“Piper bên bờ biển”: Câu chuyện học bơi, những nhà vô địch và người lớn có thể học được gì từ trẻ em
Hẳn bạn đã từng nghe một số người bảo rằng họ mắc chứng sợ nước, nên không thể bơi được. Những người sợ nước sợ cảm giác bị nước nhấn...
Hẳn bạn đã từng nghe một số người bảo rằng họ mắc chứng sợ nước, nên không thể bơi được. Những người sợ nước sợ cảm giác bị nước nhấn chìm, sợ bị sặc. Họ cứ phải nhờ cậy vào những chiếc phao để cứu mình khỏi cảm giác bị chới với trong làn nước. Nhưng vẫn có những người sẵn sàng trải qua những lần sặc nước để chiến thắng bản thân mình trong làn nước, tôi luyện sức bền trong làn nước, khám phá chân trời mới – vẻ đẹp của đại dương sâu thẳm.
Nếu đã từng đến hồ bơi, hẳn bạn sẽ nhìn thấy một số đứa trẻ khóc thét khi giáo viên dạy bơi của chúng thả chúng xuống nước lần đầu. Tôi cũng nằm trong số đó, khi bị người thầy dạy bơi liên tục ra độ sâu 3,5m. Cảm giác như bị đuối nước liên tục khi trên người chỉ có hai chiếc phao tay khiến tôi la choáng cả hồ bơi. Nhưng người thầy đó đã rất cương quyết, kéo tôi xuống nước cho bằng được, bắt bơi tiếp và đứng nước theo dõi tôi liên tục. Sau lần cương quyết của người thầy đó, tôi đã tháo được hai phao tay, hoàn thiện kiểu bơi đầu tiên sau 13 ngày, và biết đứng nước – thao tác chứng nhận bản thân đã thực sự quen với môi trường nước. Bài học đó tôi không bao giờ quên trong đời. Lúc 7 tuổi, tôi đã từng học bơi ở hồ bơi khác, nhưng ngày hôm sau nghỉ ngay vì bị thầy giáo dìm mình xuống nước. Bố tôi đã phải cho tôi học bơi lại lúc 10 tuổi. Tôi không những phải cảm ơn người thầy dạy bơi, mà còn cả cô bé 5 tuổi trong hồ bơi đó. Cô bé đó dũng cảm hơn cả tôi, không khóc một tiếng nào khi bị thầy đẩy ra hồ nước sâu. Họ là những nhà vô địch của tôi. Và mỗi người học bơi đều CẦN ít nhất một nhà vô địch như thế- những giáo viên dạy bơi sẵn sàng trầm mình dưới nước liên tục để thúc đẩy cô cậu bé vượt lên nỗi sợ của chính mình. Nhà vô địch đó còn có thể là những người lớn không biết bơi đưa cô cậu bé ấy đi bơi, vì bản thân họ muốn con trẻ bứt phá và dũng cảm hơn mình. Nhà vô địch cũng có thể là những người khác trong hồ bơi ấy, động viên chúng ta cố gắng hết sức mình trong làn nước.
1. Chim mẹ và chú ốc mượn hồn trong Piper: Mọi đứa trẻ đều cần có một nhà vô địch cho bản thân
Những kỷ niệm thời ấu thơ sống lại trong lòng tôi khi xem bộ phim “Piper” do Pixar sản xuất. Được chiếu cùng với “Finding Dory”, “Piper” kể về chú chim choi choi nhỏ muốn ra biển lớn để tập kiếm những miếng thức ăn đầu tiên cho mình. Tuy nhiên, những miếng thức ăn ấy lại ẩn sâu trong cát ướt, để ra đó, ắt sẽ bị nhấn chìm. Piper vô cùng sợ hãi. Nhưng chú chim ấy có đến hai nhà vô địch – đó là chim mẹ và con ốc mượn hồn. Chim mẹ là hình mẫu kinh điển cho những người làm cha làm mẹ tạo điều kiện cho con mình trưởng thành qua những vấp ngã và đau đớn trong cuộc đời. Chim mẹ biết con mình sợ hãi, nhưng không vì thế mà lại bảo bọc con. Chim mẹ cúi người động viên và kéo con mình bước ra biển lớn. Nhà vô địch thứ hai, những chú ốc mượn hồn tuy nhỏ bé, nhưng chúng mang cả căn nhà trên lưng đi ra biển lớn. Chúng kích thích bản tính tò mò và giải phóng nỗi sợ hãi ở Piper bé nhỏ. Dù chúng có bị ngã chúi xuống cát do sức nặng của ngôi nhà, chúng vẫn gượng dậy và tiếp tục kiếm những con sò nhỏ cho mình.
