Phúc họa chỉ trong một ý niệm
"Bài viết chỉ mang ý kiến cá nhân, người đọc nên giữ sự khách quan khi đọc, tự xem xét mình có thể sự phù hợp với quan điểm của bài...
"Bài viết chỉ mang ý kiến cá nhân, người đọc nên giữ sự khách quan khi đọc, tự xem xét mình có thể sự phù hợp với quan điểm của bài viết hay không, hãy tỉnh thức để dừng bị hiểu nhầm khái niệm"
Tự do hay trói buộc
Sau khi trải qua một vài chuyện, đọc được một vài quyển sách. Mình mới thấy lời nói, ngôn từ là những thứ rất dễ bị hiểu lầm. Chỉ một giây phút lơ đễnh mình đã hiểu sai ý nghĩa của câu chuyện. Và gây nên những sai lầm không đáng có.
Ví dụ mình hay khuyên mọi người, tiền bạc là vật ngoài thân, có chết cũng không thể mang theo nên thay vì tranh đấu vì một thứ vô thường như vậy. Hãy thử tận hưởng cuộc sống yên bình, khi nhìn ra rộng hơn sẽ thấy có rất nhiều thứ có ý nghĩa.
Nhưng rất nhiều người hiểu lầm, kể cả mình. Hiểu lầm buông bỏ là không cần kiếm tiền, vì tiền là vật ngoài thân nên khi làm những việc để kiếm tiền thì rất là lơ đễnh, không tập trung, không có tinh thần trách nhiệm. Nhưng buông bỏ ở đây chính là buông bỏ cái ý niệm ham muốn tiền tài, vật chất; chứ không phải là không cần kiếm tiền. Sống ở thế gian hữu tình, mọi thứ luôn vận động biến hóa không ngừng. Một chúng sinh như chúng ta cũng phải lao động mới cảm thấy có một chút giá trị và ý nghĩa. Bác Hồ từng nói: “lao động là vinh quang”, nên ý của mình không phải bảo mọi người đừng đi kiếm tiền, hay đừng cố gắng. Mà trong quá trình kiếm tiền hãy bỏ đi những tham vọng hão huyền, bỏ đi ý niệm tham lam. Như vậy, bạn sẽ không bị đồng tiền trói buộc, không cảm thấy khổ khi không có, cũng không chìm đắm trong lạc khi có được.
Photo by Ilo Frey on Pexels.com
Người xưa hay nói “thuận theo tự nhiên”, sống thuận theo tự nhiên là một lối sống linh hoạt, vì tự nhiên là một thứ không thể kiểm soát cũng không thể dự đoán. Cuộc đời của chúng ta mỗi giai đoạn, mỗi khúc cua đều có sự khác biệt, không chỉ khom khom ôm một cái quan điểm mà dành cho mọi việc, lúc nào cần nhu thì phải nhu, lúc nào cần cương thì phải cương. Không phải tĩnh là tốt mà động là xấu mà phải biết trung hòa mọi ý niệm với vạn vật thế gian.
Tâm xả là tâm cái tâm cần có trong mỗi hành động, xả ly khỏi mọi kết quả được mất, mọi ý niệm tham chấp. Nhưng không phải vì không mong cầu kết quả mà không cố gắng làm, sinh lười biếng. Khi bạn muốn làm một việc gì đó, tất nhiên phải có sự mong cầu vì mong muốn kết quả nên mới làm. Vì cái kết quả đó, chúng ta mới hành động để biến nó thành sự thật. Nhưng mong cầu có rất nhiều loại, bạn có thể mong cầu với tâm ý thiện lành. Sau khi khởi tâm (thiện lành) để đạt kết quả, thì lúc bắt đầu hành động hãy xả ly với kết quả đó đi, rồi cứ kiên trì, chú tâm với hành động mình có. Lúc có tâm tham muốn, chán nản thì nên biết động viên bản thân để vượt qua. Xả ly giúp bạn không tham chấp vào kết quả, nên lúc bạn hành động cũng sẽ nhẹ nhàng, sáng suốt hơn, không làm hại những người xung quanh, những vật cản đường bạn. Quả sinh sẽ trọn vẹn hơn rất nhiều.
“Nhất niệm thành phật, nhất niệm thành ma”, .
xấu tốt cũng chỉ là một ý niệm
Hạnh khiêm nhường
Con người hiện đại có một căn bệnh mang tên “phông bạc”, thật ra phông bạc cũng là xuất phát từ nhu cầu muốn được khen, muốn được công nhận. Nếu nhìn kỹ một hành động từ nhiều góc độ thì việc muốn công nhận luôn có một phần nhỏ trong hàng vạn nguyên nhân để tạo nên hành động. Bạn muốn mua một cái điện thoại để dùng, nếu chỉ để dùng thì điện thoại nào cũng được đúng không, nhưng trong chúng ta có một phần nào đó muốn thể hiện bản thân nên mới chọn những thương hiệu lớn, những sản phẩm mới ra mắt với giá tiền rất đắt so với ví tiền của chúng ta. Rồi lại đi trả góp từ năm này đến tháng nọ. Việc mua điện thoại sẽ có rất nhiều nhân, không chỉ một nhu cầu thể hiện bản thân mà bạn chọn mua điện thoại đắt tiền, nhưng ở đây mình muốn nói, việc muốn được công nhận có chiếm một vị trí nhỏ trong mọi quyết định của con người.
Nhưng mình hy vọng, mọi người sẽ xem xét lại thói phông bạt, thích khoe khoang của mình. “Họa từ miệng mà ra”, những điều chúng ta khoe hôm nay, sau khi được khen vài ba câu, không biết có phải là con dao hai lưỡi đâm ngược về phía mình không. Trên mạng đã có rất nhiều ví dụ cô gái này, chàng trai kia quyên góp với số tiền khủng, nhưng sau đó chỉ là giả dối, từ được khen, sau đó là bị chê, bị anti, bị tẩy chay. Hãy nhớ “cây kim trong bọc có ngày cũng bị lòi ra”, chả cái gì là mãi mãi.
Photo by Todd Trapani on Pexels.com
Mình cũng là một người rất thích được công nhận, những việc mình làm từ học sinh giỏi, đến những ước muốn xinh đẹp, giàu có hiện lên tâm trí, là vì muốn mọi người công nhận và yêu thương, ngoài ra còn muốn được khen và có chút “ý chí quyền lực” - có nghĩa là muốn được hơn người. Điều này không tốt và mình biết, nhưng vì tập tính sâu dày, được huân tập từ nhiều đời, không phải nói bỏ là bỏ. Những lúc mình lơ đãng, sinh khoe khoang thì lòng mình lại khó chịu. Nhưng vì đã là thói quen, nên lúc không tập trung mình rất hay mắc lỗi.
Nhà mình có homestay nhỏ, chỉ đơn giản là nhà mình ở, trên gác còn dư 2-3 phòng, sống ở khu du lịch nên tận dụng để kiếm thêm chút điện nước. Mình học du lịch, nên định quảng bá rồi về quê làm, nhưng khi giới thiệu về homestay mọi người thường đùa rằng mình giàu có, từ một ý niệm bình thường nhưng sau đó mình sinh thêm một ý niệm là khoe khoang. Nhưng nhà mình đâu có giàu, không phải homestay đẹp hay luxury mà chỉ là một ngôi nhà bình dân như bao nhà. Việc mình giới thiệu như vậy không có sai, nhưng sai ở chỗ mình vịnh vào những lời khen rồi sinh ra tâm khoe khoang, tưởng nhà mình giàu có. Nghĩ mình hơn người.
Thói quen khoe khoang của người đời, thường không chỉ mang lại nghiệp xấu mà còn hao tổn phước đức. Bạn đi từ thiện để tích đức nhưng lại có ý niệm khoe khoang để mọi người công nhận mình, thì quả cũng đã trả cho bạn hết rồi - đó là lời khen của mọi người, nên chả còn chút đức nào để lại.
Không chỉ phật giáo chủ trương làm bố thí phải kín đáo, có tâm xả, làm như không làm, không một vọng niệm mới sinh quả lành trọn vẹn.
Mà Kinh Thánh cũng có nói:
“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thưởng biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xa, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
“Ý dẫn đầu các pháp”
Có đức mặc sức mà ăn
Trong nho gia có câu “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” để làm việc lớn ắt phải làm từ việc nhỏ mà cái đầu tiên mà Khổng Tử tiên sinh có nhắc đến là tu thân. Việc tu thân có rất nhiều thứ để nói, ở đây mình chỉ muốn nói đến việc tu thân tích đức.
Ở trang này, mình từng để cập đến ngân hàng phước đức. Mình nghỉ phước đức cũng giống những thứ vật chất thế gian, phải tích góp, phải làm mới có, còn chỉ tiêu mà không kiếm thì cũng nhanh chóng tan biến cùng mây gió mà thôi. Bạn tiết kiệm tiền như thế nào thì tích góp phước đức cũng như thế thôi. Nhưng có một điều bạn nên nhớ, ngân hàng không thể kiểm soát được bạn và dòng tiền của bạn. Nhưng ông trời thì có thể biết hết tất thảy những gì bạn làm trong một ngày, một tháng, một đời,...một ý niệm khởi sinh cũng đã được ghi chép là ác hay thiện rồi. Nên hằng ngày cứ vọng niệm tham đắm, tuy không hành động nhưng cũng là nghiệp ác rồi. Tất nhiên là mức độ nặng nhẹ khác nhau nhưng hãy nhớ “người đang làm, trời đang nhìn”.
Những hành động tích phước thì rất nhiều, nhưng hãy làm với tâm từ bi thì phước đức sẽ trọn vẹn hơn. Nếu có tiền thì góp tiền, không có tiền thì góp sức. Khi từ thiện không biết là bạn cho được cái gì, cho được bao nhiêu nhưng ý niệm trong tâm luôn thiện lành thì quả ngọt ắt được gặt.
Nên mọi người, kiếp người không dài đừng để nó trôi qua nhưng không có sự cải biến số mệnh. Tích đức, làm thiện, tu tâm, dưỡng tánh để trả hết nhân quả nghiệp duyên.
Hàng triệu hạt mưa không có hạt nào là rơi nhầm chỗ, người giàu có may mắn ắt xứng đáng được may mắn, người nghèo khó, khổ đau cũng ắt có nguyên nhân mà phải chịu khổ đau. Suy cho cùng đời người cũng không qua hai chữ nhân quả, nên đừng than thân trách phận mà muốn cải biến số phận thì hãy tích nhiều âm đức, cho đời đời kiếp kiếp. Nếu có căn duyên tu hành thì hãy huân tập bản thân để thoát khỏi nhân quả luân hồi.
Hạnh phúc hay đau khổ, giàu hay nghèo, may mắn hay hay xui xẻo cũng chỉ ở một cái ý. Đừng có nghĩ người giàu là phước, trói buộc bởi vật chất cũng là một dạng khổ đau. Nên hãy nhìn rộng ra, nghĩ thoáng ra để thấy được trùng trùng duyên khởi.
Photo by Pixabay on Pexels.com
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất