Phụ nữ cần đảm đang hay cần hợp khẩu vị?
Từ lâu, mình đã có quan điểm rất cởi mở về chuyện vào bếp nấu nướng.
Mình không quá thích dọn hay rửa bát, nhưng mình không thích bày biện và nấu ăn thường ngày hơn, thật sự đấy.
Bữa ăn cũng giống như tình yêu vậy, bố mẹ hay dạy con gái phải biết chăm sóc vỗ về người mình yêu thương bắt đầu từ cái dạ dày.
Vài năm qua, những năm mình muốn thể hiện tốt nhất năng lượng chăm sóc của mình với mọi người, kiểu nghĩ "some nice guys might be impressed", thực ra là chỉ muốn thể hiện với một người có vẻ thích con gái đảm đang thôi.
Mình đã không ngừng quan sát và đúc rút mỗi khi dùng bữa làm khách ở nhà bạn bè, người thân hay cả những người xã giao xa lạ. Mình nhận ra mỗi nhà một nghi thức ăn uống rất-riêng-biệt.
Phụ nữ có lẽ không phải thật đảm đang, phải biết nấu ăn hay làm được tất thảy, không phải lợi thế nằm ở bạn làm được món ngon này, món ngon khác.
Cái "ngon" của bữa ăn thực sự phải là sự thấu hiểu kiểu nhập gia tùy tục, tinh thần hoà nhập và cổ vũ, khả năng thích nghi của người phụ nữ với văn hoá vào bếp, nguyên tắc ăn uống, thói quen và khẩu vị chua cay mặn ngọt của gia đình đó.
"Nhà chị phải luôn có đầy đủ hành tỏi gia vị cơ"
"Gia đình tao không ăn cay bao giờ"
"Món nấu cà chua phải gọt vỏ cà chua"
"Anh chỉ uống canh và chị chỉ ăn nửa bát cơm vào buổi tối, nhà này giảm cân hết"
"U là trời ơii, cá bác thích kho mặn, con nêm nhạt rồi"
"Đừng, nhà nó không úp bát đĩa ở đó đâu"
...
Thực ra, mình từng nấu rất nhiều rất nhiều, nấu ngon nhưng không có nghĩa là lúc nào cũng hợp khẩu vị. Đó là vì chưa hiểu nghi thức và văn hoá ăn uống của mọi người hoặc mình chưa có khả năng hoà nhập.
Có một bạn nam trạc tuổi mình có người yêu cũng trạc tuổi từng nói mình, với ngôi xưng là người mà mình có nhiệm vụ nấu cho bạn đó ăn.
"Nấu nướng thường ngày đơn giản mà, rau luộc, thịt rang, trứng tráng... không cho cậu trải nghiệm gì mới mẻ cả. Tớ thích ăn hàng hơn, khi nào hết tiền về ăn nhà."
Thế mình bảo: "Vậy cậu không thích đồ ăn người yêu nấu cho à? Người yêu không biết nấu cũng được à"
"Không quan trọng đâu, dắt nhau đi ăn quán, về nhà ăn mì tôm. Nhưng lấy về chắc khác. Kệ, mà lo gì phải dò hỏi thế, cậu nấu ngon mà"
Mình chỉ cười cười nghĩ đúng là trạc tuổi nên bạn hết sức nông cạn. Nhưng hoá ra không phải, sau này mình mới biết, với góc nhìn của một người đàn ông thật sự, bạn chỉ đang nói thật. Lắm lúc mình không muốn người ta mặc định mình nấu món này "ngon" nên sau này phải nấu "càng ngon". Mình không nấu đi nấu lại.
Mình cho rằng, nếu muốn trải nghiệm ẩm thức hay thức ngon tuyệt vời hẳn là nên tìm tới đầu bếp của các nhà hàng hạng sao, đó là sứ mệnh phục vụ của họ. Món ăn "ngon" vì được đặt trong đó tình yêu nghề và niềm đam mê cùng với trải nghiệm không khí xung quanh bạn chỉ tận hưởng một, hai hoặc đôi ba lần.
Bữa ăn thường ngày được nấu bởi người phụ nữ không nên có đánh giá là "ngon" hay "dở" hay "thêm chút nữa" để họ không phải chờ được khen, bị chê hay sửa. Bởi rất khó để bạn enjoy cơm nhà trừ phi ngoài kia mưa to gió lớn quá, cơm nhà không đem lại những trải nghiệm nào mới ngoài tâm trạng bạn ngày hôm nay khác hôm qua.
Nắng gắt phải ăn món này, mưa rầm phải ăn món khác. Bố mẹ sống với nhau nửa đời vẫn ông ăn mắm, tôi ăn muối. Nhưng mình nghĩ, người ta yêu thương nhau không phải vì nấu ăn ngon hay dở, bạn đời đảm đang hay hậu đậu, mà bởi gần gũi lâu nên ngày càng tìm thấy khẩu vị chung.
Có khẩu vị chung là đúng rồi. Ngoài để nếm, mớm và nhào trộn thức ăn ra thì miệng lưỡi còn dùng được vào việc gì cơ chứ?
Phụ nữ độc thân yêu bếp vào bếp vì vui là chính, phụ nữ độc thân không yêu bếp vào bếp vì đói là chính. Phụ nữ có gia đình vào bếp vì người mình yêu là chính.