Bài học từ việc học bơi, bộ phim Piper cho thấy: mỗi đứa trẻ đều cần có những nhà vô địch. Tựa đề này lấy ý tưởng từ bài nói TED “Every kids need a champion” của nhà giáo dục Rita Pierson. Sau khi nghe xong bài nói chuyện này, bạn sẽ muốn ôm Rita thật chặt. Trong 40 năm, Rita có cơ hội chứng kiến những cải cách của ngành giáo dục từ nhiều phương diện- tốt lẫn không tốt. Bà cho rằng, trẻ em bỏ học giữa chừng không vì sự nghèo đói, hay ảnh hưởng từ bạn xấu, mà do thiếu “giá trị và tầm quan trọng của sự kết nối con người - những mối quan hệ”.
Một người đồng nghiệp nói với Rita: trường học không trả tiền cho cô ấy để yêu quý lũ đứa trẻ. Rita đáp lại rằng: “Trẻ em không học hỏi từ những người chúng không thích”. Bà cho rằng, khi dạy dỗ một đứa trẻ, chúng ta nên “làm một số điều đơn giản, tìm kiếm sự thấu hiểu và được thấu hiểu từ những đứa trẻ”. Rita hiểu rằng: tất cả những ai đang ngồi trong khán phòng hôm ấy, đều bị ảnh hưởng bởi ít nhất một giáo viên hoặc một thanh thiếu niên khác.
Rita từng có những lớp học gồm những học sinh cá biệt. Bà đặt câu hỏi: làm sao khơi dậy lòng tự trong và nâng cao thành tích học tập của chúng cùng lúc? Một ngày nọ, Rita đến và bảo bọn trẻ: “Các em được chọn vào lớp của cô vì cô là giáo viên tuyệt vời nhất và các em là những học sinh giỏi nhất, họ xếp chúng ta cùng nhau vì chúng ta có thể cho những người khác thấy làm thế nào để trở thành những người giỏi nhất.”..
“Tôi là một con người. Tôi đã từng là con người khác khi tôi đến. Tôi sẽ là người tốt đẹp hơn khi tôi rời đi. Tôi có sức khỏe và sự mạnh mẽ. Tôi có những việc làm, tôi phải tạo ấn tượng với mọi người, tôi phải đi đến nhiều hơn.” Rita Pierson - Every kid needs a champion, TED Education
Những đứa trẻ cá biệt được khích lệ và tiến bộ hẳn lên. Một học sinh của Rita làm sai 18 trên 20 câu trắc nghiệm, Rita đã cho cậu ấy một dấu +2 kèm theo mặt cười rạng rỡ, vì bà tin rằng học sinh ấy đang trên đà tiến bộ, và cậu đã không bỏ lỡ câu nào. Lần sau, cậu học sinh ấy đã làm tốt hơn rất nhiều. Người giúp Rita trở thành nhà vô địch trong mắt bọn trẻ, chính là mẹ bà. Mẹ Rita đã mua lược, bàn chải, bánh cho những đứa trẻ cần ăn, khăn và xà phòng cho những đứa trẻ không được thơm tho. Những đứa trẻ ấy sau này đến cảm ơn mẹ Rita vì bà đã làm thay đổi cuộc đời chúng. Rita nhận ra ý nghĩa thực sự của giáo dục cho đến khi mẹ qua đời “những mối quan hệ không bao giờ mất đi”.
“Chúng ta chấp nhận có thêm nhiều mối quan hệ nữa không? Đương nhiên rồi. Các bạn sẽ yêu quý mọi đứa trẻ? Chắc chắn là không. Và những đứa trẻ khó bảo không bao giờ vắng mặt. Không bao giờ. Bạn sẽ không thích hết chúng đâu, và những đứa trẻ khó nhằn nhất sẽ xuất hiện vì một nguyên do. Đó là sự kết nối. Đó là những mối quan hệ…Thế giới sẽ tốt đẹp như thế nào nếu chúng ta có những đứa trẻ không ngại những nguy cơ, không ngại suy nghĩ, và là những nhà vô địch? Mọi đứa trẻ xứng đáng có một nhà vô địch, một người lớn không từ bỏ việc dạy dỗ chúng, người hiểu được sức mạnh của sự kết nối, và khẳng định chúng trở thành phiên bản tuyệt vời nhất của chính mình. [..] Chúng ta là những nhà giáo, và chúng ta được sinh ra để tạo nên sự khác biệt”
2. Bài học thứ hai từ những chú chim trưởng thành trong Piper: tin tưởng và thử thách những đứa trẻ để chúng thành thế hệ vượt trội hơn
Ở đoạn cuối trong Piper, khi Piper chiến thắng nỗi sợ, lao ra biển lớn, chú chim nhỏ bé ấy kiếm được miếng sò nhỏ và sau đó là một con sò lớn trong sự hứng khởi của những chú chim choi choi trưởng thành. Hình ảnh Piper không ngần ngại chia sẻ những con sò lớn cho thấy sự bứt phá ở những đứa trẻ, và cách những đứa trẻ dạy lại những người lớn bài học về việc vươn tới những điều lớn lao hơn.
Trong bài nói TED năm 2010: “Người lớn có thể học điều gì từ trẻ em?” của Adora Svitak, người được mệnh danh là thần đồng lúc 7 tuổi, dẫn chứng những tấm gương tuổi nhỏ mang ý nghĩa lớn đến thế giới nhằm cho thấy tuổi tác không ảnh hưởng gì đến việc tạo nên tầm ảnh hưởng của thế giới. Adora cho rằng, việc gọi đứa trẻ là “childish” (con nít), nên được loại bỏ khi nhắc đến những suy nghĩ được xem là “vô lý” ở trẻ em. Cô nhấn mạnh những điều mà người lớn không có được ở trẻ em: những “ khát vọng đầy cảm hứng”, “tư duy đầy hy vọng” và không màng đến giới hạn khi đối mặt khó khăn trước mắt.
Nếu chúng ta thả một đứa trẻ sơ sinh xuống nước, đứa trẻ có chới với như người lớn không? Câu trả lời là không. Đứa trẻ sẽ ngọ nguậy tay chân trong hồ nước. Khi còn trong bụng mẹ, đứa bé luôn quẫy đạp trong nước ối. Nên rời bụng mẹ, đứa trẻ vẫn còn phản xạ vận động tay chân trong môi trường nước. Sau một thời gian xa dần với môi trường nước, thích nghi với môi trường trên cạn, đứa trẻ không còn khả năng phản ứng với môi trường nước, nên sợ nước, chới với như người lớn nếu không biết bơi. Đó là lý do hiện nay, một số nơi đã tổ chức dạy bơi cho trẻ sơ sinh nhằm duy trì phản xạ trong nước. Đó là cách giúp đứa trẻ duy trì kỹ năng sinh tồn, cũng như sự mạnh mẽ trước thay đổi của mình.
Adrora yêu thích viết lách từ lúc 4 tuổi. Cha mẹ Adora đã từng đọc cho cô những quyển sách về triết học khi cô còn nhỏ, mua chiếc laptop đầu tiên cho cô khi sáu tuổi và khuyến khích cô mang quyển sách đi xuất bản. Adora vấp nhiều sự phản đối từ các nhà xuất bản cho đến khi nhà xuất bản Action Publishing tin tưởng và xuất bản quyển “Những ngón tay bay”, biến cô thành hiện tượng văn học trên thế giới.
Nếu để ý kỹ một lần nữa, trong Piper, tại sao Piper lại khao khát có thể kiếm được những miếng ăn đầu tiên? Là nhờ nhìn thấy những chú chim trưởng thành khác kiếm được những con sò đầu tiên cho mình. Piper lao ra biển cũng là tập tính bắt chước- điều này con người cũng có. Bắt chước là bước đầu tiên trong quá trình học tập ở con trẻ. Sao chép hành động cũng là động lực của đứa trẻ để hòa nhập nếu chúng lo sợ bị cô lập khỏi đội nhóm.[1]
Adora khẳng định, trẻ em đã học được từ người lớn rất nhiều, và đã đến lúc người lớn học lại từ trẻ em. Việc học hỏi qua lại giữa người lớn và trẻ em cần rất nhiều niềm tin. Trong Piper, chim mẹ đã rất tin tưởng đứa con của mình. Những con chim trưởng thành khác cũng vậy, chúng không phê phán về cách dạy con của chim mẹ. “Nếu bạn không tin tưởng một ai đó, bạn đặt ra những cấm đoán lên bản thân người đó. Điều tệ hơn việc cấm đoán ở người lớn đánh giá thấp khả năng của một đứa trẻ. Chúng tôi thích những thử thách, nhưng khi những kỳ vọng trở nên ít ỏi, hãy tin tôi, chúng tôi sẽ dần bỏ cuộc.”
Điều mà Adora Svitak gửi gắm đến thế hệ người lớn, và cũng là điều tôi luôn tâm đắc: rằng những đứa trẻ một ngày nào đó cũng lớn lên, đừng ép con trẻ trở thành khuôn mẫu người lớn có sẵn, mà hãy thử thách, trao cho đứa trẻ những cơ hội để trở thành thế hệ lãnh đạo mới, vượt trội hơn thế hệ trước.
Người lớn ơi, bạn đã sẵn sàng học bơi từ những đứa trẻ sơ sinh và biến mình thành nhà vô địch trong mắt đứa trẻ chưa?
Vĩnh Anh
Ủng hộ cho tác giả bằng nút nhấn LIKE và SHARE tại ĐÂY
Xem phim ngắn Piper tại đây
Bài viết có tham khảo tư liệu
[1] “Imitating to Survive - How children use rituals to learn values”, ngày 20 tháng 8 năm 2014, Matthew J. Rossano Ph.D
[2]TED Talk: “Every kid needs a champion”, ngày 3 tháng 5 năm 2013, Rita J. Pierson
[3] TED Talk: “What can adults learn from kids”, ngày 2 tháng 4 năm 2010, Adora Svitak
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất