh yêu em - woaini.

TachTraNho