Phổ biến chữ quốc ngữ được viết bằng ký tự latin hay là sự may mắn của một dân tộc
Tại sao chữ viết lại quan trọng đối với một dân tộc?...
Tại sao chữ viết lại quan trọng đối với một dân tộc?
Một dân tộc thì có nhu cầu được độc lập (tại sao lại muốn vậy thì xin phép để khi khác bàn). Một dân tộc độc lập về chính trị là những gì dễ thấy, dễ nhận diện: Qua đường biên giới, qua hệ thống pháp luật khác nhau, qua việc tổ chức chính phủ, chính quyền khác nhau. Tuy nhiên, còn có nhiều hình thức độc lập khác, mềm hơn, khó thấy hơn, như là độc lập về văn hóa, tư tưởng.
Một quốc gia khi muốn đô hộ một quốc gia khác, thì luôn mong tìm kiếm sự đô hộ chỉ hoàn toàn. Nghĩa là đạt đến độ 2 nước như một, người dân mọi nơi như một, không còn sự phân biệt "chúng tôi và các ông", thì từ đó mới không sợ nước bị đô hộ đứng lên đòi độc lập, dẫn tới chiến tranh hậu quả khôn lường.
Và để đạt được sự hoàn toàn đó, thì sự đô hộ phải diễn ra trên tất cả các phương diện. Dễ thấy thì dễ đổi, khó thấy thì khó đổi. Dễ thấy như sự đô hộ về chính trị, thì có thể dùng bạo lực cưỡng bức, lật đổ chính quyền, áp đặt hệ thống pháp luật mới,... chỉ trong thời gian ngắn.
Khó thấy và lâu dài hơn, thì là đô hộ về tư tưởng và văn hóa. Làm sao cho người họ nghĩ giống người mình, nói như người mình, nói cùng 1 câu thì ai cũng hiểu, kể cùng một câu chuyện thì ai cũng cảm xúc giống nhau. Đẹp nhất là cùng chia sẻ một nền văn hóa, phong tục tập quán, giá trị sống, chuẩn mực, hay cả về lịch sử ông cha (tất nhiên phần nhiều dùng bài lập lờ đánh lận con đen). Đến lúc mà đạt được rồi, thì một quốc gia trước kia chỉ còn là một bóng mờ quá khứ trong ký ức những người dân cũ. Không có 1 chút sức gợi, hay sức mạnh kêu gọi phản kháng đấu tranh. Một quốc gia bị hòa tan, một phần văn hóa đa dạng bị nuốt trọn (lợi hay hại thế nào chưa bàn đến, nhưng với 1 người Á Đông luôn đề cao gốc gác như mình, thì nghĩ tới có chút lạnh lưng)
Tại sao nói rằng, phổ biến chữ quốc ngữ viết bằng ký hiện latin là một sự thành công?
Phía bắc ta luôn có 1 người anh cả Trung Quốc, cái đứa to xác lúc nào cũng nghĩ mình là trung tâm của thế giới. Lúc nào cũng tỏ ra thương xót đứa em đi lạc ở phương Nam mà nhăm nhe "đón về". Với lịch sử trải dài vài nghìn năm, thì Việt Nam đã có hẳn 1000 năm Bắc thuộc, chịu ảnh hưởng to lớn của Trung Quốc. Sau đó cũng là gần 1000 năm tranh đấu liên miên, liên tục bị đánh chiếm, đô hộ, rồi lại vùng lên, thoát ly, độc lập. Một vòng luẩn quẩn, một mối thâm thù. Thật chưa thấy có 2 nước nào trên thế giới có bề dày lịch sử về sự quan hệ với nhau đến như thế. Cũng chưa thấy có nước nào như Việt Nam, hết lần này qua đận khác, vẫn cứng cỏi là chính mình. Trong suốt thời gian tranh đấu giằng co đó, biết bao quốc gia cổ đã không thoát được phận bạc (kể đến như Vân Nam, Tân Cương, Tây Tạng,...). Kể cả Đại Việt hồi đó, cũng đã đồng hóa thành công một quốc gia phía nam của mình là Champa.
