Năm 1920 tại Boston, một người đàn ông Ý nhập cư vào Hoa Kỳ tên Charles Ponzi mang lại cơ hội làm giàu cho tất cả mọi người. Khi đó, dịch vụ bưu chính sử dụng các phiếu hồi đáp quốc tế. Phiếu này cho phép người gửi thư thanh toán trước phí tem cho người nhận hồi đáp. Sau thế chiến thứ nhất, Hoa Kỳ có giá trị tiền tệ rất ổn định. Nếu mua phiếu hồi đáp bên ngoài nước Mỹ với giá ngoại tệ, gửi về Mỹ rồi bán ra sẽ thu lại lợi nhuận khoảng 10%. Nhận thấy mình có thể kiếm lời, gã này bắt đầu đi tìm nhà đầu tư với những lời chào mời vô cùng thu hút: 
“Đầu tư đi. Tôi sẽ mua tem thư quốc tế từ các quốc gia khác đi, rồi mang về đây đổi lấy tem của Hoa Kỳ, sau đó kiếm đậm. Các anh cũng sẽ được hưởng một phần từ trong đó, 10% mỗi tuần thì sao? Góp 1 triệu đô rồi ngồi chơi, sang tuần nhận 10 ngàn đô, tầm nào không thích đầu tư nữa thì rút lại nguyên vẹn vốn ban đầu, lại còn hợp pháp, ez money?”. 
Cơ hội chẳng khác nào trời cho. Hàng ngàn người tranh nhau đầu tư. Để rồi khi nhận ra tất cả chỉ là một cú lừa, tiền cũng đã chẳng còn ở đó. Cú lừa này to tới mức người ta vẫn gọi những pha lừa đảo tương tự là “mô hình Ponzi”. Và Charles Ponzi chẳng phải kẻ đầu tiên, cũng chẳng phải kẻ cuối cùng thực hiện. 
Sự khác biệt đối với mô hình kim tự tháp
“Ponzi schemes”, tạm dịch là “mô hình Ponzi”, đơn giản là bạn cần phải đầu tư một khoản tài chính từ đầu để nhận lãi suất phần trăm về sau, thường là tính theo chu kỳ một khoảng thời gian nào đó. Nó hay bị nhầm lẫn với một khái niệm khác là “Pyramid schemes”, “mô hình kim tự tháp”. Đối với mô hình này, người tham gia phải trả một khoản phí, hoặc mua một loại sản phẩm để trở thành một phần của đường dây và hưởng lợi thông qua việc dẫn dắt thêm nhiều người khác tham gia. 
Điểm chung của cả 2 loại cơ chế trên đều là một dạng lừa đảo nhưng vẽ ra tín nhiệm rất cao, cần dòng tiền liên tục tới từ các nhà đầu tư mới, và chả thực sự kinh doanh hay cung cấp một loại sản phẩm hoặc dịch vụ nào cả. 
Đối với mô hình kim tự tháp, nó dựa chủ yếu vào việc marketing mạng lưới và yêu cầu người tham gia phải tuyển thêm người vào hệ thống thì mới kiếm được lợi nhuận. Từ đó, mỗi người sẽ được một khoản hoa hồng trong khi số tiền họ đã phải bỏ ra để được tham gia vào mạng lưới sẽ được chuyển dần lên đỉnh. 
Còn đối với Ponzi, nó luôn tiếp cận nạn nhân như một dạng “dịch vụ quản lý đầu tư”, khiến người tham gia tin rằng lợi nhuận nhận được là hoàn toàn hợp pháp, trong khi chủ mưu chỉ đơn thuần là lấy tiền từ người này để bù cho người khác. 
Charles Ponzi - Kẻ hoàn thiện mô hình
Kẻ thực sự đưa mô hình lừa đảo này đến độ hoàn thiện nhất của nó, chính là Charles Ponzi. Cú lừa mà gã này thực hiện gây thiệt hại lớn đến mức khiến 6 ngân hàng và quỹ đầu tư sụp đổ, các nhà đầu tư mất trắng 20 triệu đô, và đến 100 năm sau người ta vẫn còn nhắc đến tên hắn. 
Charles Ponzi có quê gốc ở Parma, Italy. Ban đầu, hắn tuyên bố theo học đại học Rome La Sapienza. Tuy vậy, hắn chẳng bao giờ hoàn thành chương trình học, hay có cho mình một tấm bằng tử tế. Charles lên tàu và vượt biển Đại Tây Dương sang Hoa Kỳ, không phải là để làm ăn, mà là để nướng sạch số tiền còn lại vào Poker, BlackJack và Roulette. Rỗng túi, Charles Ponzi làm đủ thể loại nghề, từ bán rong đến rửa bát thuê. Cũng gọi là có chút chăm chỉ, hắn đã bắt đầu học tiếng Anh và nói tiếng bản ngữ một cách trôi chảy, mở ra cơ hội thăng tiến từ một thằng rửa bát lên thành một tay bồi bàn. Nhưng thấm nhuần tư tưởng “không làm mà muốn có ăn”, hắn nhanh chóng bị sa thải vì lừa gạt khách hàng và trộm cắp.
Đây cũng chẳng phải lần duy nhất Charles Ponzi gây tội. Thành tích bất hảo của hắn ngày càng dày hơn, được đặc biệt ghi nhận, bởi cảnh sát. Năm 1907, cảnh sát Canada bắt giữ hắn vì tội danh làm giả séc. Sau khi thụ án 3 năm tù, Ponzi ngay lập tức lao vào đường dây vận chuyển người nhập cư trái phép từ Ý sang Mỹ, thế là lại tiếp tục phải bóc lịch thêm 2 năm. 
Charles Ponzi và vợ
Charles Ponzi và vợ
Thất bại liên tục, nhưng được cái là Charles Ponzi rất kiên trì, và trời thì chẳng phụ người bao giờ. Ponzi trở về Boston và cưới vợ. Có gia đình, hắn lao vào kiếm tiền, một cách hợp pháp. Hắn đưa ra ý tưởng mà sau này trở thành cuốn niên giám Yellow Page để bán quảng cáo cho khách hàng, tuy nhiên khi đó chẳng ai ghi nhận cả. Tiếp tục đâm đầu vào tìm kiếm ý tưởng làm ăn mới, Ponzi đã tìm được ra ánh sáng của cuộc đời mình. Nó đến từ một lá thư từ một công ty ở Tây Ban Nha đề nghị trao đổi về ý tưởng kinh doanh của hắn. Nhưng sự chú ý của hắn không va vào nội dung của bức thư, mà từ tấm phiếu hồi đáp quốc tế IRC. 
Vào thời điểm đó, tấm phiếu hồi đáp IRC có thể sử dụng như một con tem và được nhiều quốc gia chấp nhận. Dịch vụ bưu chính sử dụng các phiếu hồi đáp này để cho phép người gửi thanh toán trước phí cho người nhận. Người nhận chỉ cần lấy phiếu đó và đổi lấy tem tại bưu điện địa phương để gửi thư hồi âm. Sau thế chiến thứ Nhất, Hoa Kỳ là nước duy có giá trị tiền tệ ổn định so với vàng, trong khi đó, tiền tệ ở các nước châu Âu mất giá thê thảm do in nhiều để chi tiêu vào quân sự. Trên lý thuyết, nếu mua IRC ở các nước bên ngoài nước Mỹ với giá ngoại tệ rẻ, mang trở lại Hoa Kỳ để bán thì ez money. Một người mua IRC từ Tây Ban Nha có thể bán lại ở Mỹ với lợi nhuận lên tới 10%. Ponzi nhận ra điều này và quyết định khai thác nó ở quy mô lớn. Nhưng đến đây lại có một bài toán mới. Tiền ở đâu ra để làm vốn bây giờ? 
Một mẫu phiếu IRC
Một mẫu phiếu IRC
Vơ vét hết số tiền hiện có, Charles Ponzi bắt đầu thuê các đại lý mua phiếu hồi đáp quốc tế giá rẻ ở các quốc gia khác và bắt đầu gửi tới Mỹ để hiện thực hoá kế hoạch. Đồng thời làm mẫu để gửi lời chào mời cho các nhà đầu tư. Kiểu trao đổi mà Ponzi nghĩ ra được coi là một khoản “đầu cơ chênh lệch”, hoàn toàn hợp pháp. Bởi vậy mà hắn thành lập công ty “Securities Exchange Company” ở Boston, rồi sau đó kêu gọi nguồn hỗ trợ tài chính với những lời như rót mật vào tai, hứa hẹn lãi suất lên tới 50% trong vòng 45 ngày. Một vài người đã mạnh dạn làm mẫu đầu tư vào Ponzi, và được trả lãi như đã cam kết ban đầu. Các nhà đầu tư mạnh tay đã được trả lãi lại tiếp tục mời chào thêm các nhà đầu tư mới. Đã thế, những người giới thiệu thành công ngay lập tức nhận được 10% hoa hồng. Tiếng lành bắt đầu vang xa, các khoản tiền liên tục chảy về, kèm theo đó là niềm tin mãnh liệt vào cơ hội đầu tư trời ban, hứa hẹn rằng bạn sẽ chẳng bao giờ phải nghĩ tới việc lấy lỗ làm lãi. 
Tới tháng 2/1920, Ponzi có trong tay 5.000 USD, một con số khổng lồ khi đó, tương đương với khoảng 75.000 USD hiện tại. Chỉ 1 tháng sau, con số đó là gấp 6. Có tiền trong tay, Ponzi thuê hàng loạt nhân viên và tiếp tục gom tiền từ các khu vực khác như New England và New Jersey. Tới tháng 9/1920, số vốn huy động đã lên tới 15 triệu USD, tương đương khoảng 225 triệu USD ngày nay. Với số lượng người đầu tư khổng lồ, Ponzi trở nên giàu sụ, và các nhà đầu tư cho hắn cũng thế, nhưng là trên giấy tờ. 
