YouTube chưa bao giờ làm tôi thất vọng. Bỏ qua những vấn đề cộm cán như lan truyền video độc hại, chính sách kiểm duyệt đầy lỗ hổng, cố ý bắn quảng cáo trên các kênh trẻ em cùng hàng loạt các tag trending nhảm nhí mà ta có thể đổ tại thị hiếu. 

YouTube dạo này ra chiều ân cần, mơn trớn tâm hồn tôi bằng cách đề xuất những bản mix, band nhạc tuyệt vời. Thỉnh thoảng, những lúc cao hứng, tôi phó mặc lỗ tai mình cho thuật toán. YouTube đỏng đảnh đầy hờn dỗi, bắt tôi nghe từ bé Xuân Mai dẩy đầm, Đan Nguyên đắp mộ chú Đàm xây lâu đài cho đến các em gái Hồng Đen hăm dọa giết chết tình yêu. Tôi chỉ thèm muốn món nhạc gầm thét thấm đẫm tình thương đồng bào, quê hương, đất nước và cả Satan.
Một ngày, tôi cố gắng ban phát chút quan tâm cho YouTube, tôi chọn lọc một playlist nhạc nặng cho riêng mình. Tay chân lúng túng thế nào, tôi bấm đại vào một video được đề xuất. Một bản mix dài 17 phút, bởi Porcupine Tree. 
Tiếng guitar xen lẫn tiếng trống dồn dập, một giọng clean vocal cất lên từ hư không. Nghe êm đềm thế này chắc là psychedelic hoặc progressive rồi, tôi cứ đinh ninh. Nhưng, đến phút thứ 4 của bài hát, đoạn riff réo rắt móc mắt đặc trưng của dòng heavy bắt đầu vang lên, nhịp trống bùng nổ và chúng cứ thế tiếp diễn hết 13 phút còn lại, tôi mỏi cổ cực độ. Cảm ơn YouTube.


Porcupine Tree chỉ là một trò đùa

"Như hầu hết những người xem trọng âm nhạc, tôi thành lập Porcupine Tree cho vui. Đương nhiên, sự mỉa mai chẳng thể ban phát đủ cho số đông, nên nhiều người tôn sùng mấy cái album móc mỉa này lắm. Nhưng mà, càng dấn sâu vào trò đùa cợt này, tôi bỗng nhận ra tiềm lực vô hạn", Steven Wilson, trưởng nhóm Porcupine Tree trả lời trên tờ Classic Rock.

Năm 1987, Steven Wilson và Malcolm Stock, hai sinh viên chập chững làm nhạc mong muốn vực dậy làn sóng psychedelic metal thập niên 70, đều ảnh hưởng bởi âm nhạc của Pink Floyd. Họ cùng nhau tạo ra Porcupine Tree, band nhạc giả tưởng theo định hướng progressive hoặc psychedelic. Hầu hết những bản thu đầu tiên là sản phẩm solo của Steven Wilson, được thu qua loa trong vài tiếng đồng hồ, để làm bằng chứng cho sự hiện diện của band nhạc.
Cả Steven lẫn Malcolm trở nên cực kì phấn khích khi chứng kiến sản phẩm giả tưởng của mình được nhiều người ủng hộ. Malcolm sẽ nghĩ ra những "đồng đội" với cái tên thật ngầu chẳng hạn như Quý ngài Úp thìa Thượng đẳng hay nhóc Nòng nọc biết bơi. Trong khi Steven xây dựng tỉ mỉ quá khứ "đậm màu" của từng thành viên tận 8 trang giấy viết tay. 
Tất cả thành viên giả tưởng của Porcupine Tree từng có thời gian vào tù ra khám, tiền án ngập ngụa và sở thích vươn tới những vì sao. Những tâm hồn lạc lối, kiệt quệ bởi bao đêm mây mưa ướt át tìm thấy nhau tại một lễ hội nhạc rock. Đột nhiên, ai đó hát lên câu mào đầu "Don't stop me now" của Queens, mọi người đồng thanh hát theo cùng tiếng trống dồn dập. Và, họ về cùng nhau trở thành Porcupine Tree. Đương nhiên, chỉ là chuyện bịa, như thật.

Giống như Nirvana và nhiều band nhạc rock khác, Steven Wilson chọn tên band nhạc không hề có bất kì tầng lớp ý nghĩa, vì nghe nó hay hay. Trả lời Metalstorm, khi được hỏi về ý nghĩa của cái tên, Steven Wilson từ chối đưa ra lời nhận xét, anh muốn phủ lên nó một bức màn mơ ảo.
"Ý nghĩa của Porcupine Tree chỉ mình tôi và mọi người trong band biết là đủ, người nghe chỉ nên nghe nhạc, không nên biết quá nhiều. Mọi người nhận biết và yêu mến chúng tôi bằng âm nhạc, giống như Radiohead hay Tool vậy, chẳng ai biết họ là người như thế nào nhưng sản phẩm của họ đón nhận rất nhiều thành công", trưởng nhóm Porcupine Tree trả lời trên Metalstorm.