Trong vòng nhiều năm chơi đùa với người anh cả Trung Quốc, chúng ta đã có kha khá "truyền thống tốt đẹp của dân tộc" được người anh ấy nhồi nhét vào đầu. Anh ấy dùng âm lịch, ta cũng tính ngày theo âm lịch (tuy Trung Quốc không trực tiếp phát minh ra âm lịch, nhưng là quốc gia mang âm lịch tới Việt Nam). Người anh đón tết âm lịch, tết nguyên tiêu, tết thanh minh, tết đoan ngọ, tết trung thu, tết trùng dương, thì người em chẳng khác. Người anh dùng đạo giáo để trị nước, để định nghĩa các mối quan hệ căn bản trong xã hội, mình cũng làm y chang. Vậy nên các khoa thi thời phong kiến ở Việt Nam, dù thời kỳ nào cũng có bài xoay quanh việc thông hiểu những bộ sách như Tứ thư, Ngũ kinh,... và vận dụng. Người Trung Quốc viết chữ hán, thì Việt Nam cũng phải duy trì song song cả cách viết chữ Hán, chữ Nôm (là chữ tượng hình của nước ta, là một biến thể của chữ Hán). Ngày xưa do nhu cầu học chữ còn ít, nên ít người Việt đọc viết chữ Hán. Chứ cứ như thời hội nhập phát triển, nhu cầu nuốt tri thức tăng lên, thì nếu không có một bộ chữ quốc ngữ nào khác, thì thử hỏi người Việt Nam sẽ ào ào đi học thứ chữ gì? Hẳn phải là chữ Hán, giống một vài quốc gia cùng thời bấy giờ như Singapore, Malaysia.
Than ôi, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, nước chảy mãi đá cũng phải mòn. Đến lúc hơn 90% dân số biết chữ, mà lại cùng là loại chữ người anh cả đang dùng, thì nguy cơ đã nhãn tiền lắm. Tuy thái độ vẫn cứng cỏi, nhưng về văn hóa, thói nghĩ thói sống người Việt Nam đã có nhiều phần giống người Trung Hoa lắm. Quả là rủi ro, nếu một biến cố lịch sử xảy đến đủ lâu, khiến Việt Nam lại là một tỉnh của Trung Quốc, thì có thể đó là giọt nước tràn ly, người Việt không còn đủ sức để bứt ra khỏi ông anh to lớn nữa. Nhất là khi, với sự phát triển hiện nay của công nghệ, mạng xã hội, nó có thể là một cuộc tổng tấn công văn hóa ồ ạt mà những lợi thế về chia cách địa lý khi xưa của Việt Nam không còn ý nghĩa. Khi lũy tre làng không thể ngăn được Wechat, QQ, thì một dân tộc sẽ mãi mãi biến mất trên bản đồ
Chuyện người Việt Nam bây giờ sử dụng bộ chữ quốc ngữ đọc khác, viết khác hoàn toàn tiếng Trung Quốc là một sự tình cờ may mắn cho cả dân tộc Việt Nam, và cả chính phủ cầm quyền. Tình cờ là bởi trong quá trình đô hộ của mình, những quan tây đã xóa được hầu hết sự phổ biến của chữ Hán ngữ, đồng thời phổ biến một thứ chữ Quốc ngữ viết bằng ký tự Latin. Đuổi được người Pháp, thì người Việt nghiễm nhiên tiếp tục sử dụng chữ Quốc ngữ mà không có quay lại chữ Hán ngữ như ngày trước. Thực ra đoán điều này phải là nghiễm nhiên có chọn lọc, đánh giá trên sự am hiểu rõ ràng về tầm ảnh hưởng của người anh cả Trung Hoa, và sự thấu suốt tầm quan trọng của việc tách biệt văn hóa của chính phủ (thể hiện qua tư tưởng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong văn bản: Tiếng mẹ đẻ, nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức).