Nguồn phiếu IRC trên thị trường là có giới hạn, và nhu cầu gửi thư tín cũng không nhiều đến thế để có thể liên tục lưu thông nguồn phiếu hiện có. Ponzi rơi vào cảnh cầm tiền nhưng không thể tiếp tục đầu tư vào công ty, bởi làm gì còn phiếu IRC nữa mà mua. Sau này trong một bài điều tra của các nhà báo Richard Grozier, Eddie Dunn, và Clarence Barron thuộc tờ Boston Post cho thấy, giá trị trung bình quy đổi mỗi ngày của IRC tại Mỹ chỉ vỏn vẹn 8$, trong khi 27.000 IRC đang được lưu hành trên thị trường. Với số tiền Ponzi đang có, hắn chắc chắn sẽ phải đầu tư huy động được 750 triệu phiếu IRC trở lên.
Trong khi đó, các nhà đầu tư được trả lợi nhuận theo chu kỳ hàng tháng với lãi suất vô cùng lớn. Bởi vậy, hắn đã đi một nước 200 IQ, đó là dùng tiền của chính các nhà đầu tư để trả số hoa hồng khổng lồ cho họ, khiến các nhà đầu tư ảo tưởng rằng họ đã thực sự kiếm được lời, trong khi bản thân số tiền của họ đầu tư của Ponzi đang dần dần hoá hư vô như Spider-Man sau cú búng tay của Thanos. 
“Không làm mà đòi có ăn”, thì là ăn gì?
Sau khi các tài liệu điều tra của tờ Boston Post được công bố, các cơ quan chức năng và các kiểm toán viên ngay lập tức vào cuộc. Kiểm tra sổ sách của Ponzi, phát giác ra hắn đang nợ một khoản rất lớn lên tới 7 triệu, trong khi hắn thừa nhận tất cả tài sản của mình khi đó vét ví chỉ có được 3 triệu. Màn kịch của Charles Ponzi bắt đầu lộ diện. Các nhà đầu tư khi đó rơi vào 2 trạng thái, hoặc là chửi Ponzi, hoặc là chửi bản thân vì chả hiểu sao đầu tư vào một thằng cha đã có rất nhiều tiền án. 
Vụ việc này đã khiến 6 ngân hàng và quỹ đầu tư sụp đổ. Các nhà đầu tư của Ponzi chỉ nhận lại về vỏn vẹn 30% số tiền đầu tư ban đầu. Còn tờ Boston Post thì ngạo nghễ nhận giải Pulitzer vì công cuộc phục vụ cộng đồng cho loạt bài lật mặt mô hình đa cấp của Charles Ponzi. 
Năm 1920, Ponzi bị bắt vì không chứng minh được khả năng trả nợ, đối mặt với các cáo buộc về tội lừa đảo thư tín. Đúng thì nhận, sai thì cãi, Ponzi ngoan ngoãn vào tròng để được giảm nhẹ án, chỉ phải nhận án giam 5 năm tại nhà tù liên bang. Sau 3 năm rưỡi, Ponzi được thả chỉ để tiếp tục đối mặt với cáo buộc tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở Massachusetts, tiếp tục lãnh thêm 9 năm tù giam vì sự tự tin thái quá mà tự bào chữa cho bản thân. Trước khi diễn ra phiên toà tại Massachusetts, Ponzi nộp tiền bảo lãnh để được tại ngoại sang Florida để mở một công ty nhỏ chuyên bán đất đầm lầy, tên là Charpon Land Syndicate. Nhưng nó tiếp tục lại là một cố gắng xây dựng mô hình đa cấp mới, hứa hẹn trả lãi 200% trong 2 tháng. Và tất nhiên, lãnh thêm 1 năm tù giam. 
Tới năm 1934, Ponzi thực hiện xong hình phạt tù của mình. Đến đây, có lẽ Hoa Kỳ đã phát ngán cái gã người Ý này, nên ngay lập tức Ponzi bị tống về nơi xuất xưởng, cũng một phần bởi hắn chưa hề được nhập quốc tịch Mỹ. Về sau, Ponzi trở thành đại lý của hãng hàng không Ala Littoria của Italy tại Brazil, rồi cũng viết quyển tự truyện của mình vào khoảng thời gian này, kể lại sự nghiệp huy hoàng của vị triệu phú một thời. 
Tới tháng 1/1949, Ponzi qua đời tại Rio de Janeiro. Khi mất, hắn vẫn có khối tài sản khổng lồ lên tới 75 đô. Vừa đủ để chi trả cho một lễ mai táng hoành tráng tại một nghĩa trang dành cho người nghèo. Tuy có cuộc đời ra tù vào tội như vậy, Ponzi vẫn là một cái tên lớn khiến người đời sau phải nhắc tới và học hỏi. Như là tổng giám đốc của công ty đa cấp Liên Kết Việt, đã bị công an bắt và khởi tố hồi năm 2016 vậy.