Poverty porn – Cơn “nứng” từ thiện.
Wikipedia định nghĩa: Poverty porn là bất kỳ loại phương tiện truyền thông nào, dù là viết, chụp ảnh hay quay phim, khai thác hoàn cảnh của người nghèo nhằm gây thiện cảm cần thiết để bán báo hoặc tăng quyên góp từ thiện hoặc hỗ trợ cho một mục đích nhất định.
Khái niệm này được đưa ra vào những năm 80, khi các nước phương Tây đổ tiền vào những nước ở thế giới thứ 3 nhằm tăng vị thế chính trị. Khi các công dân ở các quốc gia phát triển có mức sống dư dả, thì nhu cầu của họ trên bậc tháp Maslow cũng tăng theo. Và nếu như tình dục có một dòng sản phẩm văn hóa riêng, thì khoái cảm được tôn trọng và tỏ lòng thương hại cũng đã có sản phầm truyền thông đáp ứng.
Trên báo đài và truyền hình, họ cho công chúng nhìn thấy một thế giới méo mó, đầy nghèo đói và bệnh tật. Ở đó, những vị thiên sứ da trắng dễ dàng thay đổi cả cuộc đời một con người, một gia đình nghèo khó chỉ bằng tiền và hiện vật. Hoàn cảnh nhân vật càng khốn khổ, thì khoái cảm thượng vị của khán giả càng tăng và càng dễ dàng kêu gọi tài trợ.
Nhưng vì thế mà truyền thông lại đơn giản hóa nguyên nhân của sự nghèo đói. Một lát cắt trên truyền hình không thể hiện được yếu kém của hệ thống giáo dục, phúc lợi… ở các nước sở tại. Người nghèo hoàn toàn đánh mất năng lực tự cải thiện cuộc sống và phụ thuộc hoàn toàn vào số tiền quyên góp. Không ai hỏi họ về sự xấu hổ, bất lực khi phải nói xin chào, cảm ơn theo hướng dẫn của MC. Đó như một rạp xiếc, và người nghèo là con thú ngoan ngoãn được tặng thưởng.
Năm 2017, video gây quỹ của Comic Relief có ca sĩ nhạc pop Ed Sheeran cùng trẻ em đường phố Liberia đã được gán mác “Poverty porn” và được trao giải “Bộ phim gây khó chịu nhất” bởi cơ quan giám sát viện trợ. Họ cáo buộc, bộ phim chỉ nhằm tô vẽ Ed Sheeran trở thành “vị cứu tinh da trắng” đã bóp méo thực tế và lờ đi các bối cảnh chính trị.
Không cần đến “Poverty porn”, chúng ta vẫn truyền tải được những thông điệp xúc động khán giả. Ví dụ là video ngắn “Batman” sản xuất bởi War Child Holland.
Link đính kèm:  youtu.be/PIKewZLeWU8
Phim kể về một đứa trẻ ở Yemen, đang cười đùa với nhân vật “Người Dơi”. Ngay sau đó, khi bom rơi xuống và gia đình buộc phải chuyển đi, chúng ta thấy “Người dơi” hóa ra là cha của cậu bé. Dòng chữ cuối cùng hiện lên “Đối với một số trẻ em, tưởng tượng là cách duy nhất để thoát khỏi thực tế” thực sự lay động người xem.
-------------
Tại Việt Nam, đời sống tăng cao cũng là nguyễn nhân dẫn tới hiện tượng “nứng” từ thiện tràn lan trên truyền thông. Kèm theo đó là bầy đàn Youtuber bẩn sẵn sàng câu like, câu donate kiếm cơm trên những mảnh đời nghèo khó thật thật giả giả.
Trước đây có vụ tại nạn của 3 mẹ con thai phụ ở Huế. Hoàn cảnh thương tâm khiến hàng đoàn từ thiện trực tiếp vào Huế và tặng những phần tiền phúng điếu tổng cộng lên đến hàng trăm triệu đồng. Mình rất ngạc nhiên và tự hỏi sau khi lo hậu sự tươm tất thì người chồng sẽ dùng số tiền còn lại để làm gì?
Và gần nhất là hoàn cảnh của gia đình bé Hạo Nam. Dù hơi phiến diện, nhưng khi nhìn ngoại hình sặc mùi “Young and Dangerous” của bố bé thì mình không chắc rằng, sau hàng đoàn từ thiện và Youtuber thăm viếng, chục năm nữa bé em có được học hành tử tế và không đi nhặt sắt vụn.