Trong tháng này có dịp qua Praha - thủ đô của Séc, nên mình chọn đọc (bản tiếng Anh) một tác phẩm kinh điển của tác giả người Séc Milan Kundera : The Unbearable Lightness of Being. Cuốn này cũng đã được xuất bản sang tiếng Việt với tên "Đời nhẹ khôn kham" của dịch giả Trịnh Y Thư, mình chưa đọc nên không rõ thế nào, nhưng bản tiếng Anh thì xuất sắc.
Bản thân mình không chỉ kén đọc mà cả khó đọc tiểu thuyết, fiction các thứ vì hay quên tên nhân vật, thấy mạch truyện lằng nhằng, nhiều tiểu tiết, .. nhưng đây là cuốn nên đọc cho những ai không chỉ sắp và muốn tới thăm thành phố này, mà còn quan tâm đến các vấn đề sau : chính trị, lịch sử, tình yêu và sự chung thủy, triết học.
Ngoài cuốn này và tác giả này ra, có thể tìm đọc cuốn "Quyền lực của kẻ không quyền lực" (The Power of the Powerless) của Vaclav Havel - nhà văn, nhà bất đồng chính kiến, tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Séc sau chế độ CS. Cực kỳ hay và là một bản tuyên ngôn cho sự tự do (ngôn luận) của con người. Đọc hai cuốn này khiến trải nghiệm du lịch ở Praha của mình đáng nhớ hơn rất nhiều (và tới thăm Bảo tàng CS ở đây nữa).
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Một vài nội dung viết dưới đây được trích lược từ link sau : http://www.kundera.de/english/Info-Point/Anti-Agency/anti-agency.html

Riêng trong thế kỷ 20, vô số công dân đã rời Tiệp Khắc (Czechoslovakia, sau này tách ra 2 nước Séc và Slovakia) vì tình hình chính trị trong nước : Phát xít Nazi 1938, CS 1948 và CS Xô Viết đánh chiếm 1968. Bản thân tác giả Milan Kundera cũng là một trong số nhiều nhà trí thức phải chạy sang nước khác sinh sống. Trải qua những biến cố lịch sử này ("những trò đùa lịch sử"), bao trùm cuốn sách là câu hỏi về sự nặng-nhẹ : 
kiếp người mỏng manh, vô nghĩa thế nào trong một lịch sử như thế ?
Chỉ có một đời để sống, mà lại sinh ra trong những giai đoạn vô thường ấy, người ta nên sống thế nào ?
Con người tạo ra lịch sử hay ngược lại ?
Làm sao để giải thích một cuộc cách mạng ra đời từ những kẻ lý tưởng/ thành ý tốt/ được rất nhiều tri thức yêu nước ủng hộ (ở đây là CS) - nhưng kết cục lại dẫn tới sự bỏ tù và cái chết của hàng triệu người ?
Làm thế nào mà từ một cái tốt đẹp lại thành ra xấu xa đến thế, và có nên trừng phạt họ không ?

Tiêu đề cuốn sách đã cho thấy cuộc đời nói riêng và lịch sử nói chung là một trò đùa.

Vì nó tàn bạo, áp bức và đáng sợ - cái bản chất của nó - nên để có thể hiểu và diễn giải nó mà không phát điên - người ta phải coi nó như trò đùa, phải coi nhẹ nó. Những nhân vật được sinh ra trong lịch sử, nhưng không có nghĩa là họ "thụ động" và bị điều khiển bởi nó. Tác giả dùng từ "anti-agency" để chỉ cách con người tạo tác lịch sử : kết quả hành động của con người đi ngược lại mong muốn và ý tốt của họ, làm tệ hơn vấn đề.
Một nhân vật trong truyện muốn thể hiện sự chống đối khi quân Xô Viết chiếm đóng nước mình, nên cô chụp hình cảnh lính Xô Viết đàn áp dân thường trên đường phố và đưa cho các khách du lịch hay phóng viên với hy vọng báo chí phương Tây sẽ cho đăng nó và giúp những công dân tội nghiệp nước cô. Nhưng, đáng tiếc chúng lại bị cảnh mật mật Liên Xô sử dụng để tìm và trừng phạt những ai chống lại họ.

Xuyên suốt lịch sử, không thiếu những nhà cách mạng, những nhà lý tưởng nuôi hoài bão ABC - cảm thấy mình đến thế giới để làm điều đó và sau cùng lại tạo ra cái gì đó đi ngược mong muốn. Defeat dictators to become dictators. Cái sinh ra là một con quái vật không thể kiểm soát, thậm chí còn tệ hơn cả cái hệ thống họ vừa cố thoát ra. Vì thế, Lịch Sử là một Trò Đùa.

Cách định nghĩa mà gốc gác đến từ Nietzsche này chính là giải pháp - một sự bi quan vui vẻ. Theo Nietzsche, lịch sử giống như "nausea of absurdity", khiến ta phát buồn nôn vì cái vô lý tính của nó - và tiểu thuyết của Kundera là cơn xả nôn khỏi định mệnh đất nước mình, thứ ra đời từ cái "anti-agency" ấy.

"Laughing at the universe liberated my life. I escape its weight by laughing" - Georges Bataille

Bàn về việc người ta có được tha thứ hay nên chịu trách nhiệm cho những hành-động-đi-ngược-ý muốn của mình, khi có những nhà CS Séc phản biện rằng : Chúng tôi không biết ! Chúng tôi vô tội và cũng bị lừa dối ! - tác giả tự hỏi : Việc họ biết hay không biết không phải vấn đề; vấn đề là một người có trở nên VÔ TỘI chỉ vì anh ta không biết hay không. Một kẻ ngốc ngồi trên ngai vàng có được miễn trừ mọi trách nhiệm chỉ vì anh ta là kẻ ngốc ?
Và ông kể lại câu chuyện Oedipus :
Trong thần thoại Hy Lạp, Oedipus là con trai của nhà vua và hoàng hậu thành Thebes. Một nhà tiên tri tiên đoán rằng chàng sẽ giết vua cha và cưới mẹ mình. Lo sợ, vợ chồng nhà vua giấu cậu vào rừng cho người khác nuôi. Về sau, do không biết, Oedipus làm đúng những gì đã được tiên đoán, giết cha và ngủ với mẹ. Nhưng tới khi nhận ra, ông không cảm thấy mình vô tội mà tự khoét mắt và sống trong đau khổ.

Milan nhắm vào cái tính vô nghĩa lý của mọi chuyện để hướng ta xa khỏi việc trả thù và hướng tới cái cười, hướng tới khẳng định của Nietzsche về cuộc sống. Nhưng dù sao, cái cười cũng không làm dừng lại những chuyện sẽ phải xảy ra, những chuyện không thể tránh khỏi - giống như sự mục nát và cái chết là điểm cuối của mọi thứ.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Nếu cách mạng Pháp xảy ra một lần nữa, xảy ra mãi mãi cho đến vô tận, các nhà lịch sử Pháp hẳn sẽ không tự hào về Robespierre đến thế (nhà lãnh đạo cách mạng - và cũng được như nhiều nhà cách mạng khác, có kẻ coi ông độc tài, khát máu, có kẻ coi ông lý tưởng, nhìn xa). Vì họ, hay ta bây giờ, nói đến "cách mạng Pháp" như cái gì đó không quay lại nữa - những năm tháng trải máu ấy chỉ còn là những con chữ, lý thuyết, bàn luận, nhẹ như lông hồng, chả còn làm ai khiếp sợ. Sẽ có sự khác biệt vô cùng giữa một Robespierre chỉ xuất hiện một lần trong lịch sử, với một Robespierre tồn tại mãi mãi, chém đầu người dân Pháp.

Nếu từng giây phút cuộc đời chúng ta quay lại trong vô-tận-lần, ta bị buộc vào cái vĩnh hằng không khác gì chúa Jesus bị đóng đinh trên thánh giá. Một viễn cảnh đáng sợ. Gánh nặng trách nhiệm không thể chịu nổi. Nên Nietzsche gọi ý tưởng về sự trở về vĩnh hằng này là cái gánh nặng nhất trong số tất cả.
Nhưng liệu cái "nặng" có luôn thảm hại, và cái "nhẹ" thì đẹp đẽ, tuyệt vời ?
Như trong mọi bài thơ tình của mỗi thời đại, người phụ nữ khao khát tấm thân nặng nề của một người đàn ông ?


Nếu bài viết này và câu hỏi về tính "nặng-nhẹ", về những trò đùa lịch sử và con người Séc có gây hứng thú, hãy đọc cuốn này và đến Praha chơi đi !