Con ghẻ của làng báo nhạc

Album đầu tiên Tarquin's Seaweed Farm tập hợp những bản thu demo, những bản mix "dở dang một cách hoàn thiện" được giới thiệu với các cây bút kì cựu trong làng nhạc. Bộ track gồm 2 phần Side A với 12 bản mix thu trong studio và Side B gồm 5 bản mix được thu live.  Steven Wilson hóm hỉnh khẳng định sự tồn tại của Porcupine Tree, trong lúc điều hành một band nhạc khác là No Man.
Lúc đầu, Steven Wilson chia sẻ những băng cassette thu âm cho một vài người quen, những người mà anh cho rằng sẽ hứng thú với sản phẩm.
"Steven và tôi tham dự mọi bữa tiệc sinh viên, đem theo thùng đựng cassette rồi vỗ vai người này người kia", Malcolm chia sẻ về khoảng thời gian đầu tiên của Porcupine Tree.

Người đầu tiên cầm trên tay bản thu là Nick Saloman, tay guitar nổi tiếng của The Belvis Frond. Sau đó, người ta, khắp giới nhạc underground Anh quốc chuyền tay và chuyền tai nhau những sản phẩm của Porcupine. Cho đến khi Richard Allen, chủ biên của tạp chí psychedelic metal Freakbeat nghe những track đầu tiên. Nhận thấy tiềm năng của Porcupine Tree, Allen trở thành người đại diện báo chí và lèo lái những định hướng tiếp theo cho band nhạc. Bản demo "mỉa mai" Tarquin's Seaweed Farm được hoàn thiện và thay máu, những bản track cũ được góp mặt trong những album thương mại sau đó như On the Sunday of Life, Up the Downstair, The sky moves sideways,...
Porcupine Tree, một trò đùa vui, một ý tưởng le lói bỗng chốc biến thành một band nhạc góp phần vực dậy làn sóng psychedelic metal thập niên 60 dần lụi tàn. Pink Floyd và King Crimson là người thai nghén, nhào nặn và tạo hình cho dòng nhạc. Porcupine Tree kế thừa, phát triển, lan tỏa tầm ảnh hưởng của psychedelic metal ra khắp thế giới.

Tháng 9/2009, The Incident, album phòng thu thứ 10 của Porcupine Tree trung thành với dòng progressive pha lẫn heavy metal nhanh chóng lọt top 25 album thành công nhất ở thị trường Châu Mỹ và Châu Âu. Sau đó, khắp các lễ hội âm nhạc lớn nhỏ như Coachella, Woodstock đều có mặt Porcupine Tree. Trải dài từ Úc, Ấn Độ, Châu Âu, Mỹ, vang lên giọng hát từ hư vô của Steven Wilson, từng đoạn riff mang âm hưởng Metallica kết hợp tiếng keyboard chơi theo kiểu ambient rock mê hoặc người nghe. Không những thế, Porcupine Tree, cũng như những tên tuổi huyền thoại trong làng rock, được chơi nhạc và vinh danh tại hai thánh địa âm nhạc nổi tiếng, Radio City Music Hall ở Mỹ và Royal Albert Hall tại Anh.
Bất chấp những thành tựu của "Pink Floyd thập niên 80", báo giới âm nhạc lẩn tránh và rũ bỏ Porcupine Tree. Không hề có một tạp chí âm nhạc lớn nào đưa tin bài hoặc phỏng vấn band nhạc của Steven Wilson. Đặc biệt là New York Times hay Rolling Stones, những tạp chí từng phỏng vấn Pink Floyd, Metallica, Iron Maiden...   
"Báo giới ghẻ lạnh Porcupine Tree vì họ chưa từng khai quật và đưa chúng tôi ra ngoài ánh sáng. Porcupine Tree từ một trò đùa, phát triển cho đến mức này không cần sự đánh bóng từ giới truyền thông", Steven Wilson chia sẻ trên trang tin Popmatters.
Thế nhưng, sự phát triển và nổi tiếng của Muse, Radiohead dường như đối lập với luận điểm này, cả ba đều xuất thân từ underground, xây dựng lượng fanbase chỉ từ hư không. Tuy nhiên, Muse và Radiohead theo đuổi một con đường cao tốc mới mẻ, sử dụng chất liệu âm nhạc từ phong trào alternative rock hiện đại. Porcupine Tree lần mò trên đường mòn gồ ghề và cũ kĩ của làn sóng psychedelic metal thập niên 60, trong khi rẽ nhánh sang nhiều ngả rẽ cùng space rock, trance, art pop,...
"Giới truyền thông, nước Anh nói chung và thế giới nói riêng luôn nhắm vào các đối tượng ăn khách, dễ nghe đối với khán giả đại chúng và thật nhiều scandal, ngập ngụa mùi thuốc và tình dục. Sex Pistols hay Velvet Underground là một vài ví dụ điển hình".
"Tôi thì lại chẳng bao giờ dùng thuốc để phê pha, tôi lúc nào cũng thế sẵn", Steven Wilson thêm vào. 

