Cây sự sống và cây sự chết.
Cây sự sống và cây sự chết.

Những phần tâm thần bị phân li (các phức cảm) xung đột với nhau trong việc tìm kiếm sự bảo trợ của bản ngã.

Khi một bản ngã từ bỏ sự đồng nhất với một phức cảm, nó chuyển sang một phức cảm khác, phức cảm khác này thường là một đối nghịch của phức cảm trước.
Ví dụ Một phức cảm “giống Chúa cứu thế” với những đặc điểm tâm linh, cao thượng, vị tha được gắn chặt với một phức cảm giống Ma quỷ với một thái độ duy vật chủ nghĩa và cá nhân. Cả hai là đối trọng trong việc giành quyền kiểm soát bản ngã. Một phức cảm nếu hoạt động như cái mặt nạ đối với xã hội bên ngoài thì phức cảm đối nghịch kia có thể sẽ chi phối nhân cách ý thức trong hoàn cảnh thầm kín và ngấm ngầm.

Enantiodromia.

Jung gọi quá trình chuyển đổi qua mặt đối lập là Enantiodromia.

The Tree of Life (1922) by CG Jung. Photograph: Courtesy the Carl Jung Foundation/WW Norton & Co
The Tree of Life (1922) by CG Jung. Photograph: Courtesy the Carl Jung Foundation/WW Norton & Co
Enantiodromia đề cập đến quá trình người ta tìm kiếm và nắm lấy một phẩm chất đối lập từ bên trong, nội tâm hóa nó theo cách dẫn đến sự hoàn thiện nhân cách. Quá trình này là mấu chốt trong khái niệm Cá Thể Hoá (Individuation) của Jung, Người ta phải kết hợp một nguyên mẫu đối lập vào tâm lý của họ để có được trạng thái 'thành toàn' nội tâm. Ý tưởng về Enantiodromia đã được khám phá từ thời Heraclitus và chia sẻ bởi Plato (trong Phaedo), Đạo Giáo (học thuyết âm dương), Nietzsche (Beyond Good and Evil)...
Việc đồng hóa với một phức cảm, đặc biệt là ẩn nam/ẩn nữ (anima/animus) và bóng âm (shadow), là nguyên nhân thường thấy của chứng nhiễu tâm. Mục tiêu của phân tích tâm lý trong trường hợp này không phải là trừ bỏ phức cảm đó đi - giả sử có thể làm được đi chăng nữa - mà là giảm thiểu đến mức thấp nhất những hệ quả tiêu cực của nó thông qua việc nhận ra nó có vai trò và tác động trong cảm nhận và hành động của ta với thế giới.
Ở đây khi con người ta gặp một nghịch cảnh và thống khổ nặng nề trước cuộc sống, đứng trước sự dồn nén năng lượng tâm thần cho một phức cảm thuộc một cặp đối nghịch, bản ngã sẽ lựa chọn “xây dựng” một bên thì tích cực hơn, một bên thì tiêu cực hơn.

Chính nghịch cảnh đã cho ta cơ hội hình thành một phức cảm tích cực, có nghĩa là “càng nhiều bóng tối càng nhiều ánh sáng”, còn nếu ta chọn hình thành phức cảm tiêu cực hơn thì chỉ có “càng nhiều bóng tối” mà thôi.

Một điều nữa, đây là cơ chế học hỏi và tiến hoá của tâm thức, vậy nên câu chuyện ở đây là ta công nhận sinh mạng sinh ra với các bản năng đó, và chính những khổ đau và bóng tối làm chiều kích cho ánh sáng được ý thức và tồn tại.
Trong Jung Lexicon, David Sharp có viết:
“Người ta chỉ có thể thực sự thoát ra khỏi một mặc cảm khi người ta cho phép nó được giải tỏa ra một cách trọn vẹn nhất. Nói cách khác, nếu ta muốn trưởng thành hơn, ta phải quay trở về với chính mình và nốc cạn chính thứ cặn bã mà, bởi mặc cảm chi phối, ta đã tránh xa”.

Với tôi không phải là nốc cạn mà là ý thức về những góc tối trong mình để nó được chiếu sáng.

Mong rằng không có ai hiểu nhầm ở đây. Rằng khi cơ chế phòng vệ của tâm lý được dựng lên bằng những sự ái kỷ, thù ghét, giận dữ… thì “nốc cạn” và “giải toả” lại được hiểu là “cứ thể hiện như vậy đi”. Bản năng cần được giải toả một cách lành mạnh, vết thương – nhân cách tổn thương cần được thấu cảm và chữa lành; nếu cứ để nó duy trì năng lượng tiêu cực đó, chẳng khác gì ta không biết về nó.
Từ “nốc cạn” ở đây cần được hiểu là “chữa lành” tới khi nó nguôi ngoai, không còn nữa.

Không cái cây nào có thể vươn tới thiên đường mà rễ của nó không cắm xuống địa ngục.

C. G. Jung - Chapter V. Christ - a Symbol of the Self, Aion: Researches into the Phenomenology of the Self.
C. G. Jung - Chapter V. Christ - a Symbol of the Self, Aion: Researches into the Phenomenology of the Self.
Là khi linh hồn đó đã trải nghiệm “địa ngục”, đại diện cho những khổ đau, máu và nước mắt trong cuộc đời. Chiếc rễ cắm xuống và càng sâu, càng tạo nên chiều kích để cấu thành nên phần ngọn là ý thức – vươn tới thiên đường, vươn tới hi vọng và những điều tốt đẹp.
Ở góc độ rộng hơn, đồng thời với quá trình giằng xé và phát triển tâm thức, cách mà cuộc sống xảy đến với mỗi chúng ta diễn ra theo nguyên lý Đồng thời tương ứng (Synchronicity) – rằng mọi việc xảy ra đều có mục đích và định trước ở mức độ nào đó. Khi ta đáp lại đầy đủ và đúng đắn, ta có được sự toàn vẹn hơn, đồng thời có được sự tĩnh tại nội tâm – mục đích rốt ráo của cuộc đời hiện sinh này.
Bởi vì bản chất thượng đế là tốt đẹp và đang tiếp tục tiến hoá, mở rộng. Nên phải có sự khai phá bóng tối, để những cành cây mới mọc ra và hướng về thiên đường. Bởi vậy mỗi khi ngoảnh mặt nhìn nhân gian, dẫu đẹp đẽ thể nào ta cũng sẽ thấy có màu của khổ đau.
“Bây giờ anh biết vì sao Gặp nhau biển xô sóng trào Ngồi nghe chiều yên gió lặng Giữa muôn vàn hoa Đi về đâu cũng là thế Buồn kia còn trong dáng ngồi Thiên đường xưa khép lại Từ muôn năm rồi …” - Chưa bao giờ, nhạc sĩ Việt Anh.
Chưa bao giờ, Hà Anh Tuấn.
Chi Hoàng.
----------------------------------- Tham khảo: Sơ đồ tâm hồn con người C. G. Jung – Murray Stein David Sharp, Jung's Lexicon, Complex Aion: Researches into the Phenomenology of the Self Enantiodromia – wikipedia.