Một cuốn sách của riêng mình, một trang blog đều đặn các bài viết mới mỗi tuần, điểm IELTS cao như ý muốn, cơ thể sáu múi hoặc gần như mong muốn – tất cả những điều tưởng chừng đơn giản này đòi hỏi bạn cần phải đầu tư thời gian, chất xám và rất nhiều sự kiên trì. Những điều này sẽ chẳng bao giờ đạt được nếu ta vẫn đang mải mê dành thời gian buổi sáng để trả lời email của người X, inbox Facebook của bạn Y, direct message trên Instagram của bạn Z.
Chẳng ai thích cảm giác có người khác đang chờ đợi mình đúng không? Đấy là lý do khiến buổi sáng khi bắt đầu làm việc, nếu ta thấy một đống tin nhắn Facebook, một đống email cần trả lời – ta thường có xu hướng ‘dọn dẹp’ những đống này trước tiền. Ta tự an ủi bản thân mình là, dọn dẹp xong đống tin nhắn các thứ này thì ta sẽ tập trung hơn cho công việc cần làm.
Vấn đề của cách tiếp cận trên chính là, ta đang dành ra thời gian hiệu quả nhất trong ngày của bản thân cho sự ưu tiên của người khác. Nếu bạn dành cả buổi sáng để trả lời tin nhắn, khả năng là đều trưa hoặc đầu giờ chiều bạn mới xong để bắt đầu tập trung vào việc cần làm, và lúc này thì buồn ngủ mất rồi còn đâu.
“Thôi để mai làm vậy,” – lúc này ta sẽ tự an ủi mình như thế.
Nhưng ngày mai lại xuất hiện một đống inbox và email khác và một đống những việc nho nhỏ cần phải làm khác. Nếu cuộc sống bạn đang trải qua đúng như thế nào, bạn sẽ chỉ mãi mãi dành thời gian của mình cho những việc phát sinh, những việc theo yêu cầu của người khác mà thôi. Bạn sẽ chẳng bao giờ có thời gian để làm cho riêng mình nữa.

Việc Mình Trước, Việc Người Sau

Một thói quen đơn giản mà bạn có thể tập ngay sau khi đọc bài viết này đó là thay đổi thói quen làm việc của bản thân, tập trung vào việc mình trước, việc người để sau. Có nghĩa là: bạn nên ‘khóa’ hẳn một khoảng thời gian to đùng mỗi ngày dành cho việc gì mà bạn cần tập trung và cần dành thời gian nhất, và lúc đó thì nên tránh xa điện thoại, Facebook cũng như email (có thể là cả YouTube và Instagram nữa).
Mình từng là một người nước đến chân mới nhảy. Việc thay đổi thói quen như thế này giúp mình trở thành một người viết hiệu quả hơn. Ví dụ, mình dành ra 2-3 tiếng vào sáng sớm cho việc viết sách và viết blog. Nếu được, mình hạn chế họp vào buổi sáng – vì buổi sáng là thời gian hiệu quả nhất của bản thân. Vậy nên dù có vấn đề gì xảy ra, mình đều đã ưu tiên để hoàn thành việc viết của mình rồi. Nhờ thói quen này mà năm qua mình viết được 2 cuốn sách, một cuốn đã xuất bản, một cuốn chuẩn bị – bên cạnh kha khá các bài hợp tác với các báo nữa.
Đương nhiên là có rất nhiều lúc khi mình đang tập trung và sẽ có người làm phiền hoặc có tin nhắn Facebook hoặc email đang chờ mình phản hồi lại. Nhưng mình nghĩ đơn giản là, trả lời muộn một hay hai tiếng cũng không có chết ai đâu.
Khi mình làm việc theo cách này, mình đang loại bỏ và giảm nhẹ đi những kì vọng và áp lực mà người khác vô tình đưa vào vai mình. Nghe thì dễ vậy thôi, bạn sẽ cần cố gắng nhiều lắm để ‘tránh xa thế giới’ đấy, dù chỉ là một tiếng thôi. Ban đầu có thể bạn sẽ cảm thấy không thoải mái, hoặc người khác sẽ thấy buồn vì bạn không phải hồi lại họ. Nhưng mình nghĩ là thà bạn làm một vài người buồn vì vài điều nhỏ, còn hơn là bỏ qua giấc mơ mình đang theo đuổi chỉ để dọn hết đống inbox, đúng không?

Cần Làm Gì?

Tập trung làm việc và lúc năng lượng của mình lên cao nhất. Có một vài khoảng thời gian trong ngày mà bản thân mình sẽ làm việc tốt nhất, ví dụ với mình (và mình đoán là với đa số), đó là khoảng thời gian buổi sáng và cuối giờ chiều. Nếu bạn biết rõ về những khoảng thời gian này, bạn nên để dành việc bạn cần tập trung nhất vào đây, hạn chế tụ tập hẹn hò vào khoảng thời gian này thôi. Nếu bạn chưa biết, hãy dành ra 1 tuần hoặc 1 tháng ghi chép lại thời gian để hiểu rõ hơn.
Dùng ‘mỏ neo’ sáng tạo. Khi làm việc vào những khung giờ hiệu quả như trên, bạn hãy cố gắng tạo ra cho bản thân một môi trường lặp đi lặp lại mỗi ngày. Ví dụ nghe cùng một kiểu nhạc, nhạc Banroque chẳng hạn, ngồi ở cùng một nơi, ngửi cùng một mùi – dần dần não ta sẽ quen và cứ gặp không gian đó là sáng tạo.
Ví dụ thói quen viết vào buổi sáng của mình. Đầu tiên mình sẽ chuẩn bị một tách trà nóng. Mình sẽ ngồi viết từ khoảng 5:00 đến 6:00. Mình lên YouTube tìm ‘music for work’ để nghe, mình ngồi ở đúng một chỗ mỗi ngày, đặt máy tính ở đúng chỗ đó mỗi ngày. Việc làm lặp đi lặp lại này tạo cho mình một thói quen, cứ đến đúng giờ đó, chỗ đó là ý tưởng tự nhiên tuôn trào. 
Lên danh sách in ít thôi. Thường ta có xu hướng lập ra một to-do-list dài ơi là dài. Bí kíp ở đây là, bạn hãy tập cách viết tối đa 3 việc phải làm ngày hôm nay thôi. Nếu bạn cứ cố gắng thêm vào danh sách những việc cần làm nhiều, bạn sẽ chẳng bao giờ làm xong được cả – và bạn sẽ chẳng bao giờ có động lực vì mình đã hoàn thành công việc. Đa số mọi việc đều có thể chờ mai làm mà.
Ghi lại thời gian. Bạn nên tập thói quen cho bản thân ghi lại các lịch hẹn, các việc mình đã làm và cần làm – có thể dùng giấy hoặc Google Calendar. Việc ghi lại này giống như ta rót từ não ra giấy, có một cái giúp ta ghi nhớ thì não ta sẽ có thời gian và không gian để nghiên cứu các việc khác kĩ càng hơn.
Có khung thời gian làm việc cụ thể. Kể cả bạn đang là một người làm việc tự do hay một bạn sinh viên vẫn đang tìm việc, hãy tự lên một khung thời gian làm việc cho bản thân mình. Bạn nên phân chia thời gian trong ngày ra cho những loại công việc khác nhau, ví dụ: việc cần sự sáng tạo tập trung, họp, việc giấy tờ hành chính, việc khác. Điều này giúp bạn phân bổ thời gian tốt hơn và đặc biệt phù hợp để giúp bạn tránh trở thành một người ‘nghiện việc’.
 
Nếu bạn chưa bao giờ có một khung thời gian riêng trong ngày dành riêng cho bản thân, đây là lúc bạn nên bắt đầu thử. Và hãy nhớ ghi chép lại trong khoảng 1-2 tuần, xem hiệu quả thế nào nhé.
Tư vấn cá nhân - Anh Tuan Le
Anh Tuan Le (Tuấn Anh) là chuyên viên công tác tư vấn hướng nghiệp và phát triển bản thân. Mục tiêu của Tuấn Anh là giúp cho mỗi cá nhân hạnh phúc trong công việc đã chọn và luôn phát triển bản thân tốt nhất mỗi ngày. Nếu bạn đọc đã vào đến phần này, chắc cũng đã tin tưởng Tuấn Anh phần nào. Dưới đây là một số thông tin thêm về Tuấn Anh để bạn đọc tham khảo thêm: CÔNG VIỆC CHÍNH: - Tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên. - Hỗ trợ các kĩ năng tìm việc như Cách viết CV, Chuẩn bị phỏng vấn và Cách tìm việc hiệu quả. - Đào tạo tư vấn các kĩ năng Quản lý thời gian và đặt mục tiêu. - Kinh nghiệm làm việc: Career Coordinator tại trung tâm UNESCO Tư vấn và Truyền thông Quốc Tế, Project Assistant tại phòng hướng nghiệp - Đại học RMIT, Manager khu vực Hà Nội cho dự án phim tài liệu Lửa thiện nhân, Marketing Executive tại trung tâm Anh Ngữ E-Connect, Tư vấn truyền thông tại Bảo tàng Dân Tộc Học Việt Nam. ACHIEVEMENTS: - Trực tiếp hướng dẫn gần 300 khách hàng tìm việc thành công tại các công ty lớn như ĐSQ Mỹ, RMIT, Unilever, Big 4 và nhiều công ty khác. Tham khảo feedback từ khách hàng: https://goo.gl/Z84Lpi - Trực tiếp đào tạo cho hơn 100 bạn học viên về kĩ năng tìm việc và kĩ năng phát triển bản thân. Tham khảo feedback từ các bạn học viên: https://www.facebook.com/cpd.anhtuanle/ - Tham gia với tư cách Speaker và Trainer tại nhiều sự kiện ở các trường đại học như ĐH Ngoại Thương, Kinh Tế Quốc Dân, Mở, Bách Khoa, Nhân Văn và nhiều trường khác. Tham khảo các sự kiện tại đây: https://goo.gl/KQc3zB Tham khảo các bài viết về hướng nghiệp và phát triển bản thân của Tuấn Anh: https://anhtuanle.com/articles/ Liên hệ trực tiếp với Tuấn Anh: https://anhtuanle.com/contact/bit.ly
Đọc các bài khác: https://anhtuanle.com/articles/