Vuốt ve và thức tỉnh, mơ màng cùng trần trụi 

Thứ hai bụi bặm, cuối tuần mộng mơ, ngày nắng hay ngày mưa. Những đoạn riff của Porcupine Tree xoáy sâu, rung động màng nhĩ. Lời bài hát nửa than thở, dằn vặt nửa chỉ trích, châm chọc một xã hội ngụy Utopia. Tôi nghe Porcupine Tree chẳng được bao lâu, tất cả nhờ thuật toán của YouTube. Steven Wilson từng miêu tả fan của Porcupine Tree là những người vô tình nghe phải 1 track hay toàn album, sau đó họ tìm lại những sản phẩm trước đó, trở nên "cuồng tín".
A good impression of myself
Not much to conceal
I'm saying nothing
But I'm saying nothing revealed
I simply am not here
No way I should appear happy
Stop whining please
Because of who we are
We react in mock surprise
The curse off, there must be more
So don't breathe here
Don't leave your bags...
- Anesthetize, Porcupine Tree.
Một đoạn track dài 14 phút mang tên Anesthetize, thuộc album Fear of a Blank Planet (2009) là bài đầu tiên tôi bắt gặp trên YouTube. Đây là lần thứ hai tôi gom góp đủ sự kiên nhẫn, ngồi vắt chân lên ban công, mặc muỗi đốt, cắm tai nghe hết thảy bản mix. Năm cuối cấp 3, tôi bị sốt xuất huyết vì mải phơi thân nghe cho bằng hết Shine on your crazy diamond của Pink Floyd, may mắn thay, lần này thì không. Tôi lại có cái tật hễ đeo headphone trên 10 phút, tai lại ngứa ngáy khó chịu. Từ những nốt ban đầu cho đến đoạn riff nặng âm hưởng heavy metal, tôi mặc kệ ngứa ngáy, nghe đã.
Khi được hỏi về dòng nhạc và tư duy âm nhạc của Porcupine Tree, giống như tôi, Steven gãi tai, bối rối trả lời: "Tôi phải xuất bản thành cuốn sách mất thôi". Porcupine Tree kết hợp space rock, psychedelic metal, hard rock, trance,... lại với nhau nhằm tạo ra một công thức riêng. Trong đó, album Fear of a Blank Planet mang nhiều chất metal nhất.
Fear of a Blank Planet phác họa một bức tranh tiên tri nên hiện thực của trẻ em một cách đen tối. Album là góc nhìn của những người thuộc thế hệ xưa cũ, quan sát sự trưởng thành của thế hệ trẻ trong xã hội bị thao túng bởi công nghệ. Một xã hội được lát đường bởi Internet, xây tường bởi mạng xã hội. Ước mơ chạm đến các vì sao không còn trở nên quá viển vông, không cần tên lửa, ta dùng những phương thức "độc hại".
"Nỗi sợ một hành tinh rỗng tuếch không phải chỉ là bề nổi, đó là 1 nỗi sợ bản năng. Quan sát người trẻ dần đánh mất chính mình bởi công nghệ, trò vui phê pha, tôi lo ngại những giá trị tâm linh sẽ không có cơ hội hiện diện", Steven Wilson trả lời trên Classic Rock, sau khi album được đề cử giải thưởng Hàn lâm cho hạng mục "Album có chất lượng âm thanh vòm tốt nhất" năm 2007.
Cơn ngứa tai vẫn chưa kết thúc, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. YouTube lại đề xuất 1 track 12 phút khác. Arriving somewhere but not here, thuộc album Deadwing, cùng mang âm hưởng heavy metal. Đoạn riff guitar dồn dập, mỏi cổ của bài trên chỉ là món ăn phụ, lót dạ cho món chính, lời bài hát u ám một cách siêu thực. Bài hát thứ 6 trong album Deadwing không hơn gì một bản metal phát đi phát lại trên radio, giúp các tài xế tỉnh ngủ nếu phần lời ca không có chất xúc tác gợi tưởng.

Tâm linh đối với tôi là kể một câu chuyện không dựa vào lời nói, mà sử dụng nhạc cụ cùng giai điệu - Steven Wilson, trưởng nhóm Porcupine Tree.

Cụm từ "Một nơi nào đó" ám chỉ sự mơ hồ về thế giới bên kia, về hậu kiếp. Bản thân tiêu đề gợi ý một người lạ nào đó đã không đến được cái đích dự định và cuối cùng kết thúc tại "một nơi nào đó khác". Một nơi xứng đáng có được, chứ không phải một nơi ta mong muốn tìm về. 
Nhịp điệu đằng sau bài hát là một động lực, theo nghĩa đen, dồn dập mang lại cảm giác chuyển động. Hãy tưởng tượng một viễn cảnh mái tóc bạn chơi đùa cùng gió, trong lòng ngổn ngang bộn bề, đôi chân dậm ga lái xe ở tốc độ cao. Ta phải chạy trốn thực tại, thế giới vật chất, dùng mọi sức lái xe ra khỏi sự lo lắng và đau đớn, hoặc có thể đi thẳng vào ngọn nguồn của tất cả để kết thúc. Tuy nhiên, trên con đường tìm kiếm an yên, ta gặp nạn và qua đời.