Tuy nhiên, phải nói rõ là chính phủ Việt Nam chấp nhận tiếp tục sử dụng chữ Quốc ngữ bằng tiếng Latin, nhưng vẫn cẩn thận không có công nhận tính chính thống của cách viết bằng ký tự Latin trong một văn bản chính thức nào. Trong hiến pháp năm 2013, cũng chỉ ghi chung là "Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt". Cẩn thận như vậy là bởi, dù sao thì, bộ chữ này không phải do người Việt sáng tạo ra. Vẫn cần để lại khoảng trống để điều chỉnh cần thiết nếu xảy ra sự bất đắc dĩ.
Vài thông tin thêm: Hình thành chữ Quốc ngữ
Chữ Quốc ngữ được hình thành bởi các tu sĩ Dòng Tên trong quá trình truyền đạo Công giáo tại Việt Nam đầu thế kỷ 17. Theo một vài nghiên cứu, thì một số người được công nhận là "tác giả" chữ quốc ngữ là các giáo sĩ Francesco de Pina, Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa (đều là người Bồ Đào Nha), Cristoforo Borri (người Ý), Alexandre de Rhodes (người Pháp)...
Chữ quốc ngữ được các tu sĩ tạo thành cũng không nằm ngoài mục đích đô hộ: Lấy cớ khai sáng cho một dân tộc man rợ, họ mang những đạo của mình, những sự tốt đẹp, văn minh tới cho Việt Nam. Nhưng mà sức người có hạn, nói nhiều thì rã cả họng ra, nên rất cần có kinh sách để truyền đạo. Các giáo sĩ cùng không chọn dịch sách bằng chữ Nôm, vì viết loằng ngoằng, không được phát triển bài bản, chữ Hán khó một thì chữ Nôm khó mười, và người phải thạo chữ Hán mới xài được chữ Nôm. Cũng chỉ số rất ít người Việt Nam biết đọc viết chữ này. Cũng khó dùng tiếng Hán, vì kinh viện giáo điều, và lại chỉ dùng cho chốn quan trường, không quen thuộc với thôn dã, khó lòng mang được những đạo lý trời tây len vào từng gốc chuối bụi rơm mà khai hóa được cho nam nữ thanh niên người Việt.
Chữ quốc ngữ như người Việt đang đọc viết bây giờ, có một bề dày lịch sử phát triển nên mà đang thoát khỏi phạm vi bài viết này, nên xin phép dẫn link một bài khá chi tiết tại báo tuổi trẻ cho bạn có nhu cầu: https://tuoitre.vn/chu-quoc-ngu-nhung-nguoi-dau-tien-khai-sang-20191206213804476.htm
Trong quá trình người Pháp nắm quyền ở Việt Nam, đã có một vài biện pháp nhắm phổ biến chữ Quốc ngữ. (Chà đại để là các quan pháp bắt buộc các trường phải học chữ Quốc ngữ, quan lại viết văn bản bằng chữ quốc ngữ,...)
Chữ quốc ngữ hiện tại cũng mang lại một vài lợi thế nho nhỏ cho người Việt. Bởi nó là chữ tượng thanh, lại sử dụng chung bộ chữ cái với những tiếng thông dụng trên toàn cầu (tính theo số quốc gia sử dụng) như tiếng Anh. Nên việc học có phần dễ dàng hơn, một phần đã quen mặt các chữ, rồi học phát âm cũng không quá khó, ít nhất là so với người Trung Quốc học tiếng anh.
P/S: Hôm nay trời Tp HCM bụi khiếp, cả ngày thành phố nhưng chìm trong sương mù bảng lảng. Đất chật người đông, tụm nhau lại rồi cùng nhau tạo ra, cùng nhau hưởng thụ một thành phố ô nhiễm. Người ta hay nói, Sài Gòn hoa lệ, hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo, mà tại sao người tứ xứ vẫn ùa về??

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất